Nguyễn Quang Dy
“Quyền lực đẻ ra từ nòng súng”
(Mao Trạch Đông)
Câu nói của Mao (quyền lực đẻ ra từ nòng
súng) chỉ đúng một phần. Thứ nhất, nó chỉ đúng với quyền lực cứng, chứ không
đúng với quyền lực mềm, vì súng và tiền không thể đẻ ra quyền lực mềm. Thứ hai,
nó chỉ đúng với việc giành quyền lực, chứ không đúng với việc giữ quyền lực, vì
muốn giữ quyền lực lâu dài thì phải đổi mới và phát triển. Muốn phát triển bền
vững phải đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị. Nhưng “quyền lực tuyệt đối thì tham
nhũng tuyệt đối”, nên những kẻ độc tài và tham nhũng không chịu đổi mới chính
trị.
Chính Mao đã từng nói “chính trị là thống
soái” (politics in command) và hô hào phải làm “cách mạng thường trực”. Chính
Mao đã huy động “Hồng vệ Binh” (fringe power) đối đầu và đánh sập hệ thống quyền
lực của Đảng (mainstream power) để giành lại quyền lực (độc tôn). Chính Mao đã
tạo ra “tiền lệ chống Đảng” (bằng bạo lực). Phải chăng Tập Cận Bình cũng đang bắt
chước Mao một cách “sáng tạo” theo “Neo-Maoism” để giành quyền lực (độc tôn). Đối
với Mao (và Tập) chính trị là độc tài. Cả Mao và Tập đều sùng bái quyền lực tuyệt
đối và áp dụng sùng bái cá nhân, nên không hiểu giới hạn của quyền lực cứng.
Giới hạn của quyền lực không phải là điều
mới lạ. Bệnh sùng bái quyền lực rất phổ biến, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở
nhiều nước khác. Con người vốn sợ quyền lực, sợ kẻ mạnh, sợ nước lớn (như sợ
Trung Quốc). Một số người (ở Việt Nam) sợ Trung Quốc nên không dám phản kháng
khi bị họ bắt nạt; không dám kiện khi bị họ xâm phạm chủ quyền; không dám chơi
với nước khác làm đối trọng vì sợ họ giận. Một số nước không dám lên án Trung
Quốc quân sự hóa và lấn chiếm Biển Đông, vì sợ mất lòng TQ, và mất lợi ích kinh
tế.
Napoleon Bonaparte đã từng nói “Trung Quốc
là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để chó nó ngủ yên, vì khi thức dậy nó sẽ
làm đảo lộn thế giới”. Lời cảnh báo đó nay đã trở thành sự thật. Trung Quốc đã
trỗi dậy (không hòa bình), bắt nạt các nước yếu hơn, và thách thức trật tự thế
giới. Nhưng Trung Quốc mạnh tới đâu và có đáng sợ không? Sức mạnh của họ có giới
hạn không? Và làm thế nào để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc?
Trung
Quốc trỗi dậy: Dựa vào quyền lực cứng
Sau ba thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục
với tốc độ tăng trưởng hai con số, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành
cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang cạnh tranh với Mỹ về kinh tế và
quân sự, với tham vọng sẽ vượt cả Mỹ. Trung
Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ (với 1.300 tỷ USD tài sản). Dự trữ ngoại tệ
của Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới, tuy gần đây đã bị tụt xuống mức 3.300 tỷ
USD (cuối năm 2015). Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 tuy tăng một
cách khiêm tốn là 7,6% nhưng vẫn đứng thứ hai thế giới (146,67 tỷ USD), chỉ sau
Mỹ (573 tỷ USD cho ngân sách năm 2016).
Trung Quốc không chỉ là “quái vật kinh tế”
(economic animal) như Nhật trước đây, mà còn là “quái vật quân sự” (military
monster). Trung Quốc vừa sử dụng “cái gậy” để triển khai quyền lực (project
power), vừa sử dụng “củ cà rốt” để mua chuộc các nước bằng túi tiền (checkbook
diplomacy). Để mua chuộc Pakistan, Trung
Quốc đã đầu tư 46 tỷ USD (4/2015). Để cạnh tranh với thể chế tài chính của Mỹ
và Nhật, Trung Quốc đã khởi xướng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB)
và góp vốn 50 tỷ USD (4/2015). Tập Cận Bình muốn theo đuổi “Giấc mộng Trung
Hoa” để làm bá chủ thế giới bằng “Một vành đai, Một con đường”. Đó là con đường
cực đoan dựa trên sức mạnh cứng của cơ bắp và tiền.
Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc thách thức
Nhật Bản, đòi chủ quyền đảo Điếu Ngư và áp đặt Khu vực Nhận diện Phòng không
(ADIZ). Tại Biển Đông, Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, xâm phạm chủ quyền
Việt Nam bằng dàn khoan HD981, bồi đắp các đảo đá ngầm và xây dựng các căn cứ
quân sự, thách thức quyền tự do hàng hải quốc tế với yêu sách “đường chín đoạn”,
nhằm kiểm soát và độc chiếm Biển Đông. Bằng “cái gậy” và “củ cà rốt”, Trung Quốc
tăng cường phân hóa và thao túng các nước ASEAN (như cách tách bó đũa ra để bẻ
từng chiếc) nhằm đối phó với chính sách ngăn chặn của Mỹ.
Khi Tập Cận Bình đến thăm Canberra
(17/11/2014), chính phủ Tony Abbott đã trải thảm đỏ đón như một hoàng đế. Tập
Cận Bình đã đọc diễn văn tại Quốc Hội Úc, nhấn mạnh hai nước “tay trong tay” và
“vai kề vai” vì sự phát triển hai nước và ổn định khu vực. Khác với chuyến thăm
vội vàng của Tổng thống Obama (11/2014), Tập Cận Bình đã được chính phủ Úc tìm
mọi cách làm hài lòng (kể cả việc trước đó bỏ công sức và tiền bạc tìm kiếm vô
vọng chiếc máy bay mất tích MH-370) để lấy lòng Trung Quốc, nhằm ký được một
hiệp định thương mại có lợi cho nền kinh tế đang cần vốn và thị trường. Không
biết có phải vì họ ngộ nhận hay ngây thơ về Trung Quốc hay không, mà chính phủ
bang Northern Teritory đã quyết định cho tập đoàn Landbridge thuê cảng Darwin
99 năm, với giá 506 triệu AUD. Quyết định này đã bị dư luận báo chí trong nước thổi
còi và chính phủ Mỹ phản ứng (New York Times, 21/3/2016). Landbridge có quan hệ
mật thiết với PLA, và Darwin là nơi đóng quân của 2500 lính thủy đánh bộ Mỹ theo
kế hoạch “xoay trục” sang Châu Á để đối phó với Trung Quốc.
Không phải chỉ có Úc và Anh sợ Trung
Quốc mất lòng, mà nhiều nước khác (như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Cambodia
và Thailand) cũng thích “củ cà rốt” Trung Quốc. Nhưng gần đây, Malaysia và
Indonesia bắt đầu thay đổi thái độ, vì Trung Quốc hành xử quá thô bạo. Tập Cận
Bình đang thể hiện “xu hướng Phát-xít” trong nước và cách ứng xử ngày càng
trắng trợn ở ngoài nước. Tình hình chính trị bên trong Trung Quốc hiện đáng báo
động, và là mối đe dọa cho sự ổn định trong khu vực. (Jonathan London blog,
22/3/2016).
Trung
Quốc suy tàn: Thiếu quyền lực mềm
Mô hình phát triển kinh tế với “bản sắc
Trung Quốc” (Chinese exceptionalism) dựa trên thuyết “authoritarian resilience”
được đánh giá là động lực chính đưa Trung Quốc cất cánh về kinh tế (sau sự kiện
Thiên An Môn). Mô hình này đã giúp Trung Quốc phát triển ngoạn mục trong một thời
gian, nhưng đến nay đã hết đà và hết hiệu nghiệm. Kinh tế Trung Quốc không thể
dựa mãi vào xuất khẩu, mà cần phải chuyển đổi cơ cấu (dựa trên sức mua cho tiêu
dùng trong nước). Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã phát triển “kịch
đường” (Paul Krugman), và đang gặp phải những mâu thuẫn trầm trọng, có thể dẫn
đến sụp đổ hệ thống, nếu không đổi mới chính trị và dân chủ hóa. Nhưng đổi mới lại
mâu thuẫn với bản chất chế độ chuyên chế độc đảng, đúng lúc này chuyển hướng cực
đoan, tăng cường trấn áp.
