Phạm Quang
Long: "Nghĩ vậy lại
ước ao: giá như các nhà quản lý ở ta cũng am hiểu mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân, cấp dưới... của mình cặn kẽ, đúng đắn, biết khơi dậy ở mỗi người tình yêu
đối với công việc như vậy để ai cũng nuôi khao khát và thấy có nghĩa vụ cống
hiến hết mình cho đất nước bằng những chính sách đúng đắn, hữu ích chứ không
phải chỉ là những hô hào thì chắc con rồng Việt Nam trong phát triển kinh tế và
quản lý xã hội sẽ có ngày thành rồng thực thụ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng."
Khi đội U 23 của chúng ta thắng Irac, vào bán kết hàng triệu người Việt Nam đã mừng đến phát khóc. Họ tự hào vì các chàng trai của chúng ta đã ra sân vì màu cờ sắc áo đội tuyển, vì bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng có
một số người không nghĩ vậy. Họ giễu cợt là người Việt mang nặng tâm lý bầy
đàn, dễ thoả mãn, mới có thế thôi mà đã hoắng lên, bóng đá chỉ là thứ trò chơi
giải trí, chỉ có người ham vui mới cuống cuồng vui sướng vậy...
Tôi không
nghĩ thế.
Tôi nhớ danh
thủ Beckenbauer trong một trận đấu quốc tế, anh bị gẫy tay. Sau khi được chăm
sóc, anh đề nghị bác sĩ bó chặt tay anh vào người tiếp tục thi đấu vì anh hiểu
đồng đội cần anh, anh không có quyền nghỉ dù anh xứng đáng được nghỉ. Thủ môn
đội hockye của LX là V. Trestyak bị rạn xương vai trong một pha tranh chấp với
cầu thủ đối phương. Anh cũng băng lại rồi lại đứng trong khung thành cho đến
khi trận đấu kết thúc mới chịu vào bệnh viện. Cả hai người đều là những chàng
trai dũng cảm, bản lĩnh, là những nhân cách văn hoá. Họ không thi đấu vì họ mà
vì danh dự tổ quốc họ, vì lòng tự trọng và khao khát đóng góp hết mình cho công
việc họ đang làm.
Hôm nay phải
vào trường dạy buổi tối. Đường rất vắng vì trận đấu Việt Nam- Qata đang diễn
ra. Thỉnh thoảng đi qua một ngôi nhà bên đường thấy xúm đen, xúm đỏ, ngó vào thấy
TV đang tường thuật trận bán kết. Vừa vào đến cổng, một anh quen trông thấy gọi
: "Thầy ơi, ta thắng rồi. Bằng đá luân lưu. Như với Irac". Nghe điện
thoại tit tit, mở ra thấy vợ nhắn: "Ta thắng rồi". Vợ tôi chả xem
bóng đá bao giờ nhưng hai trận của U 23 nước mình đều xem đủ. Và cũng hò reo
như người mê cái món này lắm. Hết giờ, lúc ra về tôi phải gần như nhích từng
bước từ ngã tư Sở đến phố Huế. Một rừng người và cờ Tổ quốc. Ai cũng cười vui,
hô vang các câu thể hiện tình yêu với đội tuyển, với đất nước. Tôi nghĩ mọi
người vui vẻ thế vì họ thấy trong các cầu thủ ở trận thắng hôm nay xứng đáng
với tình yêu và sự kỳ vọng ở họ. Các cầu thủ đã làm cho mọi người thấy yêu và
gắn bó với nhau hơn, với đất nước này hơn.
Nhìn mọi
người, lại nghĩ lan man: vẫn những con người ấy thế mà chỉ đổi thay cách nghĩ,
đổi thay lối chơi, khơi dậy được ở mỗi người khao khát cống hiến, khao khát
sáng tạo đã tạo nên bao nhiêu điều diệu kỳ. Ông Park Huang Seo chẳng phải phù
thuỷ đâu, ông ta chỉ là người tìm ra chìa khoá mở được bí mật của mỗi cầu thủ,
chỉ ra cho họ những việc họ phải làm một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, tạo
nên sự đồng lòng, gắn kết họ thành một khối mà đã biến các chàng trai của chúng
ta thành một tập thể khác: mạnh mẽ, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh, đánh bại
những đội vốn mạnh hơn mình, như họ đã lột xác thành người khác.
Nghĩ vậy lại
ước ao: giá như các nhà quản lý ở ta cũng am hiểu mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân, cấp dưới... của mình cặn kẽ, đúng đắn, biết khơi dậy ở mỗi người tình yêu
đối với công việc như vậy để ai cũng nuôi khao khát và thấy có nghĩa vụ cống
hiến hết mình cho đất nước bằng những chính sách đúng đắn, hữu ích chứ không
phải chỉ là những hô hào thì chắc con rồng Việt Nam trong phát triển kinh tế và
quản lý xã hội sẽ có ngày thành rồng thực thụ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Bởi nói như một nhà văn lớn thì tình yêu là gốc của tài năng, nó sẽ khơi nguồn
cho những sáng tạo không có giới hạn. Tình yêu phải bắt đầu từ sự tin cậy, tự
nguyện chứ không thể bị ép buộc. Làm sao để có sự tin cậy? Có cần nhiều lắm
đâu? Ông Park vốn xa lạ thế mà chỉ mấy tháng đã làm cho các cầu thủ tin cậy và
yêu mến, nghe theo, muốn làm tốt nhất cho ông ấy mà chả so đo tính toán gì. Vậy
chắc phải từ sự đúng đắn, khoa học trong huấn luyện, trong đối nhân xử thế. Các
cấp ở ta luôn nói họ muốn gần dân, thân dân, vì dân. Vậy hãy thể hiện những
điều đó ra. Dân ta vốn thông minh, nhân ái và luôn sẵn sàng hợp tác mà.
Chắc chuyện
ấy phức tạp hơn và khó hơn đá bóng nhiều. Nhưng có lẽ cái gốc của vấn đề vẫn là
làm sao để dân-các cầu thủ bóng đá, tin và yêu huấn luyện viên- nhà quản lý.
Chắc chắn phải bắt đầu từ hành động của huấn luyện viẻn thôi vì người ta đã
quen với việc tin vào hành động hơn lời nói và cũng bởi làm bao giờ khó hơn đưa
ra những khẩu hiệu.