Trần Minh Khôi biên soạn
(Tôi ghi lại đây những vấn đề được đặt ra thường xuyên trong các buổi
thuyết trình “Một khái niệm về xã hội dân sự” như một tham khảo cho những thảo
luận kế tiếp. Cho đến thời điểm này, phần lớn những cố gắng vận động dân chủ
hóa đất nước là đặt trên nền tảng của vận động chính trị và vận động xã hội vẫn
chưa được quan tâm đúng mức với tầm quan trọng của nó trong tiến trình phát
triển quốc gia.)
Phần I: Những khái niệm cơ sở của vận động xã hội
1. Vận động xã hội là gì?
Vận động xã hội là vận động các tầng lớp người dân trong xã hội hướng đến
việc xây dựng một xã hội dân sự trưởng thành.
2. Vận động xã hội khác vận động chính trị như thế nào?
Vận động xã hội khác vận động chính trị về đối tượng vận động: đối tượng
của vận động xã hội là các tầng lớp công dân và các định chế xã hội; đối tượng
của vận động chính trị là chính quyền, chính khách, và các định chế quyền lực.
Vận động xã hội chú trọng đến sự thăng tiến của đời sống công dân; vận động
chính trị chú trọng đến sự thăng tiến của các định chế chính trị, bao gồm các
đảng chính trị và chính khách.
3. Xã hội dân sự là gì?
Xã hội dân sự là tập hợp tất cả những cá nhân và tổ chức dân sự đứng ngoài
các định chế quyền lực, các định chế kinh tế, các đảng phái chính trị, các tổ
chức phục vụ cho các đảng chính trị và hoạt động kinh tế. Nói cách khác, xã hội
dân sự là phần còn lại của đời sống quốc gia bên ngoài xã hội chính trị và xã
hội kinh tế. Mục đích của vận động xã hội là thúc đẩy sự lớn mạnh của xã hội
dân sự để nó tự giải phóng nó ra khỏi sự thao túng của xã hội chính trị và xã
hội kinh tế.
4. Xã hội dân sự có quan hệ thế nào với tiến trình phát triển quốc gia?
Không phải là sự phát triển của xã hội kinh tế (kinh tế thị trường, v.v...)
hay sự phát triển của xã hội chính trị (dân chủ hóa, v.v...) mà sự phát triển
của xã hội dân sự mới chính là sự phát triển quốc gia. Trong dài hạn, sự phát
triển của xã hội dân sự còn thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội chính trị và xã hội
kinh tế theo hướng lấy con người làm trung tâm.
Có thể nói ngắn gọn, từ kinh nghiệm phát triển của thế giới, một quốc gia
không thể phát triển, ngay cả khi quốc gia đó có nền kinh tế thị trường và có
thể chế chính trị dân chủ, cho đến khi xã hội dân sự phát triển.
5. Phạm vi của xã hội dân sự bao gồm những lãnh vực nào?
Phạm vi của xã hội dân sự bao gồm các lãnh vực xã hội như giáo dục, tôn
giáo, các lãnh vực của hoạt động văn hóa, hoạt động nghề nghiệp, v.v... Những
gì xã hội dân sự có thể làm được thì xã hội chính trị (nhà nước) không làm.
Cùng lúc với sự lớn mạnh của nó, xã hội dân sự sẽ giành lại cho nó những hoạt
động mà trước nay xã hội chính trị đã thao túng và tước đoạt.
6. Trách nhiệm của xã hội dân sự là gì?
Xã hội dân sự có hai trách nhiệm chính: 1) Tạo không gian xã hội lành mạnh
để phát triển con người, và 2) Giám sát xã hội chính trị (quyền lực nhà nước)
và xã hội kinh tế (quyền lực kinh tế và thị trường).
Con người chỉ có thể phát triển toàn diện, vươn lên với khả năng và ý chí
của họ để làm chủ cuộc sống của họ, trong một không gian dân sự lành mạnh,
không bị khuynh loát bởi xã hội chính trị và xã hội kinh tế.
Ngay cả trong một quốc gia dân chủ, với các định chế phân quyền và giám
sát, việc giám sát quyền lực thực sự vẫn do xã hội dân sự đảm trách bằng sức ép
lên các chính khách. Không có sức ép của xã hội dân sự, xã hội chính trị tự nó
không có khả năng giám sát quyền lực.
7. Điều kiện cần của tiến trình xây dựng xã hội dân sự là gì?
Hai điều kiện cần để công cuộc xây dựng xã hội dân sự được tiến hành: 1)
Hành lang pháp lý, và 2) Năng động dân sự. Hành lang pháp lý cho việc xây dựng
xã hội dân sự bao gồm các luật liên quan đến tự do lập hội, tự do ngôn luận, và
tự do báo chí. Nhà nước có trách nhiệm thiết lập hàng lang pháp lý này. Sự năng
động dân sự của công dân bao gồm: ý thức tự tổ chức xã hội; ý thức không trông
chờ vào quyền lực nhà nước để giải quyết những vấn đề của mình; sáng kiến và ý
chí dân sự; vận động xây dựng hành lang pháp lý.
