Năm 2016 là
năm đặc biệt với tôi vì nó đánh dấu 10 năm tôi trở về Việt Nam sau hơn mười mấy
năm sống ở nước ngoài và cũng là năm tôi qua tuổi 40, tuổi không còn trẻ nữa.
Bài viết này là quan sát rất cá nhân của tôi, (và không có tính khoa học) về Việt
Nam trong 10 năm qua dưới con mắt của một người trở về, từ dân nghiên cứu chuyển
sang làm kinh doanh, nhân dịp sau đại hội Đảng và kết thúc một nhiệm kỳ của
chính phủ.
Với tôi, Việt
Nam của thập kỷ 2006-2015 được khái quát bằng những điểm chính sau: 1) Sự lũng
đoạn trầm trọng của các công ty tư nhân trong việc cấu kết với các quan chức
nhà nước, cái mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “lợi ích nhóm”, còn kinh tế
học thì gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (cronysm); 2) Về phía khu vực công,
sự “đục khoét ngân sách” hay “đào mỏ ngân sách” được đẩy lên đến đỉnh điểm; 3)
Thập kỷ này đánh dấu sự khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục của nước nhà. 4)
Mạng xã hội và truyền thông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị
Việt Nam; 5) Và cuối cùng, làn sóng người có tiền và kiến thức ra đi ào ạt, lại
một cuộc di cư nữa.
Vấn đề đầu
tiên là sự lũng đoạn trầm trọng của các tập đoàn tư nhân. Chưa bao giờ mà chủ
nghĩa tư bản thân hữu “cronyism” ở Việt Nam lại biểu hiện rõ như thế. Chủ nghĩa
tư bản thân hữu hay “nhóm lợi ích” ở đây là sự kết hợp giữa công ty tư nhân và
quan chức nhà nước trong việc giành những đặc quyền đặc lợi để khai thác một
nguồn lực gì đó trên cơ chế bất bình đẳng, không cạnh tranh lành mạnh. Câu nói
mà bạn sẽ nghe nhiều nhất trong 10 năm vừa qua sẽ là “chỗ này là của anh A, chỗ
kia là của chị B”. Dường như không có cuộc chơi kinh doanh lớn nào ở Việt Nam
mà lại không có sự “bảo kê” của một quan chức nào đó. Mọi quan hệ kinh tế sẽ được
thay bởi các quan hệ chằng chịt giữa chính trị và doanh nghiệp.
Điểm nguy
hiểm nhất của chủ nghĩa tư bản thân hữu là việc nó tạo ra một cuộc chơi bất
bình đẳng mà các công ty tư nhân khác không được cơ hội tham gia. Qua đó các
công ty “nhóm lợi ích” được độc quyền khai thác nguồn tài nguyên hay một hoạt động
nào đó, và thường là gây thiệt hại cho người dùng. Trong tài chính, đây là cuộc
chơi sử dụng quyền lực để mua lại các doanh nghiệp theo ý của mình. Trong giáo
dục, đó là việc trao cho một công ty giáo dục độc quyền cung cấp một dịch vụ,
thiết bị mà học sinh, phụ huynh phải mua mà không có sự lựa chọn khác. Trong
xây dựng cơ sở hạ tầng, thì sử dụng quan hệ chính trị để lấy các hợp đồng thầu
lớn mà không thông qua đấu thầu công bằng và minh bạch. Trong bất động sản, đó
là việc thay đổi quy hoạch tạo lợi thế cho doanh nghiệp hoặc việc lấy các vị
trí đắc địa qua những mối quan hệ bất bình đẳng.
