23 janvier 2018

“…tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời,”

MÊNH MÔNG TH S Đ GIÓ CUN ĐI
                                                                    SỐ 30 
Tương Lai




Nhân ngày tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974, xúc động đọc bài “Văn tế tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng sa 17.-19.1.1974” trên mạng, bất giác thả hồn mình ngược theo dòng chảy thời gian lùi trở lại của một thời xưa cũ với hình ảnh từng chìm sâu vào ký ức dân tộc:

Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời,

Nơi quê nhà đành vợ con u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.

Tiễn ai đi “mờ bóng cuối chân trời” và thương ai “u buồn, đợi trông buồm về trước bãi”, mà vì sao phải thế?  Vì:

                 Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn,

                  Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.

      Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan,
         Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái


Hình như không phải lúc nào và bất cứ đâu, với tất cả mọi người đều là thế.

Bằng chứng là hôm nay đây, trong sâu thẳm tâm thế của nhiều người Việt, thời gian thì cứ trôi xuôi, song ngược dòng lại là cuộc sống. Bởi lẽ, một quá khứ gần và một quá khứ xa cứ như dồn dập gọi dậy những suy tư về sự ghiệp muôn đời với trí tuệ và xương máu của ông cha trên từng ngọn núi, tấc biển, con ông để càng thêm giày vò tâm cam về hiện tình đất nước.

Cái quá khư gần với lời cảnh báo của một tầm nhìn chiến lược về “một thời kỳ bắc thuộc lần thứ hai bắt đầu” đang nhức nhối triệu triệu trái tim yêu nước. Quá khứ xa đánh thức nỗi niềm dân tộc trong vang bóng bi hùng của lịch sử đang rọi chiếu ánh sáng của lòng phẫn nộ và tinh thần quật khởi nhằm xua bớt đi những bóng mây đen đang trùm lên đất nước. Mây đen của lũ cướp nước ùn ùn phủ kín đan chen vào những toan tính nhơ nhớp của lũ tay sai cam tâm thần phục.

Lễ “Khao lề thế lính” ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một minh chứng sống động về ngược dòng thời gian lại là cuộc sống” cho thấy rõ lịch sử không bị cưỡng bức bởi hệ thống lừa mị đang đầu độc hiện tại. Lịch sử là viên tòa công minh. Với thời gian, lịch sử làm sáng tỏ chân lý từng bị vùi lấp và những âm mưu dần dần bị lộ diện trước đôi mắt rực lửa căm hờn của dân.

Gợi lại hình ảnh bà con Lý Sơn ta vẫn chưa bao giờ quên “lễ khao lề thế lính” cho dù có lúc chỉ có thể kín đáo tổ chức “để hỏi khỏi rầy rà, bắt bớ” như lời một bô lão nói với Menras. Anh đã nhắc lại trong một lần ngồi với tôi tại quán cà phê gần đường Lê Duẩn chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 17.2. 2012 sau khi anh ra Lý Sơn về để hoàn thành phim Hoàng Sa Vietnam: Lameurtrissure  có tựa đề tiếng Việt là "Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”. André Menras Hồ Cương Quyết xúc động nói về những “mộ gió” và nghi lễ thành kính của bà con ngư dân Lý Sơn mà anh ghi được cùng với những câu ca dao cổ xưa họ đọc cho anh: 

               Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa…

"Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn

      Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây";

"Chiều chiều ra ngóng biển xa

      Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"…

Menras và Tương Lai tại quán cà phê trước giờ biểu tình 17.2.2012


Những người ra đi ấy luôn sống mãi trong tim người dân Lý Sơn, cũng là sống mãi trong lòng đất nước. Sách “Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn ghi rõ: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp".

Sách “Hoàng Việt địa dư chí” của Phan Huy Chú chép rõ ràng: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”.

Dân ghi lòng tạc dạ, sử sách rành rọt phân minh.

Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Kỷ Nhà Lê chép chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?... Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di".

Vậy thì kẻ nào phải tội tru di đây khi để mất Hoàng Sa, Trường Sa?

