30 avril 2016

Những tình tiết thú vị xung quanh vụ án quán Xin Chào


Cái chòi vịt trái phép, quán phở Xin Chào và “ông lớn” muốn mua đất

An Long

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào.
 

Mấy ngày qua, dư luận cả nước sục sôi chuyện ông Nguyễn Văn Tấn - Chủ quán phở Xin Chào (đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh, TPHCM) - bị khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh.



Vụ án quán Xin Chào

Những người gây oan sai cho ông Tấn đã lãnh hậu quả trách nhiệm: Đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh - cùng thuộc cấp bị đình chỉ công tác, chờ xử lý; ông Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh (nay chuyển công tác sang làm Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6) và một thuộc cấp tham gia kiểm sát vụ án cũng bị đình chỉ công tác. Cả 4 ông này sẽ được ngồi chơi xơi nước, chờ bị kỷ luật.

Phát biểu với báo chí, những cán bộ gây ra oan sai cho ông Tấn “Xin Chào” đều cho rằng không có động cơ cá nhân, mà sai sót hoàn toàn do nhận thức yếu về mặt pháp luật. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, các ông này lại tạo hai vụ án khác nhau, nhưng lại hết sức liên quan là trên cùng một mảnh đất của chủ đất Nguyễn Văn Bỉ (48 tuổi, ngụ thị trấn Tân Túc, Bình Chánh), đều xuất phát từ những việc nhỏ như cái móng tay, người thuê đất thì bị xử lý hình sự tội kinh doanh trái phép - mà bản chất là do cán bộ cấp phép làm bậy, thay vì xử cán bộ thì xử nạn nhân của cán bộ; và ông chủ đất thì bị xử lý hình sự tội xây dựng trái phép - thực chất là ông dùng tre lá dựng cái chòi vịt tạm bợ.

Vụ án quán Xin Chào: Ngày 8.8.2015, ông Tấn khai trương quán Xin Chào bán cà phê, nước giải khát và phở đối diện với trụ sở Công an huyện Bình Chánh. Năm ngày sau khi khai trương, quán bị Công an huyện Bình Chánh kiểm tra hành chính và lập biên bản về các lỗi vi phạm hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đến ngày 18.8, ông Nguyễn Văn Quý ra quyết định xử phạt hành chính với ông Tấn về 5 hành vi, trong đó có hành vi hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, với tổng số tiền hơn 17 triệu đồng.

Ngày 19.8, ông Tấn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề bán đồ ăn uống, cà phê, nước giải khác. 4 ngày sau, các nhân viên làm việc trong quán được cấp giấy chứng nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Đến ngày 4.9, ông Tấn nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và được bộ phận tiếp nhận của UBND huyện Bình Chánh trả kết quả vào ngày 29.9.

Trong lúc chờ giấy phép, ngày 10.9.2015, công an ập vào kiểm tra quán Xin Chào và lập biên bản hành chính với các lỗi: nơi chế biến có côn trùng độc hại, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến. Sau đó, công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Tấn về tội kinh doanh trái phép và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Quyết định khởi tố đã được Viện KSND huyện Bình Chánh phê chuẩn.

Theo dự kiến, ngày 28.4 thì TAND huyện Bình Chánh sẽ đưa ông Nguyễn Văn Tấn ra xét xử tội "kinh doanh trái phép". Tuy nhiên, khi nhiều tờ báo đồng loạt thông tin, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu kiểm tra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị dừng hình sự hóa sự việc thì TAND huyện Bình Chánh đã ra quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp yêu cầu điều tra bổ sung.

Đến sáng 24.4, ông Võ Gia Bình, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, thừa ủy quyền của Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh đã đến quán Xin Chào trao các quyết định minh định ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn vô tội.

Đó là các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tấn. Phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tấn, đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với ông từ ngày 23.4.

Vụ án chòi vịt

Ngày 25.4, ông Trần Kiến Xương - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Viện KSND TP.HCM, cho biết Viện trưởng Viện KSND TP.HCM đã yêu cầu Viện KSND huyện Bình Chánh báo cáo, cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan vụ án “chòi vịt”. Hiện phòng nghiệp vụ đang nghiên cứu và thẩm định hồ sơ vụ án. Cũng trong ngày 25.4, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM, đã yêu cầu Phòng Tham mưu và Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP kiểm tra hồ sơ, tài liệu chứng cứ vụ việc này. Các cơ quan này đã rút hồ sơ (lưu) để kiểm tra. Qua kiểm tra, Cơ quan CSĐT Công an TP xác định hành vi của ông Nguyễn Văn Bỉ không cấu thành tội phạm. Việc khởi tố, đề nghị truy tố ông Bỉ là không có căn cứ.

Từ đó, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an huyện Bình Chánh phải rút lại kết luận điều tra đề nghị truy tố ông Bỉ. Trách nhiệm của những cá nhân có liên quan sẽ được làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.  


