07 janvier 2019

“Nổ”


Thiện Tùng

 
Thủ tướng "nổ" đến thè lưỡi như người chết thắt cổ!

Người viết không nói nổ súng, nổ lựu đạn… mà nói nổ bằng cái miệng. Nổ bằng miệng là biểu hiện không khiêm tốn, tự cao, tự mãn, chỉ so mình với mình, dẫm chân tại chỗ… Cho dầu là Thỏ vẫn về đích sau Rùa.



Người đời thường nói “Gà ghét nhau vì tiếng gáy”, “người ghét nhau vì tiếng nổ từ mồm”. Quả là không sai.


Tôi có thằng em trai mắc phải những cố tật: học dở nói giỏi, vạn sự thông, ưa thổi phồng…, nghèo rớt mồng tơi mà thích khoe của, học làm sang. Những gì chú ấy nói phải trừ đi 50% là vừa. Mặc dù chú không xâm hại quyền lợi gì của ai, nhưng trong thôn xóm, người ta không ưa, không giúp đỡ khi chú ấy gặp khó khăn. Rốt cuộc, cho đến chết, chú ấy vẫn là người nghèo nhứt trong xóm.



 Em trai tôi chỉ là dân thường, nó “nổ” chỉ hại hạn hẹp cho gia đình và bản thân nó, còn nếu lãnh đạo quốc gia “nổ” thì hại cả dân tộc chớ chẳng chơi. Bài viết nầy, Tùng tôi kể ra vài ba vụ nổ xa gần đáng ghi nhận trong giới lãnh đạo Việt Nam từ 1954 đến nay:



Nổ xa xưa



a/  Khi đất nước còn chia cắt, ở miền Bắc Việt Nam, theo tinh thần “ngành ngành thi đua, người người thi đua, ta nhứt định thắng địch nhứt định thua”, Năm nào cũng vậy, khi tổng kết cuối năm, ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngành kinh tế nào cũng vượt kế hoạch đề ra. Thế rồi, cứ lặp đi lặp lại điệp khúc “năm sau lao đao hơn năm trước”. Trước thực trạng, Thủ tướng Phạm văn Đồng phải thốt lên: “Vừa vừa thôi các cha, ‘gáy’ quá khiến cho thằng già nầy khó đi ăn xin!”.



b/  Sau 30/04/1975, Tổng Bí thư Lê Duẫn khẳng định đại ý: “Việt Nam ta đã đánh thắng Mỹ thì từ đây về sau không một thế lực nào dám xâm phạm đất nước ta”. Thế rồi liền sau đó, thằng nhóc Khơ-me Đỏ tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam VN; Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới Bắc VN, thiệt hại về người và của trên 2 mặt trận nầy hơn cả cuộc chiến tranh chống Mỹ 20 năm, đó là chưa nói mất đất, mất biển đảo chưa biết bao giờ đòi lại được.



Nổ gần đây



a/  Khi bàn về Dân chủ và kinh tế chậm phát triền, lấy mình so với mình, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nổ: “Việt Nam  dân chủ thế nầy là cùng!”,Đất nước mình có bao giờ được như thế nầy không?”. Thử hỏi ông Trọng: Dân chủ gì mà bắt nhốt và trục xuất hàng trăm người chỉ vì bất đồng chính kiến; Kinh tế phát triền kiểu gì, mà suốt gần nửa thế kỷ, chưa nói nợ nần chồng chất, khoảng cách nghèo giàu, chỉ nói bình quân thu nhập theo đầu người đến  2017, Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong các nước khối Asean:



1/ Singapore =    52.841 USD/ đầu người

2/ Brunei =          36.609   -----------------       

3/ Malaysia =        9.766   -----------------     

4/ Thái Lan =        5.816   -----------------       

5/ Indonesia =      3.347    -----------------       

6/ Philippine =      2.899    -----------------      

7/ Việt Nam =       2.054    -----------------      

8/ Lào  =               1.693     ----------------       

9/ Myanmar =       1.221    -----------------      

10/ Campuchia=  1.159    ----------------     (Muốn hiểu chi tiết xem bảng thống kê đính kèm bên dưới)

   

b/  Chính Phủ họp tổng kết cuối năm, Thủ tướng Phúc nổ nguyên băng:“Lần đầu tiên trong 10 năm, nền kinh tế nước ta không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng, từ 6,7% năm 2017 vọt lên 7,08% năm 2018. Năm 2018, Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục trên 7,7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục đã từng xác lập được, dự trữ ngoại hối trên 3,5 tỷ USD. Nợ xấu giảm rất sâu…’.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi đến lè lưỡi - Ảnh minh họa




