09 septembre 2014

Trần Đức Thảo sống và chết như thế nào? [1]


Nguồn: Theo  Đàn Chim Việt

Tác giả: Nguyễn Văn Lục 

Nguyễn Văn Lục : "Nhưng nhiều lúc tôi tự hỏi một người thông minh trác tuyệt như ông, phải đợi đến cuối đời mới nhận ra mình sai lầm? Ông có bằng một tên thợ nề vô học không? Tôi còn nhớ bản thân tôi khi di cư vào miền Nam, tôi mới chập chững bước vào trung học. Chẳng bị ai tuyên truyền, chẳng bị ai xúi giục, chẳng tôn giáo nào rỉ tai vô Nam.. Vậy mà như một sự thúc đẩy bên trong- không phải bằng sự thông minh- mà bằng một bản năng sinh tồn- thúc dục phải đi thôi. Đi bằng mọi giá.... Điều gì khác biệt giữa một trí thức cỡ Trần Đức Thảo và một thằng nhỏ 12-13 tuổi đầu như tôi. Ai là người sáng suốt, ai là người chọn đúng con đường phải đi? Vào những năm 1950 sống ở bên Tây, lẽ nào ông không biết đến những biến cố chính trị xảy ra giữa Đông Đức- Tây Đức?... Tác giả Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê cũng hỏi bác Thảo một câu tương tự. Câu trả lời của ông Thảo thật đơn giản: vì tôi có một lý tường muốn về để phục vụ đất nước. Đã bao nhiêu trí thức, nhân tài của đất nước hy sinh và chết cả cuộc đời vì hai chữ yêu nước ? Nói cho cùng, đó là cái dại của ông- chỗ đáng sống ông không chọn như Paris hay Saigon- lại chọn Hà Nội. Chọn Hà Nội là tự chọn vào cái chỗ chết." 

Câu trả lời thật đơn giản của Trần Đức Thảo vẫn không giải tỏa được thắc mắc của tác giả Nguyễn Văn Lục khi ông nghĩ rằng chđáng sống cho Trần Đức Thảo là Paris, Sàigòn chứ không phải Hà Nội. Khi Trần Đức Thảo nói "tôi có một lý tưởng muốn về để phục vụ đất nước" thì vào thời điểm 1950, chỗ ấy phải là Việt Bắc chứ không phải là những vùng do thực dân Pháp chiếm đóng. 
Có tinh thần yêu nước mới hiểu được điều này để thông cảm cho những trí thức đã chọn ở lại miền Bắc sau năm 54. 
Đảng cộng sản có cái hay là trong một thời gian dài đã tập hợp được những trí thức yêu nước chung quanh mình để chống Pháp. Dù chống cộng cùng cực cũng không nên phủ nhận sự thật và có như thế mới mong liên kết được mọi người để cùng nhau xây dựng một đất nước tự do dân chủ, đa nguyên, xóa bỏ chế độ độc tài Mác-Lê-Mao.

Dân Quyền




Tôi đã đọc Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối qua lời ghi chép lại của Tri Vũ- Phan Ngọc Khuê với nhiều trăn trở, nhiều đêm mất ngủ, buồn cũng có và thương tiếc cũng có và cuối cùng chỉ còn biết thở dài với một thứ triết lý bi quan: Quả đúng là một kiếp người-. Quả đúng là một hành trình chữ nghĩa đầy gian lao và khổ cực phải đối đầu với nỗi sợ thường trực hầu như suốt đời. Cái đói no vốn là thiết thân với sự sinh tồn của con người, vậy mà so với nỗi sợ hãi bị theo dõi và ám hại xem ra còn nhẹ nhàng hơn nhiều.
Đọc từng đoạn, từng trang. Mỗi trang mỗi đoạn là mỗi vấn đề-vấn đề của vấn đề- mà rất khó để tổng kết lại.
Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo là khổ lụy trăm chiều. Vẫn biết rằng người ta ai cũng khổ, làm sao tránh được. Nhưng nỗi khổ của Trần Đức Thảo là những cặp đối kháng như đen với trắng, giữa lý tưởng và thực tế, giữa nhân cách và quyền lực, giữa bản năng sinh tồn và lý trí, giữa điều thiện và tội ác, giữa dối trá và sự thật, giữa ta và người. Và cuối cùng giữa mình và chính mình.
Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo phải nói là đầy những năm tháng khốn cùng. Sự khốn cùng ấy bắt đầu từ chính cái nhân cách con người ông. Nếu ông là hạng người chịu uốn lưng, chịu cúi đầu, chịu quỳ gối, chịu uốn lưỡi thì cái khổ chỉ có một phần. Nhưng chết nỗi ông sống thẳng, sống trung thực giữa một xã hội của bầy thú, gian manh, dối trá, lừa bịp, tàn bạo, bất nhân, ác độc, kìm kẹp nên nó đã nghiền nát ông.
Nó không để cho ông có cơ hội làm người sống trung thực. Nhiều lúc, ông cũng đã bị buộc phải nói tiếng nói của người phi nhân cách, phi ngã.( Impersonnalité).
Ở đây, tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét của ông Hoàng Hoa Khôi phản ánh đúng con người Trần Đức Thảo, trước đó cũng ở trong nhóm Trôskyt vào những năm 1944-1946 khi ông Thảo còn ngụ ở nhà số 10 Sorbonne, quận 5, Paris, ông Khôi viết:
‘Những ai quen biết ông đều biết ông là người ‘kiêu hãnh’(fier), tự tin, tự trọng. Ông không kiêng sợ ai và không ai làm ông phải khâm phục. Con người ngang tàng và thông minh ấy đã bị bộ máy Stalinien bẻ gẫy, nghiền nát. Con người ấy đã phải sống khuất phục hàng chục năm, dưới một chế độ đầy quyền lực, tôn ti trật tự, sùng bái lãnh tụ’. [1]
Chính cái cá tính con người Trần Đức Thảo đã là nguyên cớ cho những hệ lụy cuộc đời ông. Và đó cũng là cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của riêng ông với chế độ để sống còn.
Và cuối cùng vào lúc cuối đời, vào lúc mọi hy vọng đều tắc nghẽn, ông đã vượt thắng được tất cả, vật ngã kẻ thù- vật ngã cái trục của điều xấu. Ông đã hối hận vì đã sai lầm, vì đã đồng lõa với điều xấu trong nhiều năm.
Và để chuộc lỗi lầm, ông đã dùng sự thông minh, tài nhận xét, sự lý luận để xô ngã được thần tượng Hồ Chí Minh và chà đạp dưới chân ông chủ nghĩa Mác xít mà ông từng đeo đuổi trong suốt cuộc hành trình chữ nghĩa của ông.
Cuộc sống của ông ngoài chuyện cầm bút, có thể chưa chắc ông đã làm được điều gì ích lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình. Nhưng chết, ông đã chết xứng đáng, để lại cho đời sau một thông điệp rất rõ ràng: Hồ Chí Minh là một tên đại bịp như Tào Tháo và chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa phi nhân, không có con người.
Theo tôi, chừng đó đủ rồi. Đừng đòi hỏi thêm nữa.
Nhưng nhiều lúc tôi tự hỏi một người thông minh trác tuyệt như ông, phải đợi đến cuối đời mới nhận ra mình sai lầm? Ông có bằng một tên thợ nề vô học không? Tôi còn nhớ bản thân tôi khi di cư vào miền Nam, tôi mới chập chững bước vào trung học. Chẳng bị ai tuyên truyền, chẳng bị ai xúi giục, chẳng tôn giáo nào rỉ tai vô Nam.. Vậy mà như một sự thúc đẩy bên trong- không phải bằng sự thông minh- mà bằng một bản năng sinh tồn- thúc dục phải đi thôi. Đi bằng mọi giá. Thầy tôi do dự không muốn đi có thể vì tiếc của. Phần tôi nhủ thầm, nếu gia đình không đi thì tôi sẽ một mình ra đi một mình.
Điều gì khác biệt giữa một trí thức cỡ Trần Đức Thảo và một thằng nhỏ 12-13 tuổi đầu như tôi. Ai là người sáng suốt, ai là người chọn đúng con đường phải đi?
Vào những năm 1950 sống ở bên Tây, lẽ nào ông không biết đến những biến cố chính trị xảy ra giữa Đông Đức- Tây Đức?[2]
Cho đến bây giờ, những câu hỏi ngờ vực này vẫn lẩn quẩn trong đầu chưa có một lời giải đáp thỏa đáng. Phải chăng ông sinh ra nhầm thời đại và chọn nhầm chỗ cư ngụ, nhầm chế độ? Nhiều người cũng hỏi giống như tôi. Tác giả
sáng suốt,cũng hỏi bác Thảo một câu tương tự. Câu trả lời của ông Thảo thật đơn giản: vì tôi có một lý tường muốn về để phục vụ đất nước.
Đã bao nhiêu trí thức, nhân tài của đất nước hy sinh và chết cả cuộc đời vì hai chữ yêu nước ?
