05 mai 2018

Sắp có Chủ tịch nước và Ủy viên Bộ Chính trị mới?


Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cho là đang phải chữa bệnh


Nhiều khả năng sẽ có thay đổi ở vị trí chủ tịch nước và sẽ có thêm một số gương mặt mới được đưa vào Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nhận định của các nhà quan sát bên ngoài Việt Nam.
Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ Bảy được dự kiến diễn ra trong tháng này trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán quanh tương lai của ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước đương nhiệm, sau thời gian dài ông không thấy xuất hiện trước công chúng.


Biến động dồn dập


Cho đến trước Hội nghị 7, Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 đã chứng kiến nhiều biến động nhân sự dồn dập ở mức độ chưa từng thấy. Hồi năm ngoái, lần đầu tiên trong hàng chục năm, một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng đã bị cách chức rồi sau đó bị tòa tuyên án 18 năm tù vì hành vi tham nhũng. Hồi đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư và là người trước đó được coi là có triển vọng lên thay ông Nguyễn Phú Trọng trong chức Tổng bí thư, đã thông báo từ chức vì lý do sức khỏe. Hội nghị trung ương 6 họp vào tháng 10 năm ngoái đã khai trừ ông Nguyễn Xuân Anh ra khỏi Ban chấp hành trung ương vì những vi phạm về bằng cấp và phương cách lãnh đạo.

Như vậy, nếu như ông Trần Đại Quang cũng phải ra đi vì lý do sức khỏe như ông Đinh Thế Huynh thì Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách tối cao của Đảng, sẽ giảm từ 19 xuống còn 16 thành viên. Đây là biến động nhân sự lớn nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên.

Một bài báo của tác giả David Hutt trên tạp chí The Diplomat dự đoán Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ bổ sung thêm ba gương mặt mới vào Bộ Chính trị. Nếu dự đoán này là đúng thì nhiều khả năng ba ủy viên Bộ Chính trị mới sẽ thay thế cho ông Đinh La Thăng, ông Đinh Thế Huynh và cả ông Trần Đại Quang.

Cũng đã từng có diễn biến tương tự tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 cách nay 5 năm khi Bộ Chính trị lúc đó được bổ sung thêm hai thành viên là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Lần này, ông Nhân, người đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau cú rớt đài của ông Đinh La Thăng, được cho là sẽ được cất nhắc lên làm Chủ tịch nước, tác giả David Hutt dẫn một bài viết của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho biết.



Người ba phải


Ông Nguyễn Thiện Nhân được cho là có dấu ấn chính trị mờ nhạt

Theo nhận định của David Hutt thì ông Nhân được nhìn nhận rộng rãi là một ‘người ba phải’ dễ phục tùng người khác. Theo lời ông Hutt thì một nhà phân tích chính trị mà ông không nêu tên đã từng nói với ông là ông Nhân là một người có “tác phong lãnh đạo thụ động và kết quả làm việc tầm thường”. Ông Nhân từng có thời gian giảng dạy rồi quản lý tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được cất nhắc lên làm Phó Chủ tịch thành phố này trước khi ra trung ương làm Bộ trưởng Giáo dục, rồi Phó Thủ tướng. Sau khi vào Bộ Chính trị, ông được đưa qua làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, một tổ chức đặt các hội đoàn dân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Ông Nhân có thể được xem là một ủy viên Bộ Chính trị khác thường vốn dường như đã bị thất sủng sau kết quả làm việc tệ hại trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo vào những năm 2000,” David Hutt viết trên tờ Diplomat.

Tuy nhiên, kiểu người ba phải như ông Nhân lại “chính là tuýp người mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thích”, ông Hutt nhận định. Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, đã “thay đổi theo chiều hướng bảo thủ hơn”. Quyết sách của Đảng đã trở nên ‘tập trung hơn’ mặc dù vẫn đi theo sự “đồng thuận” dựa trên nguyên tắc “dân chủ tập trung”.

Ông Hutt dẫn lời ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, nhận định rằng ông Trọng muốn khôi phục kỷ cương trong Đảng và trừng phạt những Đảng viên cao cấp bị suy thoái về mặt tư tưởng. Điều này đã được cụ thể hóa trong “27 dấu hiệu về sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Trung ương Đảng đã đưa ra để cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương dựa vào để xem xét hành vi của các Đảng viên. Mục tiêu của 27 dấu hiệu này là nhằm vào những nhân vật lãnh đạo có phong cách quá chủ nghĩa cá nhân hay dân túy kiểu như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay ông Đinh La Thăng.

Việc đưa ông Nguyễn Thiện Nhân về lại Thành phố Hồ Chí Minh để thay thế ông Đinh La Thăng chính là thể hiện cách thay đổi theo hướng này của ông Trọng. Ông Nhân, người được xem là dễ phục tùng trước nguyên tắc dân chủ tập trung của Đảng là kiểu người mà ông Trọng cần cho các vị trí lãnh đạo. “Thật ra, chúng ta hãy chờ xem trong hội nghị Trung ương lần này sẽ chứng kiến sự cất nhắc của những nhân vật trung thành nhưng tẻ nhạt, hầu hết là đi theo hình mẫu của ông Nguyễn Phú Trọng”.


Ứng viên Tổng bí thư


Ông Trần Quốc Vượng hiện phụ trách công tác chống tham nhũng của Đảng

Tác giả David Hutt cũng dự đoán rằng ông Trần Quốc Vượng là người nhiều khả năng nhất sẽ lên làm Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của Đảng vào năm 2021. Điều này trái với dự đoán của ông Lê Hồng Hiệp rằng nếu được cất nhắc làm Chủ tịch nước, ông Nhân sẽ là một ứng cử viên cho vị trí tổng bí thư.

Ông Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của Đảng do ông Trọng đề xướng. Chức vụ này cũng giống như ông Vương Kỳ Sơn, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.

Nếu ông Trọng muốn duy trì nhịp độ và cường độ của cuộc chiến chống tham nhũng thì ông Vượng sẽ là một ứng viên khả dĩ nhất cho vị trí Tổng bí thư. Điều đáng lưu ý là ông Vượng đã lên thay ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban bí thư, một chức vụ bản lề để lên làm Tổng bí thư của Đảng.

Một nhân vật khác cũng thăng tiến nhanh chóng đáng được theo dõi, theo ông David Hutt, là ông Nguyễn Xuân Thắng, người được đưa lên làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thay thế cho ông Đinh Thế Huynh hồi tháng Ba. Ông Thắng cũng đang là Bí thư Trung ương Đảng và Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thật ra, ông Thắng đã nắm Hội đồng Lý luận Trung ương từ tháng 12 năm ngoái kể từ khi ông Huynh vắng mặt vì đi chữa bệnh. Điều đáng lưu ý là ông Trọng đã từng giữ chức vụ này trước khi ông lên làm Tổng bí thư. Ông Huynh, ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư trước khi ông ngã bệnh, cũng là người nắm các vấn đề lý luận trong Đảng.

“Với việc tư tưởng lý luận ngày càng được coi trọng trong hệ thống của Đảng Cộng sản thì Hội đồng Lý luận Trung ương càng có vai trò quan trọng, và do đó vai trò của ông Thắng cũng quan trọng,” ông David Hutt viết.

Tuy nhiên, ngoài các tin đồn về việc ông Nhân sẽ lên thay thế ông Quang làm Chủ tịch nước, hiện vẫn chưa ra ba gương mặt có thể vào Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương Bảy sẽ gồm những ai. Nếu phân tích của David Hutt là đúng thì rất có thể ông Nguyễn Xuân Thắng sẽ là một ứng cử viên sáng giá.