28 janvier 2018

Men say và vận nước


Xuân Dương: "Nước Việt yếu kém về kinh tế chính là do thể chế kinh tế bao cấp, lạc hậu, bởi Nhà nước trong khi chưa làm tròn chức năng quản lý thì lại ôm thêm chức năng kinh doanh;


Bởi đội ngũ cán bộ, công chức có đến mấy chục phần trăm không phải chỉ là không làm được việc mà còn có người bè phái, mua quan, bán chức, câu kết với nhau bòn rút của công, “ăn của dân không từ cái gì”."

Các cầu thủ U23 vui mừng sau khi giành chiến thắng trước U23 Qatar để lần đầu tiên trong lịch sử giành vé vào chơi trận chung kết U23 châu Á. (Ảnh: Vtv.vn)


Người Việt đang ngất ngây với chiến thắng sau khi U23 Việt Nam hạ gục đội tuyển nhà giàu Qatar để bước vào trận chung kết U23 châu Á với Uzbekistan.

Chỉ mới 5 tháng trước, ở sân chơi SEA Games, người Việt không khỏi chạnh lòng khi đội bóng của chúng ta bị loại từ vòng bảng sau khi thua trắng Thái Lan 3 bàn.

Vậy tại sao vẫn những gương mặt ấy lại làm nên kỳ tích mà bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á chưa bao giờ có được? Trả lời được câu hỏi này cũng chính là trả lời câu hỏi liên quan đến vận nước.

Nói về các cuộc tranh đấu, người xưa có hai câu mang tính chiến lược: “Binh hùng tướng mạnh”; “Trăm quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”.

Câu thứ nhất cho thấy “tướng mạnh” Park Hang Seo - vị huấn luyện viên trưởng người Hàn Quốc - có một đạo hùng binh là những chàng trai U23 Việt Nam đầy quả cảm, đầy nhiệt huyết, không ngại bất kỳ đối thủ nào kể cả khi phải chơi với đội mà có người bảo là gồm 12 cầu thủ.

Câu thứ hai vận vào “hiện tượng” Park Hang Seo là hoàn toàn chính xác.

U23 Việt Nam có vị huấn luyện viên trưởng mà báo giới Hàn Quốc đặt cho biệt danh là “Ngài ngủ gật” dù thực sự ông không hề ngủ khi ngồi trên băng ghế huấn luyện.

Cũng là huấn luyện viên ngoại, vì sao các ông thày người Đức, người Bỉ, người Nhật không thể khơi dậy lòng quả cảm của những thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Vinh,…?

Cũng với các huấn luyện viên ngoại, vì sao năm lần vào chung kết sân chơi SEA Games mà chúng ta không giành chiến thắng lần nào?

Do mặc cảm, tự ti của lứa cầu thủ lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xếp hạng nghèo hay do những vị thuyền trưởng mời về chưa đủ tầm?

Câu trả lời là cả hai.

Cuối năm 2016 một tờ báo chạy tít: “Các nước đã thoát nghèo, bỏ Việt Nam ở lại?”.

Không chỉ có thế, ngay tại những nước chưa thoát nghèo người ta cũng đang có xu hướng “bỏ Việt Nam ở lại” như nhận định của báo Daidoanket.vn:

Nếu không thay đổi kịp thời chắc chắn Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với các nước, trong đó có cả Lào, Campuchia”. [1]

Sau những chiến công oanh liệt trước những kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ 20, vì sao người Việt lại tự ti như vậy?

Vì sao người Việt lại lo rằng với rừng vàng biển bạc, với trí tuệ thông minh không kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, nước Việt lại có nguy cơ tụt hậu so với cả Lào, Campuchia?

Có gì đó không ổn trong cách giáo dục, trong cách truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay, có gì đó ngăn cản người Việt sáng tạo, tự tin vào bản thân mình;

Có gì đó kìm hãm khiến người ta an phận với một cuộc sống không đói về vật chất nhưng lại đói về tinh thần, một cuộc sống nhưng đầy rẫy độc hại - từ thức ăn, đồ dùng đến văn hóa, đạo đức?

Trả lời câu hỏi này đương nhiên và trước hết thuộc về những người hoạch định đường lối.

Mấy chục năm chống tham nhũng, qua nhiều thế hệ lãnh đạo vì sao thành công còn hạn chế? Vì sao chỉ sau đại hội Đảng 12 cuộc chiến “lò nóng - củi tươi” mới thực sự bắt đầu?

Khi người dân ngại “đấu tranh - tránh đâu” nghĩa là thiếu “binh hùng”, khi khắp nơi xuất hiện nhan nhản các “vua con” cũng có nghĩa là không có “tướng mạnh”, thế thì làm sao chiến thắng?

Năm 2018 này, mở đầu là những ngọn lửa bốc cao trong chiếc lò thiêu tham nhũng qua hai vụ đại án được xét xử tại hai thành phố ở hai đầu đất nước, một vụ liên quan đến các chính khách, vụ kia liên quan đến các doanh nhân.

Có kỳ lạ không, có trùng hợp không khi mà niềm tin vào cuộc chiến chống nội xâm được nhen nhóm trở lại thì những chàng trai U23 của chúng ta cũng viết nên kỳ tích khiến cả châu Á ngưỡng mộ?

Khi tham nhũng đạt đến đỉnh cao thì niềm tin tất rơi xuống vực thẳm. Cả hai điểm cực đại và cực tiểu ấy thể hiện sự phát triển mang tính biện chứng của quy luật vận động xã hội.

