Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. |
Tuy phía Hoa Kỳ từng nói rằng Hoa Kỳ đang cần đến Việt Nam không kém gì
Việt Nam cần đến Hoa Kỳ, nhưng thật ra Hoa Kỳ là đại cường quốc số một của thế
giới, còn vấn đề Việt Nam chỉ là một vấn đề khu vực, địa phương, ở xa Hoa Kỳ
đến nửa vòng quả đất. Trong khi đó mối quan hệ Việt - Mỹ gắn bó ra sao, đến mức
nào sẽ có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước, của nhân dân Việt Nam
trong một thời gian lâu dài do chính sách bành trướng không che dấu của nước
Trung Hoa cộng sản láng giềng. Bắc Kinh đã và đang tiến hành những bước xâm
lược công khai rõ ràng: lấn đất, lấn biển, xây dựng các đảo nhân tạo thành hệ
thống căn cứ quân sự ngày càng lớn,có doanh trại, sân bay quân sự, dàn ra đa,
đèn biển, trận địa tên lửa; hiện đã có 16 máy bay quân sự lên xuống, ngay trước
cửa ngõ nước ta.
Phía Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc thắt chặt quan hệ chiến lược toàn diện
lâu bền với Việt Nam, với niềm tin cậy lẫn nhau bền chặt, và đã tỏ rõ điều đó
bằng nhiều hành động mang thiện chí rõ rệt. Việc tìm kiếm người mất tích của
hai bên, việc dò phá mìn, chữa chạy người bị chất da cam, đầu tư chính thức
mang tính viện trợ ODA và đầu tư phát triển FDI đều gia tăng, quan hệ về giáo
dục qua quỹ Fulbright tăng mạnh, việc bán vũ khí sát thương được nới rộng, Hoa
Kỳ giúp cho Việt Nam xây dựng lực lượng tuần tra ven biển, việc tàu chiến Mỹ
vào thăm cảng Cam Ranh... là những bước tiến đáng khích lệ trong quan hệ Việt -
Mỹ.
Ba đời tổng thống Hoa Kỳ đã và sẽ đến Việt Nam để đích thân kết tình bạn
mới vì lợi ích mỗi nước, lợi ích của khu vực và thế giới. Lần này sẽ có thể là
một bước phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Phía Hoa Kỳ đã tỏ rõ thiện chí bằng
hành động.
Để chuẩn bị cho cuộc đi thăm của Tổng thống Obama vào cuối tháng 5, ngay từ
cuối tháng 4, Thứ trưởng Ngọai giao Antony Blinken đã có mặt ở Hà Nội. Gần một
năm nay có hàng chục đoàn cấp cao Mỹ gồm các dân biểu, thượng nghị sỹ, bộ
trưởng, thứ trưởng quốc phòng, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc tư lệnh
hành quân Thủy quân lục chiến, bộ trưởng, thứ trưởng ngoại giao, thương mại, an
ninh, giáo dục đại học, ngân hàng, doanh nhân đủ loại...đã đến Việt Nam.
Ngày 25/4 này lại có cuộc họp lần thứ 20 về Nhân quyền giữa hai nước tại
thủ đô Washington; đây cũng là một bước chuẩn bị quan trọng cho chuyến đi thăm
Việt Nam của Tổng thống Obama đã đến gần. Tổng thống Obama từng nhiều lần nói
rõ dân chủ và nhân quyền là những giá trị cao quý nền tảng của Hoa Kỳ mà
Washington không bao giờ có thể nhân nhượng. Đây là lời nhắn nhủ chân thành
nhất có tính nguyên tắc từ phía Hoa Kỳ.
Rất mong các vị trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương, các đại
biểu Quốc hội cũ và mới, các nhà lý luận chính trị, các cán bộ ngoại giao…cần
nhận rõ trách nhiệm nặng nề của Việt Nam, hiện là thành viên của Ủy ban Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc, và tại đây chỉ chấp nhận một quan điểm dân chủ và nhân
quyền chung cho cộng đồng quốc tế, tuyệt đối không mảy may chấp nhận nền dân
chủ đặc thù, riêng biệt cho một nước, một khu vực hay một nền văn hóa đặc trưng
nào khác cả. Loài người về bản chất là hoàn toàn thống nhất trong quan niệm về
dân chủ và nhân quyền.
Thật đáng tiếc là cuối tháng 5, khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, tuy Quốc
hội mới đã bầu xong nhưng chưa ra mắt kịp.
Có thể chăng, lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội Việt Nam tỏ thiện chí, đặc cách
triệu tập ngay các đại biểu mới về thủ đô cuối tháng 5, để tham dự đón tiếp vị
Khách đặc biệt trong một buổi mít tinh lớn ngay trước Phủ Chủ tịch. Đây có thể
coi là bước đột phá lịch sử thứ hai : dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đi
vào thực hiện trọn vẹn cuộc cách mạng dân chủ, khai sáng ra Kỷ nguyên Dân chủ,
chính thức hội nhập trọn vẹn vào thế giới dân chủ văn minh của thời đại.
Mong rằng các nhà lãnh đạo mới thức tỉnh, thấy rõ lòng dân, lắng nghe trực
tiếp tiếng nói của Người đứng đầu thế giới Dân chủ Văn minh, nhận thức thấu đáo
những lời tâm huyết của bạn bè dân chủ khắp năm châu. Mong rằng Bộ Chính trị
nghe lại ba bài phát biểu tâm huyết của các đại biểu Võ Thị Dung, Lê Văn Lai và
Trương Trọng Nghĩa trong phiên họp cuối, nhận rõ ai là bạn ai là thù của nhân
dân và dân tộc Việt Nam lúc này, coi như đó chính là lời tâm huyết của nhân
dân. Cả Bộ Chính trị nên thành tâm khuyên bảo, thuyết phục nhau, từ Tổng Bí thư
cũ nhưng mà mới, Chủ tịch nước mới, Thủ tướng mới, đến bà Chủ tịch Quốc hội
mới, chung ý chung lòng với nhân dân, đổi mới cả chính sách trong nước và ngoài
nước, để cả nước mở Đại hội Dân tộc đầu Xuân 2016, có thể mang tên Hội nghị
Diên Hồng Việt Nam Thế kỷ XXI.
Bùi Tín