Hồng Thủy
26/04/16 09:29
(GDVN) - Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay
Siphan khẳng định, chẳng có đồng thuận nào mới đạt được trong cuộc họp vào cuối
tuần qua, khi ông Nghị ghé Phnom Penh.
The Phnom Penh Post ngày 26/4 đưa tin, Chính phủ
Campuchia hôm qua đã tìm cách hạ thấp vai trò tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung
Quốc về cái gọi là "đồng thuận 4 điểm" về vấn đề Biển Đông, một động
thái gây chia rẽ nội bộ ASEAN.
Hôm Chủ Nhật, 24/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng
nước này đã đạt được thỏa thuận 4 điểm về Biển Đông theo lập trường của Bắc
Kinh với Brunei, Campuchia và Lào sau chuyến công du của ông Ngoại trưởng Vương
Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Campuchia tại Phnom Penh, ảnh: Siv Channa / The Cambodia Daily. |
Người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia
Cheng Hongbo hôm qua từ chối bình luận về "đồng thuận 4 điểm" này.
Khi được báo chí hỏi về "đồng thuận 4 điểm"
mà phía Bắc Kinh nêu, người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng
định, chẳng có đồng thuận nào mới đạt được trong cuộc họp vào cuối tuần qua,
khi ông Nghị ghé Phnom Penh.
"Không có thỏa
thuận hoặc thảo luận nào, đó chỉ đơn thuần là chuyến thăm của một Ngoại trưởng
Trung Quốc", ông Phay Siphan nói với báo
giới. Ông Nghị đến Phnom Penh vào ngày Thứ Sáu tuần trước sau khi thăm Brunei,
sau đó ông bay qua Lào.
Tường thuật về chuyến thăm này, The Cambodia Daily
ngày 23/4 cho biết, tân Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, ông
Prak Sokhon đã không lãng phí thời gian để ca ngợi Trung Quốc - nhà tài trợ lớn
nhất của đất nước chùa tháp.
Đứng bên cạnh Vương Nghị trong buổi họp báo, ông
Sokhon nói về "lòng trung thành lịch sử" của Phnom Penh với Bắc Kinh,
khẳng định lại tầm quan trọng của việc thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.
Về Biển Đông, ông Sokhon nói:
"Campuchia vẫn
duy trì một lập trường trung lập. Lập trường của Campuchia luôn luôn kêu gọi
tất cả các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Nếu tất cả
các nước tôn trọng những nguyên tắc như Campuchia, chúng tôi nghĩ sẽ không có
vấn đề gì."
Ngoại trưởng Campuchia không nhắc gì tới "đồng
thuận 4 điểm". Người viết cho rằng, phát biểu của ông Sokhon cho thấy,
hoàn toàn không có ý nào thể hiện Phnom Penh phản đối hay chống lại vai trò của
PCA, phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines như Bắc Kinh tuyên
truyền.
Chỉ có điều khi ông Nghị nói điều này với báo giới,
ông Sokhon cũng không phản đối và Bắc Kinh lợi dụng việc đó để lòe bịp dư luận.
Người viết cho rằng, có thể thấy Trung Quốc đang dùng
thủ đoạn "mớm lời", áp đặt quan điểm của riêng Bắc Kinh và chỉ cần 3
nước này im lặng thì nghiễm nhiên được Trung Quốc tuyên truyền rằng, đó
là "nhận thức chung" giữa Bắc Kinh với 3 nước.
Xung quanh thủ đoạn trẻ con này của Bắc Kinh, cựu Tổng
thư ký ASEAN Ong Keng Yong ngày 25/4 được tờ Channel News Asia dẫn lời nhận
định, "thỏa thuận 4 điểm" của Trung Quốc với Campuchia, Lào, Brunei
là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN.
Theo The Straits Times ngày 26/4, ông Bilahari
Kausikan, Cố vấn Chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore đồng ý với bình luận
của ông Ong Keng Yong rằng, có vẻ như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là
một phương tiện chia rẽ ASEAN trước khi PCA ra phán quyết, có thể trong tháng
Năm tới hoặc sau đó.
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm chia rẽ
đoàn kết trong khối ASEAN về Biển Đông sẽ chỉ là hành vi thiển cận, vì một
ASEAN chia rẽ chẳng mang lại lợi lộc gì cho Trung Quốc.
