05 juin 2019

Phật giáo đang thịnh hay suy?


Thiện Tùng

 Qua nghe ngóng, những tháng ngày gần đây, những người quan tâm đến thời cuộc muốn biết: Đảng CSVN thường rao giảng “Tôn giáo là thuốc phiện”, sao nhà cầm quyền lại cấp đất, cấp phép cho Phật giáo xây chùa hoành tráng ở khắp nơi gây nghiện cho dân? / Vì sao có một số không nhỏ ông “Thích” mặc áo Cà sa lọt được vào trong Đảng CSVN ? / Sao hầu hết đảng viên CS khai trong lý lịch của mình đều “vô đạo” (không có đạo) mà lại có nhiều đảng viên, có cả cấp cao, khi sống vào chùa quỳ lụy, phủ phục trước tượng Phật Tổ, khi chết có thầy tụng, có bàn thờ Phật đặt cạnh trước quan tài / Sao nhà cầm quyền giai cấp vô sản lại “trọng phú, khinh bần”?, biểu hiện: quan chức cao cấp tấp nập thăm viếng các chùa mới được thành lập hoặc mới được đại tu hoành tráng; khắc khe với những chùa cổ kính, đơn sơ ở những làng mạc nghèo! / Tiền đâu mà quan chức cúng chùa nhiều như thế, sao không dùng tiền ấy giúp đỡ dân nghèo bị thiên tai, nhân tai, sa cơ, lỡ vận? / Sao nhà cầm quyển “ưu ái” đối với Phật giáo,“ghẻ lạnh” với các đạo giáo còn lại, làm thế liệucông bằng không? Sao..v.v… 


Ngoài những điều người dân muốn biết vừa kể trên, dư luận xã hội còn có nhận xét trái chiều nhau: số người cho rằng Phật giáo đang thịnh, số người khác cho rằng Phật giáo đang suy.

      
  Ảnh minh họa

Những điều người ta muốn biết nói trên, hầu hết đều xuất phát từ đảng cầm quyền, đảng cầm quyền có trách nhiệm “khai thông”(giải đáp). Ngày nào chưa được giải đáp, người ta có quyền lưu những thắc mắc ấy lại trong ký ức và sẽ moi nó ra khi khan hiếm đề tài ở những cuộc nhàn đàm – đó là thói quen cố kiếp của con người. Bài viết nầy, tôi chỉ tham gia nhận xét về những thăng trầm (thịnh suy) của Phật giáo hơn nửa thế kỷ qua ở Việt Nam ta - ứng với tuổi đời vốn có của tôi.

 Tôn giáo nói chung, Đạo giáo nói riêng. Nếu không có giáo lý thì không được công nhận là một Đạo giáo. Vậy thì ở Việt Nam ta, theo tôi được biết, hiện chỉ có 5 đạo giáo đã được công nhận:

Ngoại nhập 3 Giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo (phái Công giáo La-mã, Tin lành) và Cộng sản giáo.

Nội sinh 2 Giáo: Cao đài giáo và Hòa hảo giáo.



Nói thế, chắc có người thắc mắc, cho rằng sao lại liệt Đảng Cộng sản vào nhóm Đạo giáo?!. Tôi trả lời rằng: Trên cả phạm vi thế giới, đảng nầy đảng nọ gì đó chỉ là danh xưng cho phân biệt, chưa thấy đảng nào có giáo lý, chỉ riêng Đảng Cộng sản có giáo lý Mác-Lê mà thôi. Vì vậy Đảng Cộng sản có khác chi là một Đạo giáo?.

Trong một quốc gia có nhiều đạo giáo ắt có sự cạnh tranh nhằm lôi kéo dân chúng ngã về phía đạo giáo mình. Còn việc cạnh tranh có lành mạnh hay không, đó là chuyện khác, tôi sẽ lần lượt đề cập trong bài viết nầy.

 Theo Viện Hóa đạo Phật giáo Thống nhứt:“Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên 2 ngàn năm. Từ những Hội riêng lẻ, được thống nhứt thành Giáo hội thời nhà Đinh, cách đây hơn 10 thế kỷ. Đến ngày 06/05/1951, Giáo hội Phật giáo mở Đại hội toàn quốc (Bắc,Trung, Nam) tại chùa Từ Đàm (Huế).Tại Đại hội nầy tuyên lập ‘Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt’, và sau đó trở thành thành viên của ‘Liên hữu Phật giáo’ thế giới ra đời năm 1950 tại Sri Lanka”.