Chòi chăn vịt của nông dân Nguyễn Văn Bỉ.

Cũng như vụ án quán Xin Chào, vụ án “quái dị” này cũng là sản phẩm của “bộ đôi hoàn hảo”: Đại tá Nguyễn Văn Quý - Viện phó Lê Thanh Tòng. Gần như song song về mặt thời gian, “nạn nhân” - chủ đất Nguyễn Văn Bỉ cũng bị cấp tập xử lý cùng với người thuê đất - ông Nguyễn Văn Tấn.

Theo kết luận điều tra do đại tá Nguyễn Văn Quý ký, để có được chứng cứ chứng minh ông Bỉ gây nguy hiểm cho xã hội, không chỉ có các cơ quan tố tụng ở Bình Chánh tham gia xử lý mà còn có sự góp sức tích cực của chính quyền địa phương, từ cấp thị trấn (Tân Túc) đến cấp huyện (Bình Chánh) và các phòng, ban liên quan. Theo hồ sơ, tháng 7.2015, ông Bỉ cất cái chòi nuôi gia cầm và chứa vật tư trồng cây, kết cấu cột cây, vách lá, mái lá.

Ngay lập tức, ngày 14.7, UBND thị trấn Tân Túc kiểm tra, một nhóm cán bộ đến chòi vịt lập biên bản vi phạm hành chính hành vi “xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà không có giấy phép”. Hồ sơ vi phạm của ông Bỉ ngay sau đó được chuyển về UBND huyện Bình Chánh. Trong vòng 7 ngày, UBND huyện ra ngay quyết định xử phạt, buộc ông Bỉ ra kho bạc nộp tiền (6,2 triệu đồng).

Không có chỗ chứa vật tư trồng cây, bầy ngỗng lại chạy tứ tung, nên ngày 17.11.2015, ông Bỉ dùng vật liệu cũ, dựng tạm cái chòi lá để nhốt ngỗng - cái chòi dựng chỉ trong vài giờ là xong.

Ngay lập tức, cán bộ của UBND thị trấn Tân Túc phát hiện, báo về cấp trên. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc - ông Ngô Công Minh tức tốc cho cán bộ lập ngay biên bản trong ngày, xác định ông Bỉ cất cái chòi ngỗng là hành vi “xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà không có giấy phép”.

Hồ sơ này, lại được chuyển ngay về cho huyện. Cũng trong vòng 7 ngày, huyện ra quyết định xử phạt nhưng lần này ông Bỉ không nộp tiền.

Ngay sau đó, Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Bình Chánh Phạm Quang Vinh đã phải ký giấy tờ, cử hai cán xuống tham gia xử lý vụ việc trên. Các cán bộ này tống đạt quyết định xử phạt nhưng ông Bỉ không nhận.

Chủ tịch thị trấn Ngô Công Minh xác định ông Bỉ là “chủ đầu tư” cái chòi vịt (từ dùng trong văn bản hẳn hoi), ông Bỉ lại không tự tháo dỡ nên chủ tịch Minh phải ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình chòi vịt.

Trong thời gian này, điều tra viên Lương Anh Tuấn - Công an huyện Bình Chánh nhiều lần mời ông Bỉ đến làm việc. Đến ngày 14.12.2015, Công an huyện Bình Chánh có Công văn gửi UBND huyện, đề nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bỉ để công an điều tra. Vài ngày sau, Phòng quản lý đô thị huyện cũng có tờ trình đề nghị tạm hoãn, để công an làm. Sau đó, Chủ tịch Bình Chánh Võ Văn Quận ký quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định phạt ông Bỉ. Ông Quận giao Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Chánh, trưởng phòng quản lý đô thị thi hành quyết định này.

Công an huyện phối hợp với UBND thị trấn Tân Túc đi kiểm tra hiện trường thì cái chòi đã tháo dỡ. Tại Cơ quan CSĐT, ông Bỉ khai nhận toàn bộ hành vi “phạm tội”.

Theo kết luận điều tra, hành vi của bị can Nguyễn Văn Bỉ gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung.

Trong khi ông Tấn đội đơn đi kêu cứu thì ông Bỉ lại rất lo sợ. Theo phân tích của cán bộ, tội trạng của ông rất nặng nên ông không dám kêu cứu. Ông có một trại hòm ở xã Hưng Long kề bên, nhưng từ ngày 19.1, ông bị đại tá Quý ký lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (thị trấn Tân Túc) nên công việc trại hòm bị ảnh hưởng.

