14 janvier 2018

Ông Đinh La Thăng: Dù mức án nào cũng chấp nhận





"Bị cáo chỉ mong được chết tại nhà, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè; được thành con ma tự do, không phải con ma tù", ông Thăng nghẹn ngào nói.


Bị cáo Đinh La Thăng.




Chiều 13/1, khi tự bào chữa, ông Thăng cảm ơn chủ tọa phiên tòa đã điều hành phiên tòa dân chủ, cảm ơn các cơ quan tố tụng làm việc với tinh thần khẩn trương đưa vụ án ra xét xử đúng tinh thần pháp luật. 

Ông nói đã hết sức lắng nghe và tôn trọng bản luận tội của VKS nhưng có một số ý kiến. Giọng nói chậm, ngắt quãng, ông nói trong suốt quá trình tố tụng đã hết sức trách nhiệm khai báo, đã nhận trách nhiệm với cương vị người đứng đầu PVN. Ông nhận thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV; thiếu kiểm tra, giám sát, không phát hiện kịp thời những sai phạm, khuyết điểm cấp dưới, dẫn đến nhiều cá nhân vi phạm phải đưa ra truy tố ở phiên tòa này.

Khi tự bào chữa, ông Thăng nhận trách nhiệm cho cấp dưới từ tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực trở xuống - những người không có động cơ vụ lợi cá nhân mà chỉ làm theo chỉ đạo. "Chính bị cáo nôn nóng dẫn đến người khác phạm tội", ông nói.

Ông Thăng nói nhiều vấn đề được VKS nêu ra rất nặng nề tại bản luận tội khiến ông "bất ngờ, băn khoăn", không thể ngủ được vì "rất buồn".

"Bị cáo cảm nhận được trong bản luận tội là cứ nói đến PVN là nói đến ông Thăng và ngược lại. Bị cáo không tự tung tự tác quyết định mọi vấn đề", ông Thăng nói và giải thích việc chỉ định PVC làm tổng thầu do lãnh đạo tập đoàn bao gồm cả HĐTV quyết định chứ không thể một mình ông.


"Mong được làm ma tự do, không phải ma tù"


Nói về bản thân, gia đình, ông Thăng nghẹn giọng trình bày sau vụ án này còn tiếp tục đối mặt với vụ án đầu tư góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank nên mong muốn có được mức án "nhân văn".

Ông nói có bố 87 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, có hai con gái song bé út phát triển không bình thường rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. "Khả năng khi bố mất chắc bị cáo khó được gặp mặt trước lúc đi xa... Nếu bị xét xử trong hai vụ án, bị cáo không biết còn sống để đủ thời gian thụ án không", ông nói và cho hay từ 2006 đến nay thường xuyên phải uống thuốc vì nhiều bệnh.

"Bị cáo chỉ mong được chết tại nhà, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè; được thành con ma tự do, không phải con ma tù. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí, ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình", ông trầm giọng.

Ông Thăng nói "tuyệt đối trung thành với Đảng, nhân dân, tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư, tin vào đường lối xử lý công tâm, khách quan, bình đẳng toàn diện...".


Quyết liệt, dám nghĩ dám làm dễ rủi ro pháp lý


Ông Thăng nói khi nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐTV PVN lúc đó đã mất đoàn kết nghiêm trọng. Các dự án trọng điểm đều bị chậm tiến độ. Ông đã cùng với tập thể, cố gắng hết mình để xây dựng PVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, đầu tàu kinh tế cả nước.

Sau 7 năm, PVN có doanh thu, lợi nhuận lớn, chứng minh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, khẳng định chủ quyền đất nước trên biển. Các hoạt động dịch vụ của tập đoàn đã tăng trên 30%, Việt Nam đã đóng được giàn khoan trên biển và đưa được một số ít vào hoạt động. Mỗi năm tập đoàn có hàng trăm tỷ doanh thu từ dịch vụ, tiết kiệm hàng tỷ USD, xuất khẩu khoảng 500-600 triệu USD.

"Trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa đầy đủ, hoàn cảnh tập đoàn như vậy sự năng động quyết liệt, dám nghĩ dám với những vi phạm, khuyết điểm là mong manh, rủi ro pháp lý lớn. Tập đoàn phải tự xử lý bằng những văn bản cá biệt", ông nói.

Tiếp tục giải thích về việc chỉ định thầu với PVC, ông giải thích xuất phát từ chỉ thị người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chứ không phải là "cao hứng và nhất thời" và việc này được đặt ra từ năm 2006. Nhiều dự án khác đã được thực hiện theo chủ trương này.

Ông đề nghị VKS xem xét lại kết luận ông chỉ định thầu để cứu PVC trong lúc khó khăn vì thực tế "không đúng vậy". "Bị cáo cũng như tập đoàn không biết trong giai đoạn 2011 PVC lại khó khăn như vậy. Hơn nữa trong giai đoạn đó không riêng PVC mà các doanh nghiệp cả nước đều khó khăn vì lạm phát. Nhiều dự án đều phải dừng, giãn, hoãn tiến độ", ông Thăng trình bày.

Việc VKS nhận định "PVC không đủ năng lực" thầu, ông nói cũng không chính xác bởi thời điểm nhận thầu PVC là công ty đại chúng, báo cáo tài chính đều thể hiện có lãi.


Theo VnExpress