Thay vì đổi mới thể chế chính trị thì Tập
Cận Bình lại tăng cường kiểm soát và trấn áp. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ (CCDI)
do Vương Kỳ Sơn làm Bí thư, là cánh tay phải của Tập Cận Bình và là cơ quan quyền
lực đáng sợ nhất. CCDI đã bắt 160 “hổ to” (cán bộ cao cấp) và 1.400 “hổ nhỏ” để
điều tra tham nhũng, nhằm “giết gà dọa khỉ” (xiaji jinghou). Dưới
ngọn cờ chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã ráo riết thanh trừng các đối thủ
chính trị. Bộ Công nghệ Thông tin (MIT) còn ra quy định cấm các công ty báo chí
do nước ngoài đầu tư không được xuất bản kể cả trực tuyến, nếu không được phép.
Tập Cận Bình tuyên bố, “Tất cả các cơ quan truyền thông do Đảng chỉ đạo phải
nói tiếng nói của Đảng và bảo vệ uy quyền và thống nhất của Đảng”. (Orville Schell,
New
York Review of Books, April 21, 2016).
Giới nghiên cứu độc lập và các giáo sư có
quan điểm cởi mở tại các viện nghiên cứu và các trường đại học rất lo ngại về
“hệ quả đáng sợ” của các chính sách cực đoan này đối với học thuật. Nhiều luật
sư về nhân quyền đã bị bắt, gồm 300 luật sư với các cộng sự và người thân của
họ, trong “Chiến dịch 709” (từ 9/7/2013). Từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành
chiến dịch phá hủy thánh giá trên các nhà thờ. Riêng tại tỉnh Triết Giang, hơn
1.000 cây thánh giá đã bị phá hủy, tại các nhà thờ bị xử phạt chính thức. Nhiều
nhà báo và học giả nước ngoài không được cấp visa nhập
cảnh. Chiến dịch trấn áp này còn vươn ra khỏi Trung Quốc.
Chiến
dịch trấn áp này không phải chỉ giống thời Cách mạng Văn hóa mà còn giống mô
hình “Đông Xưởng” (Eastern Depot) thời nhà Minh, dưới đời vua Chu Lệ (Yongle
Emperor, 1402- 1424) với một hệ thống mật thám theo dõi nội bộ rất chặt chẽ, để
bảo vệ vương quyền. Các cơ quan tuyên truyền của Đảng gọi Tập Cận Bình là lãnh
đạo “nòng cốt” (hexin) theo kiểu “độc tài cá nhân” (dictatorial personality).
Nhiều người lo ngại Trung Quốc đang trượt theo xu hướng Mao (Neo-Maoim), chứ
không theo xu hướng Đặng Tiểu Bình, và ngày càng giống mô hình “Đông Xưởng” đầy
tai tiếng. Nhưng tăng cường kiểm soát và trấn áp không có nghĩa là Trung Quốc
đang mạnh lên, mà là đang suy yếu. Theo David Shambaugh, Trung Quốc đang trong
“màn chót” (endgame) hay trong “buổi hoàng hôn” (twilight) của chế độ cộng sản (Minxin
Pei). Còn theo Ross Peros thì Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” (hard landing)
.
