08 juin 2019

Bàn về cải cách xã hội


Nguyễn Đình Cống


1- Đặt vấn đề

Người trong xã hội có thể chia thành 2 cấp: Trên và Dưới. Cấp trên gồm những người cầm quyền, thống trị, quản lý, lãnh đạo, làm ra luật pháp v.v...Cấp  dười là dân thường, bị trị, sống và làm việc theo luật pháp v.v…Quá trình của xã hội có thể làm phát sinh nhiều loại mâu thuẩn, quan trọng nhất là giữa dưới và trên.

Mâu thuẩn dưới-trên làm mất ổn định xã hội. Thông thường nó được phát hiện từ cấp dưới, phản ảnh trực tiếp lên trên hoặc  qua truyền thông đại chúng. Lúc này, tùy vào trình độ, đạo đức và thiện chí của cấp trên mà có thể xẩy ra các tình huống (TH) khác nhau. 


TH 1- Cấp trên có trình độ, đạo đức, thiện chí, sẽ đề ra những biện pháp đổi mới hoặc cải cách cần thiết, giải quyết mâu thuẩn, đưa  sự ổn định lên tầm cao hơn. .

TH 2- Cấp  trên kém đạo đức và thiện chí sẽ tìm cách đối phó bằng thủ đoạn gian dối, lừa bịp mà không thật lòng cải cách. Lúc này, với thể chế thực sự dân chủ thì cấp dưới  chờ đến bầu cử, dùng lá phiếu để loại bỏ bọn đang cầm quyền.

TH 3- Cấp trên kém đạo đức và thiện chí, nhưng giữ được độc quyền thống trị nên ngoan cố. Lúc này nếu cấp dưới  có đủ sức mạnh  thì sẽ xẩy ra cuộc đấu tranh quyết liệt. Cấp dưới dùng biện pháp hòa bình như đình công, biểu tình.Cấp trên, nếu khôn ra thì thương lượng, nhượng bộ, nếu đểu cáng sẽ dùng lực lượng vũ trang để đàn áp. Nhưng khi cấp dưới đã tập hợp được, nêu cao được chính nghĩa thì lực lượng vũ trang sẽ quay về với nhân dân. Sự đàn áp cuối cùng sẽ thất bại.

TH 4- Cấp trên vừa ngu, tham và độc tài mà cấp dưới chưa đủ lực lượng để đấu tranh thì sẽ phải chịu đựng áp bức trong một thời gian dài. Tình trạng này sẽ kết thúc bằng 1 trong 2 kịch bản sau . TH 4A- Đến một lúc nào đó trong nhân dân sẽ xuất hiện các anh hùng hào kiệt, đủ sức tập hợp để làm cách mạng, dùng vũ trang lật đổ bọn thống trị. Lúc này khó tránh khỏi nội chiến. TH 4B- Tình hình chia rẽ trầm trọng, bọn cấp trên càng giàu có thì nhân dân càng đói khổ, đất nướcthối nát, chia rẽ, nước ngoài sẽ nhảy vào. Thế là tạm thời mất độc lập. Lúc này đất nước như thế nào sẽ phụ thuộc vào cấp trên mới lập.


2- Tình hình VIệt Nam

Sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất lãnh thổ ( 4/1975) VN bước vào thời kỳ suy sụp tạm thời. Mâu thuẩn trên- dưới trầm trong. Để giải thich và tìm biện pháp tháo gỡ đã hình thành 2 lề  khác nhau, chủ yếu đối lập nhau. Đó là Lề Đảng và Lề Dân . Lề Đảng thuộc cấp  trên, tương đối rõ, gọi là  A.  Lề Dân thuộc cấp dưới, đầu tiên chỉ mới là những cá nhân phản biện, rồi đến một vài tổ chức xã hội dân sự, gọi là B.

Về cuộc chiến 20 năm (1955-1975), A cho là chiến tranh giải phóng, chống đế quốc Mỹ xâm lươc, B cho rằng chủ yếu lànội chiến vì ý thức hệ, Mỹ không xâm lược mà chỉ là can thiệp để ngăn chặn CS. Ngày 30 tháng 4/1975, A cho là ngày giải phóng, B cho là ngày kết thúc chiến tranh.