Cần nhớ rằng, theo luật quốc tế, một quốc gia chiếm giữ một thực thể trong vòng 50 năm liên tục mà không có tranh chấp thì thực thể đó thuộc chủ quyền của quốc gia đang thực hiện việc chiếm giữ, quản lý. Bằng   hành động ăn cướp, Trung Quôc đã chiếm đóng trái phép một số đảo tai Hoàng Sa sau cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, rồi năm 1988 cũng bằng hành động ăn cướp trắng trợn hơn nữa, sau trận hải chiến Trường Sa, Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Nếu ngay bây giờ không có hành động quyết liệt đấu tranh dưới mọi hình thức, trước hết là trên mặt trận pháp lý quốc tế để giành lại chủ quyền lãnh thổ đã bị Trung Quốc ăn cướp, thì thời hạn 6 năm còn lại là quá ngặt nghèo.

Ấy thế mà, không những không dám phát động toàn dân đứng lên bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đê hèn và nhục nhã hơn khi nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn rồi đi đến trấn áp ý chí phản kháng của những người Việt Nam yêu nước, trước hết là trí thức và tuổi trẻ. Bị thít cổ bởi cái thòng lọng của mật ước Thành Đô giữa Nguyễn Văn Linh và Giang Trạch Dân dưới cái bóng của Đặng Tiểu Bình bao trùm lên trên, một bộ phận trong thế lực cầm quyền   được Tàu thuần dưỡng và xỏ mũi đã tự nguyện để cho Bắc Kinh tự tung tự tác xâm phạm rồi chiếm đóng một số đảo thuộc chủ quyền Việt Nam và những nơi nằm trong vùng tranh chấp mà thế giới đều biết. Ngay cả khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang ngược vẽ ra là không có cơ sở pháp lý thì một bộ phận trong thế lực cầm quyền nước ta vẫn không dám làm như Philippine kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Không những thế, còn giập tắt ngay ý định soạn thảo và đưa ra văn bản pháp lý chuẩn bị cho việc đó dưới áp lực của Bắc Kinh.

Cần hiểu rằng, phán quyết của PCA đã được xem là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, thực chất là bác bỏ đường lưỡi bò, xác định nó khônag có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò…

Đây cũng là lần đầu tiên Toà đã ra bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, lần đầu tiên nhân loại có một bộ định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học.Toà cũng khẳng định những gây hại đối với môi trường, làm gia tăng tranh chấp và những tính phi pháp trong nhiều hành động của Trung Quốc, không chỉ đối với Philippines mà còn đối với các hoạt động khác nói chung. Vậy mà những năm qua chịu sức ép trắng trợn của Tàu, một bộ phận trong thế lực cầm quyền cam tâm để mất chủ quyền lãnh thổ, một phần đất đai của Tổ quốc mà ông cha ta bao đời gây dựng và gìn giữ để lại cho con cháu hôm nay đã rơi vào tay kẻ thù truyền kiếp là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán thế kỷ XXI. 

Menras tại Lý Sơn

Chính vì thế, gợi lại câu chuyện với Menras về hành trinh gian khổ một cách vô lý và tồi tệ do bị ngầm ngăn cản, rồi gây khó khăn trong quá trình ra đời cho đến khi công chiếu của cuốn phim "Hoàng Sa Vietnam: Lameurtrissure" có tựa đề tiếng Việt là "Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”. Ai đó đã được lệnh gây khó khăn cho tác giả đến lấy tư liệu ở Lý Sơn, khi xin giấy phép trình chiếu, và rồi thẳng thừng cấm không cho chiếu ở Sài Gòn và nhiều nơi khác ở Việt Nam khi mà phim đã được chiếu tại Paris ngày 28.6.2011!

Sự phẫn nộ của anh hôm nay cũng là sự phẫn nộ của chúng tôi trong những lời anh nói: “cho dù nhạy cảm đến mức nào, việc giữ im lặng trước những tội ác hàng ngày của bọn xâm lược, theo cách nói công văn báo chí là “giữ nguyên hiện trạng”, là sự bỏ mặc phũ phàng số phận của đồng bào mình đang hành nghề hiền hòa trên vùng biển của đất nước vào trong các thứ nanh vuốt hung dữ của một “thế lực thù địch” thật sự.
 
