16 janvier 2018

Việt Nam đang ở đâu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp?


Mạc Văn Trang: "Khi Việt Nam chưa làm và làm chưa tốt những vấn đề nhỏ nêu trên, thì vĩnh viễn Việt Nam vẫn ở hệ 2.0, và từ 2.0 không thể thực hiện bước ‘nhảy vọt’ để sang 4.0.


Trừ sự hoang tưởng và nói cho ‘sang miệng’ - tức phát triển trong tâm trí hơn là thực tế."


Mô hình 4 giai đoạn cách mạng công nghiệp

4.0 từ ngày Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ra đã trở thành khát vọng đến mức đi đâu và làm gì cũng gắn với 4.0. Thậm chí nhiều học giả, nhà báo còn đặt ra câu hỏi: làm gì để đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 hay đầu tư đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.
‘Đi tắt, đón đầu’ là căn bệnh nan y đối với thể chế và dân tộc, bởi nó từng kết liễu mục tiêu ngành công nghiệp oto; công nghiệp nặng; nền kinh tế trí thức; nền công nghiệp hóa – hiện đại hóa 2020. Nó là tư tưởng ‘ăn xổi, ở thì’ khi chưa có những điều kiện cần thiết để bắt kịp một xu hướng phát triển nào đó.

Và giờ nó lại hiện diện ở 4.0!!


Do sự lạm phát ‘4.0’, nên vào trong một cuộc hội thảo về nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa vào ngày 11.01.2018, Gs. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, Đại học Waseda (Tokyo), đã nhận xét thẳng thắn: Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm như muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới phải nhập khẩu công nghệ ứng dụng vào sản xuất.

Cái nhìn của Gs. Trần Văn Thọ là vô cùng cần thiết, bởi nó dập bớt sự ảo tưởng của một số đông doanh nghiệp, chính khách liên quan đến sự trở mình hóa rồng, hóa hổ trong tích tắc, và trở về với nguyên tắc: phát triển là cả một quá trình. Nếu không nhận thức được nguyên tắc này, thì ngay lập, Việt Nam sẽ mắc căn bệnh ‘hoang tưởng’ về cách mạng 4.0 – nhưng đã từng mắc phải ‘bẫy thu nhập trung bình’.

Việt Nam hiện giờ đã có điều kiện gì cho 4.0? Chưa có bất kỳ thứ gì liên quan trực tiếp đến nền tảng lẫn chính sách, mà mọi thứ mới dừng ở ‘truyền cảm hứng’ và ‘chỉ đạo’.

Thử nhìn lại các giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng công nghiệp loài người và xem thử Việt Nam ta đang ở đâu.

Xuất phát của cách mạng công nghiệp là diễn ra vào thế kỷ XVIII – XIX tại vùng nông thôn ở châu Âu và châu Mỹ, với sự chuyển đổi dụng cụng sản xuất từ cầm tay hoặc máy móc đơn giản để sang máy móc đặc biệt và nhà máy sản xuất hàng loạt gắn liền với ngành công nghiệp dệt, sắt động cơ hơi nước. Sau cách mạng công nghiệp đầu tiên, là cuộc cách mạng về điện với sự trợ giúp và tác động cực kỳ mạnh mẽ liên quan đến sản xuất (điện khí hóa, luyện kim). Tiếp đó là cuộc cách mạng kỹ thuật số 3.0 gắn liền với sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất (sản xuất dây chuyền tự động). Và cuối cùng là cuộc cách mạng 4.0, gắn liền với xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, tích hợp hàng loạt công nghệ như máy chủ trên mây (cho phép truy cập từ xa ứng dụng và lưu trữ tài liệu); internet trên mây (sử dụng đám mây để lưu trữ và đồng bộ hóa quá trình tự động được áp dụng ngay trong vấn đề nhỏ nhất như hệ thống chiếu sáng và oto tự động).

Nếu căn cứ khung cách mạng nêu trên, thì Việt Nam vẫn đang dậm chân bền vững ở giai đoạn 2 của cuộc cách mạng về điện, sản xuất hàng loạt với dây chuyền lắp ráp. Một số rất nhỏ các doanh nghiệp trong xã hội liên quan đến sản xuất mới tiệm cận ở giai đoạn 3 về máy tính và sự tự động hóa trong sản xuất, mà một đặc trưng tiêu biểu là xuất hiện siêu nhà máy (mega factory) với quy trình tự động hóa và có sử dụng robot (như quy trình sản xuất của tập đoàn Vinamilk).

Nhiều quan điểm nhầm lẫn cho rằng, sự phát triển internet tại Việt Nam, gắn hạ tầng cơ sở viễn thông là dấu hiệu hiện hữu của 4.0, nhưng thực ra, khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn 3G, thì từ năm 2014, một số nước EU như Anh và Đức đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển mạng viễn thông 5G tốc độ cao. Và khi Việt Nam đang bước đầu triển khai mạng 4G, thì ở những nước như Mỹ đã dự kiến cuối năm 2018 sẽ tiến hành phủ mạng 5G. Chưa kể, hạ tầng viễn thông chỉ là một phần trong tổng thể nền công nghiệp cơ bản và công nghiệp nhẹ trong cả lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp.

Chính vì vậy, mà Gs. Trần Văn Thọ mới nhấn mạnh cái gọi là ‘nhập khẩu công nghệ ứng dụng vào sản xuất’. Nhưng ngay cả khi làm tốt được điều này, nó cũng chỉ giải quyết được khâu bổ sung tức thời nền tảng cho cuộc cách mạng khoa học; trong khi phải còn các yếu tố cần thiết khác cho một cuộc cách mạng như chính sách của Chính phủ (chính sách phát triển và quản lý phát triển); nguồn nhân lực và thị trường tài chính.

Khi Việt Nam chưa làm và làm chưa tốt những vấn đề nhỏ nêu trên, thì vĩnh viễn Việt Nam vẫn ở hệ 2.0, và từ 2.0 không thể thực hiện bước ‘nhảy vọt’ để sang 4.0.

Trừ sự hoang tưởng và nói cho ‘sang miệng’ - tức phát triển trong tâm trí hơn là thực tế.