30 avril 2016

Hà Tĩnh tự ý cấp phép cho Formosa 70 năm


Mặc dù chưa được sự đồng ý của chính phủ, Hà Tĩnh đã vội cấp phép cho Formosa thuê 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt biển (cảng Sơn Dương) với cái giá rẻ mạt khoảng hơn 96 tỉ đồng trong thời hạn 70 năm.

Công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện tại khu liên hợp gang thép của tập đoàn Formosa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn


Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý.

Dự án Formosa là tổ hợp dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW, trong đó quy mô nhà máy thép giai đoạn 1 đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm.

Formosa đã cam kết sẽ huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 3 lò cao với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm, có 13 cầu cảng đi vào hoạt động và năm 2017 sẽ hoàn chỉnh 32 cầu cảng, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất khẩu thành phẩm của nhà máy gang thép này. 

Dự án có tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt biển (cảng Sơn Dương), tổng số tiền cho thuê đất, mặt nước trong thời gian 70 năm là khoảng hơn 96 tỉ đồng. Để phục vụ cho dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, với gần 3.000 hộ thuộc 9 xã của huyện Kỳ Anh. 

Tính đến tháng 12.2014, có tổng cộng khoảng 40.000 lao động đang làm việc tại dự án Formosa, trong đó có gần 7.000 người nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tạm trú, chủ yếu là lao động Trung Quốc với 5.659 người. 

Cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý
Đó là một trong những nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án tại Hà Tĩnh vào chiều 25.3. 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư, đã được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra, ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là không phù hợp. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo giải trình Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. 

Dự án có nhiều vướng mắc

Ngày 4.6.2014, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có văn bản gửi Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) về việc xin cấp phép xây dựng miếu thờ trong Khu kinh tế Vũng Áng. Công ty FHS quy hoạch xây dựng miếu thờ ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính và phía trước bên phải khu nhà 9 tầng. Diện tích miếu thờ khoảng 18 m2; chiều rộng 3,6 m; chiều dài 5,1 m; cao 4,5 m. Dù chưa được phép nhưng FHS vẫn ngang nhiên tiến hành xây dựng.

 


Miếu thờ mà FHS xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Vũng Áng – Ảnh: Nguyên Dũng


 
Đến ngày 19.7.2014, ông Trần Đình Thuyên, Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, Tỉnh ủy Hà Tĩnh có chỉ đạo về việc dừng xây miếu thờ trái phép trong dự án Formosa. 

Ngày 27.7.2014, một nhóm công nhân của Công ty V.N.C.N đang xây dựng hạng mục nhà máy nước tại Dự án Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì xảy ra vụ sập giàn giáo nghiêm trọng. Vụ tai nạn khiến 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng. 

Ngày 29.7.2014, Công ty Formosa Hà Tĩnh có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chấp thuận cho phép các nhà thầu của 28 gói thầu sử dụng 8.426 lao động nước ngoài. 

Ngày 5.9.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản về việc tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc tại 9 gói thầu thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh theo đề xuất của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Tại văn bản gửi Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã đồng ý về nguyên tắc cho phép 9 nhà thầu thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh tuyển dụng 2.976 lao động nước ngoài vào làm việc theo như đề xuất của Công ty Formosa. 

Ngày 20.10.2014, liên quan đến đề xuất xin thành lập đội tàu chạy các tuyến đường thủy nội địa của Công ty gang thép Formosa, Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết dự kiến cùng ngày, Bộ GTVT có văn bản trả lời Formosa, trên tinh thần không chấp nhận cơ chế riêng với bất kỳ doanh nghiệp nào. 

Formosa còn thiếu gần 200 tỉ đồng tiền thuế 

Về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí xả nước thải, đến thời điểm kết thúc thanh tra trực tiếp tại địa phương, Công ty Formosa chưa kê khai và chưa nộp gần 137 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên vào ngân sách nhà nước; phí bảo vệ môi trường còn thiếu 53,89 tỉ đồng chưa nộp ngân sách so với số phát sinh đến ngày 31-3-2013. Việc chậm thu thuế và thu chưa đủ phí này là không đúng quy định. 

Cũng tại dự án của Công ty Formosa ở huyện Kỳ Anh, việc xác định tiền thuê đất còn chưa chính xác. Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ký cam kết cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký hợp đồng thuê đất có nội dung miễn tiền thuê đất 15 năm cho Công ty Formosa. Công ty này đã thuê hơn 33 triệu m2 đất, mặt nước với giá tiền thuê đất 80 đồng/m2/năm và tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2/năm. 

UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo công ty đã nộp tiền thuê đất nhưng căn cứ theo quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và theo giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng thuê đất… thì số tiền phải thu thêm thấp nhất là hơn 46 tỉ đồng… 

Ngoài những sai phạm xảy ra liên quan đến dự án của Formosa, Thanh tra Chính phủ cũng xác định Hà Tĩnh còn nhiều sai phạm, khuyết điểm trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện tổng số tiền sai phạm hơn 493 tỉ đồng. 

Từ những kết quả được chỉ ra sau cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác này; kiểm điểm nghiêm túc tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm, khuyết điểm được nêu ra; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vụ lợi cá nhân chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. 

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch – đầu tư xem xét, xử lý việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định; giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tính toán lại tiền thuê đất, thuê mặt nước tại dự án Formosa…/.
 
HT tổng hợp