Hồng Anh
Sri Lanka trả giá đắt: Con đường Tơ lụa mới của TQ chính là "Một con
đường, một cạm bẫy"?
Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP. |
Bình luận trên SMCP, Patrick
Mendis và Joey Wang cho rằng việc Sri Lanka rơi vào "bẫy nợ" là bài
học đắt giá để các quốc gia khác cảnh giác hơn trước những đề nghị của Trung
Quốc.
*Bài viết được đăng trên báo Bưu
điện Hoa Nam Buổi sáng, thể hiện quan điểm của hai nhà phân tích Patrick Mendis
và Joey Wang.
Tháng 10/2017, sau khi Đại hội
Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc, "Tư
tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại
mới" đã chính thức trở thành "kim chỉ Nam" cho các hoạt động của
Bắc Kinh.
Tại đại hội, chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình đã đề xuất sáng kiến "Vành đai và Con đường", nằm trong
kế hoạch hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" của ông.
Sáng kiến này được công bố lần
đầu tiên vào năm 2013, với kì vọng sẽ giúp Trung Quốc giải quyết "song đề
Malacca" do nguyên chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra vào năm 2003. Eo
biển Malacca là nơi có địa thế chiến lược đối với các hoạt động giao thương và
năng lượng của Trung Quốc.
"Vành đai và Con
đường", hay Con đường Tơ lụa hiện đại, dự tính sẽ kết nối Trung Quốc và
lục địa Á – Phi – Âu thông qua hệ thống cảng, đường xá, sân bay, đường ống và
các cơ sở hạ tầng khác. Theo Viện nghiên cứu Paulson, hệ thống này bao gồm
"65 quốc gia, 29% tổng GDP toàn cầu, và 60% dân số thế giới".
Mục tiêu của ông Tập khi đưa ra
sáng kiến này là nhằm thúc đẩy hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực
và"hội nhập sâu rộng các thị trường", nâng cao chuẩn hợp tác khu vực
và đạt được "hợp tác kinh tế khu vực cởi mở, toàn diện và cân bằng".
Vành đai và con đường - Cơ hội
hay cạm bẫy?
Nhiều người tỏ ra nghi ngại, bởi
những cơ hội lớn luôn đi kèm theo sự đánh đổi khổng lồ.
Không thể phủ nhận dự án này đem
đến nhiều cơ hội cho các quốc gia dọc tuyến Vành đai và Con đường đang cần
khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, tuy nhiên chắc hẳn Trung Quốc có nhiều lí
do để chấp nhận những khoản đầu tư đầy rủi ro này.
Một lí do là đa dạng hóa và gia
tăng lợi nhuận từ các khoản dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Việc đầu tư vào cơ
sở hạ tầng đáp ứng được mục tiêu này vì đem lại lợi nhuận cao hơn cho Trung
Quốc.
Một lí do khác là Trung Quốc muốn
giải quyết tình trạng quá tải và các doanh nghiệp "xác sống" đang ảnh
hưởng đến kinh tế nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sắt thép, xây dựng
và nguyên vật liệu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn Vành đai và Con đường. Ảnh: Asia Times/Reuters. |
Nhưng cũng giống như chiến lược
ngoại giao tổng thể của Trung Quốc, đây không chỉ là vấn đề lợi ích, mà còn ảnh
hưởng đến ổn định và phát triển khu vực. Cho rằng dự án này bị chi phối bởi yếu
tố chính trị nhiều hơn là kinh tế, một số người kết luận rằng Trung Quốc có thể
sẽ không đạt được lợi nhuận như kì vọng.
Ví dụ, cơ quan xếp hạng Fitch tỏ
ra nghi ngờ bởi "các ngân hàng Trung Quốc không có kế hoạch phân bổ nguồn
lực hiệu quả trong nước, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng". Do đó,
họ khó có thể thành công ở nước ngoài.
Trong khi đó, các chính trị gia
sở tại và các quan chức tham nhũng có thể tranh thủ thúc đẩy những dự án
"voi trắng", lập kế hoạch kinh doanh phụ thuộc vào các chương trình
nghị sự chính trị trọng truyền thống, làm gia tăng các rủi ro của các dự án phi
lợi nhuận.
Fitch cũng ước tính rằng các quốc
gia có khoản tín dụng 900 tỷ USD đã được gia hạn đều có nguy cơ vỡ nợ cao.
Ngoài ra, chế ước ngân sách mềm
cũng là một trong số những rủi ro đối với dự án này. Ví dụ, Ngân hàng Phát
triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chấp thuận cho vay chủ
yếu chỉ dựa vào các yếu tố chính trị, mà bỏ qua các giới hạn rõ ràng về tính
bền vững của khoản nợ.
Ông Xu Chenggang thuộc Trường
Kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh cho rằng: "Thay vì giải quyết những vấn
đề quá tải trong nước, họ lại đem những vấn đề này ra nước ngoài."
Bài học xương máu của Sri Lanka
Những dự án này đầy rủi ro tài
chính, và Sri Lanka chính là một ví dụ điển hình.
Trong suốt 9 năm Tổng thống
Mahinda Rajapaksa cầm quyền, Sri Lanka bắt đầu rút khỏi các tổ chức viện trợ
truyền thống như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
và Ngân hàng Thế giới (WB) - và ngả về Trung Quốc. Sau này, Trung Quốc đã trở
thành nhà đầu tư, chủ nợ và đối tác thương mại lớn thứ hai của Sri Lanka.