Nói cho cùng, đó là cái dại của ông- chỗ đáng sống ông không chọn như Paris hay Saigon- lại chọn Hà Nội. Chọn Hà Nội là tự chọn vào cái chỗ chết.
Đúng như bố của ông than thở: Về như vậy là mày tự giết mày rồi! Mà cũng là giết cả mẹ mày và tao nữa. Thảo ơi! Phải chi mà mày học được cái nghề như thợ nề, thợ máy, thợ mộc gì.. thì đỡ khổ cho tao biết mấy…(..) Chúng nó đã xúi mày đi vào chỗ chết. Có là điên mới đi theo chúng nó. Mày về đây là mày giết mày giết cả tao đấy Thảo ơi là Thảo ơi! [3]
Chính cái mà ông gọi là lý tưởng đã hại chẳng những mình ông mà hại cả trăm, cả ngàn, cả vạn người sau này. Họ đã viết lên những lời tự thú tội mà danh sách những người này mỗi ngày mỗi dài. Người chót trong danh sách ấy hiện nay là một ông già 85 tuổi tên Trần Đĩnh trong cuốn Đèn Cù. [4]
Giả như ông cứ ở Paris hay về Sài Gòn thì cuộc sống và tương lai chữ nghỉa của ông sẽ như thế nào? Sẽ có 10 cuốn Phénoménologie thay vì chỉ có một cuốn.
Nếu ông ở lại bên Pháp, ông sẽ được chào đón bởi những người trí thức hàng đầu của Pháp về triết học như J.P Sartre và nhóm Les Temps modernes, hay nhóm chủ thuyết Hiện tượng luận như Merleau Ponty hay nhóm cộng sản trong Les enjeux, Révolution và nhất là người học trò đã nhận ông là bậc thầy duy nhất về triết thuyết cộng sản Althusser.
Chữ nếu ấy đã không bao giờ xảy ra mà chỉ vì lòng thương tiếc ông mà ta tự đặt ra thôi.
Và nếu ông về Sài gòn thì sao? Lại nếu. Thật là quá trễ để nói về điều ấy. Nhưng qua vài dòng ông thố lộ sau đây cho thấy Sài Gòn vẫn là mảnh đất dung thân cho đủ loại trí thức của dòng chảy di cư sau 1954.
Thật vậy, khi được Trần văn Giàu và Trần bạch Đằng thu xếp vận động cho ông Thảo vào sống ở Sài Gòn. Ông đã ngạc nhiên không ít khi nhìn thấy Sài Gòn lần đầu- một Sài gòn đã bị bần cùng hóa và tha hóa sau 1975- mà cái ông nhận ra chỉ là những rớt lại như những mảnh ván trôi bập bềnh trên biển sau khi con thuyền đã chìm:
‘Mới đặt chân xuống cái thủ đô của miền Nam này, mọi sự đã làm tôi kinh ngạc. Qua bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ mà sao Sài Gòn nó lại khang trang hiện đại như vậy? Tôi cứ ngỡ cả miền Nam đói khổ vì bị Mỹ-Ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc đã phải ‘cắn hạt gạo làm tư’ để cứu giúp miền Nam cơ mà.. Và mọi người ở đây nói năng cởi mở thoải mái như vậy? Ngay những cán bộ Đảng ở đây cũng có thái độ tự do quá. Họ đãi đằng, giễu cợt tôi, coi tôi cứ như anh mán, anh mường ở rừng mới được về thành phố. Phải nói thẳng ra là có một điều của Sài Gòn đã làm tôi bàng hoàng đến cùng cực. Đó là những bài hát của một anh chàng nhạc sĩ trẻ của miền Nam, nói đúng ra là của Mỹ-Ngụy chứ không phải của Đảng. Tên anh ta là Trịnh Công Sơn. Các bài hát của anh ta mang nỗi niềm day dứt, oán trách chiến tranh. Cứ như anh ta khóc than thay cho cả dân tộc ở cả hai miền Nam Bắc. Giữa những năm tháng chiến tranh một mất một còn ác liệt như thế mà sao anh ta dám cất lên tiếng kêu than như vậy. Những lời ca của những bản nhạc đã làm tôi xúc động bồi hồi không cầm được nước mắt. . [5]
Cả một đất nước, cả một dân tộc đã bị nhiễm độc vì những lời tuyên truyền dối trá như thế- trước đây và bây giờ vẫn tiếp tục.- Tội cho con người, tội cho thế hệ mai sau mà chưa biết đến lúc nào, đến bao giờ chúng ta giải trừ được cái nọc độc ấy.
