Mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường lại có ý định sửa đổi Luật Đất đai, do những bất cập của nó chỉ sau 4 năm thi hành |
Hoàng Hải Vân: "Với phạm vi thu hồi đất được mở rộng vô hạn độ như vậy, trong cơ
chế dân chủ nhất nguyên về chính trị ở nước ta, bất cứ một “đại gia” nào muốn
đẩy nông dân ra khỏi ruộng vườn của họ để lấy đất làm dự án, chỉ cần thuyết
phục hay mua chuộc được Bí thư hay Chủ tịch tỉnh thì đều có thể dễ dàng lấy
được sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân."
Luật Đất đai là một trong những đạo
luật có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến đời sống của người dân, nhất là nông dân và
là một đạo luật mà bóng dáng của các nhóm lợi ích hiện hình rõ nhất.
Hơn 80% đơn khiếu kiện của người dân gửi lên các cơ quan Trung ương là
khiếu kiện liên quan đến đất đai. Dù Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều lần
theo hướng tiệm cận với cơ chế thị trường, nhưng tình trạng khiếu kiện không
những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
Mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường lại có ý định sửa đổi Luật Đất đai, do
những bất cập của nó chỉ sau 4 năm thi hành. Tuy nhiên, sự bất cập dưới cái
nhìn của nông dân rất khác với sự bất cập dưới cái nhìn của những người soạn
thảo. Phạm vi bài này chỉ nói về vấn đề Nhà nước thu hồi đất. Vì phần lớn các
khiếu kiện về đất đai đều liên quan đến các chính sách đền bù giải tỏa khi thu
hồi đất, cho nên có thể nói đây là một trong những vấn đề mấu chốt cần được mổ
xẻ.
Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng và an ninh theo điều 61 Luật Đất
đai không khiến ai thắc mắc. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
(điều 64), do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất,
có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (điều 65) cũng không có vấn đề gì lớn.
Nhưng thu hồi đất để “phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”
quy định tại điều 62 thì có vấn đề nghiêm trọng. Việc thu hồi đất quy định tại
điều này áp dụng cho các dự án quan trọng do Quốc Hội quyết định chủ trương đầu
tư, các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các dự án do Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đây là điều khoản mơ hồ nhất và dễ bị lợi dụng
nhất của Luật Đất đai. Vì những lý do sau:
Thứ nhất, khái niệm “phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công
cộng” không có nội hàm được xác định, có nghĩa là các trường hợp Nhà nước thu
hồi đất là quá rộng. Đối với các dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ
trương đầu tư hay các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư còn có
những giới hạn có thể hiểu được, nhưng đối với các dự án do Hội đồng nhân dân
cấp tỉnh chấp thuận thì được mở rộng… "vô biên", trong đó có cả các
dự án khu đô thị mới, dự án khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông,
lâm, thủy, hải sản…, không phân biệt đó là dự án của tư nhân hay nhà nước.
Thứ hai, với phạm vi thu hồi đất được mở rộng vô hạn độ như vậy, trong cơ
chế dân chủ nhất nguyên về chính trị ở nước ta, bất cứ một “đại gia” nào muốn
đẩy nông dân ra khỏi ruộng vườn của họ để lấy đất làm dự án, chỉ cần thuyết
phục hay mua chuộc được Bí thư hay Chủ tịch tỉnh thì đều có thể dễ dàng lấy
được sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân.
Nói ra thực tế này chúng tôi hoàn toàn không có ý coi thường các vị Bí thư
hay Chủ tịch các tỉnh, vì rất nhiều Bí thư và Chủ tịch tỉnh một lòng vì dân vì
nước. Điều chúng tôi muốn nói là một điều luật như điều luật trên đang dễ dàng
tạo điều kiện cho người xấu làm việc xấu và rất có thể “chuyển hóa” một người
tốt thành một người xấu, trong khi mục đích tối thượng của luật pháp là ngăn
chặn người xấu không làm việc xấu. Tình trạng “chạy dự án” rồi sử dụng lực
lượng cưỡng chế của chính quyền để lấy đất của nông dân mà chúng ta thường nghe
nói, phần lớn được điều luật này tiếp tay, dung túng.
Lẽ ra, theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ nên
thu hồi đất dành cho các công trình quốc phòng – an ninh, cho các dự án công
cộng và hoạt động công ích, cho các công trình trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy
phát triển kinh tế với mức đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường,
còn mọi dự án kinh tế - xã hội của mọi thành phần kinh tế đều thực hiện theo
nguyên tắc của thị trường, tức là chủ đầu tư muốn có đất để làm dự án thì phải
thỏa thuận với người sử dụng đất để được chuyển nhượng một cách sòng phẳng. Ai
dám bảo người làm vườn làm ruộng không “vì lợi ích quốc gia, công cộng”?
Còn nhớ, trước khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2013, đã có một cuộc vận
động lấy ý kiến với quy mô chưa từng thấy với gần 7 triệu ý kiến đóng góp vào
dự Luật. Rất nhiều ý kiến, cả trong dân và tại diễn đàn Quốc Hội, đã đề nghị
thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất quy định tại điều luật này, nhưng Ban soạn
thảo chỉ tiếp thu một cách hời hợt bằng cách đảo qua đảo lại chứ nhất định
không chịu thu hẹp. Và điều lạ lùng là cuối năm vừa rồi, Bộ Tài nguyên và môi
trường khi đưa ra thảo luận những đề xuất tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai thì
phạm vi Nhà nước thu hồi đất theo điều 62 này không những không được đề nghị thu
hẹp mà còn đề nghị tiếp tục mở rộng.
Xin nói thẳng, không chỉ là đơn khiếu kiện chiếm 80%, mà điều 62 của Luật
Đất đai đang vấy máu. Chúng ta đã nghe nhiều trường hợp người dân không chấp
nhận rời khỏi ruộng vườn đã phản ứng bằng bạo lực với lực lượng cưỡng chế, máu
của dân và máu của đồng bào làm nhiệm vụ cưỡng chế đều là máu của người vô tội.
Nơi này nơi kia ở nông thôn đang bất ổn về chính trị, không phải do sự chi phối
của các thế lực thù địch, mà do đất của dân bị Nhà nước thu hồi để giao cho các
“đại gia”, tuy có thể đúng Luật nhưng trái đạo lý. Những đảng viên Cộng
sản hãy nhớ rằng, Liên minh công nông là nền tảng chính trị của Đảng không chỉ
ở nông thôn. Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất
sống.
Hoàng Hải Vân
http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/loi-ich-nhom-nam-trong-luat-dat-dai-80970.html