Thay vì
phát triển theo một hướng minh bạch có lợi về dài hạn, Việt Nam dường như đang
trượt ngã trên con đường phát triển của những nước mà chủ nghĩa tư bản thân hữu
đang lũng đoạn mà chưa có lối ra như Philippine, các nước Mỹ Latin, Liên bang
Nga, Trung Quốc. Và rồi sẽ có lúc nếu không kiểm soát sớm thì doanh nghiệp sẽ
là người điều khiển cuộc chơi chính trị kinh tế, là kẻ tống người tiêu dùng vào
tù, là kẻ bịt mồm nhà báo, v.v , và cuối cùng là thế lực thực sự lũng đoạn nền
chính trị, đưa người này lên, đưa kẻ khác xuống. Khi chính trị bị định đoạt bằng
đồng tiền và quan hệ thì chính trị đã trở thành “công cụ” của những tay chơi tư
bản lớn. Và khi đó, nền kinh tế tại Việt Nam sẽ trở thành hiện thân “chủ nghĩa
tư bản” thời kỳ “mông muội” và đáng “ghê tởm”nhất chứ không phải là chủ nghĩa
xã hội như ước vọng của các lãnh đạo Đảng CS.
Vấn đề thứ
hai, với tôi, là việc “đào mỏ ngân sách” (budget mining) (mượn lời của TS Vinh
du Tran). Thập kỷ vừa qua tại Việt Nam được đánh dấu bằng việc “vung tay quá
trán” của chính quyền địa phương. Chưa có thời kỳ nào mà Việt Nam lại lắm công
trình chùa chiền, công trình kỷ niệm, các dự án khu hành chính ngốn hàng trăm,
hàng ngàn tỷ như những năm vừa qua. Các địa phương thi nhau đục khoét ngân sách
thông qua các dự án công. Không có cách nào rút tiền ngân sách dễ dàng như rút
tiền qua dự án công. Một công trình, khu tượng đài có giá trị đầu tư hàng trăm
tỷ sẽ được giao cho một công ty xây dựng “thân hữu”. Công ty xây dựng đó sẽ trở
thành nhà thầu chính và qua đó có thể chia sẻ lại quyền lợi cho những người có
quyết định.
Điểm đáng
kinh ngạc và phẫn nộ là trong khi ai cũng biết mười mươi sự lãng phí và sự rút
tiền trắng trợn qua những dự án này thì chính quyền trung ương dường như lại
không thể áp đặt và quyết đoán ngăn chặn những quyết định này. Tại sao các địa
phương lại có thể xin ngân sách nhà nước một cách tùy tiện như vậy. Sự nghịch
lý này hoàn toàn có thể giải thích được. Chính quyền trung ương sẽ được đánh
giá tín nhiệm từ hai nguồn: a) các ủy viên trung ương, mà đại diện là lãnh đạo
các tỉnh/chính quyền địa phương; b) đánh giá tín nhiệm từ quốc hội. Tuy nhiên, ủy
viên trung ương mới là người thực sự bầu ra bộ chính trị, thủ tướng, và thực tế
nội các. Trong khi đó, lá phiếu tín nhiệm của quốc hội chỉ có ý nghĩa tượng
trưng mà không có hình phạt. Do đó, dường như phải có sự thỏa hiệp giữa chính
quyền địa phương và chính quyền trung ương trong việc đổi lấy lá phiểu ủng hộ,
đặc biệt là giữa nhiệm kỳ. Do vậy, để tránh việc đầu tư vung vãi như trên thì cần
phải thiết kế một cơ chế quy trách nhiệm cho người lãnh đạo chính quyền địa
phương và bảo đảm được tính độc lập trong việc ra quyết định chi ngân sách của
người đứng đầu chính quyền trung ương.
Từ những
năm qua, mạng xã hội và truyền thông đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng
trong đời sống kinh tế chính trị ở VN. Xã hội Việt Nam 10 năm qua đã không còn
là xã hội thụ động về truyền thông nữa. Sự phát triển của mạng xã hội đã cho
phép người dân tham gia vào đời sống chính trị kinh tế xã hội một cách chủ động
hơn rất nhiều. Mạng xã hội đã chính thức trở thành nơi để xả những uất ức phẫn
nộ và bức bối của dân chúng. Nếu như ở nước ngoài, người dân phản ứng với thay
đổi bằng cách biểu tình thì ở Việt Nam, người ta sẽ phản ứng bằng cách “biểu
tình trên mạng”. Mỗi một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống đều được đem ra
bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Ảnh hưởng của mạng xã hội lớn đến mức có rất
nhiều vụ việc sau đó bị thay đổi do dư luận trên mạng xã hội đã dẫn dắt truyền
thông chính thống, ví dụ như vụ chặt cây xanh, máy tính bảng, tiếng Anh tích hợp,
thực phẩm bẩn .v.v.
