20 avril 2016

Cướp vào nhà, hàng xóm xông ra, chủ nhà giữ lễ!



Tình hình biển Đông vẫn căng thẳng. Nét mới nhất của tình hình là bành trướng vẫn tỏ ra hung hăng nhưng rõ ràng ở trong tình trạng bị động đối phó.
 

Từ tháng 3, trong cuộc họp về Hạt nhân quốc tế ở Washington, Tập Cận Bình đã cố tỏ ra cứng rắn khi gặp Tổng thống Barack Obama, cho rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề của khu vực và thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc, các nước ở xa không nên can thiệp. Phía Hoa Kỳ trả lời rõ rằng đây là vấn đề quốc tế hệ trọng liên quan đến thông thương hàng hải toàn thế giới. Sang tháng 4, tình hình găng thêm. Trung Quốc không những tiếp tục mở rộng các đảo nhân tạo, còn xây dựng thêm doanh trại, nhà cửa , đặt thêm ra đa, dựng thêm đèn biển, đưa dân du lịch đến đảo để bình thường hóa sự chiếm lĩnh phi pháp của chúng. Đặc biệt nghiêm trọng là gần đây chúng leo thang rõ rệt đưa thêm máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang và tên lửa phòng không vào với số lượng chưa từng có, còn vũ trang cho ngư dân TQ được gọi là dân quân trên biển thâm nhập vùng biển ta. Mới đây chúng cho 5, 6, rồi 16 máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm, tăng quân đáng kể. Vậy mà Tập Cận Bình dám khẳng định với Tổng thống Obama là TQ không quân sự hóa vùng này.
Mặt khác bành trướng Bắc Kinh tỏ ra rất lo sợ bị các cường quốc châu Á, Liên Âu, Úc và Hoa Kỳ lên án, bị vạch mặt trên diễn đàn quốc tế, còn cho hàng loạt tàu chiến, tàu khu trục tuần tiễu vào sát các đảo nhân tạo, thậm chí vào phía trong 12 hải lý của các đảo này.

