26 janvier 2018

Hào quang quan chức và nước mắt...trẻ con!


Xuân Dương
 

Vì sao ông Thăng phải ra tòa và trước tòa ông lại khóc lóc xin khoan hồng?

(GDVN) - Con đường đến nhà tù khiến ông Đinh La Thăng phải khóc lóc xin xỏ chính là hình phạt cho những gì mà ông gây ra trong những năm tháng trên đỉnh danh vọng.



Những năm tháng chiến tranh giữ nước, thế hệ trẻ người Việt truyền nhau câu thơ của nhà thơ Nam Hà:

Đất nước của những người con gái, con trai; Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép; Xa nhau không hề rơi nước mắt; Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...".





Thế mà hôm nay, hơn 40 năm sau ngày thống nhất, có người cùng thời “Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” bỗng sụt sùi trước tòa, bỗng muốn làm “ma tự do” chứ không phải “ma tù”.

Sao cuộc đời chính khách lại có những bể dâu như thế?

Từng ở vị trí rất cao trong chính trường và tổ chức Đảng: Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Quốc hội, tưởng như ông Đinh La Thăng không có gì phải lo lắng cho sinh mạng chính trị của mình.

Thế thì vì sao ông Thăng phải ra tòa và trước tòa ông lại khóc lóc xin khoan hồng?


Người Việt cả trẻ lẫn già đều biết sự hiên ngang của anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và bao nhiêu người con ưu tú khác trước họng súng quân thù.

Họ không hề rơi nước mắt, không hối tiếc khi hiến dâng tuổi thanh xuân cho quê hương dù thân thể của họ vĩnh viễn nằm đâu đó dưới sông Thạch Hãn, trong rừng U Minh, trong các trại giam Côn Sơn, Phú Quốc hay bên kia biên giới, họ ngẩng cao đầu làm “ma trong tù” chứ không phản bội niềm tin của dân tộc này, đất nước này.

Những giọt nước mắt của Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng có thể làm mủi lòng không ít người, có thể khơi dậy sự thương cảm của ai đó âu cũng là điều bình thường.

Thế nhưng với cương vị rất cao từng đảm nhận trong Đảng, Chính phủ mà khóc mếu như trẻ con trước tòa khiến cho người ta có cảm giác như trò đùa, như có cái gì đó “hèn hèn” không phải của người từng chỉ mặt đòi đuổi nhà thầu nước ngoài hay yêu cầu cách chức cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói một cách công bằng, ông Thăng vừa có công vừa có tội, chỉ có điều công của ông không đủ chuộc lại những lỗi lầm ông gây ra cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn niềm tin của xã hội.

Sự suy giảm niềm tin của người dân với thể chế chính trị chính là bởi có không ít những con người như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,…, những kẻ cơ hội chui sâu, trèo cao làm thì ít, phá thì nhiều.

Hàng trăm bài báo vinh danh ông Thăng với những “lời có cánh”, con đường thăng tiến thênh thang từ một viên chức đến chính trị gia chính là sự “trả công” cho những gì mà ông đóng góp.

Con đường đến nhà tù khiến ông phải khóc lóc xin xỏ chính là hình phạt cho những gì mà ông gây ra trong những năm tháng trên đỉnh danh vọng.

Những gì tuyên cáo trước tòa trong phiên sơ thẩm xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vừa qua chưa phải là tất cả, cáo trạng với hai người này chưa cho thấy những giọt mồ hôi, nước mắt của hàng vạn công nhân, nông dân bị phung phí thế nào chỉ bởi một “quyết đoán” khi ông Thăng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Việc Trịnh Xuân Thanh cho vợ con định cư ở nước ngoài chứng tỏ con người ấy đã sớm tiên liệu hậu quả việc mình làm, đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc rời bỏ quê hương cũng như một kẻ đào tẩu khác mới bị bắt là Phan Văn Anh Vũ.

Báo Thanhnien.vn [1] trong bài “PVN mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở Venezuela” cho biết PVN tham gia dự án Junin 2 tại Venezuela với số vốn góp 1,825 tỉ USD.

Đây là dự án, công trình quan trọng của quốc gia thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66/2006/QH11.

Chưa xin ý kiến Quốc hội nhưng từ tháng 5/2009, PVN đã cho tiến hành các hoạt động phối hợp thăm dò, đàm phán và từ ngày 29/6/2010 đã ký hợp đồng với nhiều điều kiện phi lý.

Bài báo kết luận: “Chưa kể nhiều chi phí khác, ai chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 532 triệu USD - hơn 11.000 tỉ đồng "tiền tươi thóc thật" này”?

Dùng từ “thất thoát” chỉ là cách nói văn vẻ, nói đúng bản chất đây là khoản tiền mất trắng mà những người lãnh đạo PVN ngày đó đã gây ra cho ngân sách, tức là những đồng tiền thuế mà người dân đóng góp.

Số tiền hơn 500 triệu đô la Mỹ ấy trớ trêu thay lại tương đương số tiền mà doanh nghiệp Formosa đền bù cho người dân cả bốn tỉnh miền Trung sau khi xả thải bức hại môi trường biển.

Vậy những ai phải chịu trách nhiệm?

Tiểu sử ông Đinh La Thăng đăng trên báo Infonet.vn ngày 2/12/2017 [2]cho thấy giai đoạn 2006-2010 ông Thăng chính là người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 diễn ra ngày 1/8/2011, ông Thăng được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Ngày 23/1/2018 tìm hiểu trên mạng tại một địa chỉ có tên là “Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” người ta vẫn thấy ảnh và tên ông Đinh La Thăng với chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. [3]

Vậy địa chỉ nêu trên là chính thức hay mạo danh, người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần làm rõ.
 
Ảnh chụp màn hình ngày 23/1/2018


Cũng câu chuyện “tiền tươi thóc thật” là những đồng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng mà các lái xe cố tình thanh toán khi qua một số trạm thu phí BOT khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Đây phải chăng cũng là một trong những “thành quả” thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải?.

Nhân nói về BOT, xin trích nguyên văn một đoạn trong bài “Ăn chặn tiền dân!” đăng trên báo điện tử Thanhnien.vn ngày 18/8/2017:

Ông kể đã không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013, sau khi được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”. [4]

Nếu thông tin mà báo Thanhnien.vn nêu lên là có cơ sở thì ông Đinh La Thăng có liên quan gì đến chuyện “vỗ vai” này?

Cùng khóc trước tòa, ngoài ông Đinh La Thăng còn Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nghe nói nhân vật này còn được cơ cấu những chức vụ cao hơn nữa nếu vụ chiếc xe Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng gắn biển xanh không bị truyền thông phát giác.

Không khó để tìm thấy trên mạng xã hội khuôn mặt mãn nguyện của một Trịnh Xuân Thanh với “bộ cánh” lịch sự tại nơi nào đó mà người ta đoán là không phải Việt Nam.

Sự đối nghịch giữa hai hình ảnh của cùng một con người trước và trong phiên tòa cho thấy họ không có một trong những tiêu chuẩn cơ bản của người lãnh đạo là tôn trọng chính bản thân mình.

Ông Thăng biết trước bản án dành cho mình là khoảng 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh biết mức án bên tố tụng đưa ra là chung thân nên họ khóc.

Và người viết cứ băn khoăn tự hỏi, không biết khi phải nhận bản án oan nghiệt dành cho tội giết người mà họ không hề thực hiện, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén có khóc xin tòa chiếu cố đến gia cảnh, các ông có xin tòa cho làm “ma tự do” chứ không phải “ma tù”?

Từ cổ chí kim, quan trường luôn là chốn khắc nghiệt, dấn thân vào phải là những con người có thần kinh vững, có bản lĩnh dám làm, dám chịu.

Khóc lóc nhận lỗi và xin tha thứ chỉ có thể hoặc là đứa trẻ hoặc là con tốt trên bàn cờ vua với hai màu đen trắng.

Nếu không suy nghĩ như trẻ con thì vì sao Trịnh Xuân Thanh lại xin ra nước ngoài chăm sóc vợ con, lại xin lỗi Tổng Bí thư Nguyền Phú Trọng?

Trịnh Xuân Thanh phạm lỗi gì với cá nhân Tổng Bí thư mà phải xin lỗi?

Sự ấu trĩ về mặt pháp luật khiến người ta không thể không hỏi vì sao con người ấy lại có thể làm phó Chủ tịch một tỉnh?

Và càng không thể không nêu câu hỏi những ai đã có tiếng nói quyết định trong việc đưa không ít “đứa trẻ” với bản lĩnh kém cỏi như Trịnh Xuân Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, Vũ Quang Hải,… tới vị trí quyền lực khá cao trong bộ máy?

Gia đình Trịnh Xuân Thanh xin nộp 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Nếu đây là thu nhập cá nhân của gia đình ông Thanh (không phải thu nhập doanh nghiệp) thì mức thuế là 35%, để có thu nhập sau thuế là 4 tỷ đồng thì thu nhập trước thuế phải là hơn 6 tỷ đồng nghĩa là số thuế phải nộp là hơn 2 tỷ đồng.

Các cơ quan tố tụng cần xem xét số tiền 4 tỷ đồng ấy là “tiền sạch” hay từ những nguồn mờ ám.

Nếu chưa nộp thuế thì đây là khoản tiền trốn thuế và đương nhiên không thể dùng “tiền bẩn” để “rửa” vết bẩn trong hồ sơ đương sự.

Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh không chỉ cho thấy những rủi ro tiềm ẩn trong việc Nhà nước quản lý doanh nghiệp mà cũng cho thấy một lượng không nhỏ cán bộ được đặt vào vị trí quyền lực không dựa vào tài và tâm mà là những “tiêu chuẩn ngầm” nào đó.

Điều đáng mừng là qua phiên tòa, người dân phần nào nhận rõ được tài năng, đức độ của không ít cán bộ mà trước đó ai cũng nghĩ họ là những “hạt giống đỏ” mọi người cần noi theo.

Còn một điều khác cũng cần phải nói là liệu còn hay không những cán bộ cao cấp “ngây thơ” về pháp luật và thiếu bản lĩnh như những bị cáo trong phiên tòa vừa xử?

Tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu thanh lọc đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Điều này là vô cùng cần thiết bởi nếu những cơ quan này không trong sạch thì nguy cơ xuất hiện những cán bộ như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong tương lai là khó tránh khỏi.

Vụ án mới khép lại ở phiên sơ thẩm, có thể sẽ còn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, liệu có xuất hiện thêm những đối tượng liên quan ở cấp cao hay dừng tại đây?

Câu hỏi này đặt ra không phải quá sớm hoặc vô căn cứ bởi ông Thăng, ông Thanh không thể làm việc một mình, không thể không báo cáo xin ý kiến chỉ đạo.

Chống tham nhũng không có vùng cấm, Tổng Bí thư đã khẳng định như vậy và người dân cũng mong muốn như vậy.


Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương



http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Hao-quang-quan-chuc-va-nuoc-mattre-con-post183298.gd