Nghi lễ dâng hương tại đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn trong ngày truyền thống hàng năm “Khao lề Thế lính”


Chốc nữa đây trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược nhân kỷ niệm ngày 17.1 1984 tưởng niệm những người Việt Nam yêu nước ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa, chắc để vừa lòng Bắc Kinh người ta sẽ huy động lực lượng trấn áp mà Lê Hiếu Đằng đã nói với Menras khiến anh càng sục sôi hơn với cuộn phim Hoàng Sa, tiếng nói của trái tim anh với tư cách một công dân Việt Nam. Tôi nói với anh, từ Paris anh bay về rồi ra thẳng huyện đảo giữa bốn bề sóng gió để trực tiếp thu thập tư liệu từ những nhân chứng sống gan góc giữ trọn niềm thủy chung với chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc trước mọi uy hiếp của kẻ thù có sức gọi dậy trong tất cả chúng tôi niềm tin mãnh liệt vào tinh thần quật khởi của dân tộc.                                                                         

Hôm nay đây gợi lại để mong vơi bớt đi nỗi ám ảnh nặng nề của một đường lối vong bản hèn hạ chấp nhận thân phận chư hầu, thể hiện trong chủ trương đàn áp dã man những ai cả gan nhắc lại truyền thống yêu nước chông Trung Quốc xâm lược được sự “chỉ đạo” từ nơi chóp bu. Một chủ trương táng tận lương tâm đến độ đục bỏ bia ghi tên liệt sĩ chống giặc Trung Quốc xâm lược, cấm báo chí và hệ thống truyền thông không được nhắc đến chỉ một từ về máu xương của quân dân ta rải khắp núi rừng, xóm bản, thị trấn sáu tỉnh phía bắc trong cuộc chiến tranh biên giới. Khốn nạn hơn nữa chúng chỉ đạo sách giáo khoa không được có một câu về cuộc kháng chiến chông xâm lược năm 1979, trong 17 ngày, tính từ 17/2 khi TQ tràn qua biên giới VN đến 5/3/1979 khi TQ bắt đầu rút quân, qân dân ta, ta đã đuổi được 60 vạn quân Tàu thời Đặng Tiểu Bình do Hứa Thế Hữu làm Tổng chỉ huy ra khỏi bờ cõi.

Tên tướng Tàu Hứa Thế Hữu không biết có phải là hậu duệ của bại tướng xâm lược Hứa Thế Hanh chết tại bờ phía nam Sông Hồng trong tàn quân xâm lược năm Kỷ Dậu không, nhưng dù có dù không thì cái máu Tàu truyền kiếp nhà chúng nó thì dân ta hiểu quá rõ. Mà nào chỉ Hứa Thế Hữu, chính Đẳng Tiểu Bình cũng đã cười hả hê nói với một phóng viên nước ngoài : Mười một ngày này, trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang nầy, hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người …”.

Lê Hiếu Đằng, André Menras và Tương Lai trong cuộc biểu tình ngày 17.2.2012 tại Sài Gòn
Cần phải nhắc cho lũ chúng nó nhớ lại 17 ngày đập vỡ đầu lũ Tàu xâm lược trong thế kỷ XX gắn với 10 ngày hành quân thần tốc trong thế kỷ XVIII Quang Trung Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 29 vạn quân Thanh ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789 để có ngày Giỗ Trận Đống Đa mà suốt mấy trăm năm qua nhân dân ta chưa một lần quên. Chí có những kẻ từng cúi gập người theo cái quán tính đã ăn vào máu hèn hạ chuyên lèn lách kiếm chác trước là cờ Tàu tại nghi lễ đón khách của Bắc Kinh mới không chịu nhớ đến sự kiện lịch sử này. Không chỉ nhắc cho bọn xâm lược cướp nước, mà càng phải nhắc cho những kẻ đã ban lệnh cấm vừa kể trên để chúng thấy rõ sự khốn nạn của cái lệnh đích thị là một hành động vô luân, chà đạp lên đạo lý dân tộc. 

