24 avril 2016

Biển miền Trung: Cá vẫn chết, không thấy đoàn kiểm tra... lấy mẫu!


NHÓM Phóng viên

Nhiều loại cá sống ở tầng đáy của biển chết hàng loạt tại biển miền Trung. Ảnh: TRẦN TUẤN
 
Đã hơn 2 tuần trôi qua kể từ khi cá trên biển bắt đầu chết hàng loạt ở biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), rồi lan vào biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Trong khi tình trạng cá chết vẫn tiếp diễn, ngư dân, người sản xuất, người tiêu dùng đang rơi vào sự khủng hoảng niềm tin dữ dội thì sự phản ứng của cơ quan chức năng không chỉ chậm chạp, mà còn cho thấy sự hời hợt, không chuyên nghiệp, thiếu sự phối kết hợp liên ngành

 


Cá chết nhiều, lan rộng

Nhiều ngày nay, người dân sống dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế chứng kiến cảnh nhiều loại cá như chình, đuối, vẩu… lờ đờ, chết dạt vào bờ. Ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - cho biết toàn xã có 200 hộ dân hành nghề biển, tình trạng cá chết dạt vào bờ rải rác trên chiều dài gần 20km bờ biển do xã quản lý. Trong số cá chết do dân gom nhặt, có nhiều loài cá sống cách xa bờ như cá vẩu biển nặng đến 35kg. Xã Lộc Vĩnh thông báo cho dân không bơm nước từ biển vào hồ nuôi và không nên ăn cá chết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.


Cá vẫn chết tràn lan dọc bờ biển miền Trung. Ảnh: T.K
Ông Bạch Văn Khai - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Lộc - cho biết cá nuôi lồng của 11 hộ dân ở khu vực cửa biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc) chết hàng loạt. Sơ bộ đã có trên 3 tấn cá gồm loại cá giá trị kinh tế cao như cá giò, cá vẩu chết trong mấy ngày qua. Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cá chết trong môi trường tự nhiên và cá nuôi lồng xảy ra tại địa phương từ ngày 15 - 18.4 không có biểu hiện bệnh ở phần phụ, mang và nội tạng. Test nhanh bằng dụng cụ cầm tay cho thấy, chỉ số PO4 thay đổi đột ngột làm tăng độ pH khiến cá sốc và chết hàng loạt.

Trong khi đó theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị, cá biển vẫn còn chết, trôi tấp vào bờ; ở các chợ hải sản ế ẩm, không ai dám mua để ăn.

Không lấy mẫu, bộ sẽ tiếp tục… hỏi dân

Phải đến ngày 20 - 21.4, các đoàn thuộc Bộ NNPTNT và Bộ TNMT mới có mặt ở các địa phương xảy ra tình trạng cá biển chết. Tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi Cục trưởng Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh - cho biết, chiều ngày 20.4, đoàn cán bộ của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) có về kiểm tra tình hình cá chết ở Kỳ Anh. Tuy nhiên, không thấy đoàn lấy mẫu phẩm, cũng không thấy kiểm tra tình hình xả thải của một số nhà máy ở Khu kinh tế Vũng Áng.

Trước đó, ngày 20.4, trả lời PV Báo Lao Động, ông Lê Minh Đạo - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan kiểm tra tình hình thủy, hải sản chết ở Kỳ Anh. Còn việc thành lập đoàn kiểm tra xả thải của các nhà máy ở Khu kinh tế Vũng Áng hay không là do các sở, ngành liên quan quyết định. Tỉnh chưa chỉ đạo thành lập đoàn. Như vậy, tình trạng cá chết ở vùng biển Vũng Áng (Kỳ Anh) xảy ra đã 2 tuần nay, nhưng cơ quan chuyên môn vẫn chưa có kết luận cụ thể, điều mà dư luận đặt ra là phải chăng chất độc do một số nhà máy ở Vũng Áng thải ra vẫn chưa được kiểm tra, làm rõ.

Còn tại Quảng Bình, ngày 21.4, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đã đến để khảo sát thực tế tại một số bãi biển về thực trạng cá chết trôi dạt vào bờ trong thời gian qua. Đoàn kiểm tra đã ghi nhận vẫn còn hiện tượng cá chết trôi dạt rất nhiều tại các bãi biển. Theo ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, để có kết luận cuối cùng về việc xác định nguyên nhân cá chết thì cần phải qua nhiều phương pháp đánh giá phân tích nhận dạng. Đồng thời cần phải có ý kiến tổng hợp của các địa phương, thực tiễn và người dân, rồi từ đó các nhà khoa học phân tích, đánh giá để đưa ra kết luận.

Nguồn tin của Báo Lao Động cho hay, ngày 22.4 tại Hà Tĩnh sẽ có một đoàn của Bộ TNMT đến kiểm tra cũng với nội dung như đoàn của Bộ NNPTNT đã đến kiểm tra nhưng không lấy mẫu nước, mẫu cá chết.

Khuyến cáo người dân không ăn cá chết tại vùng biển miền Trung
 
Liên quan đến tình hình cá nuôi lồng và cá tự nhiên tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế bị chết bất thường từ ngày 6.4.2016 đến nay, ngày 21.4, Bộ NNPTNT có công văn gửi các địa phương trong đó nêu rõ: Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân làm hải sản chết bất thường, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng: Nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang, hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
KH.VŨ