Chúng có nhiều lý do để lo sợ, thậm chí hốt hoảng. Chúng rất lo là Philippines tiếp tục kiên quyết đưa vụ biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế ICA của Liên Hiệp Quốc tại La Haye ( Hà Lan). Chúng đặc biệt lo là Việt Nam, Malaysia, Indonesia có thể theo gương Philippines đưa đơn kiện chúng ở Liên Hiệp Quốc. Chúng yên lòng khi Liên Âu đang gặp khó khăn lớn về dân tỵ nạn đến từ Bắc Phi có thể không quan tâm đến các vấn đề Biển Đông, nhưng Liên Âu đã thay đổi thái độ.
Trung Quốc cũng đang bị khủng hoảng chưa từng có về kinh tế tài chính, gặp khó khăn gay gắt ở Hồng Kông và Đài Loan nên cố dấy lên chủ nghĩa dân tộc, danh dự dân tộc, đoàn kết dân tộc.
Đã vậy, họa vô đơn chí: Trong khi Tập Cận Bình đang lo đề cao nhân cách, đạo đức và uy tín cá nhân thì cuốn sách ‘’Sáu cô tình nhân của Tổng Bí thư’’ xuất hiện cùng vụ rửa tiền lên đến 2 tỷ đôla của ông và gia đình bị hồ sơ “Panama Papers” phanh phui gây nên cuộc khủng hoảng niềm tin ở lãnh đạo trong đảng CS và trong nhân dân TQ.
Tại Hội nghị về Hạt nhân Quốc tế ở Washington vừa qua, quan hệ căng thẳng giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Obama hiện rõ cũng về vấn đề Biển Đông. Họ Tập cho rằng đó là vấn đề thuộc chủ quyền của TQ, của quan hệ các nước trong khu vực, Hoa Kỳ không nên xen vào. Tổng thống Obama bác bỏ quan điểm đó , cho rằng vấn đề Biển Đông và Hoa Đông liên quan đến cuộc sống của mọi quốc gia trên 2 vùng biển rộng lớn của giao thông trên biển toàn thế giới, nên đó là những vấn đề quốc tế cực kỳ hệ trọng.
Đến Hội nghị ngoại trưởng 7 nước G7 ( gồm có Anh, Pháp, Ý, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản ) vừa diễn ra ở Hiroshima, TQ rất lo vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên, nên đã nhắn trước qua ngoại trưởng Anh Hammond rằng G7 không nên bàn về Biển Đông, vì như thế sẽ làm tình hình thêm phức tạ, rằng TQ kiên quyết chống lại sự can thiệp đó, và rằng vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa qua các cuộc hội đàm song phương.
Thế nhưng Hội nghị G7 đã diễn ra trái hẳn với ý muốn của Bắc Kinh. Vấn đề Biển Đông trở thành mấu chốt của hội nghị, cùng với vấn đề chống khủng bố quốc tế. Trung Quốc đùng đùng nổi giận khi Hội nghị ra Tuyên bố về vấn đề biển Đông “phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích, cưỡng ép, đe dọa làm thay đổi nguyên trạng, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực’’. Bản tuyên bố còn nói đến việc Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc có thể sẽ xét xử hành động quá đáng ở Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh giận dữ đáp trả bằng cách tức tốc triệu tập các đại diện của 7 nước trên để phản đối. Nhưng Thủ tướng Shinzo Abe, ngoại trưởng Fumio Kishida cùng Bộ trưởng Quốc Phòng Nekatani của Nhật Bản tỏ ra rất cứng rắn. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter, cùng Đô đốc Harry Harris Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương luôn có mặt tại đây, dự lễ thành nhóm chiến đấu đặc biệt quanh Hàng không Mẫu hạm Stennis, mang tên ‘’Stennis Strike Group’’, mở rộng căn cứ không quân Clark gần thủ đô Manila của Philipines, đưa đến đây ban đầu 5 chiếc máy bay A-10 Thunderbolt, một số trực thăng vũ trang cùng 200 nhân viên quân sự. Philippies sẽ cho phép Hoa Kỳ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự khác. Ngũ giác đài tuyên bố đây là khối tứ cường châu Á liên minh quân sự với nhau gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ, thực hiện Chiến lược cân bằng lực lượng ở châu Á để đối phó với âm mưu bành trướng của TQ. Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ cùng Úc lần lượt cho tàu quân sự tuần thám trong vùng biển quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, không loại trừ một vùng nào
Đi cùng hướng ấy, Liên Âu gồm 27 nước châu Âu và Malaysia cùng Inđônésia ở Đông Nam Á cũng đang có hướng phối hợp với Hoa Kỳ và các nước châu Á trên đây, theo chiến lược ngăn chặn sự bành trướng của TQ cộng sản, không thể chậm chân nguy hiểm.
Việt Nam lẽ ra phải vui mừng vô hạn trước những diễn biến to lớn, thuận lợi trên đây để thoát Trung một cách an toàn, đúng thời cơ. Lẽ ra chính quyền mới lập nên phải hân hoan đón nhận những tin tức mới rất thuận lợi trên đây khi bọn bành trướng gặp vô vàn vấn đề bế tắc, từ kinh tế tài chính đến nội trị xã hội, quốc phòng ngoại giao. Thế nhưng họ đang còn hục hặc đấu tranh phe nhóm, cho nên người phát ngôn Bộ Ngoại giao ra tuyên bố rất nhạt nhẽo về Tuyên bố của hội nghị các ngoại trưởng G7. Lê Hải Bình hoan nghênh chung chung, không một lời nói rõ về những mưu đồ và hành động uy hiếp, đe dọa của Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa cả khu vực. Trong khi các nước ở xa như Canada, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đưa ra những tuyên bố cứng rắn xưa nay chưa từng có, như: ‘’kiên quyết phản đối’’, ‘’lên án mạnh mẽ’’, đồng thời điều động lực lượng, cùng nhau tập trận chung, thì VN, nước ở trong cuộc, bị đe dọa, xâm lược nhiều nhất, lại tỏ ra nhũn như con chi chi, thấp giọng hơn nhiều so với các nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Nội không dám nói đến điều Bắc Kinh rất sợ là kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế, như Philippines đang làm.
Chúng ta hiểu đây là lập trường của Bộ Chính trị và ông Tổng Trọng trước sau vẫn bị Mật ước Thành Đô giữ làm con tin. Đó là thái độ ứng phó chẳng khác nào khi kẻ cướp xuất hiện, hàng xóm xông ra chống cự, thì chủ nhà lại lễ phép cúi đầu mời chúng vào nhà.
Đến cuối tháng 5, Tổng thống Obama sẽ tham dự một cuộc họp cấp cao mở rộng của khối G7 tại Nhật Bản, sau đó ông sẽ ghé thăm Việt Nam. Đây sẽ là cuộc sát hạch cực kỳ nghiêm khắc đối với Bộ Chính trị mới và dàn lãnh đạo mới, trước 90 triệu nhân dân Việt Nam. Để xem ông Tổng Trọng và Bộ Chính trị do ông dựng nên cuối cùng sẽ chọn con đường nào: con đường Bắc thuộc tối tăm mù mịt, hay dám xoay trục một cách quả đoán, dứt khoát đi vào đại lộ Dân chủ Văn minh của thời đại, tạo nên cuộc đột phá lịch sử, tạo nên sức bật phi thường của dân tộc đoàn kết trên con đường phát triển đầy triển vọng.

Bùi Tín