22 septembre 2014

Tham vọng của Trung Quốc khiến Indonesia không thể ngồi im?

Nguồn: Theo Đất Việt

An Nhiên 

 

(Tin tức 24h) - Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đang khiến Indonesia, quốc gia vốn đứng ngoài tranh chấp ở Biển Đông không thể khoanh tay đứng nhìn.
Từ trước tới nay, Indonesia luôn đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, giờ đây, khi các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philippines gia tăng, Jakarta có lẽ sẽ buộc phải thay đổi chiến lược quân sự.

Trong lễ khai mạc một cuộc họp về các hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực an ninh hàng hải được tổ chức tại Batam, tỉnh Riau Islands, hồi đầu tháng 9 này, người đứng đầu Cơ quan Điều phối An ninh Biển Indonesia, Phó Đô đốc Desi Albert Mamahit cảnh báo rằng, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là một mối đe dọa thực sự và sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến đất nước này.
Lính hải quân Indonesia canh gác tại một bờ biển ở Nusa Dua, Bali

Ông Desi Albert Mamahit nói rằng vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia chưa trực tiếp liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Thế nhưng, dường như tranh chấp “đã tiến rất gần” đến khu vực này và Trung Quốc vẫn chưa làm rõ những tuyên bố liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. .
“Đây rõ ràng là mối đe dọa thực sự cho Indonesia. Vấn đề trở nên phức tạp một khi nảy sinh bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm được tiếng nói chung mặc dù cho đến nay tình đoàn kết ASEAN luôn luôn được duy trì” - ông Desi Albert Mamahit nhận định.

Theo ông, Indonesia cần phải chuẩn bị để đối phó với mọi động thái của bất kỳ bên liên quan nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
Liên quan đến sự việc này, trước đó Jakarta cũng đã cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên bản đồ đường 9 đoạn, đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Tháng 4/2014, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, ông rất muốn Trung Quốc giải thích về bản đồ đường 9 đoạn và sẽ nhờ Liên hợp quốc làm rõ việc này bởi vì nó bao gồm cả vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s hồi tháng 3/2014 thông tin, Indonesia sẽ triển khai bốn trực thăng tấn công Boeing Apache trên quần đảo Natuna trong khuôn khổ chính sách ngăn chặn từ trước do bất ổn định ở Biển Đông.
Vẫn theo tạp chí này, với việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông, "quân đội Indonesia đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên quần đảo Natuna, kể cả việc chuẩn bị các cơ sở để có thể đón tiếp máy bay tiêm kích trên quần đảo Natuna".
Những diễn biến trên có lẽ sẽ khiến tân Tổng thống Indonesia thay đổi ý định làm trung gian hòa giải để làm giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, Tổng thống mới đắc cử của Indonesia, ông Joko Widodo nói: “Tôi từ chối giải pháp quân sự. Cần phải luôn luôn tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và nếu điều này tỏ ra cần thiết, Indonesia sẵn sàng đóng vai trò trung gian”.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ việc hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, một văn bản đã được thảo luận từ hơn 10 năm qua.
Vào tháng 5/2014, khi đang còn là ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã tuyên bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng, sẽ chiếm đến 1,5% GDP - khoản ngân sách lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Singapore nhận định: “Trọng tâm của Indonesia khi chi tiêu quốc phòng là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Phía Indonesia đã bày tỏ lo ngại rằng Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc, và tự do hàng hải phải được duy trì”. Chính quan điểm này ảnh hưởng đến chi tiêu và mua sắm quốc phòng của Indonesia.