Lê Học Lãnh Vân:"Sự liều mình của người uất ức vì bị cưỡng chế và sự
nhẫn tâm của người tiến hành cưỡng chế thể hiện sự xung đột xã hội gay gắt và
rộng khắp từ Bắc tới Nam với những địa danh tiêu biểu như Hải Phòng, Thái Bình,
Đắk Nông, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Xung đột tới mức này đã là mâu thuẫn đối
kháng chưa, và có đáng được “xử lý dứt điểm” chưa?
Phiên tòa ở Đắk Nông ngày 3.1.2018 kết án tử hình anh
Đặng Văn Hiến, một nông dân uất ức cương quyết phản ứng lại và giết chết ba
người cưỡng chế. Những người bị giết cũng chỉ là người làm thuê, hiểu biết hạn
hẹp. Nhiều người cho rằng phiên tòa càng đẩy mâu thuẫn lên cao độ, có thể gây
bùng nổ lớn hơn trong tương lai."
Đến hôm nay,
đã quá thời hạn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ có “phương án xử lý dứt điểm”
trạm thu phí BOT Cai Lậy (trạm Cai Lậy), mà phương án vẫn chưa được đưa ra.
Những ngày này lại bùng nổ sự chống đối trạm thu phí Cần Thơ – Phụng Hiệp và
trạm BOT Sóc Trăng. Các trạm BOT ở nhiều địa phương khác cũng đang “nóng”!
Về các trạm thu phí BOT kiểu trạm Cai Lậy đặt ở vị trí
không cho người đi đường sự lựa chọn dùng đường trả tiền hay dùng đường do dân
chúng đóng thuế xây dựng nên, nhiều bài báo đã phân tích dựa trên các lập luận
chính sau:
1) Dân chúng đóng thuế để xây dựng, bảo dưỡng quốc lộ
1 và nuôi bộ máy công chức ăn lương làm việc đó. Vậy chính phủ có bổn phận giữ
cho quốc lộ 1 được an toàn, thuận lợi cho người dân sử dụng. Bất kỳ trạm thu
phí nào đặt trên đường này đều không sòng phẳng, không đàng hoàng, không tử tế
với dân.
2) Nếu các trạm tiếp tục tồn tại dai dẳng, lòng dân
bất mãn kéo dài sẽ sinh nghi ngờ đủ thứ: nghi ngờ tính liêm chính công quyền,
tính vì dân, tính hiệu quả của chính quyền... Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới
sự hợp tác giữa dân chúng và chính quyền. Trong khi đó, đất nước và chính phủ
đang cần tập trung công sức vào những công việc quan trọng hơn nhiều để phát
triển và giữ vững chủ quyền tổ quốc...
Qua những gì chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã
thể hiện từ khi được thành lập, tôi có cơ sở nghĩ rằng Thủ tướng nghiêng về xóa
trạm Cai Lậy và xóa các trạm có cùng tính chất. Việc xóa bỏ các trạm đó nằm
trong khả năng tài chính và tổ chức thực hiện của chính phủ. Tại sao một việc
đem lại lợi ích nhiều mặt cho dân và chính phủ, về mặt kỹ thuật nằm trong tầm tay,
mà chính phủ chưa thể làm như đã tuyên bố?
Có thể chăng đó là dấu hiệu cho thấy sự phát triển
nhanh chóng và lành mạnh đúng với tiềm năng của đất nước còn đang bị những viên
đá to cản đường? Những viên đó là gì?
Các công ty đầu tư kinh doanh trạm BOT chỉ là những
viên đá nhỏ. Những thế lực chống lưng cho các công ty đó là những viên đá lớn
hơn! Để cho các thế lực đó hình thành, liên kết nhau thành một hệ thống tác oai
tác quái tới mức lớn như vậy và trong một thời gian lâu như vậy thì rõ ràng xã
hội chúng ta đang có vấn đề trầm trọng! Phải chăng đây mới là hòn đá tảng chặn
đường? Có nên chăng nghĩ tới những căn nguyên sâu xa hơn như là cách tổ chức xã
hội và vận hành xã hội?