Dư luận cho rằng, do ông Phúc nổ liên hồi như vừa nói trên khiến cho bên phía Nhựt làm to chuyện về dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên ở Sài Gòn. Số là:  



Theo nhiều nguồn thông tin trên mạng: Dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên ở Sài Gòn do thi công dự án kéo dài, đội vốn 30.000 tỷ đồng. Đầu tháng 11/2018, ông Võ Phi Anh, 54 tuổi, Phó Tổng giám đốc Cienco, một trong 6 đơn vị thi công công trình tuyến Metro số 1 nầy tự treo cổ bằng dây thừng chết ở cầu thang văn phòng làm việc. Cái chết của ông Anh, ngoài gây chấn động dư luận xã hội, còn có nghi vấn quan chức phụ trách tham những trong dự án này. Từ đó một công ty Nhựt yêu cầu phía Việt Nam trả lại 100 triệu USD phần vốn đầu tư của họ và dọa sẽ ngưng tham gia thi công tuyến đường nầy. 



Như chúng ta đã biết, từ lâu, Chính phủ Nhựt chơi sộp với Việt Nam, họ cho VN vay ODA với lãi suất ưu đãi gần như bằng không (O) để  giúp Việt Nam phát triển đất nước. Lợi dụng lòng tốt của họ, VN vay ODA cố mạng, hết lần nầy đến lần khác, vay rồi sử dụng không đúng chỗ hoặc “chấm mút” trong đó khiến cho Chính phủ Nhựt phật lòng.



Nhựt là nước giàu có, 100 triệu USD chẳng là gì đối với họ, nhưng sự nhân nhượng bao giờ cũng có giới hạn, đây là giọt nước gây tràn ly. Lần nầy họ không giữ kín theo mong muốn của Việt Nam, đâu chỉ nhà thầu công khai đòi nợ mà Đại sứ, Bộ Ngoại giao Nhựt cũng lên tiếng rùm ben về vụ nầy. Đúng là nhục quốc thể.



Nhớ lại xem, theo trang Tin tức Hàng ngày, Cuối tháng 6/2008, báo chí trong nước đưa tin về việc, tờ Yomiuri (nhật báo của Nhật Bản) đăng tải, Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) có những vụ hối lộ ở Đông Nam Á để tham gia các dự án từ nguồn vốn ODA. Trong đó có vụ hối lộ 20 triệu Yen (khoảng 400 triệu VNĐ) cho một số viên chức tại Việt Nam.

PCI tham gia hai dự án ODA ở TP. HCM gồm Đại lộ Đông – Tây ở Sài Gòn (tổng vốn đầu tư hơn 660 triệu USD) và Cải thiện môi trường nước TP. HCM (giai đoạn 1 có tổng đầu tư hơn 270 triệu USD). Bản tin trên trang điện tử của nhật báo Yomiuri còn cho biết những người nhận tiền của PCI là người có trách nhiệm với dự án đại lộ Đông - Tây tại TP. HCM. 

Đây là vụ hối lộ có liên quan đến ODA của Nhựt cho Việt Nam vay ưu đãi. Vì vậy, cơ quan điều tra Nhựt đề nghị các cơ quan chức năng tại Việt Nam hợp tác làm rõ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: “Ừ, thì phía Nhựt cung cấp hồ sơ vụ án đi thì Việt Nam mới điều tra” – một câu nói thiếu “bột ngọt” ít nhiều gây phật lòng Chính phủ Nhựt.

Khi phía Nhựt cung cấp hồ sơ, Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an VN  mới chịu vào cuộc phối hợp điều tra.

 Về phía Nhựt, vào tháng 8/2008, báo chí Nhựt tiếp tục đưa tin, bốn cựu quan chức của PCI (ở Nhựt) chính thức bị truy tố về tội đưa hối lộ. Những người này bị cáo buộc đã đưa hối lộ khoảng 90 triệu Yen cho giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP. HCM từ năm 2003-2006.

Về phía Việt Nam, qua đều tra xác định rõ: Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước có tổng vốn đầu tư 14 ngìn tỷ VND (tiền Việt Nam) – Nhựt đầu tư 9,6 nghìn tỷ VND, số còn lại là phần của VN. Liên quan đến sai phạm tại dự án đại lộ Đông –Tây và Môi trường nước TP.HCM là ông Huỳnh Ngọc Sĩ và thuộc hạ là Lê văn Quả. Cả hai bị khởi tố vào tháng 2/2009, với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và nhận hối lộ từ PCI. Ông Sĩ lãnh án 6 năm tù, ông Quả 5 năm tù (Theo Cảnh Kiên/ Khampha.vn).

c/  Đội bóng đá Thái Lan nhiều năm đạt cúp khu vực Đông Nam Á mà họ tĩnh bơ, còn năm 2018 Việt Nam đạt được cúp nầy, từ dân đến quan nhảy cẩn lên như khỉ mắc phong, nổ liên hồi, tủa ra đường biểu dương khí thế. Ngoài số đông bị thương, số chết lên đến 28 người. Trả một cái giá quá đắt mà chẳng thấy mấy ai chạnh lòng – đúng là sinh mạng người Việt Nam quá rẻ.

