15 janvier 2018

BOT ngày càng hỗn loạn – ai phải chịu trách nhiệm?


Để các tuyến quốc lộ được lưu thông bình thường, cần loại bỏ tận gốc những nguyên nhân và phải truy cứu trách nhiệm những ai đã gây nên những sai lầm nghiêm trọng này. 
Càng tranh luận, những dấu hiệu lợi ích nhóm ở một số dự án BOT càng lộ rõ




BOT Cai Lậy là điển hình cho việc phản ứng của người dân với trạm thu phí . Trước đó, từ Bắc vào Nam đều xuất hiện những sự phản đối của những người tham gia giao thông, tuy mức độ khác nhau. Nhưng sau “sự cố” Cai Lậy thì diễn biến có chiều hướng gia tăng và tạo một phản ứng dây chuyền, ngày càng gay gắt, đặc biệt là những ngày gần đây.

Vì vậy, một số vị Chủ tịch tỉnh, thành phố phải lên tiếng về những bất cập do vị trí,, mức phí của các trạm BOT và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải trực tiếp chỉ đạo. Gần đây nhất, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Bình Thạnh - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, “ý kiến của tôi là phải cương quyết dời trạm T2" (T2 là trạm BOT đặt trên quốc lộ 91 trước ngã ba từ An Giang đi Kiên Giang và Cần Thơ). Vì sao ông Chủ tịch tỉnh An Giang phải đưa ra yêu cầu quyết liệt này? Một lý do rất đơn giản: Đặt nhầm vị trí. Đây cũng là lý do của một số trạm BOT khác mắc phải.

Để giải quyết hậu quả của BOT, một số địa phương đã sử dụng lực lượng cảnh sát tham gia vãn hồi trật tự ở các trạm thu phí. Nhưng tất cả đều không đạt kết quả như mong muốn. Do đó các lực lượng này cũng sớm rời khỏi các trạm BOT.

Vậy cần làm gì để các cung đường có BOT như vậy không rơi vào hỗn loạn và dấu hiệu phản ứng dây chuyền ngày càng nguy hiểm. Muốn có giải pháp triệt để, cần tìm căn nguyên của nó. Vậy, nguyên nhân cốt lõi của nó là gì?

Thứ nhất, giá thu phí cao, trải thảm lại mặt đường cũ thu phí cũng gần bằng làm đường mới, đặt nhầm vị trí trạm… là nguyên nhân đầu tiên đã quá rõ ràng.

Thứ hai, vì sao các hợp đồng BOT này không đấu thầu và các hợp đồng kinh tế để phần thua thiệt luôn thuộc về nhà nước và người dân? Phải chăng lợi ích nhóm đã chi phối tất cả?

Thứ ba, Kiểm toán nhà nước mới kiểm tra ở 27 dự án BOT trong gần trăm dự án đã yêu cầu giảm gần trăm năm thời gian thu phí, thậm chí, trạm thu phí Tào Xuyên, Thanh Hóa phải giảm đến 20/27 năm, cho thấy “sai số” đến mức nào. Sai số này do trình độ kém hay do nhóm lợi ích chi phối? Những nhóm lợi ích nào đã gây ra những “lỗi” chết người này?

Để trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn lại lời của một số quan chức nắm chắc vụ việc. Cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhận xét: “…thời gian tôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT là tạm dừng dự án BOT để rà soát và làm quyết toán. Từ chỗ quyết toán phản ánh một số vấn đề của BOT, dự án của ai, của anh hay của em thì sẽ lộ hết ra”. Và dù là người rất thận trọng trong phát ngôn, ông Nghĩa cũng phải thốt lên: “Tôi cũng nói luôn là, có vấn đề về lợi ích riêng trong này”.

Trước đó, trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ KH& ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, dự án BOT luôn chứa đựng rủi ro tham nhũng lớn nhất. Ông Đông cũng không ngần ngại nói thẳng: “Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết.” Như vậy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã rõ: Lợi ích nhóm. Vấn đề là cần vạch mặt, chỉ tên những nhóm lợi ích này.

Để các tuyến quốc lộ được lưu thông bình thường, không ai khác, các cơ quan chức năng cần cương quyết loại bỏ những nguyên nhân trên và cần phải truy cứu trách nhiệm những vị đã gây nên những sai lầm nghiêm trọng nêu trên. Chúng tôi nói nghiêm trọng bởi, hệ quả của nó chúng ta vẫn chưa thể lường hết do hiệu ứng domino từ các trạm BOT, nó không chỉ gây cho hệ thống giao thông ngưng trệ, mà quan trọng hơn, nó gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân vào chính quyền.

Vương Hà

Nguồn: Theo Dân Trí