Bất
chấp trấn áp, dư luận phản đối Tập Cận Bình vẫn không bị dập tắt. Trong một bức
thư ngỏ lưu hành trên mạng , phóng viên Tân Hoa Xã Zhou Fang đã phê phán chính
sách kiểm duyệt thô bạo và cực đoan của Tập Cận Bình là “vi phạm quyền tự do ngôn
luận trực tuyến”. Một bức thư ngỏ khác của một nhóm các “Đảng viên Cộng sản
Trung kiên” (đăng trên website CCDI) không những lên án Tập về tệ “sùng bái cá
nhân” mà còn công khai kêu gọi Tập từ chức vì, “không có năng lực lãnh đạo Đảng
và đất nước tiến vào tương lai…”
Bức
thư đó lập luận rằng “chính sách đối ngoại hung hăng của Tập đã gây hấn với các
nước láng giềng và để Mỹ giành ảnh hưởng, trong khi làm Hong Kong và Đài Loan
li tán. Quản trị kinh tế của Tập đã dẫn đến sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán
năm ngoái, làm cho các doanh nghiệp nhà nước phải sa thải hàng loạt nhân viên và
làm nền kinh tế suy sụp”. Một giáo sư của trường Đảng cảnh báo “đàn áp sẽ gây nguy hiểm
cho Đảng”. Theo Andrew Nathan, những ý kiến chỉ trích đăng trên website CCDI
chứng tỏ những người ủng hộ Tập đang lo ngại những quyết sách của ông có thể
làm sụp đổ chế độ (Washinton Post, March 29, 2016).
Người dân lo sợ tìm mọi cách chuyển
tiền ra nước ngoài, làm Trung Quốc chảy máu ngoại hối ngày càng nhiều. Riêng năm
2015, đã có 1000 tỷ USD chạy khỏi Trung Quốc, làm dự trữ ngoại hối chỉ còn
3.300 tỷ USD. Chỉ cần 5% dân số Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài hợp lệ (mỗi
người được chuyển 50.000 USD/năm) thì số dự trữ ngoại hối nói trên sẽ hết sạch.
Theo AFP (20/1/2016) 1/4 số công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc đang rút
khỏi nước này. Chỉ trong 3 tháng đầu 2016, tổng giá trị ngoại tệ mà Trung Quốc
mua lại các công ty nước ngoài là 73 tỷ USD (so với 6,2 tỷ USD cùng kỳ năm
ngoái).
Đảng CSTQ càng dựa vào chủ nghĩa dân
tộc cực đoan và bài ngoại, thì các chính sách của Tập Cận Bình càng cản trở Bắc
Kinh trong việc điều chỉnh mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng tại Biển
Hoa Đông cũng như Biển Đông. Những bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Nhật và
Trung-Việt đã làm thay đổi bức tranh địa chính trị tại hai khu vực trọng yếu
này. Trong khi Nhật buộc phải thay đổi hiến pháp (điều 9) để tái vũ trang, thì
Việt Nam buộc phải xoay trục xích lại gần Mỹ, theo hướng đối tác chiến
lược.
Giới
hạn của quyền lực
Việt Nam trước đây không sợ Trung Quốc,
dám chống lại khi bị Trung Quốc xâm lược và đô hộ. Người Việt đã từng thắng, dù
người Trung Quốc mạnh hơn nhiều lần, dù thời trước người Việt không có đồng
minh nào làm đối trọng. Đó là sự thật lịch sử. Nhưng khi thắng trận, các cụ thời
trước rất khiêm tốn, không hạ nhục đối phương (không ghi kẻ thù vào Hiến pháp
và không xua đuổi người Hoa). Các cụ còn xin lỗi đối phương để hòa giải, vì họ
là nước lớn. Đó là văn hóa ứng xử khôn ngoan. Nói cách khác, đó là quyền lực mềm.
Khi Trung quốc xâm lược Việt nam (2/1979),
họ đã sử dụng một lực lượng lớn hơn nhiều lần, tấn công trên toàn tuyến biên giới,
trong khi lực lượng cơ động chiến lược tinh nhuệ của Việt Nam còn ở Campuchia (chưa
chuyển quân về kịp thời). Nhưng quân đội Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề, chủ
yếu bởi lực lượng tại chỗ của Việt Nam. Có nhiều lý do, như địa hình hiểm trở,
quân đội Trung Quốc lúc đó còn yếu kém về trang bị và chiến thuật, ý chí chiến
đấu của người Việt Nam lúc đó rất cao, làm giới hạn quyền lực cứng của TQ.