Từ vụ việc nói trên khiến cho dư luận xã hội nghi ngờ:

-  Chính phủ và Thủ tướng Phúc khẳng định nền kinh tế tăng tưởng vượt bậc và quỹ dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục hơn 60 tỷ USD, nhưng tại sao không chịu trả 100 triệu USD cho nhà thầu Nhựt mà để họ bêu ríu làm nhực quốc thể như thế?



 -  Nếu ngoại hối dự trữ khá như thế, nhưng sao Thủ tướng Phúc cứ hối thúc Ngân hàng và Tài Chính phải tìm mọi cách huy động 500 tấn vàng và đô-la trôi nổi trong dân và in tiền VND tung ra mua vàng và ngoại tệ ồ ạt như thế?



-  Hôm 31/12/2018, từ Úc Đại Lợi, Nguyễn Quang Duy nói: “Samsung Made in VN 100% nước ngoài”, ông dẫn giải:



 Như đã phân tích bên trên, công nghiệp hỗ trợ Samsung từ các công ty Việt Nam hầu như không có, nên đóng góp thực sự của Samsung cho nền kinh tế VN còn rất hạn chế.



Vào năm 2017, 4 nhà máy Samsung lợi nhuận ròng đạt 5,8 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, thuế cho nửa đầu năm 2017 chỉ phải đóng 186 triệu Mỹ kim. Lợi nhuận ròng năm nay có thể vượt con số năm trước.



Phần lợi nhuận thuộc về Samsung nhưng được tính vào GDP Việt Nam nên việc GDP VN năm 2018 đạt 7,08%   phần chính là từ lợi nhuận của Samsung – Có nghĩa là GDP năm 2018 của VN tăng 7,08% là con số ảo, tính cả  lợi nhuận của Samsung trong đó.



Chẳng lẽ “nổ” thực sự đã trở thành căn bịnh mãn tính đối với quan chức Việt Nam?! Chỉ cần Quan “bớt nổ” thì Dân “bớt khổ”.



06/01/2019

    T.T



Thu nhập bình quân đầu người  10 nước Asean



1/ Singapore                  

GDP bình quân đầu: 52.841  USD

Singapore là nền kinh tế phát triển nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Ở Singapore có môi trường kinh doanh mở, tỉ lệ tham nhũng rất thấp, tính minh bạch trong tài chính cao, giá cả rất ổn định. Nguồn thu chính của quốc gia này dựa vào xuất khẩu các mặt hàng điện tử, các sản phẩm hóa chất và phát triển dịch vụ. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu các  hàng hóa chưa gia công về để chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, thành phố cảng của Singapore được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, quy tụ lực lượng lao động có tay nghề cao chính là nền tảng quan trọng cho việc phát triển kinh tế của Singapore.

 
Singapore có môi trường kinh doanh mở, tham nhũng thấp



2/ Brunei

GDP bình quân: 36.609 USD Brunei là quốc gia có có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên thuộc hàng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nguồn lương thực của Brunei chủ yếu là nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức 3,5%, sản lượng điện hàng năm khoảng 2,56 tỷ kWh; tổng giá trị xuất khẩu đạt mức 2,04 tỷ USD; tổng giá trị nhập khẩu đạt l, 38 tỷ USD. Hiện nay Brunei cũng là quốc gia giàu có thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Brunei là nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á


3/ Malaysia

GDP bình quân: 9.766 USD

Do ảnh hưởng của suy thoái chính trị khiến nền kinh tế của Malaysia có chút biến động nhưng do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ ngày càng tăng khiến nền kinh tế Malaysia sớm lấy lại phong độ và duy trì ở mức cân bằng. Hiện nay mức  trưởng kinh tế của Malaysia luôn duy trì ở mức 4,9% tăng nhiều so với thời kì trước vì các loại thuế hàng hóa, thuế dịch vụ đã được chính phủ điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường và xu thế hội nhập.