Giữa lúc này, một vấn đề khác lại nổi lên: sự cưỡng
chế giải tỏa đất đai. Thực ra sự cưỡng chế giải tỏa đất đai đã là một nhức nhối
của xã hội Việt Nam từ lâu rồi. Rất nhiều bài báo nói về thân phận con người
sau giải tỏa, những số phận bi thảm bị đẩy khỏi vùng đất do chính họ hay ông
cha họ khai phá với giá đền bù rẻ mạt, và sau đó vài năm vùng đất đó có giá
hàng chục, hàng trăm lần cao hơn! Người bị đuổi đi uất ức, kẻ đuổi người thì
hành động nhẫn tâm! Vài năm trước báo Tuổi Trẻ đã đăng tấm hình một bà cụ nằm
dưới bánh xích của chiếc xe ủi trong một vụ cưỡng chế. Không uất ức, người ta
không liều mình như thế. Không nhẫn tâm, người ta không lái xe ủi tiến lên như
thế!
Sự liều mình của người uất ức vì bị cưỡng chế và sự
nhẫn tâm của người tiến hành cưỡng chế thể hiện sự xung đột xã hội gay gắt và
rộng khắp từ Bắc tới Nam với những địa danh tiêu biểu như Hải Phòng, Thái Bình,
Đắk Nông, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Xung đột tới mức này đã là mâu thuẫn đối
kháng chưa, và có đáng được “xử lý dứt điểm” chưa?
Phiên tòa ở Đắk Nông ngày 3.1.2018 kết án tử hình anh
Đặng Văn Hiến, một nông dân uất ức cương quyết phản ứng lại và giết chết ba
người cưỡng chế. Những người bị giết cũng chỉ là người làm thuê, hiểu biết hạn
hẹp. Nhiều người cho rằng phiên tòa càng đẩy mâu thuẫn lên cao độ, có thể gây
bùng nổ lớn hơn trong tương lai. Tôi thì nghĩ thêm rằng nếu dân trí đa chiều và
toàn diện được chú tâm phát triển từ mấy chục năm nay thì có lẽ những sự việc
như thế này có thể được ngăn chặn từ sớm hơn chăng?
Trong mối liên hệ với sự việc các trạm BOT Cai Lậy,
Cần Thơ-Phụng Hiệp, Sóc Trăng... đang xảy ra cùng lúc, bài viết này xin đặt một
số câu hỏi:
1) Dựng trạm BOT thu phí trên con đường do người dân
đóng thuế để xây dựng và bảo dưỡng, có phải là một dạng cưỡng chế không cho
người dân dùng cái họ đã và đang sở hữu một cách chính đáng không? Việc cưỡng
chế này, về bản chất, có khác gì việc cưỡng chế giải tỏa đất đai được chính
người dân khai phá không?
2) Trong cả hai việc cưỡng chế nói trên, sự việc,
nguyên nhân, giải pháp giải quyết... có được đưa ra công khai minh bạch không?
Có được đưa ra thảo luận tìm tiếng nói chung của các bên chịu ảnh hưởng không?
3) Hai việc cưỡng chế nói trên gây bất mãn lớn trong
dân chúng, kéo dài quá lâu, mà vẫn chưa được giải quyết để tạo sự đồng thuận xã
hội. Tôi nhớ chính sách “ngăn sông cấm chợ” trên ba mươi năm xưa, cũng là một dạng
cưỡng chế kéo dài chục năm, đã cản trở sự phát triển đất nước một thời gian quá
dài bất chấp lòng dân. Có giải pháp nào khiến các vụ cưỡng chế được giải quyết
nhanh chóng hơn không? Cho đất nước khỏi chịu những thiệt hại tổn hao nguyên
khí quốc gia một cách vô ích?
Nhưng trên nữa, có giải pháp nào khiến xã hội Việt Nam
chúng ta giảm thiểu những trường hợp “cưỡng chế”? Sao cho chính quyền thực sự
vì dân, chính sách nào ban ra cũng có lòng dân, ý dân trong đó nhằm phục vụ cho
dân tộc và đất nước chớ không cho một nhóm lợi ích riêng nào?
Lê Học Lãnh Vân
Nguồn: Theo MTG