So với các đạo giáo, Phật giáo du nhập vào Việt Nam sớm nhứt, có lượng tín đồ (Phật tử) đông đảo nhứt, có nhiều người tu tại gia nhứt. Từng bước, Phật giáo đã hình thành mạng lưới chùa chiền, cơ sở Văn hóa, Giáo dục, Y tế … sâu rộng tận làng mạc, thôn xóm. Tuy chưa có một văn bản nào công nhận, nhưng Phật giáo được xem như Quốc đạo. Vì vậy, bất kỳ thể chế chính trị nào, đều “quan tâm” đến Phật giáo, thu phục được Phật giáo xem như nắm được quãng đại dân chúng. 


Thời “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ở miền Bắc VN

Sau hiệp định Genève 1954, Đảng CSVN cầm quyền nửa nước phía Bắc, áp đặt giáo lý Mác-Lê, ngoài mở học viện, trường lớp từ trung ương đến địa phương, còn dùng miệng và phương tiện truyền bá giáo lý Mác-Lê. Tuy không cấm, nhưng nhà cầm quyền tìm mọi cách khống chế về mặt tổ chức, gây khó trong hành đạo đối với Phật giáo và Thiên chúa giáo vốn có ở miền Bắc, cốt để cho giáo lý Mác-Lê “một mình một chợ”.


Thời “Việt Nam Cộng hòa” ở miền Nam VN

Trong cuộc gọi là “Trưng cầu Dân ý” năm 1955, khi loại được Quốc trưởng Bảo Đại, ông Diệm lên làm Tổng thống, dựng lên thể chế chính trị “Việt Nam Cộng hòa”. Thể chế mang danh Việt Nam Cộng hòa, nhưng ông Diệm áp đặt chế độ “Độc tài Gia đinh trị”. Độc tôn về chính trị chưa đủ, ông Diệm còn có ý định đưa Công giáo La-mã  trở thành Quốc đạo. Ngoài áp dụng triệt để Chỉ Dụ số 10 về Tôn giáo do Bảo Đại ký ngày 06/08/1950, ông Diệm cố tình loại bỏ các đạo giáo đối lập hiện có như Phật Giáo, Cao Đài giáo và Hòa Hảo giáo. Để Công giáo chiếm vị thế độc tôn, ông  Ngô Đình Thục từ giáo phận Vĩnh Long về Sài Gòn làm Tổng giám mục. Để loại trừ đối lập chình trị và tôn giáo, ông Diệm chủ trương:



1/ Trừng phạt phái Bình Xuyên ở quận 8 Sài Gòn, có hậu cứ ở Rừng Sác, giải tán “Đại thế giới”- sòng bạc, cơ sở kinh doanh duy nhứt của Bình Xuyên ở Sài Gòn.



2/ Dùng chiêu bài “liên minh quân sự”, dụ tướng Trịnh Minh Thế dẫn lực lượng vũ trang Cao Đài ra Sài Gòn rồi khử Trinh Minh Thế, tước vũ khí, giải tán lực lượng vũ trang Cao Đài. 



3/ Dụ thiếu tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt) dẫn quân ra Cần Thơ rồi áp dụng Luật 10/59 xử tử ông ta, tước vũ khí, giải tán lực lượng vũ trang Hòa Hảo.



4/ Riêng đối với Phật giáo, ngoài tín đồ đông, được quần chúng hậu thuẫn, không dễ dàng xóa bỏ như các giáo phái khác, ông Diệm dùng đối sách “chia để trị”, dụ dỗ, kích động gây mâu thuẫn nội bộ, khiến cho “Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhứt” chia làm 2 phe: Phe Việt Nam Quốc Tự” do thượng tọa Thích Tâm Châu cầm đầu và phe Giáo hội Ấn Quang” do thượng tọa Thích Trí Quang cầm đầu. Thế rồi, phe Việt Nam Quốc tự dưa vào chính quyền để tranh giành ảnh hưởng với phe Giáo hội Ấn quang. Không biết “chính, tà” thế nào mà, dư luận xả hội lúc bấy giờ, gọi chết danh Thích Tâm Châu là “Thích Đô-la”.



Tuy chia thành 2 phe nhưng họ cùng nhau đấu tranh quyết liệt đòi bình đẳng, bình quyền giữa các đạo giáo. Không biết lý do gì,Vua miền Trung” Ngô Đình Cẩn đàn áp Phật giáo khốc liệt dẫn đến Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn.