Malaysia tăng trưởng kinh tế vượt mức 4,9% năm 2016



4/ Thái Lan

GDP bình quân: 5.816 USD

Nền kinh tế Thái Lan chủ yếu dựa vào xuất khẩu chiếm 60% GD. Thị trường truyền thống và lớn nhất của xuất khẩu Thái Lan là Hoa Kỳ. Hiện nay các ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh ở Thái Lan bao gồm chế tạo máy tính, các đồ điện tử, sản xuất hàng may mặc và giày da, chế biến đồ gỗ và chế biến thực phẩm đóng hộp; sản xuất các sản phẩm đá quý và đồ trang sức; một số sản phẩm công nghệ cao.


Thái lan dựa chủ yếu vào xuất khẩu

5/ Indonesia

GDP bình quân: 3.347 USD

Hiện nay, Indonesia là một trong một trong những thị trường tiêu dùng mới nổi lớn nhất trên thế giới. Theo dự đoán của OECD thì trong thời gian tới nền kinh tế Indonesia sẽ đạt mức tăng trưởng 5% nhờ đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, trong tương lai nền kinh tế Indonesia sẽ phải đối mặt với một nhiều thách thức lớn như việc phải nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh và giải quyết thực trạng thất nghiệp của người lao động.

Indonesia có nền kinh tế nghìn tỷ đô




6/ Philippines

GDP bình quân: 2.899 USD Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình ở Philippines luôn duy trì trong mức từ 6,8- 7,8%.  Nếu như trong nhiều năm trước xếp hạng tín dụng của đất nước Philippines bị xem là thấp kém thì hiện nay quốc gia này đã lọt vào hàng những khu vực rất đáng để đầu tư. Ngoài ra các trái phiếu mà chính phủ Philippines phát hành chính là kênh đầu tư khá một chiều trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang liên tục biến động. Bên cạnh đó quốc gia này vẫn còn nhiều người dân không được hưởng đầy đủ các lợi ích mà sự phát triển kinh tế mang lại, tỉ lệ đói nghèo vẫn còn khá cao.

Philippines có nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc

  

7/ Việt Nam

GDP bình quân: 2.054 USD

Trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì ở mức 6,6%, cao hơn so với mức dự báo trước đó là 6,2%. Các ngành công nghiệp khai khoáng liên tục phát triểnvới mức tăng trưởng 8,2%  do các dự án đầu tư mới liên tục đổ dồn vào; bên cạnh đó ngành xây dựng cũng đạt tăng trưởng mức 6,6% do thị trường bất động sản đã có sự phục hồi nhẹ, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp do ảnh hưởng của thời tiết và biến động giá cả nên tốc độ tăng trưởng chỉ đạt ở mức rất khiêm tốn 2,4%, giảm một nửa so với cùng kỳ các năm trước.


Mức độ tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam là 6,6%

8/ Lào

GDP bình quân: 1.693 USD

Chính sự nỗ lực của Đảng và Chính phủ Lào trong quá trình quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã giúp tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Lào đạt khoảng 7,5%, hiện nước này đã huy động được 1,590 dự án đầu tư cả trong và ngoài nước, với tổng số vốn lên đến 2,9 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra 48%. Hiện nay, đời sống nhân dân Lào đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 7%. 

Kinh tế Lào Kinh tế Lào tăng trưởng ổn định


9/ Myanmar

GDP bình quân: 1.221 USD Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Myanmar đạt khoảng 8,5% trong đó đóng vai trò chủ đạo là lĩnh vực dịch vụ với 41,6%. Hiện nay với các chính sách của chính phủ được cải tiến nên số vốn đầu tư nước ngoài rót vào quốc gia này tăng lên, chính phủ cũng đề ra chính sách hạn chế nhập khẩu và hủy bỏ hết các loại thuế xuất khẩu. Ngoài ra Myanmar cũng đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực ASEAN, các nước khác ở châu Á và trên thế giới để nhanh chóng thay đổi bộ mặt nền kinh tế.

Myanmar là trung tâm thương mại kết nối Đông Nam Á


 10/ Campuchia

GDP bình quân: 1.159 USD

Hiện nay đất nước Campuchia đã thực hiện tăng trưởng kinh tế đúng theo mô hình là công xưởng của châu Á do giá nhân công rất rẻ và tập trung trọng điểm vào lĩnh vực xuất khẩu. Hiện nay nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp của Campuchia đang dần chuyển dịch sang dựa vào công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. Thực tế chứng minh sự chuyển dịch rõ rệt này ở Campuchia đó là tổng số nhà máy tăng đến 1,490, giải quyết việc làm cho hơn 872,000 người lao động, tổng số doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc hiện nay là 38,933 doanh nghiệp.


Campuchia là một thị trường mới thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Hết