GNsP (28.01.2018) – “Phá cường địch, báo hoàng ân” là sáu chữ thêu trên
cờ của một danh tướng Việt Nam, Trần Quốc Toản. Điều đặc biệt là vị danh tướng
này không nằm trong quân lực của chính quyền Việt Nam thời đó (Thế kỷ thứ 13),
khi khởi nghĩa chống xâm lăng, Trần Quốc Toản mới chỉ 16 tuổi, và bị đuổi ra
ngoài cuộc họp bàn việc nước có tên là Bình Than vì còn nhỏ tuổi.
Bị loại ra ngoài, Trần Quốc Toản khi ấy chỉ mới là một
thiếu niên, băn khoăn lo lắng đến nỗi bóp nát quả cam trong tay lúc nào không
biết. Em quyết định tập họp lực lượng khởi nghĩa đánh quân Nguyên, con người do
em tuyển mộ, vũ khí do em lo liệu trang bị, cuộc khởi nghĩa của em góp phần rất
lớn vào sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Lực lượng do Trần Quốc Toản thành lập hoàn toàn nằm ngoài “biên chế” của nhà
nước, em dấy binh cũng không hề có phép của nhà nước, em không nhận được một sự
hỗ trợ nào từ phía nhà nước, nhưng tấm lòng yêu nước nồng nàn, ý thức trách
nhiệm công dân trước ngoại xâm, lòng quả cảm mãnh liệt đã giúp em làm nên kỳ
tích lịch sử.
Chúng ta tự hỏi một thiếu niên hành động vì lòng yêu
nước, trong một chế độ chính trị quân chủ chuyên chế, mà làm nên sự kiện lẫy
lừng, lý do từ đâu để có kết quả như vậy? Hóa ra, điều đáng chú ý ở đây là hệ
thống chính trị quân chủ chuyên chế ở Việt Nam ngày ấy, mà thế giới văn minh
hiện nay chối bỏ, đã là một không gian mở cho những người yêu nước được thi
hành trách nhiệm công dân của mình, được tự do bày tỏ quan điểm về lòng yêu
nước và được làm tất cả những gì góp phần bảo vệ đất nước trước ngoại xâm. Họ
chuyên chế cái gì chứ lòng yêu nước họ không chuyên chế, không dành đặc quyền,
không buộc người khác yêu nước theo cái kiểu của mình, và càng không đánh đồng
yêu chế độ của mình với lòng yêu nước.
Cả nước vừa lên cơn sốt về trận thắng Qatar liên tiếp
sau trận thắng Irak của đội tuyển U23 VN. Đêm đó tôi có việc phải đi ra trung
tâm thành phố, 20g30 tôi rời đường Lê Duẩn (Thống Nhất cũ) đi bộ len lỏi giữa
dòng xe ngay trên vỉa hè, mãi đến 22g30 tôi mới về được đến Nhà Dòng cách trung
tâm thành phố chỉ vỏn vẹn có 5 cây số.
Lần đầu tiên chứng kiến rừng người gây bão sau một
chiến thắng bóng đá, tôi ngạc nhiên với nhiều cảm giác khó tả, lối diễn tả
cuồng nhiệt bất chấp tất cả, bất chấp sự an toàn tối thiểu khi gặp người cao
tuổi đi bộ trên vỉa hè. Có em rồ máy xe lao vào làm cho tôi hoảng sợ, vội vàng
nhảy tránh qua một bên trước tiếng cười khoái trá của bạn bè và cô bé ngồi sau
ngúng nguẩy, có em chạy theo phất cờ vào tận mặt tôi, hò reo như chơi đùa với
trẻ con… Về nhà, cảm giác muộn phiền cứ theo mãi, không ngủ được, tôi vào mạng,
tràn ngập những hình ảnh khó coi mà một số các bạn trẻ phô diễn được đưa lên
mạng.
Một thiếu niên Trần Quốc Toản anh hùng của dân tộc, 16
tuổi cậu trăn trở về đất nước rồi gầy dựng nghiệp lớn, còn những thanh thiếu
niên ngày nay đang theo đuổi trăn trở điều gì? Bài học trong sách giáo khoa hồi
còn ở tiểu học, tôi nhớ mãi những câu chuyện về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam,
về Lý Thường Kiệt danh tướng châu chấu đá xe, về anh hùng bán than Trần Khánh
Dư, về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, về Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phạm Ngũ Lão… Những
bài học thật đơn giản, dễ hiểu, có hình màu minh họa khắc sâu vào tâm trí chúng
tôi, 60 năm qua rồi vẫn không quên…
Không biết ngày nay trong các sách giáo khoa của các
em có còn được những bài học thấm thía như vậy không nhỉ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2018/01/28/pha-cuong-dich-bao-hoang-an/