Có thể nói trong toàn bộ cuốn Những lời trăng trối, đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất chỉ một lần thôi, Trần Đức Thảo có những lời khen trân trọng với niềm xúc động đối với miền Nam Việt Nam!!
Miền bắc cộng sản trong toàn bộ cuốn sách hầu như tuyệt đối không có trong mắt của Trần Đức Thảo.
Và nếu sự việc xảy ra chỉ khác một chút thôi- cái giây phút chóng vánh gặp Hồ Chí Minh- nếu ông đã nhận ra được cái dã tâm của con người ấy trong lần tiếp xúc đầu tiên- may ra ông sẽ tránh được những nghịch cảnh đau lòng sau này.
Làm gì sau này ông phải sống cái cảnh giữa chuột và Người. Cả một đàn chuộc đủ loại con lớn con nhỏ đã rúc rỉa ông, sói mòn ông sống như thằng điên, thằng khùng, tiêu tan sự nghiệp, mất cả vợ vào tay ngưới khác.
Ông nhớ lại như một hồi ức đau thương ở Hà Nội vào những năm ấy, họ nhất loạt tố cáo ông như trường hợp Phạm Huy Thông với bài: Mặt thật của Trần Đức Thảo.
Ông Trần Đức Thảo với nhân cách cao vời đã không chấp đám học trò. Nhưng được cật vấn về trường hợp Phạm Huy Thông, ông bất đắc dĩ bày tỏ như sau:
‘Anh chàng ấy hồi ở Pháp thì tôi có biết, nhưng không thân..Sau này nhân vụ đấu tố nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thì Phạm Huy Thông đã ngả theo phe Tố Hữu để tố khổ tôi một cách hằn học thật là tồi tệ bất ngờ. Cách thức tố cáo, buộc tội tôi như thế đã làm cho y sau này bị xấu mặt cả đám văn nghệ sĩ cán bộ. Bởi lúc ấy, những gì mà mỗi trí thức đã viết ra, thì đều phơi bầy cái mặt trái, mặt thật xấu xa, hèn kém của họ’. [6]
Hay bội bạc hơn nữa, cảnh trò tố cáo thầy như trường hợp nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến. Nguyễn Đình Chú. Và chua chát nhất là bài của của một môn sinh phản thày: ông Khắc Thành trong bài Quét sạch nọc độc Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết học.
Cảnh chuột và Người chỉ có thể xảy ra ở Hà Nội. Và chỉ ở Hà Nội. Ai là chuột ai là Người trong những tên tuổi sau đây trong giai đoạn đấu tố Trần Đức Thảo:
Có cả một chiến dịch nhằm đánh phá vào một mình ông với các tên tuổi như: Bác sĩ Hồ Đắc Di, giáo sư Phạm Hữu Tước, giáo sư Nguyễn Lân, giáo sư Nguyên Hoán. Trường Giang, Thiều Quang, Ngô Vi Luật, Chu Thiên, Lê Dân.
Cả một danh sách dài biên niên mà Lại Nguyên Ân đã ghi lại. Nay thì những đàn chuột ấy ở đâu?
Đấy là món nợ của trí thức Hà Nội mà không một ai trả nổi dù đây đó đã gióng lên những lời xin lỗi. Bởi vì ai là kẻ gây ra món nợ này? Cứ hỏi và cứ hỏi đi và câu hỏi cứ ‘ trèo “ lên cao mãi, phải chăng là Tố Hữu? Cũng không phải, Trường Chinh cũng không nốt mà trèo lên đến đỉnh điểm thì còn trơ trọi có một người. Người đó là Hồ Chí Minh- Đẹp mãi tên Người-. Chính con người ấy mới là thủ phạm chính- thủ phạm trù dập Trần Đức Thảo đến tận đất đen-. Hồ Chí Minh có thể tha tội chết cho ông, chứ không tha tội sống. Cũng chính Hồ Chí Minh là người đã dẫn đưa đất nước đến hố sâu của sự bần cùng và tụt hậu, phá sập trật tự pháp luậ, trật tự xã hội và trật tự đạo đức như hiện nay. Sau này, muốn khôi phục lại có thể mất hàng thế kỷ vị tất đã xong.
Trần Đức Thảo là người đã nhân danh con người tố cáo và vạch trần thủ phạm Hồ Chí Minh ngày hôm nay.
