18 avril 2016

Quá nửa rào cản ngăn doanh nghiệp Việt Nam phát triển là do cơ chế


Nhàn Đàm
 

Theo báo cáo mới nhất về tăng trưởng và triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, được thực hiện trên 1.500 doanh nghiệp, thì có 9 rào cản đến từ bên ngoài đang ngăn chặn tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2016 được kỳ vọng là năm mà kinh tế Việt Nam sẽ có được bước chuyển lớn nhất kể từ sau thời điểm Đổi mới năm 1986, nhưng để đạt được bước chuyển lớn ấy Việt Nam cần có mộ bệ đỡ mới, và đó không gì khác ngoài khối doanh nghiệp tư nhân.
 


Đó có lẽ là lý do nghị quyết đại hội Đảng vừa qua lần đầu tiên xếp doanh nghiệp tư nhân thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong tương lai. Tầm quan trọng của khối tư nhân đối với nền kinh tế lớn như vậy, nên đã có nhiều đề xuất coi giai đoạn 5 năm sắp tới là giai đoạn thực hiện kế hoạch “quốc gia khởi nghiệp”, trong đó tạo ra mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được thiết lập, hoạt động có hiệu quả càng nhiều càng tốt. Và để làm được điều ấy, quan trọng nhất là cần đến sự vào cuộc của Nhà nước và Chính phủ, khi mà ở thời điểm hiện tại quá nửa số rào cản đang ngăn doanh nghiệp phát triển là ở cơ chế.

Theo báo cáo mới nhất về tăng trưởng và triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, được thực hiện trên 1.500 doanh nghiệp, thì có 9 rào cản đến từ bên ngoài đang ngăn chặn tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số 9 rào cản đó,có 5 rào cản là đến từ cơ chế và những vấn đề xuất phát từ khu vực chính sách.

Cụ thể 5 rào cản đó là: Chi phí đầu vào tăng, môi trường kinh doanh không ổn định, các thủ tục hành chính, quy định của Chính phủ, và khó tiếp cận các dịch vụ tài chính. Trong đó, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải chính là chi phí đầu vào gia tăng, chủ yếu là giá xăng, điện nước, nhân công. Cụ thể, có tới 61% doanh nghiệp khẳng định đây là lý do chính khiến họ rơi vào tình trạng chậm phát triển trong thời gian qua.

Kết quả này cho thấy một vấn đề nghiêm trọng đối với tương lai phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đó là: quá nửa các rào cản mà khối doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt là đến từ cơ chế và khu vực chính sách Nhà nước. Trong số đó có các rào cản chủ đạo gây ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là có quy mô vừa và nhỏ, đó là sức ép về chi phí đầu vào đang trở nên quá cao.

Ngoài các vấn đề về giá xăng, điện nước, nhân công thì hiện mức lãi suất mà khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải gánh chịu trung bình đang gấp 2,8 lần so với ở Trung Quốc hay Thái Lan. Đó là chưa kể, gánh nặng thuế phí trên vai các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thuộc loại lớn nhất ở khu vực, theo tính toán thì trung bình tỷ lệ thuế phí/lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam đang ở khoảng 39-40%, cao hơn tất cả các nước ASEAN cũng như Trung Quốc.

Tất cả những gánh nặng và sức ép từ sự gia tăng chi phí đầu vào này khiến cho không những sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại khiến khả năng cạnh tranh giảm sút, mà còn khiến quy mô của các doanh nghiệp nội dần teo tóp lại, vì quy mô hoạt động càng lớn thì gánh nặng thuế phí cũng càng tăng.

Rõ ràng thực trạng này đang đi ngược lại với những gì mà Nghị quyết đại hội Đảng vừa qua công nhận về vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Một khi đã được thừa nhận là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ được coi như bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác như khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Và đương nhiên là cách đối xử với khối doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được hưởng sự bình đẳng này từ phía Nhà nước. Điều này có nghĩa là các rào cản đang ngăn chặn các doanh nghiệp tư nhân phát triển, mà quá nửa trong số đó là đến từ cơ chế và khu vực chính sách, cần phải được dỡ bỏ trong thời gian tới, nếu như không muốn đi ngược lại với những gì đã được công nhận trong Nghị quyết đại hội Đảng.

Ngoài các lý do cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững nhất có thể trong giai đoạn sắp tới, thì một trong những lý do quan trọng hàng đầu khác để gỡ bỏ hết các rào cản và thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân nội địa phát triển, còn là để cân bằng với khu vực FDI đang ngày càng bành trướng trong vài năm trở lại đây. Khi mà khối DNNN đang có xu hướng thu nhỏ quy mô hoạt động, thông qua việc cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu, thì chỉ có khối doanh nghiệp tư nhân mới có thể ngăn khu vực FDI biến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng đơn nhất.

Tính đến cuối năm 2015 thì 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là do khối FDI nắm giữ, tăng vọt so với khoảng trên 50% những năm 2010-2011. Cứ với đà tăng trưởng này thì không khó để nhận ra rằng trong vài năm tới tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, và gần như chắc chắn sẽ vượt qua con số 70% của năm 2015. Một nền kinh tế dựa dẫm quá nhiều vào khu vực FDI là một nền kinh tế đứng trên đôi chân bằng bùn, lúc nào cũng có thể đổ vỡ và sụp đổ.

Đó là chưa kể, hầu hết các mục tiêu về kinh tế mà Việt Nam đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đến năm 2035 đều gắn chặt với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Trong số 6 mục tiêu kinh tế mà Quốc hội khóa 13 vừa qua thống nhất, thì 4 mục tiêu đã gắn chặt với khu vực tư nhân, và chỉ có thể thực hiện được khi mà khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đối mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng khoa học công nghệ và tăng năng suất lao động; nâng cao đời sống người dân, đảm bảo gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.

Có thể thấy, việc cởi trói cho các doanh nghiệp tư nhân và thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển đang là mục tiêu chủ đạo quan trọng nhất trong nền kinh tế Việt Nam kể từ năm 2016, khi nó đã được ghi và thừa nhận trong cả hai văn bản quan trọng nhất của quốc gia là Nghị quyết đại hội Đảng và Tuyên bố của Quốc hội.

Đây có thể xem là một động thái có tầm ảnh hưởng lớn đối với tương lai phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân và cả với tương lai phát triển của nền kinh tế quốc gia, vì quá nửa các rào cản chủ yếu đang ngăn chặn các doanh nghiệp phát triển là bắt nguồn từ cơ chế và chính sách vốn là những lĩnh vực nằm trong quyền hạn của Nhà nước và Chính phủ.

Và điều quan trọng hơn hết ở thời điểm hiện tại, là cần phải thực hiện ngay việc dỡ bỏ các rào cản chủ đạo đang ngăn cản các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Nhà nước và Chính phủ, vì thời gian đã không còn nhiều nữa, khi mà các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết đã ở rất gần.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang có quy mô và thực lực khá yếu, và kể cả sau khi đã dỡ bỏ các rào cản chủ yếu thì vẫn cần một khoảng thời gian để doanh nghiệp phát triển trước khi đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài, ít nhất là trên sân nhà.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)
 
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới