19/01/2018
10:53 GMT+7
TTO - 20h ngày 17-1-1974, chiến hạm Nhật Tảo quay mũi
trực chỉ Hoàng Sa. Lúc này một máy chính của tàu không sử dụng được, rađa trục
trặc, hỏa lực đối hạm đều là thế hệ cũ chỉnh bằng tay...
"Mẹ tôi
khóc suốt nhiều năm bên nấm mộ chiêu hồn sau ngày anh tôi hi sinh ở Hoàng Sa.
Đến đám giỗ cuối cùng của anh, khi ấy mẹ còn sống, trên giường bệnh bà vẫn
trăng trối: Con phải gắng đưa anh về. Tổ tiên, mồ mả ông bà trên đất quê hương,
đừng để anh ngoài biển lạnh lẽo!".
Huế, tháng
1, mưa mờ mịt. Người em tử sĩ Vương Thương ứa nước mắt, nhắc chuyện anh mình và
trận tử chiến Hoàng Sa...
Nhiều năm
gặp gỡ chứng nhân, viết về quần đảo Hoàng Sa máu thịt của Tổ quốc, tôi vẫn
nghẹn lòng khi nhắc nhớ một buổi tối mùa đông ở Huế. Trong căn nhà nhỏ bạc màu
thời gian, ông Vương Lăng, em trai trung sĩ giám lộ Vương Thương trên chiến hạm
bi hùng Nhật Tảo đã hi sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, cứ khóc mãi khi ôn
ký ức về anh mình.
44 năm đã
qua với bao biến động thời cuộc, giọt nước mắt vẫn ngập tràn vị nóng của trái
tim và như có cả vị mặn của biển, nơi những người còn đang nằm dưới đó...
Chuyến hành
quân cuối cùng
Tử sĩ Vương
Thương trước chuyến hành quân ra Hoàng Sa - Ảnh tư liệu gia đình do Quốc Việt
chụp lại
|
Nghe tôi sẻ
chia nỗi buồn, ông Lăng lạc giọng: "Nước mắt tôi có là gì đâu so với nỗi
đau của 74 gia đình tử sĩ còn đang gửi xương cốt ngoài Hoàng Sa!".
Người em
trai gầy gò tâm sự: trước ngày lịch sử 19-1-1974, trung sĩ Vương Thương đã báo
gia đình ở Huế là sẽ được về tết. Mẹ anh nghe
vậy mừng lắm, vui vẻ chuẩn bị chuyện vợ con cho anh.
Bất ngờ, kế hoạch bị hủy bỏ, chiến hạm HQ10 - Nhật Tảo, mà Vương Thương là
sĩ quan giám lộ, nhận lệnh khẩn cấp hành quân bảo vệ Hoàng Sa đang bị các chiến
hạm Trung Quốc và tàu cá giả dạng lăm le...
Lẽ ra Vương
Thương cùng đồng đội tàu Nhật Tảo đã được nghỉ ngơi, vì chiến hạm cần được sửa
chữa do một trong hai động cơ đã bị hư.
Nhưng chiều
17-1, Nhật Tảo được lệnh hành quân khẩn cấp nhằm hỗ trợ cùng các chiến hạm HQ4
Trần Khánh Dư và HQ16 Lý Thường Kiệt đã có mặt ở Hoàng Sa. Lý do là Nhật Tảo
đang đủ phiên trực, lại ở gần Hoàng Sa nhất.
20h ngày
17-1-1974, Nhật Tảo rời cảng Tiên Sa, quay mũi trực chỉ Hoàng Sa. Hạm trưởng là
hải quân - thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm phó là đại úy Nguyễn Thành Trí, trung sĩ
Vương Thương làm giám lộ trên đài chỉ huy.
Chứng nhân
Trần Văn Hà, thủy thủ có mặt trên chiến hạm Nhật Tảo, kể lại: "Bình
thường, chúng tôi đã nhập biển Hoàng Sa sớm hơn. Nhưng chuyến hành quân này
Nhật Tảo bị hư hỏng quá nhiều, nặng nhất là một máy chính không sử dụng được,
rađa trục trặc, hỏa lực đối hạm đều là thế hệ cũ chỉnh bằng tay...".
