Theo văn bản Mỹ nộp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm nay, nước này cho rằng 8 công ty Việt nên được đăng ký là công ty thương mại nhà nước.
Mỹ cho biết họ báo lên WTO do Việt Nam đã
không làm việc này. Các công ty trong danh sách là PetroVietnam, PV Oil,
Petrolimex, Skypec, Vinafood I, Vinafood II, SJC và Vinacomin. Mỹ cho rằng theo
quy định của WTO, các công ty này nên được đăng ký là công ty thương mại nhà nước.
Tháng 4/2016, Việt Nam đã thông báo 2 công ty
thương mại nhà nước lên WTO. Dù vậy, Mỹ vẫn đặt câu hỏi về nhiều công ty khác.
Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam trả lời rằng phần lớn công ty quốc doanh trước đây
đã được cổ phần hóa và hoạt động theo kinh tế thị trường, không còn hưởng đặc
quyền cũ.
"Ngay sau thông báo của Việt Nam, Mỹ đã
độc lập nghiên cứu dựa trên các thông tin được công khai, và kết luận rằng có vẻ
còn một số công ty Việt Nam không được nhận diện là doanh nghiệp thương mại nhà
nước", văn bản của Mỹ cho biết.
Trước đó, Washington đã có động thái tương tự
với nhiều công ty Trung Quốc mà họ cho rằng đang cạnh tranh không lành mạnh vì
có mối quan hệ với Chính phủ.
Reuters nhận xét Chính phủ Việt Nam đang thoái vốn khỏi hàng trăm công ty
quốc doanh, một phần vì thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao. Tuy nhiên, quá
trình này đang diễn ra chậm chạp. Gần đây, Việt Nam đã đẩy nhanh việc này, bắt
đầu bằng thông báo cổ phần hóa gần 50% Vinafood II để thu về khoảng 100 triệu
USD.
Trao đổi với VnExpress, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên –
Bộ Công Thương khẳng định các công ty trên vẫn do Nhà nước nắm cổ phần chi phối,
nhưng hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp khác. Họ không nhận được ưu đãi đặc
biệt để cạnh tranh bất bình đẳng trong lĩnh vực nhập khẩu xăng dầu. Chính phủ
hiện cũng có chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, cơ quan này cho biết việc Mỹ gửi
các thông tin đến WTO là hoạt động thường xuyên của WTO, không ảnh hưởng đến
doanh nghiệp hai bên. Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Mỹ về vấn đề này và sẽ
có giải pháp xử lý cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Hà Thu (theo Reuters)