17 avril 2016

Thỉnh nguyện thư kêu gọi Bộ Công an Việt Nam chấm dứt bạo lực với người dân


BỘ CÔNG AN: CHẤM DỨT BẠO LỰC VỚI NHÂN DÂN!

16-4-2016
Anh Phạm Thiện Minh Phong, một thanh niên bán hàng rong ở Saigon bị công an nắm áo lôi đi.
Anh Phạm Thiện Minh Phong, một thanh niên bán hàng rong ở Saigon bị công an nắm áo lôi đi. Ảnh cắt từ clip.
Kiến nghị Bộ Công an,
Tình hình an ninh XH bao nhiêu năm qua chưa có gì tiến triển tốt đẹp hơn song ngày càng xuất hiện các trường hợp tù nhân chết trong trại giam, người dân bị đối xử thô bạo do các Công an viên gây ra và các Công an viên ngày càng lạm dụng quyền lực mà không chú trọng đến trách nhiệm công việc của mình.

Để nhằm xử lý triệt để những hành vi bạo lực vô tội vạ đó, chúng tôi đề nghị:
– Yêu cầu chấm dứt dùng bạo lực với người dân
– Yêu cầu tử hình hoặc chung thân với các trường hợp công an giết người
– Yêu cầu điều tra làm rõ và xử lý thích đáng với các trường hợp tử vong trong đồn công an
– Yêu cầu sa thải lập tức đối với các trường hợp công an hà hiếp người dân
– Yêu cầu xử tù đối với các trường hợp công an đánh dân trọng thương
Chúng tôi không đòi hỏi 1 XH với phương châm ‘’lấy răng đền răng lấy mắt đền mắt’’ song, thiết nghĩ, nhân dân đã đổ bao xương máu vì nền Độc lập và mục tiêu tiến tới Công bằng, Dân chủ và Văn minh, vì thế chúng tôi yêu cầu nhà nước và cơ quan ban ngành liên quan phải xử lý sao cho đáp ứng được phương châm ‘’Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật’’, không ưu tiên cho người trong ngành để họ có cơ hội lạm dụng quyền hành và đối xử thô bạo với dân chúng.
Bằng thái độ ôn hòa nhưng dứt khoát, chúng ta hãy ký vào bản kiến nghị để thấy rằng công lý và pháp luật chưa bao giờ ngưng tồn tại ở đất nước này và công an chưa bao giờ ngưng lắng nghe tiếng nói người dân.
Cảm ơn,
Tiếng nói của những người dân Việt.
Mời bấm vào link này để ký tên.
____

