19 avril 2016

Chiến đấu cơ Trung Quốc hạ cánh công khai xuống Đá Chữ Thập


VOA



Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc hoàn tất xây đường băng dài 3.000 mét trên đá Chữ Thập.


Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc PLA Dailyhôm 18/4 đưa tin một phi cơ quân sự Trung Quốc đã hạ cánh công khai lần đầu tiên hôm 17/4 trên đá Chữ Thập có tranh chấp, làm gia tăng quan ngại là Bắc Kinh có thể bố trí các chiến đấu cơ ở đó.

Theo bài báo của PLA Daily, phi cơ kể trên đang tuần tiễu phía trên đá Chữ Thập thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp đề nghị chuyển đi 3 công nhân bị ốm.
Đường băng dài 900 mét trên đá Chữ Thập là một trong 3 cơ sở phục vụ phi cơ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc đã xây các đường băng này bất chấp những phản đối từ Việt Nam, một số nước trong khu vực và Mỹ.
Biển Đông là nơi diễn ra tranh chấp chủ quyền gay gắt chủ yếu giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Các bên khác gồm Brunei, Malaysia, và Taiwan cũng tuyên bố chủ quyền về một vài phần của vùng biển.
Trước đây, Trung Quốc đã tiến hành các thử nghiệm bằng phi cơ dân sự với đường băng trên đá Chữ Thập sau khi hoàn thành xây dựng hồi tháng 1 năm nay.
Một chuyên gia quân sự kiêm chủ biên tạp chí Kiến thức Hàng không Vũ trụ được tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời nói rằng việc phi cơ tuần tiễu Y-8 hạ cánh đã chứng minh rằng đường băng đã sẵn sàng phục vụ quân sự.
Theo hãng tin Reuters, các đường băng của Trung Quốc ở Trường Sa có thể tiếp nhận các phi cơ vận tải và oanh tạc cơ tầm xa, cũng như các chiến đấu cơ tốt nhất của nước này.
Cách đây 4 ngày, sau khi Trung Quốc điều các chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói với báo chí rằng "Việt Nam kiên quyết phản đối” và “mạnh mẽ yêu cầu” Trung Quốc đưa các máy bay ra khỏi khu vực.

Mỹ phản đối chiến đấu cơ Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Chữ Thập


Việc Trung Quốc cho phi cơ quân sự hạ cánh xuống một đảo nhân tạo ở Biển Đông có nhiều tranh chấp đã dẫn đến phản đối của Mỹ hôm 18/4.
Trong một tuyên bố với đài CNN, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Đại úy Jeff Davis nói: “Chúng tôi biết một phi cơ quân sự Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Chữ Thập hôm 17/4 mà Trung Quốc mô tả là một hoạt động nhân đạo để sơ tán 3 công nhân bị ốm. Không rõ vì sao Trung Quốc lại sử dụng một phi cơ quân sự thay vì phi cơ dân sự”.
Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 19/4 bác bỏ những chất vấn của quân đội Mỹ về lý do Trung Quốc sử dụng phi cơ quân sự cho việc sơ tán các công nhân bị ốm. Trong một tuyên bố, bộ này nói rằng truyền thống của quân đội Trung Quốc là giúp đỡ những người có nhu cầu như một phần trong cam kết “hết lòng phục vụ nhân dân”.
Tuyên bố nói thêm: “Trái ngược lại, phía Mỹ lại bày tỏ sự ngờ vực về đó là phi cơ quân sự hay dân sự vào lúc mạng sống của người khác gặp nguy hiểm. Chúng tôi không thể không hỏi: Nếu một công dân Mỹ bị ốm trên đất Mỹ, liệu quân đội Mỹ có khoanh tay đứng nhìn hay không?”
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói nước này có chủ quyền không tranh cãi về quần đảo Trường Sa và Mỹ không có quyền bình luận về hoạt động xây dựng và các cơ sở phòng thủ ở đó.
Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Hoạt động của Trung Quốc ở các vùng có tranh chấp ở Biển Đông, kể cả việc hút cát xây đảo ở Trường Sa, đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền, nhất là Việt Nam và Philippines, cũng như Mỹ.
Mỹ đã nhiều lần chỉ trích việc xây đảo và lo ngại Trung Quốc có kế hoạch sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Cùng với Mỹ, Việt Nam và Philippines sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các đảo để phô trương sức mạnh quân sự và làm lệch cán cân sức mạnh hơn nữa tính từ các bờ biển của họ.
Trong tuyên bố với đài CNN, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Davis nói: “Chúng tôi thúc giục Trung Quốc tái khẳng định họ không có kế hoạch triển khai hoặc luân phiên bố trí phi cơ quân sự tại các tiền đồn ở Trường Sa, phù hợp với những cam kết trước đây của Trung Quốc”.
Theo Reuters, CNN.