Quay lại
chuyện chính trị và truyền thông, dường như truyền thông và mạng xã hội đã loại
thẳng tay các lãnh đạo đương nhiệm của Bộ GDĐT và Bộ Y tế, trong khi trái tim của
công luận dường như “tình trong như đã” với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao Thông Đinh
La Thăng. Xét công bằng mà nói thì hai Bộ Y tế và Bộ GD ĐT có những nỗ lực
không hề nhỏ trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên nhìn cách họ ứng xử với truyền
thông thì thấy hai Bộ này còn phải thay đổi rất nhiều. Bộ Y tế ứng xử với truyền
thông thì hết sức vụng về, luôn đi chậm một bước, tuyên bố rất ngô nghê. Còn Bộ
Giáo Dục thì luôn có vẻ ngạo mạn, hành xử đầy “cha chú” với truyền thông và
công luận với những chính sách và phát ngôn gây sốc như dự án 35 nghìn tỷ, cuộc
thi đại học như “đánh bạc”, và chả bao giờ có lời giải thích cầu thị đến nơi đến
chốn cả. Trong khi đó, chỉ một hình ảnh ông Đinh La Thăng đu dây xuống thị sát
vụ tai nạn cũng đã đủ đốn ngã hàng triệu con tim của người dân, và kế đó là việc
ông là người duy nhất được bầu thẳng vào Bộ Chính Trị mà không có sự giới thiệu
từ Bộ Chính Trị trước đó.
Đối với
tôi, người từng tham gia rất sâu vào giáo dục và cũng là người có hai đứa con
đang độ tuổi đi học cấp 1 và cấp 2 ở Việt Nam, giáo dục là điều tôi quan tâm nhất.
Với tôi, 10 năm qua chứng kiến sự khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục Việt
Nam. Sang thế kỷ 21 rồi mà giáo trình phổ thông và đại học của Việt Nam vẫn vô
cùng lạc hậu hàng chục năm so với nước ngoài. Hàng trăm vụ scandal liên quan đến
nội dung giáo trình phổ thông đã xảy ra; những gì con tôi được học không khác
gì những gì cha tôi và tôi đã từng được học cách đây hơn 30-50 năm. Người thầy
vẫn phải dạy một cách giáo điều, khuôn mẫu, ngăn cản sáng tạo. Vẫn những câu
chuyện lịch sử áp đặt hoặc không được nhắc đến. Những cuộc cải cách giáo trình
mãi không biết đến bao giờ mới xong (trong khi đó nếu Bộ GD ĐT trao quyền cho
khối tư nhân thì có khi chỉ 1 năm đã có tất cả giáo trình đầy đủ). Và vẫn những
loay hoay không lối thoát về chiến lược giáo dục.
Sắp hội nhập
AEC và TPP đến nơi rồi mà hơn 80% học sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học
có điểm tiếng Anh dưới 5, điểm trung bình. Ấy thế mà những nhà quản lý giáo dục
vẫn “bình chân như vại”. Giáo dục song ngữ, cụ thể là tiếng Anh, vẫn chưa bao
giờ được coi là quan trọng nhất. Việc dạy Toán và Khoa học, nền tảng giáo dục
cơ bản cho một đất nước “sáng tạo” lại luôn được dạy một cách vô cùng lý thuyết
và thiếu tính ứng dụng cao.
Cuộc khủng
hoảng năm 2008 kéo dài với những bấp bênh bất ổn của nền kinh tế đã dẫn đến một
làn sóng ngầm nhưng rất rõ ràng là những ai có điều kiện đều cảm thấy cần phải
mua “bảo hiểm” cho gia đình mình bằng tấm hộ chiếu của một đất nước khác. Nếu
như năm 2006 khi tôi trở về, câu chuyện trong giới doanh nghiệp và tài chính là
đầu tư vào đâu, thì những năm gần đây, câu chuyện thường trực mà tôi nghe là họ
sẽ di cư đi đâu, chuyển tiền ra nước ngoài thế nào. Tại sau người ta lại bỏ nước
ra đi? Người ta bỏ nước ra đi vì họ thấy quá nhiều bất ổn: kinh tế bấp bênh, ô
nhiêm môi trường trầm trọng, thực phẩm độc hại tràn lan, Và đặc biệt, là một nền
giáo dục quá lạc hậu không thể chuẩn bị cho con cái họ một tương lai trước một
thế giới đầy bất định.