 

Ấy thế mà hình như vẫn chưa đủ, còn cần phải tàn bạo hơn nữa, vô sỉ hơn nữa trong sự quy phục để làm sao tỏ rõ bằng được thân phận chư hầu để thật sự vừa lòng kẻ bảo kê cho cái ghế quyền lực. Đúng vào ngày19.1 tưởng niệm 74 người con ưu tú của đất nước hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa cách nay 44 năm, thì tại Nhà Hát lớn Hà Nội sẽ tổ chức đêm trình diễn nghệ thuật Trung Quộc của đoàn nghệ thuật Nôi Mông để kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung 18.1! Trước dư luận phẫn nộ của nhân dân cả nước bộ trưởng Văn hóa Thông tin trót ăn cháo lú định cùng đại sứ quán Tàu tổ chức đêm văn nghệ này đã phải nuốt nhục hoãn cuộc biểu diễn.

Phải hoãn biểu diễn, nhưng trấn áp, ngăn chặn hành động yêu nước thắp hương tỏ lòng tri ân người đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đất nước thì diễn ra tràn lan từ Hà Nội đến Sài Gòn và cả nước. Họ trung thành với Tập Cận Bình đến như thế chính là để nhận được sự hà hơi tiếp sức trong cuộc chiến thanh toán đối thủ chính trị để giữ bằng được cái ghế quyền lực đang rệu rã và ngày càng đối lập với dân. Dã tâm của họ đã tự phơi ra trước mắt mọi tầng lớp nhân dân khó có thủ đoạn lừa mị nào có thể lấp liếm được. Ngược lại, càng bám vào Tàu họ sẽ càng tự chuốc lấy sự bất bình và phẫn nộ của dân.

Giải pháp bạo lực sẽ tỷ lệ thuận với sự bất bình và phẫn nộ dâng cao. Càng trấn áp, bỏ tù sẽ như đổ thêm dầu vào lửa. Họ biết điều đó, lo sợ điều đó. Chẳng thế mà năm nay số người được điều động đến ngăn chặn tại cổng nhà của một số trí thức thường có mặt ở hàng đầu trong các cuộc mittinh, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược như Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu và những người khác đông gấp bội so với những lần trước. Người ta cố gắng “ngăn chặn từ xa, cố tách họ ra khỏi lực lượng trẻ mà họ biết rằng họ không kiểm soát nổi. Họ không thể có cách nào khác trong bối cảnh đường lối chính sách rối như mớ bòng bong hiện nay.

Chưa lúc nào mà những chủ trương lớn mang tính chiến lược lại được ban hành tùy tiện rất thiếu cân nhắc như thời gian qua mà quyết định 102 rồi quyết định 105 là những ví dụ về tự lột trần tính phản văn minh, phản tiến bộ trước cái nhìn tinh tường của công chúng có hiểu biết trong nước và dư luận thế giới. Hoặc như cách xử lý tình huống xảy ra nhân ngày 19 tháng 1 tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và việc định tổ chức liên hoan nghệ thuật do đoàn Nội Mông trình diễn đúng vào ngày ấy nhân kỷ niệm 68 năm quan hệ ngoại giao Việt Trung 1.8. 1950 như vừa nói  cho thấy sự lúng túng, bất lực của một bộ máy quản lý đất nước đã quá bất cập.

Biểu tượng Hoàng Sa 1974

Hôm nay,19.1.2018, cuộc thắp nhang tưởng niệm những người con ưu tú của Mẹ Việt Nam đau thương và quật cường đã bằng máu mình tưới đẫm trên một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc dưới chân tượng Đức Thánh Trần bên bến Bạch Đằng tại Sài Gòn của trí thức, nhân sĩ và những người biết trân trọng đạo lý dân tộc đã bị ngăn chặn từ xa. Đó là sự trình diễn nỗi sợ hãi của người cầm quyền trước sóng cồn của tinh thần yêu nước đang ào ạt và dồn dập đập vào hệ thống cường quyền ngày càng mạnh không gì cản nổi. Nén nhang thắp lên dưới chân tượng có thể bị cướp đi, nhưng ngọn lửa trong tim người yêu nước thì càng bốc cao vì được tiếp thêm sức. Họ vẫn nghe rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về [Nguyễn Đình Thi].

Nói rằng:

Tổ quốc thề không quên,

Toàn dân nguyền nhớ mãi.

Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời

Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.

Máu tử sĩ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn,

Xương anh linh rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.

[ Văn tế tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng sa 17.-19.1.1974 của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba]

____________________



Ngày 9.1.2018