Thiếu một trong hai điều kiện cần này thì xã hội dân sự sẽ không phát triển
được.
8. Thử thách của công cuộc xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay là
gì?
Có bốn thử thách lớn: 1) Nhà nước vẫn thô bạo trong quyết tâm đè bẹp xã hội
dân sự; 2) Chưa có hành lang pháp lý (luật hội đoàn, tự do ngôn luận và tự do
báo chí); 3) Năng động dân sự ở các tầng lớp công dân còn yếu; và 4) Kỹ năng
xây dựng, vận hành, và quản lý tổ chức dân sự ở các tầng lớp công dân còn yếu.
Vận động xã hội chú trọng vào hai thử thách 3) và 4), hướng đến việc nâng
cao năng động dân sự và kỹ năng xây dựng, vận hành, và quản lý tổ chức dân sự ở
công dân. Cùng lúc, vận động xã hội tạo sức ép lên xã hội chính trị để làm giảm
sự thô bạo của quyền lực nhà nước đối với xã hội dân sự và thiết lập hành lang
pháp lý cho xã hội dân sự.
9. Xã hội dân sự đóng vai trò nào trong một cuộc chuyển tiếp dân chủ?
Các quốc gia chuyển tiếp dân chủ trong bạo loạn có một đặc điểm chung: các
quốc gia này không có một xã hội dân sự vững mạnh. Ngược lại, các quốc gia chuyển
tiếp dân chủ trong ôn hòa luôn có một xã hội dân sự vững mạnh. Một xã hội dân
sự vững mạnh là điều kiện cần cho một cuộc chuyển tiếp dân chủ trong ôn hòa.
Một xã hội dân sự như thế đóng vai trò giám sát quyền lực và giữ ổn định xã hội
trong tiến trình chuyển tiếp quyền lực từ độc tài sang dân chủ.
Một mạng lưới những nhà lãnh đạo dân sự - bao gồm lãnh đạo các tổ chức tôn
giáo, lãnh đạo các tổ chức văn hóa, tổ chức giáo dục, lãnh đạo các cộng đồng
văn hóa-lịch sử - đồng thuận vì sự ổn định xã hội có khả năng ngăn chặn nguy cơ
bạo loạn từ bùng nổ xã hội do tình trạng bất công dồn nén và sự rạn nứt định
chế toàn trị gây ra. Tập hợp những nhà lãnh đạo dân sự này có trách nhiệm cảnh
giác với sự thao túng của các đảng chính trị và của các thế lực bên ngoài. Vận
động xã hội, do đó, tác động tích cực lên tiến trình chuyển tiếp dân chủ.
10. Những loại hình tổ chức nào thuộc về không gian xã hội dân sự?
Những tổ chức của xã hội dân sự, hay còn gọi là tổ chức dân sự, là những tổ
chức phi lợi nhuận, ở bên ngoài và độc lập với xã hội chính trị và xã hội kinh
tế, như:
• Các tổ chức tín ngưỡng và tôn giáo
• Các tổ chức vận động cho sự phát triển toàn diện của con người
• Các tổ chức bảo vệ và phát triển văn hóa
• Các tổ chức bảo vệ môi trường
• Các tổ chức phúc lợi xã hội
• Các tổ chức từ thiện
• Các tổ chức giáo dục tư thục
• Các tổ chức nghiên cứu độc lập
• Các tổ chức nghề nghiệp không có mục tiêu lợi nhuận
• Công đoàn, hợp tác xã, và các nhóm tương trợ
11. Nguồn tài chính và nhân sự của tác tổ chức dân sự đến từ đâu?
Nguồn tài chính của các tổ chức dân sự đến từ các quỹ phát triển xã hội của
các tổ chức kinh tế, các tổ chức quốc tế, của nhà nước, và sự đóng góp của
những cá nhân quan tâm đến phát triển xã hội. Tinh thần thiện nguyện là nền
tảng của một quốc gia phát triển. Nguồn nhân sự của các tổ chức dân sự dựa trên
tinh thần thiện nguyện.
12. Hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò nào trong việc phát triển xã hội
dân sự?
Hợp tác xã nông nghiệp, như một môi trường sinh hoạt dân chủ, là tổ chức
dân sự quan trọng nhất ở nông thôn. 67% dân số Việt Nam sống ở ngoài đô thị
(thống kê năm 2014). Xã hội dân sự Việt Nam chỉ có thể thật sự vững mạnh khi xã
hội dân sự ở nông thôn vững mạnh. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở nông
thôn, do đó, thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.
Hợp tác xã, do đó, đóng một vai trò then chốt trong tiến trình chuyển tiếp
dân chủ ôn hòa và phát triển quốc gia.
Hành lang pháp lý của hoạt động hợp tác xã đã được thiết lập bằng Luật Hợp
tác xã 2012, một văn bản luật được coi là tiến bộ nhất trong hệ thống luật pháp
Việt Nam hiện nay.
