Việt Đông
(GDVN) - Vụ án cái chòi vịt và chậm đăng ký kinh doanh
5 ngày thì ngay lập tức bị xử lý hình sự. Kẻ cầm đầu vụ án lừa đảo 12,7 tỷ đồng
thì đang nhởn nhơ, thách thức...
Vụ việc chủ quán cà phê Xin chào ở huyện Bình Chánh
(thành phố Hồ Chí Minh) bị khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh đã khiến dư luận
dậy sóng.
Khi vụ việc xảy ra, không chỉ làm “nóng” dư luận mà
các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều có những chỉ đạo quyết liệt.
Vụ việc lớn đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải có
chỉ đạo khẩn dừng ngay việc hình sự hóa chủ quán cà phê Xin Chào.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, dường như Công an thành phố Hồ
Chí Minh vẫn bảo thủ và có những phát ngôn mang tính chất ngụy biện, bao che.
Một lãnh đạo Công an thành phố thì cho rằng vụ án "bằng cái móng
tay".
Thiếu tướng Phan Anh Minh nói về vụ quán cà phê Xin
chào: "Không nên suy diễn
những chuyện như cạnh tranh với căng tin, công an ngăn cản việc làm ăn hợp pháp
của hộ nghèo... Đôi khi những chuyện có thể kết thúc êm thấm nhưng chúng ta
phơi bày ra công luận; không phải sự thật nào đưa lên báo chí cũng tốt cả…
Theo tôi vụ án này
không đáng mất nhiều công sức, không đáng tốn nhiều bút mực. Tôi đánh giá vụ án
này nhỏ xíu như cái móng tay".
Khi mọi chuyện đã "phơi bày" trước công
luận, mọi cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều khẳng định việc
khởi tố, truy tố của Công an và Viện kiểm sát huyện Bình Chánh là sai, không có
căn cứ.
Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh đã bị xử
lý, đề nghị cách chức; Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình
Chánh cũng bị đình chỉ công tác.
Thừa nhận trên báo chí, Đại tá Quý đã nói: "Do
tôi nhận thức sai pháp luật".
Tuy nhiên, trước đó, trong buổi họp báo, Thiếu tướng
Phan Anh Minh vẫn một mực khẳng định rằng việc khởi tố của Công an huyện Bình
Chánh là có căn cứ, đúng pháp luật.
Vậy, khi cấp dưới đã khẳng định "nhận thức sai
pháp luật" thì cấp trên liệu có nhận thức đúng pháp luật không?
Lật lại vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết trước đó mà lãnh
đạo Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo mới thấy rằng, việc
cố tình "bảo vệ" đến cùng cho cấp dưới cũng được lãnh đạo ngành này
áp dụng.
Như Báo
điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh, sau nhiều lần cả Tòa án
và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trả lại hồ sơ, yêu cầu chứng
minh các chứng cứ pháp lý và xử lý đối với các đối tượng liên quan với vai trò
đồng phạm trong vụ án như Yee Lip Chee. Wong Kong Hee.
Tuy nhiên, cũng chừng ấy lần, Cơ quan CSĐT đều
"giữ nguyên quan điểm" đề nghị truy tố một mình bà Nguyễn Thị Bạch
Tuyết còn các đối tượng đồng phạm "không biết, không liên quan".
Bởi, khi chưa có đủ căn cứ vững chắc để chứng minh
công dân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lãnh đạo Cơ quan điều tra đã
chỉ đạo bắt khẩn cấp bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết từ tháng 12/2013.
Gần 3 năm qua, công dân vẫn bị tạm giam, còn phía Công
an thì vẫn tiếp tục không làm rõ được các tình tiết thuyết phục để chứng minh
được tội trạng của bà Tuyết.
Sinh mệnh, số phận của bà Tuyết đã bị chi phối với ý
chí chủ quan của một số người chứ không phụ thuộc vào bản chất, tính khách quan
của vấn đề.
Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận, vụ án do Thiếu tướng Phan Anh Minh chỉ đạo. Ảnh Việt Đông |
Do phía Công an không làm rõ được tội trạng của bị
cáo, đến gần 3 năm sau, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra
xét xử.
Những lập luận, cáo buộc mà CQĐT đưa ra đều bị tòa bác
bỏ.
Ví dụ như, Cơ quan CSĐT nói rằng ông Yee Lip Chee bị
lợi dụng, là bị hại nhưng Hội đồng xét xử lại chứng minh ngược lại: Yee Lip Chee mới là thủ phạm, chịu trách nhiệm gần 7
tỷ đồng và bị đề nghị khởi tố để làm rõ trách nhiệm hình sự.
Cơ quan CSĐT lập luận rằng bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã
làm giả bản cam kết ngày 05/1/2010, làm giả sổ sách kế toán… Tuy nhiên, Hội
đồng xét đã chứng minh điều ngược lại: Bản cam kết ngày 05/1/2010 là có thật, do chính Yee
Lip Chee ký; hồ sơ kế toán cũng không chứng minh được bà Tuyết làm giả…
Cơ quan CSĐT khẳng định bà Tuyết phải chịu trách nhiệm
số tiền 12,7 tỷ đồng nhưng Hội đồng xét xử lại chứng minh Yee Lip Chee phải
chịu trách nhiệm số tiền gần 7 tỷ đồng, số còn lại không chứng minh được ai
chiếm đoạt nhưng HĐXX vẫn quy trách nhiệm cho bà Tuyết và tuyên phạt bà 12 năm
tù.
Tuy chưa khách quan, đúng bản chất nhưng phần nào thể
hiện kết luận của Cơ quan CSĐT là không chính xác, vụ án vẫn còn quá nhiều góc
khuất cần phải làm rõ ở cấp cao hơn.
Không ngoài dự đoán của những người tham dự phiên tòa,
HĐXX đã ra Quyết định số 01/QĐ-XX về việc khởi tố vụ án để điều tra đối với Yee
Lip Chee vì vai trò cầm đầu, quyết định của vụ án lừa đảo chiếm đoạt 12.7 tỷ
đồng của Công ty L&M Việt Nam.
Quyết định đã ngay lập tức được chuyển đến CQĐT Công
an thành phố Hồ Chí Minh để nhanh chóng xử lý, đề phòng tội phạm bỏ trốn, lấy
lại niềm tin trong nhân dân cũng như đảm bảo công bằng trong đấu tranh, xét xử
tội phạm
Tuy nhiên, đến nay CQĐT Công an thành phố Hồ Chí Minh
vẫn "bình chân như vại", vẫn loanh quanh, vòng vo chưa khởi tố bị can
đối với kẻ chủ mưu này khiến dư luận hết sức bất bình, ngờ vực.
Trong khi vụ án "quán cà phê, chòi vịt" nhỏ
như "móng tay" thì bị lực lượng Công an ráo riết điều tra khởi tố,
còn trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết, tội phạm Yee Lip Chee được xác định là
kẻ cầm đầu trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thì vẫn nhởn nhơ
ngoài vòng pháp luật.
Vậy phải chăng Công an thành phố Hồ Chí Minh chỉ quan
tâm đến cái "móng tay", còn những "con voi" như Yee Lip
Chee trong vụ lừa đảo 12,7 tỷ đồng thì cứ mặc kệ, điều gì phía sau vậy?
Việt
Đông
Nguồn:
Theo GDVN