Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại
những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội thì khó hy vọng đại biểu có
chất lượng như cử tri mong muốn.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ, người dân đang thiếu thông tin để bầu Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân. ảnh: Ngọc Quang. |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS
Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ nhiều băn khoăn về công tác bầu cử
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Là một người dân,
Giáo sư quan tâm điều gì ở các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng
nhân dân?
GS.Nguyễn Minh
Thuyết: Ở góc độ người dân, tôi có rất ít thông tin về các ứng
cử viên. Đặc biệt là khi chúng ta bầu đại biểu dân cử 4 cấp cùng một lúc (Quốc
hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), danh sách ứng cử viên
tới hàng chục người, ứng cử vào nhiều cấp, trong khi thông tin chỉ có mấy dòng
lý lịch trích ngang thì người dân rất khó lựa chọn được chính xác.
Vừa qua, có một số vị tự ứng cử có sáng kiến đưa
chương trình hành động của mình lên mạng để vận động bầu cử. Nhưng hầu hết các
vị đó không qua được hội nghị cử tri nơi cư trú. Còn các vị khác, người dân
chưa có thông tin gì.
Các buổi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử sau hiệp
thương vòng 3 này hầu hết cử tri không được dự, do đó cũng sẽ không có thông
tin gì thêm.
Vấn đề lúc này là phải làm thế nào để cử tri có đủ
thông tin về ứng cử viên. Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức cho các ứng cử viên
đại biểu HĐND cấp tỉnh trở lên giới thiệu chương trình hành động, tranh luận,
thảo luận trên đài phát thanh, truyền hình trung ương hoặc đài phát thanh,
truyền hình cấp tỉnh để người dân đánh giá được năng lực và tâm huyết của các
ứng cử viên.
Còn ứng cử viên cấp huyện, cấp xã nên tăng cường số
lượng các buổi tiếp xúc cử tri, và cũng cần có tranh luận, thảo luận về các vấn
đề của địa phương, sao cho nhiều cử tri nắm được nhiều thông tin về ứng cử
viên, có đủ căn cứ để lựa chọn.
Cử tri mà không có đủ căn cứ đánh giá ứng cử viên thì
dễ bỏ phiếu theo cảm tính.
Qua sự kiện bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo
tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, tôi cũng thấy rằng việc sắp xếp thời gian tổ chức
Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội chưa hợp lý.
Theo tôi, nên tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội trước
khi tổ chức Đại hội Đảng. Trước khi bầu cử, Trung ương nên họp và thống nhất dự
kiến nhân sự giới thiệu sang Quốc hội để bầu và phê chuẩn vào chức danh lãnh
đạo các cơ quan nhà nước. Bầu đại biểu Quốc hội xong, Đảng tổ chức đại hội. Đại
hội Đảng kết thúc, Quốc hội mới được triệu tập ngay để xem xét công tác nhân
sự.
Làm như vậy thì chỉ cần một lần là hoàn tất công tác
nhân sự, khỏi cồng kềnh. Cách làm này có cái hay là tất cả nhân sự đã qua một
lần sàng lọc của nhân dân trên cơ sở định hướng của Trung ương.
Thưa Giáo sư, sau
các vòng hiệp thương, nhiều ý kiến cho rằng trong danh sách các đại biểu được
giới thiệu vẫn còn khá nhiều cán bộ thuộc các cơ quan hành pháp. Giáo sư có
bình luận gì về điều này?
GS.Nguyễn Minh
Thuyết: Theo tôi, số lượng đại biểu Quốc hội thuộc các cơ
quan hành pháp, tư pháp từ tỉnh đến trung ương vẫn còn nhiều quá. Tôi nghĩ rằng
Quốc hội là nơi đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì cần nghiên cứu, xem xét
lại tỷ lệ này sao cho phù hợp.
Đại biểu thuộc khối hành pháp ngay bố trí thời gian dự
đầy đủ các phiên họp của kỳ họp Quốc hội cũng đã khó, chứ chưa nói đến chuyện
họ phải làm tròn cả hai vai “cầu thủ” và “trọng tài”.
Để tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với
nhân dân, theo tôi, mỗi đơn vị bầu cử chỉ nên bầu một đại biểu.
Hiện nay, vì mỗi đơn vị bầu cử được bầu tới 3 đại
biểu, nên sau khi trúng cử, đại biểu này có thể dựa dẫm vào đại biểu kia, vắng
mặt trong một vài lần tiếp xúc cử tri hoặc chẳng nói được câu nào cho cử tri
cũng không sao.
Nếu mỗi đơn vị bầu cử chỉ có một đại biểu thì dứt
khoát đại biểu đó phải gắn bó mật thiết với nhân dân ở đơn vị ấy, phải tích cực
bày tỏ ý nguyện của cử tri với Quốc hội, qua đó người dân cũng dễ giám sát và
đánh giá được năng lực, đóng góp của đại biểu, để có căn cứ bỏ phiếu ở những kỳ
bầu cử tiếp theo.
Ở kỳ bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XIV có rất nhiều người tự ứng cử và có những trường hợp được
dư luận rộng rãi ủng hộ là ông Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó Tổng giám đốc Đài
truyền hình Việt Nam. Thế nhưng sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của TP Hà
Nội lại không có tên ông Tuấn trong danh sách bầu cử. Giáo sư có ý kiến gì về
việc này?
GS.Nguyễn Minh
Thuyết: Tôi rất ấn tượng về con số 95% người tự ứng cử ở Hà
Nội bị loại, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn.
Theo báo chí, giải thích lý do một số người ứng cử bị
loại khi biểu quyết, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho
rằng những người được đưa ra biểu quyết đều đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng
còn phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.
Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những
người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội như ông Trần Đăng Tuấn, để “chọn
đũa làm cột cờ” như vậy thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong
muốn.
Liên quan đến người tự ứng cử, vừa rồi có vị trong
đoàn giám sát công tác bầu cử ở Hà Nội đã đưa thông tin, hầu hết báo chí đều
đăng, là có tổ chức phản động đứng sau và cung cấp tiền cho một số người.
Tới nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội
đã khẳng định không có chuyện đó, và ý kiến đó cũng không phải của Hội đồng Bầu
cử Quốc gia, không phải của Tiểu ban An ninh - Quốc phòng, chỉ là “ý kiến cá
nhân”.
Thiết nghĩ, nếu đó chỉ là ý kiến trong một cuộc họp
kín, mang tính chất báo cáo để kiểm tra, xác minh thì không có vấn đề gì. Nhưng
khi đã đưa ra hội nghị công khai có cả sự tham dự của báo chí mà phát ngôn như
thế thì rất thiếu trách nhiệm.
Vậy bây giờ không có chuyện tổ chức phản động đứng sau
và cung cấp tiền cho một số người tự ứng cử thì xử lý trách nhiệm của người đã
phát ra thông tin ấy như thế nào? Dân người ta tinh lắm, chứ không phải thích
nói thế nào thì nói.
Trân trọng cảm ơn
Giáo sư!
Ngọc
Quang (Thực hiện)
Nguồn: Theo GDVN