Trong suốt cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung,
Trung Quốc chỉ thắng một trận lớn đáng kể là trận Lão Sơn, khi giành giật cao
điểm 1509 tại Vị Xuyên (4/1984). Họ thắng chỉ vì có kẻ phản bội làm nội gián cung
cấp kế hoạch tấn công của ta cho địch. Bốn năm sau (3/1998), Trung Quốc đánh
chiếm đảo Gạc Ma (Johnson South Reef). Việt nam mất Gạc Ma không phải chỉ vì lực
lượng quá chênh lệch (ta chỉ có lính công binh giữ đảo), mà còn vì “lệnh trên”
không cho nổ súng, nên đơn vị giữ đảo đã bị địch tàn sát (hy sinh 64 chiến sĩ).
Thất bại Gạc Ma và Lão Sơn là vết nhục và mối hận đối với quân đội Việt Nam. Cuốn
sách “Vòng tròn Bất tử” (do tướng Lê Mã Lương chủ biên) không được xuất bản là
một món nợ máu.
Khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu chuyển
giai đoạn (1965), tổng thống John Kennedy lưỡng lự trước quyết định can thiệp
quân sự. Nhưng dàn cố vấn của ông gồm những người “tài giỏi và thông minh nhất
nước Mỹ” (the best and the brightest) ủng hộ can thiệp quân sự. Trong đó có cố
vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara. Chỉ
có George Ball (trợ lý Ngoại trưởng) nhìn thấy trước sai lầm và cố can ngăn tổng
thống đừng can thiệp, nhưng họ không nghe. George ball là người có tầm
nhìn.
Trong chiến tranh Việt nam, người Mỹ đã
triển khai tối đa sức mạnh cứng. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã triển khai
“hàng rào điện tử” để ngăn chặn quân đội Bắc Việt thâm nhập, nhưng đã bất lực.
Mỹ đã dùng hỏa lực tối đa (kể cả máy bay ném bom B52), tưởng sẽ bình định được
Việt Nam trong vòng 18 tháng, nhưng họ đã nhầm. Chiến tranh Việt Nam đã làm người
Mỹ nhận ra “giới hạn của quyền lực” (limits of power).
Vài
tử huyệt của Trung Quốc
Vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Chỉ cần
quan sát dòng tiền đi đâu về đâu là biết sức khỏe nền kinh tế thế nào. Nhiều tiền
như Trung Quốc chưa chắc đã khỏe. Thiếu tiền như Việt Nam hiện nay cũng khốn đốn.
Thật là một câu hỏi hóc búa khi Giám đôc World Bank hỏi thẳng thủ tướng NTD,
“chính phủ ông lấy đâu ra tiền để phát triển nhanh và bền vững”. Điều bà Victoria
Kwakwa không tiện hỏi là “tiền viện trợ đi đằng nào?”
Thứ nhất, dòng tiền chạy ra khỏi Trung Quốc
đang đe dọa dự trữ ngoại hối. Khoảng 1.400 tỷ USD đã chạy khỏi TQ trong 10 năm
qua. Riêng năm 2015, khoảng 1.000 tỷ USD đã chạy mất, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối, gây
bất ổn cho nền kinh tế. Nhiều quan chức tham
nhũng và các đại gia làm ăn mờ ám tìm cách trốn thuế và rửa tiền. Hồ sơ Panama (4/2016)
là một quả bom nổ chậm khổng lồ, lớn hơn nhiều so với hồ sơ “Offshoreleaks”
(2013).
Theo tờ New York Times (10/2012) công ty tư vấn luật của con gái ông Ôn Gia Bảo, tên là Lily Chang, đã được JPMorgan, trả 1,8 triệu USD… Tài liệu của ICIJ cho biết mối liên hệ giữa cô Chang và công ty tư vấn Fullmark Consultants được lập năm 2004 ở BVI dưới tên chồng của Chang là Liu Chunhang, tồn tại đến năm 2006 trước khi anh này chuyển đi làm cho một ngân hàng ở Trung Quốc. Quyền sở hữu Fullmark Consultants khi đó được chuyển sang cho Zhang Yuhong, một người bạn của gia đình Ôn Gia Bảo. Tờ New York Times nói rằng Zhang Yuhong có liên hệ tới các hoạt động làm ăn của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và cáo buộc gia đình ông Ôn Gia Bảo đã tích lũy tài sản lên tới 2,7 tỷ USD trong thời gian ông cầm quyền. ICIJ cũng tiết lộ con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng đã thành lập công ty Trend Gold Consultants tại BVI dưới sự trợ giúp của Credit Suisse (năm 2006).