Vì thế nay chính quyền cộng sản muốn trả món nợ ấy cho Trần Đức Thảo thì thật không đơn giản và nhẹ nhàng thoải mái như khi trả nợ cho Lê Đạt, Trần Dần, ngay cả Nguyễn Hữu Đang hay bất cứ ai khác. Với Lê Đạt, Trần Dần, có khi chỉ cần cho họ trở lại biên chế, trả lương bổng, cấp cho vài cái bằng khen và cho phép cầm bút trở lại thì họ đủ bằng lòng và xóa nợ tất cả.
Nhưng đối với Trần Đức Thảo khi ông đã nhiều lần gọi tất cả lãnh đạo cộng sản là chúng nó- chúng nó tính từ Hồ Chí Minh trở xuống đến Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn- thì những nhân sĩ, trí thức, nhà văn miền Bắc lấy tư cách gì mà đòi trả nợ cho Trần Đức Thảo? Cho dù nay ông còn sống, ông cũng không cần ai trả vì theo ông những kẻ tố cáo ông thì tự họ làm xấu mặt họ..
Kẻ tố cáo bỗng nhiên trở thành kẻ bị cáo.
Nhưng đối với ông chết là để sống trung thực. Và ông đã làm được điều ấy. Vậy thì có đáng gì một cái huân chương để trên nắp quan tài nhà triết học? Một thứ nghi lễ trang trí, dối trá và bịp bợm. Một thứ văn hóa cộng sản theo nghĩa hôm nay nó giết mình, mai nó cho người mang vòng hoa đến phùng điếu!! Hãy đọc đoạn văn sau đây của nhà văn Phùng Quán về tính bi hài kịch của thứ văn hóa cộng sản. Bài viết với nhan đề: Hành trình cuối cùng của một triết gia.
Lần này triết gia trở về Tổ Quốc trong khoang hành lý máy bay, chiếm một chỗ hết sức khiêm nhường. Triết gia đã hóa thân thành tro nằm trong cái bình bằng kim loại sơn mầu xanh thẫm hơi giống một chiếc cúp bóng đa và cũng to bằng cỡ đó…(..). Về đến Hà Nội vì không có gia đình vợ con, không có cơ quan nào nhận để thờ, hoặc để quàn….nên triết gia phải tạm trú dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 , đường Phùng Hưng Hà Nội.
Tôi được biết triết gia là người chiếm kỷ lục thời gian tạm trú ở đây. Năm mươi ngày đêm.Và mỗi ngày đêm tiền thuê phòng là 5000 đồng..Nhưng Trần Đức Thảo thuê phòng mà diện tích tranh thủ chưa đầy một mét vuông..Khách thuê phòng này lại không dùng đến giường, đệm, chăn màn, tivi, tủ lạnh, điện thoại riêng, máy điều hòa nhiệt độ, toa lét, nhân viên phục vụ.. tính chi li theo tôi còn đắt hơn cả khách sạn 5 sao.
Triết gia phải tạm trú lâu như vậy là phải chờ quyết định trên, có được đưa vào Mai Dịch hay phải về Văn Điển..
Sau 50 ngày chờ đợi, tốn mất 250 ngàn tiền phòng, triết gia đã được trên quy định đưa về mai táng tại khu A Văn Điển, khu vĩnh viễn hưởng thụ đúng tiêu chuẩn quy định.
Mộ của ông khá đặc biệt. Bình tro được đặt trong tiểu sành, tiểu sành được đặt dưới khuôn huyệt bên trên có nắp bê tông đậy kín. Như vậy là ông được mai táng theo quy cách các nhà giàu cổ xưa: trong quan ngoài quách.
Đây có lẽ là sự xa xỉ độc nhất trong cuộc đời triết gia quá ư thanh bạch của ông, mà nếu biết được, tôi tin chắc ông sẽ kịch liệt phản đối. [9]
Đoạn văn trên của Phùng Quán nói đến hành trình cuối cùng của triết gia- một hành trình được diễn ra với kịch tính, thô bỉ và không thiếu sự đểu cáng.
Nhưng sau đây là Hành Trình khởi đầu cho một cuộc đời bất hạnh với đầy gian khổ.
Con đường Paris-Luân Đôn-Praha-Moscou-Bắc Kinh- Việt bắc là con đường không bằng phẳng-chông gai, gập ghềnh ngay từ đầu- mà Trần Đức Thảo đã tự chọn. Hồ Chí Minh đã từ chối không cho ông về. Ông phải cậy cục đảng cộng sản Pháp đến cả lãnh đạo Liên Xô để được về chiến khu Việt Bắc. Đây là khúc nhạc khởi đầu cho một liên khúc kéo dài trong suốt 40 năm. Chọn ai không chọn lại chọn một người mà sau này chính ông gọi là một thứ gian hùng chẳng khác gì Tào Tháo..