Hệ Từ truyện - quyển Hạ cho rằng "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu" nghĩa là sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, sau khi biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ trường cửu.

Không thể có chuyện tham nhũng cứ hoành hành mãi mà không có cách tiêu diệt, không thể có chuyện những người dung túng cho tham nhũng cứ ngồi mãi trên ngôi cao quyền lực mà không bị vạch mặt chỉ tên.

Cũng không thể tồn tại tình trạng người dân nhìn vào cán bộ mà không biết tin ai bởi biết đâu người được đặt niềm tin đó lại chỉ là một trong các “đồng chí chưa bị lộ” như trường hợp ông Đinh La Thăng khi còn là Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải!

Nước Việt yếu kém về kinh tế chính là do thể chế kinh tế bao cấp, lạc hậu, bởi Nhà nước trong khi chưa làm tròn chức năng quản lý thì lại ôm thêm chức năng kinh doanh;

Bởi đội ngũ cán bộ, công chức có đến mấy chục phần trăm không phải chỉ là không làm được việc mà còn có người bè phái, mua quan, bán chức, câu kết với nhau bòn rút của công, “ăn của dân không từ cái gì”.

Với hơn 90 triệu dân, với hơn 400 tỷ đô la Mỹ xuất nhập khẩu hàng hóa, nước Việt chưa thể nào là cường quốc, nhưng cứ mãi tự ti là một nước nghèo thì làm sao có thể giàu?

Tại sao chỉ với hơn 20 cầu thủ và một số người trong ban huấn luyện, đội U23 Việt Nam đã có thể làm cả triệu con tim thổn thức, có thể làm tất cả mọi người cười vui trong nước mắt hạnh phúc, có thể khiến cả đất nước bừng bừng khí thế chiến thắng.

Không phải chỉ có vậy, những gì mà U23 Việt Nam làm được đã khiến bình luận viên Jackie của tờ Siam Sport (Thái Lan) phải viết nên những dòng thế này:

Có cảm giác, đó không còn là đội bóng của riêng người Việt Nam nữa mà là đội bóng của cả khối ASEAN.

U23 Việt Nam đã tạo ra một chuẩn mực mới cho nền bóng đá Đông Nam Á. Truyền cảm hứng, niềm tin bất tận rằng từ đây bóng đá khu vực Đông Nam Á đã ngẩng cao đầu trước đấu trường châu lục, không còn một sự tự ti hay e dè gì nữa…  

Đây chẳng có gì phải xấu hổ để nói ra điều đó cả. Những gì U23 Việt Nam làm được ở U23 châu Á là quá kỳ vĩ, xứng đáng để cả nền bóng đá khu vực Đông Nam Á và cả châu Á phải học hỏi”. [2]

Những lời bạn bè quốc tế ca ngợi đội tuyển U23 Việt Nam không thể không làm xuất hiện liên tưởng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Người viết không thích thú với việc ví von đất nước “hóa rồng” bởi rồng chỉ là con vật huyền thoại.

Người viết mong muốn hình tượng đất nước sẽ là chim Hồng hạc tung cánh giữa trời xanh, muốn trên áo các cầu thủ thêu hình chim Hồng hạc bay theo đội hình chữ “V” hướng về phía mặt trời.

Xã hội mà người Việt đang sống, “Cùng” rồi thì tất phải “biến”, “Biến” rồi thì không thể không “Thông”, vấn đề là cứ “ề à” như mấy chục năm qua thì dẫu có mấy chục năm nữa “Thông” nhưng chưa chắc đã “Suốt”.

Người viết có niềm tin, rằng với “đội hình” hơn 20 “cầu thủ” đứng đầu các Bộ và cơ quan ngang bộ, với vị “Huấn luyện viên trưởng” đầy khôn khéo, bản lĩnh và nhân văn, với “ban huấn luyện” vừa quyết liệt vừa mềm dẻo, với triệu con tim cháy bỏng màu cờ sắc áo, không thể nào người Việt lại không thể khiến thế giới ngả mũ thán phục, không thể có chuyện “U Việt Nam” lại không thể ngẩng cao đầu sánh bước với năm châu, bốn biển?

Dẫu biết trận đấu chung kết bao giờ cũng có kẻ thắng người thua, dẫu biết khả năng chiến thắng của U23 Việt Nam trong trận cuối cùng này chỉ là 50-50, người viết vẫn mong và tin rằng đội U23 sẽ trở về với chiếc cúp vàng trên tay và người Việt sẽ lại một đêm không ngủ.

Khi những cuồng nhiệt qua đi, khi những trái tim thổn thức vì bóng đá dịu lại cũng là lúc chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi, đến bao giờ đội tuyển của chúng ta mới không phải nghe theo chỉ dẫn của huấn luyện viên ngoại, đến bao giờ chúng ta mới có triết lý cuộc chơi của riêng mình chứ không phải học theo cách chơi của người ngoài.

Và quan trọng hơn khi nào người Việt có thể quyết định hoặc chọn “luật chơi” theo ý mình?

Điều đó chỉ đến khi những kẻ có thói “đi đêm” không thể và không dám thậm thụt phía sau hậu trường nhằm gây bất lợi cho người Việt tại bất kỳ sân chơi nào?

Điều đó chỉ đến khi chúng ta đủ mạnh.


Tài liệu tham khảo:




Xuân Dương