Hồ sơ Panama cho biết, gần một phần
ba thương vụ của tập đoàn Mossack Fonseca đến từ văn phòng tại Hong Kong và
Trung Quốc, khiến “Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất và Hong Kong là văn
phòng bận rộn nhất” của họ. Thật trớ trêu là từ khi cầm quyền (2012), ông Tập
Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” mạnh mẽ. Hơn
300.000 quan chức Trung Quốc đã bị thanh trừng vì vi phạm luật chống tham nhũng.
Hồ sơ Panama xuất hiện đúng vào lúc gay cấn nhất đối với ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, trong hồ sơ Panama còn có tên tuổi nhiều người khác như bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng và cô Jasmine Li, cháu gái ông Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSTQ. Công ty của bà Lý Tiểu Lâm, tên là Cofic Investments Ltd, có địa chỉ tại British Virgin Islands, còn cô Jasmine Li đã nhận được một công ty ở hải ngoại khi còn tuổi vị thành niên. Trong Hồ sơ Panama còn có tên tuổi các thân nhân của hai đương kim ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSTQ là ông Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn.
“Đả hổ diệt ruồi” là con dao hai lưỡi. Tuy chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Tập Cận Bình đã thanh trừng được hơn
300.000 quan chức tham nhũng, nhưng cũng gây ra mâu thuẫn nội bộ rât sâu sắc, làm xã hội hoảng loạn (như thời cách mạng văn hóa) và làm bộ máy công quyền gần như tê liệt, với những tin đồn dai dẳng về nguy cơ đảo chính và ám sát. Vụ Lệnh Hoàn Thành (anh của Lệnh Kế Hoạch đang bị giam) chạy sang Mỹ, đem theo nhiều tài liệu tối mật (nghe nói còn quan trọng hơn cả vụ Vương Lập Quân) là một quả bom nổ chậm đang làm đau đầu Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn. Vụ Panama papers làm cho Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn còn đau đầu hơn nhiều (vì mất chính danh). Trong khi các đối thủ chính trị trong nước sẽ lợi dụng để phản công, thì các chính phủ nước ngoài (như Mỹ) có thể tìm cách khống chế Mossack Fonseca, một khi họ muốn trừng phạt kinh tế TQ. Trong thế giới toàn cầu hóa, các nhà độc tài (như Tập hay Putin) không ai an toàn tuyệt đối.
Thứ
hai, kinh tế suy thoái dẫn đến phá giá đồng tiền, chứng khoán đổ vỡ, nguy cơ nợ
xấu và vỡ bong bóng bất động sản, thất nghiệp và biểu tình tăng nhanh (năm 2015
có 28 triệu công nhân thất nghiệp và
2.700 vụ đình công). Trong khi người nghèo “di cư ngược” về nông thôn, thì
người giàu di cư ra nước ngoài một cách ồ ạt. Người ta nói chứng khoán đổ vỡ là
một cuộc ‘tàn sát tầng lớp trung lưu”, làm dòng người chạy khỏi Trung Quốc ngày
càng lớn. Nói cách khác, đây là hiện tượng dân chúng “bỏ phiếu bằng chân”.
Thứ ba, phong trào “thoát Trung” ngày càng
rõ (tại Hong Kong, Đài Loan), trong khi phong trào li khai (có thể kèm theo cả khủng
bố) ngày càng gia tăng (tại Tân Cương, Tây Tạng). Dư luận Hông Kong ngày càng bất
bình về chính sách của Bắc Kinh, không tôn trọng những cam kết về quyền tự do dân
chủ cho Hồng Kong, là nguyên nhân chính làm nổ ra phong trào biểu tình “bất
tuân dân sự” (năm 2014). Tại Đài Loan, Đảng đối lập Dân Tiến bất ngờ thắng cử
và bà Thái Anh Văn lên làm ổng thống (1/2016) đã làm Bắc Kinh đau đầu.