Ông đã sống như thế- sống vất vưởng, tủi nhục- vì chính những chọn lựa của mình. Khó mà trách ai được. Nhiều lúc tưởng ông như một người đi trên mây, dở khùng, dở dại. Nhiều lúc tưởng chừng bộ máy nghiền cộng sản đã bẻ gẫy ông. Trong vụ Nhân Văn Giai phẩm, rõ ràng đảng sai ông đúng. Vậy mà ông cũng đã có lần cúi đầu thú tội: Ông đã xin lỗi trước đảng và trước nhân dân. Ông cũng đã thú nhận là trong nhiều lần học tập, ông cũng đã phải dơ tay như mọi người hô: Nhất trí, nhất trí.
Ông cũng biết nhẫn nhục, cũng biết sợ chết và hầu như cả đời ông bị ám ảnh về nỗi sợ hãi bị ám sát.
Nhưng khi chết, ông đã để lại một di sản tinh thần vô cùng quý báu- không phải những sách như Phénoménologie et matérialisme dialectique(1951)- Sách này đã làm nên danh phận ông- mặc dầu vậy nó có cũng được không có cũng không sao.
Bời vì, thứ chủ nghĩa mà ông đeo đẳng gần như suốt cả cuộc đời nay ông đã rũ sạch. Nó chỉ còn là một món hàng bị phá sản mà chính chủ nhân của nó đã tìm cách bán tống bán táng đi rồi.
Cuối cùng một điều tối quan trọng. Sống có thể ông không làm được gì-.
Ông đã tỏ ra ‘vô ích” khi còn sống.
Nhưng cái chết của ông chỉ đến lúc ông nằm xuống, người ta mới biết được tất cả sự thật. Đảng tưởng rằng đã loại trừ được một tên cộng sản quấy rầy- un communiste dérangeant. -Đảng mới bật ngửa ra là đã không khai trừ nổi được ông.
Lúc ông chết mới thật sự là lúc ông sống thật với ván bài lật ngửa.
Ông đã có thể thất bại suốt cuộc đời dù rất có thể, ngay cả cái cái chết của ông đã bị nghi ngờ là người ta đã ám toán ông bằng thuốc độc. Cứ như đọc diễn tiến mấy ngày cuối đời trong Những lời trăng trối của ông thì phải đi đến kết luận là ông đã bị đầu độc đến thượng thổ, hạ tả và khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì ngày hôm sau, ông đã tắt thở.[10]
Mặc dầu vậy, vượt mọi toan tính đê tiện của những kẻ thù, ông đã để lại được chúc thư cuối đời qua cuốn Những lời trăng trối.
Đây là sự bất ngờ vượt mọi dự đoán của kẻ thù ông. Ông đã đánh lừa được tất cả mọi người. Đánh lừa bằng cách gỉả điên, giả ngu ngơ, giả khờ dại, giả câm điếc. Từ những kẻ muốn ám hại ông đến những người quý mến ông, những trí thức ở Paris đều tưởng ông đã hết thời, đã ăn nói lẩm cẩm.
Nhưng mọi người có thể đã lầm. Ông đóng kịch khéo quá, khéo đến như thật.
Nay tất cả mọi người đều ngỡ ngàng về tập sách Những lời trăng trối…
Ngỡ ngàng là phải, vì những lời trăng trối chết người này; những lời tâm huyết có thể quyết định sinh mạng Trần Đức Thảo và cũng có thể trở thành lưỡi liềm phạt cỏ dưới chân của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản.
Đáng nhẽ, những lời trăng trối này phải được trao cho những trí thức thiên tả như Nguyễn Ngọc Giao mới phải. Nguyễn Ngọc Giao là người đã giúp đỡ ông nhiều trong thời gian trước đây ở Sài gòn trong việc in sách. Nguyễn Ngọc Giao cũng là người đã tìm nơi ăn chốn ở và tiền tài trợ mỗi tháng 10.000 fr cho Trần Đức Thảo- một mối giao tình vừa là tình bạn vừa theo nghĩa ‘đồng chí’. Hoặc chị X, cũng thuộc cánh trí thức tả thường đến thăm ông thường xuyên tại phố Le Verrier..
Tôi tự hỏi tại sao ông không chia sẻ tâm sự với các đồng chí của ông?