13. Hướng tiếp cận của vận động xã hội trong việc phát triển hợp tác xã là
gì?
Trước hết cần phải tháo gỡ di sản tinh thần của sự thất bại của hợp tác xã
nông nghiệp ở Việt Nam thời kinh tế tập trung. Hợp tác xã theo mô hình mới là
một tổ chức tự nguyện của người nông dân, ngư dân, buôn bán nhỏ.
Nhận diện một hay vài vấn đề cụ thể của sinh hoạt kinh tế mà hợp tác xã có
thể giải quyết như giá cả, nguồn vốn, tiếp thị, nguồn đất đai, v.v… để xúc tiến
việc vận động thành lập hợp tác xã.
Tìm những giải pháp cho các vấn đề này trên cơ sở hoạt động của một hợp tác
xã.
Không nóng vội trong tiến trình vận động thành lập hợp tác xã. Quy mô tổ
chức phải phù hợp với nhận thức tổ chức. Quy mô tăng theo nhận thức. Kỹ năng
quản lý tăng theo quy mô tổ chức.
14. Công đoàn đóng vai trò nào trong việc phát triển xã hội dân sự?
Hiên nay có hàng triệu người di chuyển từ các vùng nông thôn lên tạm trú và
làm việc ở các khu công nghiệp ven đô thị. Cũng như hợp tác xã ở nông thôn,
công đoàn là tổ chức dân sự quan trọng nhất ở các khu công nghiệp này.
Công đoàn thực hiện hai chức năng chính: 1) Thương lượng tập thể về quyền
lợi, và 2) Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động.
Do tình trạng bất công về lương và điều kiện lao động tồi tệ kéo dài, nguy
cơ bùng nổ xã hội ở các khu công nghiệp rất cao. Kinh nghiệm cho thấy, quyền
lực nhà nước (công an, quân đội) chỉ có khả năng dập tắt chứ không có khả năng
ngăn chặn bùng nổ xã hội. Chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập mới có khả năng
kiềm chế và ngăn chặn sự bùng nổ xã hội không thể tránh khỏi này.
Công đoàn độc lập, do đó, đóng một vai trò quan trọng trong một cuộc chuyển
tiếp dân chủ ôn hòa.
15. Triển vọng phát triển công đoàn ở Việt Nam như thế nào?
Ở thời điểm này (2016), công đoàn là tổ chức thuộc bộ máy nhà nước. Do đó,
nó không thuộc xã hội dân sự.
Triển vọng của việc phát triển các tổ chức công đoàn thuộc xã hội dân sự
nằm ở Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Trong hiệp định này, chính quyền
Việt Nam đã ký riêng với chính quyền Mỹ những điều khoản đảm bảo sự hình thành
và phát triển tổ chức của người lao động công nghiệp đứng ngoài sự khuynh loát
của chính quyền và của công đoàn trực thuộc chính quyền.
Sự hợp tác giữa các tổ chức công đoàn trong cùng một công ty có cơ sở sản
xuất ở 12 quốc gia trong khối Đối Tác Thái Bình Dương, trong đó có những quốc
gia tiên tiến như Mỹ, Nhật, Úc, đem đến những triển vọng rất lớn cho sự phát
triển công đoàn ở Việt Nam, đặc biệt trong các lãnh vực huấn luyện về an toàn
lao động, về quản lý tổ chức, về thương lượng tiền lương, v.v…
16. Hướng tiếp cận của vận động xã hội trong việc phát triển công đoàn là
gì?
Hoạt động công đoàn đòi hỏi nhận thức cao về tổ chức và kỹ năng vận hành tổ
chức. Cả hai cần rất nhiều ý chí, công sức, và thời gian.
Trước hết, vận động sự phát triển của nhận thức về quyền của người lao động
được đảm bảo bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và hệ thống pháp lý hiện hành.
Vận động ý thức tổ chức và tinh thần tương trợ giữa những người lao động.
Hỗ trợ hình thành những nhóm tương trợ, trong khuôn khổ mà luật pháp cho
phép, để bước đầu làm quen với sinh hoạt tổ chức.
Các nhóm tương trợ này là hạt nhân của các tổ chức công đoàn tự chủ ở các
cơ sở kinh tế sau khi hành lang pháp lý cho sự hình thành công đoàn được thiết
lập theo sự hứa hẹn của Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương.
Liên lạc với các luật sư để được tư vấn về luật pháp. Liên lạc với các tổ
chức hỗ trợ phát triển công đoàn quốc tế, cũng như các tổ chức công đoàn cùng
công ty ở các quốc gia tiên tiến, để yêu cầu hỗ trợ huấn luyện về an toàn lao
động và kỹ năng quản lý tổ chức công đoàn.
Như đã nói, an toàn lao động và thương lượng tập thể về quyền lợi là hai
vấn đề trọng yếu của hoạt động công đoàn tự chủ.
Nguồn: Theo Facebook Trần Minh Khôi