Thứ tư, ô nhiễm môi trường và thực phẩm
nhiễm độc ngày càng nặng, tới mức báo động, không những làm chất lượng cuộc sống
của người dân Trung Quốc ngày càng bất ổn, mà còn làm cho hình ảnh của Trung Quốc
ngày càng xấu xí. Một xã hội bất an và chất lượng cuộc sống bất ổn, trong khi tự
do dân chủ và nhân quyền bị bóp nghẹt, là một xã hội tụt hậu. Trong khi đó,
bóng ma Thiên An Môn và oan hồn của những người dân tập Pháp Luân Công bị sát hại,
đang chờ đòi mạng, như một quả bom nổ chậm chưa được tháo ngòi.
Thứ năm, xung đột tại Biển Đông và Biển
Hoa Đông do thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải xoay
trục xích lại gần Mỹ như đối tác chiến lược (trên thực tế), và buộc Nhật phải
thay đổi hiến pháp để tái vũ trang nhằm tự vệ và bảo vệ đồng minh tại khu vực
(Biển Đông). Trước mối đe dọa của Trung Quốc, vai trò của Nhật tại khu vực Đông
Á ngày càng lớn. Cùng với chính sách “xoay trục” của Mỹ và TPP, những thay đổi địa
chính trị tại khu vực đang làm cho Trung Quốc ngày càng bị cô lập.
Còn
Việt Nam thì sao?
Nói người phải nghĩ đến ta: Còn Việt
Nam thì sao? Hãy thử điểm lại vài nét chính về bức tranh kinh tế Việt Nam qua
các số liệu “biết nói” dưới đây, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực (với
những rủi ro về “khoảng trống quyền lực” và sự phụ thuộc quá lớn vào Trung
Quốc). Liệu Việt Nam còn có thể trì hoãn cải cách thể chế đến tận bao giờ?
Theo báo cáo của Global Financial
Integrity (GFI, 12/2015), dòng tiền phi pháp từ Việt Nam chảy ra nước ngoài đã
tăng liên tục (tính từ 2004 đến 2013). Ví dụ, con số của năm 2004 là 4,034 tỷ
USD, đến năm 2013 là 17,837 tỷ USD. Tổng cộng trong 10 năm là 92,935 tỷ USD. (Tính
trung bình mỗi năm là 9,293 tỷ USD).
Theo Báo cáo Kinh tế VN quý I/2016 do Viện
Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VERP, 12/4/2016), lượng tiền gửi tại nước
ngoài của người Việt Nam gia tăng đột biến, lên mức 7,3 tỷ USD, tính đến cuối
năm 2015 (trong khi các ngân hàng lớn vẫn phải đi vay ngoại tệ của nước ngoài để
đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước).
Trong
bối cảnh kinh tế co thắt và khủng hoảng ngân sách trầm trọng, chủ yếu do tình
trạng thu chi bừa bãi và lạm dụng nguồn vốn vay ODA, người giàu chắc chắn sẽ
tiếp tục chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp),
như cơn sốt đang diễn ra hiện nay. Dòng tiền này dường như không được giám sát
hoặc ngăn chặn. Không phải ngẫu nhiên mà World Bank tuyên bố ngưng cho vay ODA
từ năm 2017.
Theo
chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG,
1/4/2016): “trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân
sách xấu như bây giờ”. Không chỉ có vậy, nợ công Việt Nam đang tiến đến ngưỡng
“chết chùm”. Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu (cập nhật bởi báo Economist ngày 12/4/2016), nợ công
Việt Nam hiện nay là 94.854.098.361 USD.
Theo ông Phong, so với các nước khác, nợ công của Việt Nam còn nguy hiểm gấp đôi, bởi vì: dự trữ ngoại tệ của VN rất mỏng; độ ổn định bền vững của kinh tế không lớn; nguồn thu ngày càng hẹp lại; và sự lỏng lẻo trong cơ chế dẫn đến thất thoát quá lớn.
Theo ông Nguyễn Đức Thành (Giám đôc VERP), sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân Tệ (8/2015), Việt Nam đã thâm hụt 6,6 tỷ USD (trong quý 3/2015) chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. Còn ông Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN), thì cho rằng, “Ta đi sau Trung Quốc đã đành, nhưng bi kịch ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn”.
