17-4-2016
Cảnh công an Lương Việt Hà quật ngã
người bán hàng rong tên Minh Phong tại chợ Bình Tiên qua một clip trên mạng
|
Sự kiện thượng sĩ công an Lương Việt Hà đánh người bán hàng rong Phạm Thiện Minh Phong tại quận 6 đã thổi bùng sự tranh luận. Một số ý kiến bắt đầu tập trung vào vấn đề bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Bán hàng rong thật ra là một vấn đề xã hội khác, không liên quan đến nguyên nhân và bản chất sự kiện công an Việt Hà đánh công dân Minh Phong.
Vấn đề hàng rong là một phần trách nhiệm của chính quyền. Nếu chính quyền có chính sách sắp xếp và qui hoạch khu vực cho hàng rong và không thả lỏng trong bất lực trước sự phát triển của hàng rong thì đừng đổ hết lỗi cho người bán hàng rong.
Hàng rong càng bùng nổ càng cho thấy sự thất bại của chính quyền. Đừng đòi hỏi người dân, đặc biệt người nghèo, phải có ý thức khi mà chính quyền còn thiếu trách nhiệm. Hơn nữa, vấn đề chỉ nên tập trung vào nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ tranh luận: đó là hành vi đánh người của công an.
Không phải vì không thích hàng rong mà có thể ủng hộ việc công an đánh người. Trong bất kỳ trường hợp nào, công an cũng không có quyền đánh dân. Công an không thể nhân danh bất kỳ điều gì để có thể bạo ngược và côn đồ với người dân.
Công an chỉ là một công cụ của pháp luật. Pháp luật được bảo vệ bởi Hiến pháp. Công an không thể chà đạp Hiến pháp. Vậy thôi.
____
Cập nhật vụ người bán hàng rong bị đánh
17-4-2016
Cảnh công an Lương Việt Hà quật ngã người bán hàng rong tên Minh Phong tại chợ Bình Tiên qua một clip trên mạng. Ảnh: Facebook
Một nhà hoạt động nói đã bị “mời lên làm việc” khi đến bệnh viện thăm nạn nhân là người bán hàng rong bị công an hành hung mới đây được phản ánh trong một clip đăng tải rộng rãi trên mạng ở Việt Nam.
Ngày 17/4, một nhà hoạt động là thành viên của nhóm Con Đường Việt Nam nói với BBC Việt ngữ từ Sài Gòn rằng ông đã vào thăm nạn nhân là Phạm Thiện Minh Phong để “hỏi thăm sức khỏe, xem có cần trợ giúp gì không và có cần trợ giúp pháp lý gì không.”
Chuyến viếng thăm diễn ra sau khi ông Phong bị một thượng sỹ công an Việt Nam là ông Lương Việt Hà hành hung khiến bị “xuất huyết màng não bán cầu ở bên phải”.
Ông Trương Minh Tam nói:
“Tôi vừa hỏi đến câu hỏi thứ hai và gia đình nói rằng có cần người trợ giúp pháp lý thì một điều dưỡng viên đã yêu cầu tôi tắt máy và mời tôi về khoa làm việc.
“Tôi cũng theo họ tới khoa làm việc. Họ mời bộ phận bảo vệ tới làm việc với tôi. Sau khi họ lấy lời khai của tôi thì họ cũng không có bất cứ hành vi nào là câu lưu tôi, và trả tôi tự do vào lúc hơn 12 giờ.”
Theo nhà hoạt động, ông Phong “vẫn còn ê ẩm ở vùng đầu” và “chắc chắn gia đình sẽ tìm kiếm luật sư để có thể tiến hành khởi kiện vụ án này”.
Hoan nghênh, khuyến khích
Ông Trương Minh Tam nói đã trao đổi với Khoa ngoại Thần kinh Bệnh viện 115 và được biết là bệnh viện “rất hoan nghênh, khuyến khích hỗ trợ bệnh nhân”.
Nhưng “vấn đề sức khỏe của anh Phong cũng rất nhạy cảm hiện nay”, và “nên có giấy xin phép hỏi ý kiến khoa và ban giám đốc bệnh viện 115 rồi hãy quay phim chụp hình”, giới chức ở bệnh viên nói với nhà hoạt động.
Ông Tam nói với BBC:
“Tôi là một công dân đến thăm một công dân và muốn hỗ trợ, cũng như trợ giúp pháp lý là điều hoàn toàn hợp pháp và cần phải được khuyến khích,”
“Nếu bệnh viện e ngại các thông tin về chuyên môn thì tôi không quan tâm đến vấn đề về tình hình chuyên môn.
“Bản thân nhân viên công an đánh anh Phong là đúng hay sai, tôi cũng không thể thay mặt tòa án để phán xét được. Tuy nhiên tôi muốn được hỗ trợ anh ấy,” ông Tam cho biết.
Gần đây truyền thông Việt Nam phản ánh nhiều vụ xô xát xảy ra giữa công an với người bán hàng rong ở các địa phương. Ảnh: AFP
Nhà hoạt động nói thêm:
“Thái độ tích cực của bộ phận bảo vệ của bệnh viện. Họ ghi nhận toàn bộ ý kiến của tôi, sao chụp chứng minh nhân dân của tôi và trả lại, không ràng buộc tôi với bất cứ điều khoản gì cả.”
‘Công an đóng tiền’
Hôm 16/4, vợ của người bán hàng rong bị công an hành hung tại quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC rằng vụ việc xảy ra do chồng bà ‘không chịu nộp 700.000 đồng tiền bảo kê mỗi tháng’.
Thượng sỹ Lương Việt Hà là người xuất hiện trong video clip đánh ông Phạm Thiện Minh Phong, 28 tuổi, người bán hàng rong tại khu vực chợ Bình Tiên, (đường Phạm Phú Thứ, phường 4, quận 6) khiến nạn nhân phải nhập viện vì “xuất huyết màng não bán cầu ở bên phải”.
Hôm 15/4, truyền thông Việt Nam đưa tin ông Hà “đã bị tạm đình chỉ công tác để xác minh”.
Trong ngày 17/4, bà Nguyễn Ngọc Thúy cho BBC Tiếng Việt hay bệnh viện có thể sẽ cho chồng bà xuất viện vào tuần sau.
Bà nói: “Thứ Ba sẽ cho xuất viện, nhưng chưa biết sao vì ảnh còn đau”. Bà Thúy cũng nói: “Anh công an đóng tiền” và “chắc cũng phân nửa số tiền”.
“Chúng tôi cũng ít nói chuyện gì. Không nói gì với nhau,” bà Thúy mô tả lại cuộc gặp với Thượng sỹ Lương Việt Hà tại bệnh viện.
Khi được hỏi về những ngày sắp tới, bà Thúy cho biết chồng của bà cũng đã “khỏe lại chút”, và “phải đợi ảnh khỏe lại mình mới tính được, chứ ảnh còn nằm trong đây sao biết được.”
“Họ cũng có xin lỗi. Chồng em cũng không bỏ qua được, bởi cái này, nếu mà bỏ qua thì anh công an đó cũng đánh người khác, cũng vậy thôi.
“Nếu mà mình bỏ qua thì người khác cũng sẽ bị làm vậy, không có bỏ qua được.”
Tuy nhiên, khi hỏi về việc có ai đến xin hỗ trợ, giúp đỡ trong buổi sáng 17/4, bà Thúy trả lời “sáng giờ không có ai đến hết, không thấy ai đến hết”, bà nói với BBC.