Tình hình
trên Nhật Tảo lúc này rất gấp rút. Hạm trưởng Thà cho chuẩn bị đầy đủ đạn dược,
lương khô, nước uống ngay vị trí chiến đấu.
Đến gần nửa
đêm 18-1 thì Nhật Tảo kịp đến vùng biển Hoàng Sa, cùng ba chiến hạm Trần Khánh Dư,
Lý Thường Kiệt và Trần Bình Trọng chuẩn bị tác chiến. Nhân chứng Hà kể đêm
18-1, hạm trưởng Thà phát lệnh làm tối tàu Nhật Tảo để tránh bị theo dõi.
2h sáng
19-1, ông triệu tập cuộc họp khẩn cấp trên tàu, phổ biến tất cả chuẩn bị tác
chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Gần 7h sáng 19-1, sau khi nắm tình hình lần
nữa, hạm trưởng Thà dặn dò pháo thủ phải cố bắn chính xác ngay loạt đạn đầu khi
có lệnh để phá vỡ lợi thế tốc độ của đối phương.
Trận đánh bi
hùng
Nhiều chiến
hữu của tôi đòi ở lại hi sinh cùng hạm trưởng. Trong đó có Lê Văn Tây, Ngô Văn
Sáu... Họ đã bị thương nặng, nhưng vẫn ghìm chặt khẩu 20 li chiến đấu đến
cùng"
Nhân chứng
Trần Văn Hà
Trong hồi ức
của mình, hạ sĩ trọng pháo 76 li Vương Văn Hà nhớ lại: đang lúc cam go nhất thì
khẩu 76 li hỏa lực chính trước mũi Nhật Tảo lại bị trục trặc, cả con tàu bị bắn
xối xả.
Trên đài chỉ
huy, hạm trưởng Thà hi sinh với mảnh đạn phạt ngang cổ, hạm phó Trí bị thương
nặng nhưng vẫn gắng điều khiển Nhật Tảo đâm thẳng vào tàu đối phương như đòn
quyết tử cuối cùng. Ngay sau đó, đại úy Trí phát lệnh rời tàu.
Viết trong Nhật
ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu kể lại vẫn nhớ những lời rắn rỏi cuối cùng
của hạ sĩ Lê Văn Tây: "Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Trung Quốc,
chuẩn úy cứ nhảy đi".
Bốn chiếc bè ban đầu được kết lại. Những người xuống biển ứa nước mắt nhìn
các nòng súng vẫn lóe lên trên chiến hạm Nhật Tảo rồi tắt hẳn trước hỏa lực áp
đảo của đối phương...
Lúc này,
tình hình trên biển cũng hết sức nghiêm trọng. Đại úy Trí bị thương nặng, trút
hơi thở cuối cùng trong đêm. Rồi Vương Thương, Đa, Thọ, Nam, Tuấn cũng ra
đi.
Hồi ức của
hạ sĩ Vương Văn Hà vẫn nhớ đồng đội Vương Thương lênh đênh đến ngày thứ 4 thì
mất. Đồng đội cố giữ thi hài anh một ngày với hi vọng có tàu đến vớt đưa về bờ,
nhưng rồi phải ngậm ngùi thủy táng anh.
Họ khấn vái
đồng đội: "Anh là giám lộ, xin chỉ dẫn đường để gặp tàu bạn". Và đêm
đó, một chiếc tàu buôn Hà Lan đã đi ngang qua và vớt những người lính cuối cùng
còn lại của chiến hạm Nhật Tảo...
Nhưng 74
đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc cùng chiến
hạm Nhật Tảo!
Nằm dưới lòng biển Tổ quốc
Hộ tống hạm HQ10 - Nhật Tảo nguyên là tàu quét mìn USS Serene 300 của Mỹ từ
Thế chiến thứ hai. Năm 1964, tàu này được hoán cải thành hộ tống hạm và chuyển
giao cho quân lực Việt Nam cộng hòa.
Theo trung sĩ Trịnh Văn Quý thuộc lực lượng đổ bộ đảo Hữu Nhật, đến khoảng
8h sáng 20-1-1974, ông vẫn còn thấy khói lửa bốc lên từ chiến hạm bi hùng Nhật
Tảo trước khi nó chìm hẳn xuống lòng biển Tổ quốc.
QUỐC VIỆT