Cứ 10 chủ
doanh nghiệp mà tôi gặp thì ít nhất 3-4 người đã có thẻ thường trú nhân ở một
nước tư bản, số còn lại thì hơn một nửa cũng đang ngấp nghé chuẩn bị. Sự khác
biệt lớn nhất của cuộc di cư lần này so với những cuộc di cư khác là cuộc di cư
lần này không hề vì ý thức hệ. Cuộc di cư lần này được những người tinh hoa nhất,
thành đạt nhất dẫn đầu, và được chuẩn bị vô cùng bài bản và công khai. Họ ra đi
mang theo số lượng tiền bạc, trí tuệ khổng lồ. Một cuộc chảy máu chất xám và tiền
lớn hơn tất cả những cuộc di cư trước cộng lại. (Còn với tôi, nếu tôi có phải bỏ
nước ra đi, thì lý do duy nhất là tôi không muốn con tôi sống với những điều dối
trá đang diễn ra.)
Sang năm
2016, tôi thấy hơi lạc quan với những động thái mà Đảng CS đưa ra. Dường như những
nhà lãnh đạo đã cảm thấy một phần sức nóng bức xúc của công luận. Tham nhũng được
coi là quốc nạn, những vụ bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp dường như khá tích cực. Những
vụ luân chuyển cán bộ cấp thành ủy đã mang hơi hướng của việc cải cách. Một điểm
tích cực khác là dàn lãnh đạo khá trẻ của Đảng cho dù họ có là con ông cháu cha
hay chăng nữa. Truyền thông và mạng xã hội được coi trọng hơn rất nhiều. Quan
chức giờ đã biết nhìn và hành động theo phản ứng của dư luận, cho dù những việc
đó có là “giả tạo” thì việc biết để ý đến phản ứng của công luận đã là một bước
tiến bộ rất đáng kể.
Tôi mong rằng
sang thập kỷ mới, chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được triệt để những vấn đề
nêu trên. Hãy trở thành một chính phủ quyết đoán hơn, dùng được tầng lớp kỹ trị.
Các quan chức phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các quyết sách của mình. Hãy biến
Việt Nam trong những năm tới thành một “Quốc Gia Giáo Dục – Education Nation”
nơi mà việc học tiếng Anh, Toán, Khoa học được coi trọng hàng đầu.
Chính phủ
Việt Nam cũng nên cởi mở hơn với những phản biện xã hội. Hãy coi phản biện xã hội
là những tấm gương lớn để soi lại mình. Đừng chụp mũ và áp đặt cho các phản biện
xã hội là “diễn biến hòa bình” hay “các thế lực phản động”. Đảng CS Việt Nam
luôn tự làm mới mình trong mỗi lần sinh tử. Vậy hãy làm mới mình, hãy chấp nhận
thay đổi cho một đất nước tốt đẹp hơn.
Anh bạn
thân của tôi, một nhà kinh tế học nổi tiếng Việt Nam đã từng nói đầy cay đắng:
Bi kịch và nghịch lý lớn nhất của thể chế chính trị hiện giờ là nó biến những
người hiền hòa, những trí thức và doanh nhân an phận có trách nhiệm (như tính
cách của dân tộc Việt Nam) thành những người bất đồng. Chúng tôi yêu tha thiết
đất nước này, và một cách nào đó, chúng tôi được hưởng lợi từ chế độ này. Tuy
nhiên, mong thể chế này hãy thay đổi tích cực để đừng biến những người yêu nước
(như chúng tôi), một ngày nào đó lại phải trở thành những người “bất đồng chính
kiến”.
Nguyễn Quốc
Toàn
(Đầu đề mượn lời thơ
của Phạm Công Thiện. Bài viết có sử dụng các ý trao đổi của Vũ Thành Tự Anh và
Trần Vinh Dự).Nguồn: Facebook Toan Nguyen