Sau Thích Quảng Đức tự thiêu, phong trào Phật giáo ứng lên như giông bão, đòi hủy bỏ Chỉ dụ 10, phải tôn trọng tự do và bình đẳng giữa các đạo giáo. Đa số tướng lĩnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nếu không bản thân cũng gia đình theo Phật giáo, họ đứng về phía Phật giáo, lật đổ chế độ “Độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm” năm 1963, thiết lập “Đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa” ngay sau đó.

Được các tướng lĩnh hậu thuẫn, đầu năm 1964, Phật giáo tổ chức đại hội tại Sài Gòn, hợp nhứt 2 phái nói trên thành một, lấy lại danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhứt”.



Thời “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”



Khi cầm quyền, Đảng CSVN áp đặt giáo lý Mác-Lê lên toàn cõi Việt Nam, dùng mọi biện pháp khống chế các Đạo giáo. 

Dựa vào thế có đông đảo tín đồ và được dân chúng hậu thuẫn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phản kháng sớm nhất, mạnh nhất đối với việc nhà cầm quyền xâm phạm tự do tín ngưỡng.



Tưởng bở, chính quyền dùng “bàn tay sắt” xử tử hòa thượng Thích Thiện Minh về tội “cầm đầu gây rối” và bắt một số Sư thầy, Phật tử đưa vào trại cải tạo cốt để “răn đe”. Từ đó, không chỉ một Thích Quảng Đức tự thiêu như dưới thời ông Diệm mà, ngày 02/11/1975, 12 tăng ni ở Thiền Viện Dược Sư (Cần Thơ) tự thiêu tập thể để phản đối chính quyền hà khắc đối với Phật giáo.



Có lẽ, thấy không thể dùng vũ lực đối với Phật giáo, Đảng CSVN dùng đối sách “chia để trị” như thời ông Diệm, tách Phật giáo ra làm hai. Năm 1981, Đảng CSVN cơ cấu nhân sự bằng cách chọn những Sư thầy “Thích ăn mặn” rồi bật đèn cho Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cùng Nhà chùa mở đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (không có 2 chữ ‘Thống nhất’), đặt trụ sở trung ương Giáo hội nầy tại chùa Quán Sứ (Hà nội). Từ đó Phật giáo nghiễm nhiên hình thành 2 phe: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt”“Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Những Sư thầy “Thích ăn mặn” trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam được bồi dưỡng, đào luyện thành những đảng viên, sĩ quan an ninh, bổ nhiệm trụ trì các chùa. Ngoài ru ngủ dân, theo dõi mọi động thái của họ, các sư còn có trách nhiệm dùng những chùa được mới xây dựng, mới được đại tu hoành tráng kinh doanh nghề “Buôn thần bán thánh” theo lối mê tín, dị đoan để hốt tiền gọi là “công đức” của những người bịnh tật, nhẹ dạ và du khách – Đời và Đạo có hùn hạp, chia chác tiền “công đức” với nhau không hãy chờ Công an và các ngành hữu quan điều tra xác định.



Mặc dù không cấm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hành đạo, nhưng nhà cầm quyền gần như đặt họ ra ngoài vòng pháp luật, cho người “chăm sóc” chặt chẽ nhất cử nhất động của họ. Bằng chứng là Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đệ ngũ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, không chịu “ngã mặn”, quyết “tương rau dưa muối nâu sòng”, đã bị quản chế nhiều năm tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon rồi bị ép về quê ở Thái Bình, sau đó trở lại Sài Gòn, hiện đang ở chùa Từ Hiếu; Thiền Sư Nhất Hạnh quyết “ăn chay”, khó sống trong nước, phải lưu vong ở nước ngoài ..v.v… Còn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam  trở thành “Giáo hội Phật giáo Quốc doanh”, thuộc “phe ta” thì được ưu ái.



Về hình thức, thấy chùa chiền Phật giáo mọc lên như nấm, nguy nga, quan chức thăm viếng tấp nập…, các đạo giáo khác so bì, cho rằng Nhà nước không công bằng…, nhưng họ có biết đâu, Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn hai ngàn năm, từ không đến có, từ có ít đến có nhiều, giờ đây bị mấy gã “Thích ăn mặn” trong “Giáo hội Phật giáo Quốc doanh” phá tan nát. Chư tăng, thiện nam tín nữ đang ruổng lòng, không sao phân biệt được cà sa nào chính thống, cà sa nào đội lốt thầy tu lừa đời hại đạo!. Họ chỉ còn nhìn vào qui mô chùa và sư trụ trì có đảng viên CS hay không mà đoán định “chính, tà”.



