Những người ủng hộ cầm biểu ngữ đòi tự do cho blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh ngay trước cửa tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 23/3/3016 - AFP |
Tổ chức theo
dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lên án chính phủ Việt Nam đã ‘tiếp tục gia
tăng đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017’
Trong bản
Phúc Trình Toàn Cầu thường niên lần thứ 28 được công bố vào sáng ngày 18 tháng
1 năm 2018 tại New York, Hoa Kỳ, Human Rights Watch cho rằng, sau khi Hoa Kỳ
rút khỏi Hiệp Định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền
Việt Nam đã khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những nhà hoạt động, bắt
giữ hàng chục blogger và kết án nhiều nhà hoạt động với những mức án nặng nề.
Bản phúc
trình viết rằng trong năm 2017 vừa qua, có ít nhất 24 blogger bị kết án nặng nề
vì có những bài viết và vận động dân chủ nhân quyền, trong đó có blogger Mẹ
Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù, nhà hoạt động Trần Thị Nga chín
năm tù, nhà hoạt động trẻ Phan Kim Khánh 6 năm tù và nhà báo tự do Nguyễn Văn
Hóa 7 năm tù.
Ngoài ra,
còn nhiều nhà hoạt động bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”
như cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc,
Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội. Blogger Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà
vẫn đang bị tạm giam từ tháng 12 năm 2015 đến nay mà vẫn chưa đưa ra xét xử.
Báo cáo của
Human Rights Watch cũng cho biết các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt
Nam liên tục bị công an sách nhiễu, theo dõi, quản chế hoặc câu lưu trái pháp
luật để cản trở họ không tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, hội
thảo và gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài hay tham dự các phiên tòa xét xử
các nhà hoạt động khác.
Theo ông
Brad Adams, Giám Đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Human Rights Watch, tình trạng bắt
bớ, giam cầm, đàn áp các nhà hoạt động đã không xảy ra đến mức đáng lo ngại như
hiện giờ trong thời gian Việt Nam đàm phán Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên
Thái Bình Dương TPP.
Ông Adams
nói thêm “Việt nam đã lột bỏ tấm mặt nạ này sau khi chính quyền Trump rút khỏi
TPP, và bắt đầu xét xử, và áp đặt các mức án tù nặng nề đối với những người lên
tiếng kêu gọi dân chủ và chấm dứt chế độ cai trị độc đảng một cách ôn hòa”.
Ông Giám Đốc
Ban Á Châu của Tổ Chức Human Rights Watch cũng kêu gọi các đối tác thương mại
và những nhà tài trợ quốc tế cần cương quyết đưa yêu cầu cải thiện nhân quyền
khi giao dịch và tài trợ cho những dự án thực hiện tại Việt Nam.
Phản ứng
trước báo cáo mới của Human Rights Watch, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ
Ngoại giao Việt Nam hôm 18/1 khẳng định Việt nam đảm bảo và thúc đẩy các quyền
con người và đây luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam, được thúc đẩy và
thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam cũng như các công ước
quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Bà Hằng bác bỏ những
thông tin sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam. Người phát ngôn
Bộ ngoại giao Việt nam cũng đề cập đến những khác biệt về tiếp cận và ưu tiên
về quyền con người ở Việt Nam so với các nước khác mà theo bà là do xuất phát
từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị và trình độ phát triển.
Trước đó,
trong báo cáo thường niên 2018 của Freedom House được công bố hôm 16/1, Việt
Nam bị xếp vào danh sách các nước không có tự do với điểm số 6/7 trong đó 7 là
thấp nhất. Theo báo cáo này, quyền chính trị của người dân được xếp hạng 7/7
tức là không có quyền hạn chính trị nào.