Không!! Trần Đức Thảo không tin ai cả, nhất là những thành phần cùng phe phái như cánh tả, dù có liên hệ bạn bè. Ông sợ họ và sợ lây lan đến những kẻ cầm quyển.
Trớ trêu và oái ăm thay! Ông lại tin và trút hết tâm sự cho hai người xa lạ, một người kể như chưa hề quen biết ông. Đó là giáo sư Canh và Tri Vũ- Phan Ngọc Khuê.(Tôi không được rõ Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê là hai người hay một người)
Tôi đã tìm được câu trả lời. Với thói quen quán tính, cả đời ông chỉ gặp những kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng rình mò để sẵn sàng tố cáo ông.
Còn hai người khách lạ này đến với ông bằng một tấm lòng. Và nhất là họ là người Sài Gòn- người quốc gia-.Xin đọc:
‘Canh và tôi –(một người gốc gác ở Quy Nhơn, một người ở Sài Gòn)-đều rất xúc động khi phải chứng kiến cảnh một vị giáo sư từng một thời vang danh ở Paris, mà nay phải hạ mình bàn cách bán tiếng nói, bán chữ để kiếm sống qua ngày(…)Canh cũng bỏ vào túi áo nhà triết học một chút tiền. Chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng rất ái ngại khi nhìn thái độ ngượng ngùng của bác Thảo khi tiếp nhận sự trợ giúp ấy. Phải cố cầm nước mắt, để gượng cười với nhau. Những tâm sự u buồn ấy đã làm chúng tôi im lặng khá lâu khi cùng nhau đi ra xe. [11]
Ở một chỗ khác, ‘Bác Thảo lắc đầu mỉm cười tê tái, mắt ngấn lệ. Chúng tôi nhìn bác thấy thảm thương quá, không cười theo được. [12]
Chính ở những tình tự con người xuất phát từ những con tim mà có tương giao con người mà có chia sẻ, có tín cẩn và có chỗ giãi bầy tâm sự mà cả cuộc đời 40 năm ở xã hội cộng sản, bác chưa hề một lần bắt gặp.
Cũng chính ở chỗ đó mà có được tập sách này. Xin cám ơn con người. Cám ơn tác giả gốc gác miền Nam.
Trong khi đó, phần đông trí thức thiên tả ở Paris chỉ muốn tìm lại ở Trần Đức Thảo – một cái hào quang quá khứ như chỗ dựa cho sự suy tàn của cánh tả- hoặc tìm lại một con người thông minh sắc sảo của thập niên 1950 như một đồng chí, như một niềm vinh hạnh.[13] Nhưng Trần Đức Thảo đã làm họ thất vọng. Họ lẳng lặng bỏ rơi ông như một thứ món hàng bị phế thải. Sau khi nghe ông Thảo thuyết trình về Triết học của Staline ở trường đại học Denis Diderot thì mọi người đều thất vọng. Ông Lê Thành Khôi bỏ về nửa chừng. Nguyễn Ngọc Giao, một người có lòng muốn giúp đỡ ông Thảo nhiều trong việc tìm chỗ ăn, chỗ ở cho ông Thảo than:
‘Ông trình bày xong thì tôi ra về, không ở lại nghe phần hỏi đáp..(…) Nghe ông nói bữa ấy, tôi buồn quá. Dường như tôi không phải là người duy nhất cảm thấy buồn…[14]
Nay nếu có dịp đọc tập sách Những lời trăng trối thì Nguyễn Ngọc Giao sẽ buồn hay vui?
Bẽ bàng hơn cả có thể là viên Đại sứ Trịnh Ngọc Thái ở Pháp đã bị Trần Đức Thảo qua mặt sau cái chết có thể do chính y đạo diễn..tưởng rằng đã tịch thu được mọi tài liệu tại ngôi nhà số 2 Le Verrier ngay sau khi ông Thảo chết vào 2 giờ sáng ngày 24 tháng tư năm 1993. [15]
Y đã nhầm và tính sai một nước cờ. Nước cờ của ông Trần Đức Thảo đi xuất phát từ lòng nhân ái mà y không thể tiên đoán trước được. Y quen thủ đoạn, y quen lừa lọc nên không hiểu thế nào là tình con người.