Theo kiểm đếm của chúng tôi, chỉ riêng việc xử lý cái chòi vịt của ông Nguyễn Văn Bỉ, có 15 cơ quan ở TPHCM phải tham gia. Theo hồ sơ do UBND huyện Bình Chánh cung cấp, những cơ quan, đơn vị tham gia xử lý ông Bỉ gồm: UBND thị trấn Tân Túc; Đảng ủy thị trấn Tân Túc; Công an thị trấn Tân Túc; Phòng Quản lý Đô thị huyện Bình Chánh, UBND huyện; Văn phòng UBND huyện; Phòng TNMT; Phòng Tài chính Kế hoạch; Phòng Tư pháp; Đội Quản lý Trật tự đô thị; Kho bạc Nhà nước; Công an huyện, Viện KSND huyện; Công an TPHCM (Sau khi báo chí lên tiếng, Công an TPHCM nghiên cứu hồ sơ và nói không thể xử lý hình sự ông Bỉ); Viện KSND TPHCM (Do hồ sơ vụ án đang nằm ở giai đoạn truy tố, trách nhiệm thuộc về Viện KSND huyện Bình Chánh nên Viện KSND TPHCM rút hồ sơ xem xét). 



 “Ông lớn muốn mua đất của tôi!”

Có một câu chuyện, tưởng như không liên quan nhưng xâu chuỗi lại, rất có liên quan đến cái “tội” của hai công dân bị khởi tố. Đó là miếng đất rộng 3.700 m2 mà ông Bỉ mua cách đây hơn 10 năm. Ông Bỉ và gia đình sống nhiều đời ở khu vực thị trấn Tân Túc. Tiếng là thị trấn, nhưng nhà ông Bỉ lại ở vùng rìa nên đất đai, bìa chéo rất nhiều. Khi đất còn rẻ, ông lại mua thêm một miếng 3.700 m2 gần nhà. Đùng một cái, đường cao tốc đi ngang khu vực này, đất đai lên giá.

Lại đùng một cái, khu hành chính huyện Bình Chánh nằm ngay sát đất nhà ông Bỉ. Thậm chí, khi giải phóng mặt bằng xây trụ sở Công an huyện Bình Chánh, ông Bỉ bị giải tỏa một phần đất làm trụ sở công an, giá 200.000 đồng/m2. Đó là cái giá nhà nước. Thực tế thì sau khi các công sở mọc lên, phần đất của ông Bỉ trở thành đất vàng, đất bạc... “Suốt một năm ròng đổ đất san lấp mặt bằng trụ sở công an, họ mượn đất của tôi để làm đường chò xe ben chạy vào đổ đất” - ông Bỉ nói.

Trước khi ông Bỉ bị khởi tố, rất nhiều cò đất địa phương đến hỏi mua miếng đất mà ông đang nuôi vịt, ngỗng. “Có hơn chục cò đất đến đòi mua. Tôi có cơ sở mai táng, tiền bạc cũng không túng thiếu gì nên muốn giữ đất trồng cây, chăn nuôi gà vịt để có thức ăn sạch. Nhà tôi cũng đã có, nên tôi không cần tiền. Mua không được, các cò đất bảo đất này có “ông lớn” muốn mua. Tôi hỏi là ai thì các cò đất không nói. Đùng một cái, tôi bị địa phương phạt vạ, rồi công an khởi tố vì xây dựng trái phép, rồi cấm đi khỏi nơi cư trú. Tôi thực sự hoảng loạn. Họ kêu tôi phải ký nhận tội thì mới cho về, không thì nhốt ngay. Gia đình tôi là gia đình cách mạng, mẹ tôi là mẹ liệt sĩ, năm nay đã quá già yếu. Tôi không dám cho mẹ tôi biết nên nhận tội hết, dù không biết mình bị tội gì” - ông Bỉ nói.

Trao đổi với báo chí, đại tá Nguyễn Văn Quý cho biết, nhiều tờ báo và trang cá nhân trên mạng xã hội nói ông muốn mua đất, hay “triệt” ông Tấn để vợ ông bán căn tin trong Công an huyện là suy diễn ác ý. Căn tin của Công an huyện phải đấu thầu theo quy định của Công an TP. Việc đấu thầu cấp phó của ông Quý phụ trách. Mục đích của căn tin là phục vụ cho anh em cán bộ chiến sỹ. “Về thông tin tôi ép ông Tấn, ông Bỉ để mua đất thì càng vô lý. Đây là khu vực nằm trong hành lang 60 mét tính từ tim đường vào, cả quán cà phê của ông Tấn đều nằm trong khu vực giải toả trắng. Tôi là trưởng Công an huyện, nắm rõ quy hoạch trong tay, tôi mua đất đó để làm gì? Tôi là công an, không tin vào chuyện mê tín dị đoan, phong thuỷ, vì vậy nói về động cơ này cũng là không đúng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Bỉ cũng nói, đất ông cho thuê mở quán Xin Chào đúng là nằm trong lộ giới. Tuy nhiên, đất mà hơn chục cò đất lùng mua, không liên quan gì đến mảnh đất có quán Xin Chào. Miếng đất mà “ông lớn” muốn mua, là miếng đất diện tích 3.700m2, trên đó có cái chòi vịt bị xử lý hình sự.