Tổng thống đương nhiệm
Maithripala Sirisena, người bất ngờ đánh bại cựu Tổng thống Rajapaksa hồi năm
2015, đã hứa hẹn sẽ giải phóng Sri Lanka khỏi những điều kiện vay nợ ngặt nghèo
của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, số
phận của Sri Lanka đã bị định đoạt. Sau khi trở thành nước có thu nhập trung
bình, Sri Lanka không còn đủ điều kiện cho các khoản vay ưu đãi nữa và phải
tuân theo các điều khoản tín dụng thương mại như quy định của thị trường chung.
Sau khi đình chỉ các dự án như
thành phố Cảng Colombo, chính phủ liên minh Sirisena-Wickremesinghe đã cố gắng
đàm phán lại các điều khoản vay nợ, nhưng phía Trung Quốc dứt khoát bác bỏ đề
nghị xóa nợ, và thay vào đó đề nghị đổi số nợ lấy cổ phần của các dự án.
Do không thể trả những khoản nợ
chồng chất (hơn 95% doanh thu chính phủ được dùng để trả nợ), và gần như bị đẩy
đến đường cùng, Sri Lanka buộc phải đồng ý đổi cổ phần để xóa nợ, trong đó
Trung Quốc sẽ được điều hành một số dự án thuộc lãnh thổ của Sri Lanka trong
vòng 99 năm, với khoản nợ trị giá 1,12 tỉ USD. Các dự án bao gồm cảng
Hambantota (Trung Quốc nắm 70% cổ phần, và một lô đất chiến lược tại thành phố
cảng Colombo.
Những tác động chiến lược sâu rộng
hiện nay đã trở nên rõ ràng. Một số người quan sát gọi sáng kiến vành đai và
con đường của ông Tập là "một con đường, một cái bẫy" nhằm tái thiết
lập mô hình thiên tử - chư hầu thời Trung Quốc cổ đại.
Nhiều quốc gia trong khu vực cũng
có nguy cơ sập bẫy nợ tương tự như Sri Lanka, ví dụ như Hành lang kinh tế Trung
Quốc-Pakistan (CPEC), "Thành phố Rừng" của Malaysia, đập Sambor của
Campuchia và các dự án khác, cũng như các quốc gia như Bangladesh, Nepal,
Indonesia và Maldives, hay Ethiopia, Kenya và Venezuela, đều có thể chịu ảnh
hưởng bởi các rủi ro kinh tế, chính trị và môi trường khi quá dễ dàng chấp nhận
khoản tiền của Trung Quốc.
Các quốc gia bắt đầu "thức
tỉnh"?
Gần đây, Pakistan đã rút khỏi dự
án đập Diamer-Bhasha, một dự án lớn của CPEC thuộc khuôn khổ Vành đai và Con
đường. Đồng thời, ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan Phát triển Nguồn nước
và Năng lượng của Pakistan tuyên bố: "Điều kiện để Trung Quốc đầu tư xây
dựng đập Diamer-Bhasha là không thể thực hiện được và hoàn toàn đi ngược lại với
những lợi ích của chúng tôi".
Tiếp bước Pakistan, Nepal cũng
hủy bỏ dự án nhà máy thủy điện Budhi Gandaki trị giá 2,5 tỉ USD của Tập đoàn
Gezhouba của Trung Quốc, do những điểm "bất thường" trong quá trình
đấu thầu. Dự án này cũng nằm trong khuôn khổ kế hoạch Vành đai và Con đường.
Những động thái này cho thấy một
số các quốc gia đã "thức tỉnh" và nhận ra thực tế rằng những điều
kiện hợp tác với Trung Quốc cần được xem xét kĩ càng hơn, nếu họ không muốn rơi
vào tình trạng tương tự như Sri Lanka.
Những điều kiện vay nợ của Trung
Quốc có vẻ hấp dẫn hơn so với các tổ chức đa phương như IMF, WB hay ADB, bởi
Trung Quốc dường như không can thiệp nội bộ các nước, và sử dụng cách tiếp cận
không ràng buộc. Nhưng sự thật là có rất nhiều thỏa thuận không hề được viết ra
trên giấy trắng mực đen, nhưng lại là những điều khoản ràng buộc. Và Sri Lanka
đã phải chịu giá đắt để "lĩnh hội" được bài học xương máu này.
Về phần mình, Trung Quốc lại có
cái nhìn khác. Ông Liu Xiaoxu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho
rằng:
"Trung Quốc không hề có ảo
tưởng chiến lược đối với Sri Lanka, bởi nếu so sánh về mặt địa lý thì nước này
gần Ấn Độ hơn Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng không có kế hoạch hay chủ ý lừa
Sri Lanka vào bẫy nợ. Trung Quốc cũng không tự nhiên vô cớ đầu tư vào một quốc
gia cách xa vạn dặm như vậy."
Nhưng rõ ràng, những điều này cho
thấy có "bàn tay vô hình" đang tác động để tạo ra một trật tự thế
giới mới, tương tự hệ thống chư hầu cũ của Trung Quốc.
*Patrick Mendis là nhà nghiên cứu
tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Fairbank, Đại học Harvard, là tác giả cuốn
sách Peaceful War: How the Chinese Dream and the American Destiny Create a
Pacific New World Order (tạm dịch: Chiến tranh Hòa bình: Giấc mơ Trung Quốc và
Vận mệnh Hoa Kỳ tạo ra trật tự thế giới mới ở Thái Bình Dương như thế nào).
Joey Wang là một nhà phân tích về quân sự - quốc phòng. Cả hai tác giả đều là
cựu sinh viên của Trường Chính quyền Kennedy tại Harvard.
http://soha.vn/sri-lanka-tra-gia-dat-con-duong-to-lua-moi-cua-tq-chinh-la-mot-con-duong-mot-cam-bay-20180115115741909.htm