Như người viết đã từng phân tích, thủ đoạn và động
thái này của ông Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ nhằm hai mục đích, một là gạt cộng
đồng quốc tế mà cụ thể là Mỹ, Nhật, Ấn, Úc khỏi vấn đề Biển Đông. Hai là phủ
nhận vai trò và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ
Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở
Biển Đông.
Tuy nhiên chắc chắn Bắc Kinh sẽ không đạt được mục
đích này. Phát biểu của ông Phay Siphan cho thấy, Campuchia cần tiền Trung Quốc
thật đấy, nhưng không có nghĩa là Phnom Penh sẽ lên tiếng phản đối vai trò và
phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines.
Có thể bài học năm 2012 đã khiến Campuchia trở nên
thận trọng hơn trong vấn đề Biển Đông. Bản thân vụ tranh chấp lãnh thổ ngôi đền
Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan từng dẫn đến đổ máu, cuối cùng cũng
được giải quyết êm đẹp thông qua cơ quan tài phán quốc tế, thì không có lý do
gì Phnom Penh lại phản đối vai trò của cơ quan tài phán trong vụ kiện hợp pháp
của Philippines.
Một ví dụ khác tương tự, đó là tuyên bố của hội nghị
Ngoại trưởng Ấn - Trung - Nga tại Moscow ngay trước đó được Bắc Kinh tuyên truyền
chỉ là trò ghán ghép lập trường của riêng Bắc Kinh vào miệng New Delhi và
Moscow, chưa hẳn đó là quan điểm chính thức của Ấn Độ, và cả Nga theo phân tích
của học giả Tvestov từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Liên bang Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho thế giới thấy
tinh thần thượng tôn pháp luật và thái độ gương mẫu, cầu thị khi chấp nhận phán
quyết của cơ quan tài phán, cũng chính là PCA, về tranh chấp phân định biển với
Bangladesh, trong đó New Delhi bị xử thua.
Với tinh thần thượng tôn công lý như vậy, sẽ chẳng có
lý do nào để New Delhi phủ nhận vai trò và phán quyết của PCA trong vụ kiện của
Philippines.
Có thể ai đó vẫn cho rằng, các nước liên quan im lặng
trong trường hợp Trung Quốc tuyên truyền "thoả thuận 4 điểm" hay Bắc
Kinh đưa ra "tuyên bố chung Ngoại trưởng Ấn - Trung - Nga" là đồng
lõa với Bắc Kinh, nhưng người viết cho rằng, đó vẫn là lựa chọn khả dĩ, bởi
quốc gia nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết.
Chỉ có điều, khi PCA ra phán quyết, các nước vừa được
Trung Quốc vận động hành lang, thậm chí là dụ dỗ, lôi kéo hoặc gây sức ép, nếu
không thể công khai bảo vệ phán quyết của PCA, thì xin hãy giữ im lặng.
Chỉ cần hùa theo Bắc Kinh chống lại phán quyết của PCA
sẽ là hành động tự tay đào mồ chôn vùi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982
(UNCLOS), thành quả bao nhiêu năm phấn đấu của nhân loại, bộ khung pháp lý để
bảo vệ, giữ gìn công pháp quốc tế và trật tự quốc tế trên biển và đại dương
trong một thế giới đầy rẫy bất ổn vì tham vọng bành trướng, bá quyền.
Và quan trọng hơn, nếu công lý không được thực thi ở
Biển Đông, khi cường quyền lấn át tất cả, thì trật tự thế giới sẽ đảo lộn.
Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu dùng đồng tiền thao túng thiên hạ, nếu hệ thống
công pháp quốc tế cũng để cho Bắc Kinh bẻ cong theo ý họ, thì tương lai chiến
tranh, xung đột sẽ khó có thể lường hết.
Bởi vậy, người viết đánh giá cao phát biểu kịp thời
của ông Phay Siphan, cũng giống như tuyên bố kịp thời của Chính phủ
Fiji trước đó, vạch trần thủ đoạn "mớm lời" của nhà cầm quyền Bắc
Kinh. Trong khi không thể đòi hỏi các
nước này làm nhiều hơn nữa, việc không hùa theo Bắc Kinh thiết nghĩ đã là mẫu
số chung nhỏ nhất có thể chấp nhận được để góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định,
tự do hàng hải, trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Hồng
Thủy
Nguồn:
Theo GDVN