Ngay trong trung ương “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” còn bị lộ ra: Thượng tọa Thích Thanh Quyết moi tiền bá tánh bằng chiêu trò “Dâng sao giải hạn ở một số chùa trên đất Bắc; Thích Trúc Thái Minh (tên thật Vũ Minh Hiếu, đại tá An ninh), thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN moi tiền bá tánh bằng chiêu trò Giải hạn Oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng thuộc TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh v.v… Khiến cho uy tín của Phật giáo sa sút nghiêm trọng.



Chết chóc, bịnh tật, đói nghèo… do ô nhiễm môi trường, do giao thông không hợp lý, do tham nhũng..v.v… thuộc thì hiện tại chớ đâu phải thuộc thì quá khứ? Thế thì tại sao các sư “Thích ăn mặn” dám nói nhảm là do “tiền căn báo hậu kiếp”?. Có phải, các “Thích ăn mặn” nhà ta cố tình đánh lạc hướng, cho những khổ nạn ấy thuộc thì quá khứ để: một là nói đỡ cho nhà cầm quyền, hai là moi tiền những khổ chủ trong chiêu trò “Buôn thần bán thánh” lừa đời dối đạo.

“Dâng sao giải hạn” hay “Giải hạn Oan gia trái chủ” không hề có trong giáo lý nhà Phật. Dầu có lật hết hàng ngàn hàng vạn quyển kinh văn Phật giáo cũng không thấy có chỗ nào nói về những thuyết hoang đường nầy. 


Về mặt kinh tế thì có thể liên kết, liên doanh…, nhưng về ý thức hệ thì không được phép “treo đầu dê bán thịt chó”. Theo từ ngữ An ninh “không được phép hai mang”, theo từ ngữ dân gian “không được phép bắt cá hai tay”. Việc liên minh ma quỷ giữa Đảng CSVN và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rốt cuộc, “Nai vạt móng Chó cũng le lưỡi”. Thử hỏi có chướng mắt không: mang trên mình chiếc áo cà sa mà đi sinh hoạt chi bộ Đảng CS; mang trong người thẻ đảng viên CS mà đi chùa quỳ lụy dưới tượng Phật Tổ.



Có lẽ thấy ngày càng nhiều đảng viên, có cả ở cấp cao, nhạt phai ý thức hệ, là người Cộng sản thứ thiệt, từ khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng luôn lên án “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đảng?. 



 Qua những gì đã và đang diễn ra đủ biết: Những kẻ cơ hội gồm cả Đời lẫn Đạo phối hợp nhau dựng lên những ngôi chùa nguy nga cốt để trục lợi, chẳng còn nghĩ gì về Đảng, về Phật.  

 2

Nhìn những dòng chữ trên bức ảnh 2 nầy, người ta, đa phần là đảng viên, đặt câu hỏi và luận bàn trong tức giận: Ai không phụng dưỡng cha mẹ? Ai chối bỏ tên họ đã đặt cho nên khi chết mãi mãi không được chôn? - Còn chối cãi gì được nữa: Cho đến giờ nầy, ở Việt Nam ta chỉ có Cụ Hồ chết ướp xác không chôn. Vậy là Thị Yến ám chỉ Hồ Chí Minh chớ còn ai? Quá rồi! đúng là “Thời suy quỷ lộng!”.

Lễ Phật đản năm nay dù làm lớn hơn so với mọi năm, nhưng cảm giác của phật tử không còn tròn vẹn như những năm trước. Phật giáo vừa trải qua cơn rúng động với tai tiếng nối tiếp: hết “Dâng sao giải hạn” của Thượng tọa Thích Thanh Quyết ở một số chùa quanh Hà Nội đến“Giải hạn Oan gia trái chủ” của thành viên Hội đồng Trị sự Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh… Nếu Phật giáo nói chung, nhứt là những sư “thích ăn mặn” trong “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” không sớm sám hối, rời khỏi lĩnh vực chính trị, không quyết tâm khắc phục những hậu quả do mình gây ra, sớm muộn gì Phật giáo cũng sẽ thành “Tà giáo”.



   3
Bà Phạm thị Yến đan hành lễ “Giải hạn Oan gia trái chủ”  tại chùa Ba Vàng . Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Ở Việt Nam ta, từ lâu, nhất là hiện nay, trong bối cảnh xã hội bất ổn về mọi mặt, Phật giáo dường như vẫn còn là chỗ dựa cuối cùng của những khổ nạn: bịnh tật, thất vọng, thất sủng, thất tin, thất tình…, họ vẫn phải nương dựa vào cửa Phật để cầu an, bao gồm cả những đảng viên CS không còn tin vào giáo lý Mác-Lê.



04/06/2019

     T.T