Chỉ số hiệu quả quản
trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Chương trình Phát triển
Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam và một số tổ chức trong nước công bố đầu
tuần này cho những kết quả đáng lo ngại sau khi thu thập ý kiến đánh giá của
gần 14.000 người dân cả nước trong năm 2015.
Kết quả phân tích dữ
liệu PAPI năm 2015 và so sánh qua các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành
chính công ở Việt Nam có xu hướng suy giảm đáng kể. Đặc biệt, điểm chỉ số nội
dung “Công khai, minh bạch” và “Kiểm soát tham nhũng” giảm mạnh. Bên cạnh đó,
điểm chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” giảm nhẹ so với những năm trước.
Riêng chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” tiếp tục tăng nhẹ qua các năm.
Mức giảm điểm đáng chú
ý nhất là ở chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”, với kết quả năm 2015 giảm
hơn 7% so với năm trước. Báo cáo cho biết, trong số 63 tỉnh, thành phố, 11 địa
phương có mức tiến bộ về điểm trên 5% khi so sánh kết quả 2015 với năm 2011.
Trong khi đó điểm số của 17 tỉnh, thành phố giảm đáng kể sau năm năm. Các tỉnh,
thành phố đạt điểm cao chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Lai Châu,
Bạc Liêu và Kiên Giang thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất từ năm 2011.
Kết quả khảo sát PAPI
năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình hình tham nhũng ở
Việt Nam.
Kết quả khảo sát PAPI
năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình hình tham nhũng ở
Việt Nam. Chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm 3%
điểm so với năm 2014. Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường tiểu học công
lập và trong dịch vụ hành chính công về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều
cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “chung chi”, “bồi dưỡng thêm” để
nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.
Người trả lời trên
phạm vi toàn quốc cũng cho rằng tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính
quyền địa phương hiện rất phổ biến. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy động
lực và quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong giới chức và người dân có xu
hướng giảm dần. Tham nhũng là một trong ba nhóm vấn đề người dân quan ngại nhất
trong năm 2015, bên cạnh mối lo lắng về điều kiện kinh tế (như nghèo đói, việc
làm và thu nhập) và giao thông, đường sá (phục vụ đi lại, giao thương).
Báo cáo cho biết, năm
2015, trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, có tới 11 địa phương ở
miền Nam và bốn địa phương miền Trung. Long An và Sóc Trăng là hai tỉnh trong
nhóm đạt điểm cao nhất từ 2011-2015. Tuy nhiên, điểm của Bình Dương lại giảm
đến 30% so với năm 2011. Hà Nội luôn ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong năm
năm liên tục.
Hiệu quả huy động
người dân tham gia vào đời sống chính trị ở cơ sở và xây dựng chính sách, pháp
luật cũng là vấn đề đáng quan tâm. Kết quả khảo sát năm 2015 và qua các năm cho
thấy, cơ hội tham gia của người dân vào đời sống chính trị tiếp tục giảm. Cuộc
bầu cử năm 2016 sẽ là cơ hội để đánh giá mức độ tham gia bầu cử trực tiếp của
người dân, và kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ trong báo cáo PAPI năm 2016.
Về vấn đề tham gia xây
dựng chính sách, pháp luật của người dân, trên phạm vi toàn quốc, chỉ có 13% số
người được hỏi cho biết họ đã tham gia quá trình lấy ý kiến về các dự thảo văn
bản pháp luật cấp quốc gia và địa phương. Phần lớn những người được mời tham
gia là nam giới, đảng viên, thành viên các tổ chức đoàn thể hoặc những người có
trình độ học vấn cao.
Đề xuất chính sách
Với nhiều quy định
chặt chẽ hơn về công khai, minh bạch trong Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013, các
cấp chính quyền cần thực hiện nghiêm túc việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất và khung giá đất ở địa phương, đồng thời đảm bảo công bằng trong đền
bù thu hồi đất cho tất cả các nhóm dân cư. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thấu đáo
tại sao các nhóm dân tộc thiểu số phản ánh việc họ nhận được bồi thường thu hồi
đất thấp hơn so với người Kinh, hoặc không nhận được bồi thường.
Việt Nam cần đẩy mạnh
nỗ lực chống tham nhũng. Mặc dù ý chí chính trị trong việc đẩy lùi tham nhũng
được thể hiện rõ ở cấp trung ương, song kết quả khảo sát PAPI năm 2015 cho thấy
tham nhũng còn rất phổ biến và có xu hướng gia tăng. Cần có kế hoạch hành động
cụ thể trong phòng, chống tham nhũng bên cạnh các cơ chế khuyến khích cán bộ,
công chức, viên chức và người dân tham gia ngăn ngừa và tố giác tham nhũng ở
tất cả các cấp.
Tư Giang, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online