Và tại Sài gòn, một nhân vật quyền thế nắm sinh mạng Trần Đức Thảo là Sông Trường, y chính là người đã trục xuất Trần Đức Thảo ra khỏi Việt Nam với một vé máy bay có đi mà không có về. Y bị Trần Đức Thảo lừa một cách tủi nhục. Hãy nghe y nói với Trần Đức Thảo:
‘Chúng tôi đã bố trí, đã chuẩn bị cho anh một lối thoát vừa danh dự vừa lý tưởng. Vì anh chưa nghĩ thấu đáo đấy thôi. Tất cả đã sẵn sàng rồi! Nhất định là anh không thể lưu lại cái đất Sài Gòn này như vậy nữa đâu! Đảng đã quyết định, nhất định là anh sẽ phải ra đi thôi!!! [16]
Sự thật theo lời ghi lại của ông Trần Đức Thảo thì ông đã bị trục xuất ra khỏi Việt Nam như một thứ vật dư thừa, thứ đồ phế thải.
Nhưng họ lại gọi đây là một chuyến đi công tác.
Vì thế, mới có bài viết: Về chuyến đi công tác tại Pháp của giáo sư Trần Đức Thảo tháng 3- năm 1991- 24 tháng 4 năm 1993 của ông Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.[17] Chuyến đi công tác này có nhiệm vụ đi giải độc về những gì Georges Boudarel được coi là đã viết sai về Nhân Văn Giai Phẩm tại Việt Nam. Từ ông Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Linh và ông Hồng Hà đều bằng lòng bố trí cho Trần Đức Thảo sang Paris. Chính ông Hồng Hà đã ký công văn số 624-CV-TU cử giáo sư Trần Đức Thảo sang Pháp để nghiên cứu khoa học. Sau đó ông Thảo đã được cấp vé máy bay và ăn ở tại Paris trong thời gian 6 tháng..
Đọc những thông cáo chính thức trên cho thấy tính cách bịp bợm của lãnh đạo cộng sản. Một mặt gọi là chuyến công tác giải độc những điều viết sai trái của G. Boudarel. Nhưng trong công văn chính thức lại ghi là đi nghiên cứu khoa học!!
Khôi hài. Ông Trần Đức Thảo là triết gia biết gì về lãnh vực khoa học- khoa học gì mới được- mà nghiên cứu?
Phần Đức Thảo khi được hỏi về vấn đề này đã giải thích như sau:
- Thế bác không lo làm công tác vận độn sự ủng hộ cho chính sách của đảng và nhà nước à?
- Lúc mới qua thì buộc lòng phải nói thế thôi! Chứ có vận động khỉ gì đâu, Hôm ấy cứ bị chất vấn: vận động cái gì, vận động như thế nào, vận động những ai… làm tôi bối rối.(..). Chẳng lẽ lại nói tôi trở qua Paris là không có mục đích gì sao? Hoặc nói là qua đây để ngồi viết sách, để người ta cười cho à? [18]
Ông tiến sĩ Cù Huy Chử- một cánh tay của đảng-. Ông tự cho mình là người được ông Trần Đức Thảo tín nhiệm và đã trao hết di sản tinh thần cho ông nắm giữ. Và mới đây, vì chưa có cơ hội đọc cuốn Những lời trăng trối, ông đã tổ chức vinh danh Trần Đức Thảo theo kiểu ‘nhổ ra rồi lại liếm’.
Cho đến ngày hôm nay, cuốn sách của ông Trần Đức Thảo gây được tiếng vang lớn trên thế giới thì ở bên nhà, ông Cù Huy Chữ vẫn giữ im lặng.
Nội dung cuốn sách Những lời trăng trối bàng bạc từng chi tiết, từng sự việc, dù là chuyện lớn, chuyện nhỏ, dù là chuyện liên quan đến Trần Đức Thảo hay không chỉ tóm tắt vào hai chủ đề lớn: Hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bằng chứng minh, bằng lý luận, bằng những nhận xét sâu sắc để vạch trần bộ mặt thật của Hồ Chí Minh.
Về điểm này, từ xưa đến nay, chưa ai có đủ tư cách cũng như can đảm làm được như ông.
Điểm thứ hai, ông chứng minh và cho thấy rằng Marx sai lầm. Staline sai lầm và trong chuỗi lý luận ấy Hồ Chí Minh chỉ là kẻ ăn theo hiển nhiên là sai lầm.
Theo tôi, cho dù có theo đuổi chủ thuyết Mác Xít thì qua những trải nghiệm đau thương về Cải cách ruộng đất, về Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Đức Thảo nói cho cùng là một triết gia gia Mác Xít nhân bản( Humanisme Marxiste) theo như một số nhận định của nhiều người.
Với quan điểm nhìn ấy, dù ông không còn nữa, ông đã xóa sổ đảng cộng sản Việt Nam!!
Nói cho cùng sự trả giá của ông không phải là vô ích.
(Còn nữa)