Kiến nghị với Bộ công an

16-4-2016
Tình trạng một số công an trở thành những kẻ du côn ngang ngược ngày càng phổ biến. Nó không là hiện tượng đơn lẻ và có tính địa phương. Nó là một đại dịch, xảy ra gần như khắp vùng miền, kể cả hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Trong nhiều trường hợp, công an lại là những người chà đạp luật pháp hơn là thượng tôn pháp luật. Trong nhiều trường hợp, họ xem dân như kẻ thù và không hề “kính trọng lễ phép” như một trong những điều luật qui định đối với “công an nhân dân”.
Tại sao công an ngày càng khinh miệt và xem thường người dân? Có lẽ vì luật không nghiêm trị những công an đánh hoặc giết chết người. Một bức ảnh chụp công an Lê Minh Phát nở nụ cười với tâm trạng thoải mái khi bị còng ra tòa trong phiên xử mình – cùng “đồng bọn công an”, can tội đánh chết em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) – có thể khiến không ít người kinh rợn. Là công an lại gây tử vong đối với một nạn nhân thiếu niên nhưng Lê Minh Phát vẫn thản nhiên. Tại sao anh ta cười? Có phải anh ta biết rằng bản án dành cho mình chỉ là một bản án “lụi” nhằm trấn an dư luận? Hay vì anh ta biết có rất nhiều công an như mình đánh chết dân mà chưa ai bị tử hình hoặc chung thân?
Trong nhiều trường hợp, công an giết người dễ quá. Chỉ vì không đội nón bảo hiểm cũng có thể bị giết chết! Chương Mỹ, Quỳ Hợp, Mỹ Phước…, những địa danh đã được Google lưu lại với những nắm đấm in máu thi thể nạn nhân từ các vụ công an đánh chết người, những cái chết uẩn khuất trong đồn công an, những vụ “tự tử” kỳ lạ sau khi bị bắt, đã làm nặng thêm bộ hồ sơ đen đối với ngành công an. Gần như chưa bao giờ sự thực được phơi bày và ánh sáng công lý được phép rọi đến đối với những trường hợp này.
Báo Tiền Phong ngày 16-2-2016 cho biết, nạn nhân Nguyễn Văn Triển, sinh năm 1968, thuộc thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, bị công an bắt cách đây 11 năm vì “có khả năng biết về vụ trộm 2,2 tấn sắt”. Nhưng từ đó đến nay gia đình ông Triển đã không bao giờ thấy ông lần nữa, dù họ, hơn 10 năm nay, tìm kiếm ông từ Bắc xuống Nam! Ngày 30-3-2016, báo Pháp Luật TPHCM cho biết: khi bắt nghi can Nguyễn Hữu Thâu (tình nghi trộm sắt) về đồn, Lê Viết Hùng, công an xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, đã yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai. Rồi “khi viết đến bản tự khai thứ năm thì ông Thâu kêu đau đầu rồi gục mặt xuống bàn ngủ. Thấy vậy, Hùng tiếp tục túm tóc và tát vào mặt ông Thâu. Một lúc sau khi ông Thâu đang ngồi trên ghế thì tự ngã đập đầu xuống nền nhà, đến lần thứ ba, nghĩ ông Thâu say rượu nên Hùng và mọi người đã để ông Thâu nằm luôn dưới nền nhà. Đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu, bất tỉnh và tử vong”! Đã có bao nhiêu người “tự ngã chết trong đồn công an”?
Ngày 18-3-2013, một số người dân cung cấp báo chí băng ghi âm ghi lại cảnh nhóm cảnh sát 141 đánh nạn nhân Nghiêm Duy Hoàng (23 tuổi, quê huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Họ dùng gậy đập ngang mặt anh Hoàng khi anh này không đội mũ bảo hiểm. Một nhân chứng phụ nữ kể: “Nó (anh Hoàng) đi xe không đội mũ, có hai chiến sĩ tổ công tác 141 ra chặn, còn người chiến sĩ thứ ba cầm dùi cui vụt vào mặt anh Hoàng khiến anh nằm gục tại hiện trường. Người thứ hai, người thứ ba vụt, mấy người tranh nhau vụt gẫy cả cái dùi cui. Trên hiện trường có rất nhiều vết máu. Mọi người cứ tưởng nó (anh Hoàng) chết nên hô toáng hết cả lên”…
Từ việc mang súng vào trường hù dọa ban giám hiệu (Trần Vũ Khiêm, thiếu tá trưởng công an xã Ia Dơk, Đức Cơ), phun nước bọt vào dân (trung úy Nguyễn Văn Bắc, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội), đến hành động quật ngã một người bán rong (thượng sĩ Lương Việt Hà, phường 4, quận 6, Sài Gòn), hình ảnh “công an nhân dân” ngày càng bị bôi nhọ bởi chính những người mặc áo công an. Nếu không chấn chỉnh bộ máy công an nghiêm nhặt hơn, công an dưới mắt người dân sẽ trở thành thế lực đại diện cho bạo quyền. Hiển nhiên ngành công an không muốn như vậy. Nếu không mạnh tay hơn trong việc xử lý các trường hợp công an vi phạm “đạo đức công an nhân dân”, mà chỉ bằng “khiển trách”, người dân sẽ nghĩ rằng công lý đang nằm trong tay kẻ thế lực và pháp luật đang bị chà đạp và phỉ nhổ. Hơn 210.000 clip là kết quả với yêu cầu tìm kiếm “công an đánh dân” trên Youtube là con số quá khủng khiếp đối với một xã hội mà thượng tôn pháp luật luôn là điều được chính quyền nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Bằng thái độ ôn hòa nhưng dứt khoát, chúng ta hãy kiến nghị những điều sau:
– Yêu cầu công an chấm dứt dùng bạo lực đối với người dân
– Yêu cầu điều tra làm rõ và xử lý thích đáng đối với các trường hợp nghi can tử vong trong đồn công an
– Yêu cầu sa thải lập tức đối với các trường hợp công an hà hiếp người dân
– Yêu cầu xử tù đối với các trường hợp công an đánh dân trọng thương
– Yêu cầu truy tố và xử tử hình hoặc chung thân với các trường hợp công an cố tình giết chết người
Bằng thái độ ôn hòa nhưng dứt khoát, chúng ta hãy ký vào bản kiến nghị để thấy rằng công lý và pháp luật chưa bao giờ ngưng tồn tại ở đất nước này và công an chưa bao giờ ngưng lắng nghe tiếng nói người dân.