08 juin 2019

Tiễn đưa VÕ NHƠN TRÍ


Cách đây vài tuần, anh hẹn tới nhà ăn trưa cùng với một số bạn bè. Giờ chót, anh không tới được, vì đi nhà thương về, ‘’ mệt quá, lết không nổi ‘’. Khi anh nói lết không nổi, nghĩa là …lết không nổi, bởi vì tính anh thực thà, không biết bịa đặt, dù để cáo lỗi. Nghĩ chắc tại đôi chân, vì từ mấy năm nay, anh đau chân, đi vài bước phải kiếm chỗ ngồi thở. Không ngờ anh đang chuẩn bị đi xa. Tiến sĩ Võ Nhân Trí vừa từ trần ở Paris, hưởng thọ 92 tuổi Những ngày gần đây, không thấy anh ở thư viện. Thường gặp anh ở một thư viện nhỏ, quận 10, Paris. Sách không nhiều, cuốn nào đáng đọc đã đọc hết, nhưng báo chí có đủ loại, từ nhật báo, tuần báo tới các đặc san. 



Nhiều khi mở một tờ báo, thấy có dấu bút chì gạch dưới vài đoạn. Biết là ông Võ Nhơn Trí đã tới trước. ‘’ Tôi đánh dấu để anh đọc những bài đáng chú ý ‘’. Thư viện vừa mất một độc giả trung thành, lúc nào cũng tò mò, muốn tìm hiểu. Gặp, anh hỏi đủ thứ chuyện, phải tường trình đủ chuyện. Anh có thói quen ít người Việt có, nhất là người Việt đôi chút khoa bảng : nghe ý kiến của người khác. Là công tử Nam kỳ, có dân Tây, đi Pháp sớm, học Luật ở Pháp, kinh tế ở Anh, nhưng Võ Nhơn Trí chỉ muốn về giúp nước. Theo anh Nguyễn Văn Trần, anh Trí căm giận thực dân, vì khi học nội trú trường Taberd, phòng anh sát tường bót Catinat, Sàigon, đêm ngủ giật mình nghe tiếng rên la của tù nhân bị lính kín Tây tra tấn. Khi sang Pháp du học, cư ngụ ở Cité Universitaire, Paris, anh hoạt động với phe tả . Anh gia nhập đảng CS Pháp từ 1952 và đảng CS VN từ 1961. Năm 60, thay vì ngồi ở Paris ủng hộ cách mạng, như nhiều trí thức thiên tả khác, anh về Hà Nội, tưởng sẽ có cơ hội giúp nước. Khám phá ra chuyện coi trí thức là cục phân là một thực tế. Hơn thế nữa, trí thức là một đe dọa cho chế độ, nhất là trí thức trưởng giả, từ Pháp về, tư duy rất khả nghi, dù thật lòng yêu nước. Bởi vì lòng yêu nước không phải là một yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định là sự trung thành với Đảng. Trong suốt thời gian ở VN, anh chỉ ngồi chơi xơi nước, trừ khi chính quyền cần gởi một người có bằng cấp, thông thạo ngoại ngữ đi tuyên truyền ở Bắc Phi. Chế độ không cần chuyên, chỉ cần hồng. Nhất là hồng dễ bảo, không suy nghĩ rắc rối. Chị Trí, dược sĩ, đang làm cho viện Pasteur Pháp, cũng bỏ việc theo chồng về ‘’ giúp nước ‘’, được đưa vào một phòng thí nghiệm không thí nghiệm gì, dưới quyền bà trưởng phòng có trình độ chuyên môn tương đương với nhân viên rửa chai lọ. Ngồi chơi xơi nước là thời gian chưa bị nghi kỵ, vì những lời chỉ trích Đảng và nhà nước của anh được báo cáo đầy đủ. Tiến sĩ Võ Nhơn Trí khám phá ra cách mạng còn dã man với đồng bào hơn cả thực dân trong khám lớn Sài gòn. Khám phá ra người CS không có đất nước, chỉ có Đảng. Vài năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, anh mới được phép từ Hà Nội trở về miền Nam. Một phó thủ tướng nói với anh: nếu cho những người như anh vào Sài gòn ngay khi giải phóng, nghe anh nói xấu XHCN, chắc thiên hạ sẽ bỏ chạy hết Sang Pháp tỵ nạn năm từ 1984, anh viết sách, đa số bằng tiếng Pháp ( hay Anh Ngữ ( thí dụ : Vietnam economic since 1975, nxp Pasir Panjang. Singapour ) vạch trần những tệ hại của chế độ. Cuốn ‘’ Việt Nam cần đổi mới thực sự ‘’ ( 2004 ) phân tích những lý do đưa VN tới tụt hậu, trong khi các nước trong vùng không ngừng phát triển. Theo tác giả, muốn ra khỏi cái nhục của một nước chậm tiến, VN phải thay đổi cả về chính trị lẫn chính sách kinh tế, đầy những vụng về, lầm lỗi. Nhưng tác giả bi quan : VN chỉ có thay đổi nếu có một lực lượng đối lập mạnh, và đối lập ở VN đã bị tiêu diệt từ trứng nước. Khác với những nhà trí thức thiên Cộng, biết mình lầm đường, nhưng ngậm miệng, anh Trí nghĩ nêu rõ cái sai lầm của chính mình là một bổn phận đối với những thế hệ sau, là một món nợ phải trả. Những người tiếp xúc với anh Trí thấy anh chống Cộng, gay gắt, kiên trì hơn cả những người đã mục xương trong nhà tù CS. Gần như một ám ảnh ngày đêm. Ngay cả khi ăn nhậu, sớm muộn gì cũng đi tới đề tài : làm cách nào chấm dứt được chế độ CS ở VN. Anh Nguyễn Văn Trần giải thích : đó là phản ứng của một người giầu tình cảm. Theo Cộng Sản vì yêu nước, bị phản bội, còn đau hơn là những người đã biết thực chất CS từ những ngày đầu. Cuộc đời của anh Trí là một thảm kịch. Như cuộc đời của rất nhiều người VN 
( tuthuc-paris-blog.com )