Hệ quả là các doanh nghiệp đã trở thành nạn nhân của nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”. Theo VCCI (TBKTSG, 13/4/2016). 428.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể trong giai đoạn 2007-2015 (tương đương với 45,5% tổng số doanh nghiệp). Tính đến cuối năm 2015, cả nước chỉ còn 513.000 doanh nghiệp (bằng 54,5%).
Thay
cho lời kết
Khi Nhật đứng trên đỉnh cao quyền
lực (trước khủng hoảng 1997) ai cũng lo “Nhật mua cả thế giới”. Nhật cũng bị suy sụp vì khủng hoảng, thì Trung
Quốc không phải ngoại lệ. Nếu sức mạnh chỉ dựa trên quyền lực cứng, thì nó chỉ
nhất thời. Muốn phát triển bền vững, Trung Quốc phải đổi mới thể chế, cả kinh
tế lẫn chính trị. TQ tăng cường kiểm soát và trấn áp các quyền tự do dân chủ
(bên trong) và hung hăng (với bên ngoài), không phản ánh sức mạnh đang lên, mà bộc
lộ thế yếu đi xuống, nên lo sợ đối phó để duy trì nguyên trạng.
Để đối phó với mối đe dọa của Trung
Quốc, các nước ASEAN phải đoàn kết. Các nước có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông
như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, cần ngồi lại với nhau để
giải quyết tranh chấp, không để bị phân hóa, để có tiếng nói chung với Trung
quốc. Khối “tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) cần củng cố thể chế và phối hợp chặt chẽ trong
vai trò an ninh khu vực, bao gồm tuần tra chung và giúp các nước ASEAN (đặc
biệt là Philippines và Việt Nam) tăng cường khả năng phòng thủ, thông qua khuân
khổ Đối tác Chiến lược Mỹ-ASEAN, TPP và Tầm nhìn Đông Á. Cần dựa trên các khuân
khổ hợp tác an ninh (cả cũ và mới), để tăng cường hợp tác quân sự, chia sẻ thông
tin tình báo, phối hợp tập trận và tuần tra chung tại Biển Đông, để đảm bảo
nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế.
Theo Thượng nghị Sỹ John McCain, đã đến lúc Mỹ phải vượt qua
những động tác tượng trưng để xúc tiến “một chiến dịch tự do trên biển” mạnh
mẽ, cả về nhịp độ và quy mô chương trình tuần tra FONOP của các chiến hạm Mỹ tại
Biển Đông để thách thức thái độ của Trung Quốc. Cần tăng cường các hoạt động tập
trận và tuần tra chung, thu thập tin tức tình báo tại khu vực Tây Thái Bình
Dương. Trước thay đổi về tương quan lực lượng, Mỹ phải tập trung tăng cường vị
thế quân sự tại khu vực, phù hợp với Báo cáo của CSIS tại Quốc hội gần đây, bao
gồm triển khai thêm các lực lượng không quân, hải quân, và lục quân tại khu vực
này để làm cho các nước đồng minh yên tâm (Financial Times, April 12, 2016).
Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới (5/2016) hy vọng tổng thống Obama có
tiếng nói chung với TNS John McCain, để chấm dứt “tiếng kèn ngập ngừng” trong
trò chơi “mèo vờn chuột” ở Biển Đông. Đối tác chiến lược Mỹ-Việt phụ thuộc vào
cách thức chính quyền Obama (hay chính quyền tiếp theo) triển khai chính sách
“tái cân bằng” để ngăn chặn Trung Quốc, cũng như thái độ hợp tác thực sự của dàn
lãnh đạo mới tại Hà Nôi.
Tham
khảo
1. “America needs
more than symbolic gestures in the South China Sea”, John McCain, Financial
Times, April 12, 2016
4. “Xi Jinping flirts with danger in his turn to ideology”, Stein
Ringen, South China Morning Post, April 11, 2016,
5. “Chinas resistance to Xi Jinping slide into Maoism”, Editorial
Board, Washington Post, March 28, 2016
NQD.
13/4/2016