Đối xử với bên bại trận , A cho rằng phải gọi chúng là ngụy quân, ngụy quyền, bắt đi cải tạo, nói rằng đi học tập vài chục ngày rồi giam cầm người ta nhiều năm. Việc đó B cho là lừa dối, vô nhân đạo. Về hòa hợp, hòa giải dân tộc A muốn rằng kẻ bại trận phải khuất phục và hòa hợp với người chiến thắng, vẫn khăng khăng rằng ngụy quân, ngụy quyền là kẻ thù giai cấp và dân tộc.  B lại muốn người chiến thắng nâng đỡ và hòa hợp với người bại trận, họ là anh chị em cùng dòng máu

Giải thích sự khó khăn, kiệt quệ về kinh tế từ sau 1975, A cho là do chiến tranh, bị cấm vận, bị bao vây, bị thế lực thù địch phá hoại. B cho là tại những sai lầm trong chủ trương và sự lãnh đạo của ĐCS., cụ thể là hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, là cải  tạo kinh tế tư nhân ở miền Nam, là cấm chợ ngăn đường trong toàn quốc, là đóng cửa với thế giới rộng lớn..

Về người di tản, thuyền nhân, bỏ nước ra đi, A cho rằng đó là bọn thù địch, phản quốc,  B cho rằng họ là những nạn nhân của chế độ CS.

Vào thời gian 1986, mâu thuẩn  lên đỉnh điểm. Lãnh đạo của Đảng không còn có thể bưng tai , bịt mát để tiếp tục lừa dối nhân dân. Bên trên buộc phải đổi mới, phải mở cửa, phải bỏ  cấm chợ ngăn đường v.v… Đó chỉ mới là thực hiện một phần nhỏ của TH 1. A cho rằng Đảng đã rất sáng suốt làm đổi mới, B nói rằng chẳng qua là sửa sai, là quay lại cái cũ.

Từ 1990 trở đi, kinh tế có phát triển, đời sống nhân dân có được cải thiện, nhưng đất nước lại lâm  vào tai họa mới. Đó là nạn phá hoại tài nguyên và môi trường, là nạn tham nhũng, nạn mua quan bán chức tràn lan, nạn xuống cấp về văn hóa, đạo đức, giáo dục, nạn chảy máu chất xám,  nạn làm ăn thua lỗ của kinh tế quốc doanh và nợ nần chồng chất.

Tình trạng thực tế đất nước là rõ ràng, không thể che giấu, nhưng  A và B lại giải thích và tìm ra nguyên nhân trái ngược  nhau.

A cho rằng đất nước vẫn phát triển , GDP tăng cao, uy tín trên trường ngoại giao là tốt, có nhiều đối tác chiến lược, Đảng vẫn kiên trì đường lối đúng đắn và sáng suốt là theo Mác Lê để xây dựng CNXH. Đảng vẫn ra nhiều nghị quyết để làm trong sạch vững mạnh, nhân dân vẫn tin vào Đảng, đất nước được như ngày nay là nhờ công ơn trời biển của Đảng. Nguyên nhân của mọi tai họa là do : Bên trong  thì một số đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, bên ngoài thì thế lực thù địch tìm cách phá hoại, lật đổ. A cho rằng Đảng vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền, chỉ cần làm cho Đảng trong sach là có thể giải quyết được mọi chuyên, A tuyên bố Đảng xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, Đảng chống lại Tam quyền phân lập.

 B cho rằng  tuy kinh tế có phát triển, đời sống của dân có được nâng cao, nhưng đất nước vẫn mắc vào vòng luẩn quẩn. So với các nước cùng hoàn cảnh thì VN bị tụt hậu nhiều. GDP chỉ là tiếng hảo, nhờ vào các xí nghiệp 100% vốn nước ngoài ( FDI), Chủ nghĩa Mác Lê có nhiều độc hại, con đường XHCN là vô vọng, bế tắc. Nguyên nhân của mọi tai họa mà nhân dân phải gánh chịu là do sự độc tài toàn trị của Đảng, do những sai lầm của lãnh đạo Đảng. B qui kết Đảng đang thống trị và đã cướp quyền của dân. Vấn đề cần và quan trọng là cải cách thể chế, là  phải thay đổi từ đảng thống trị thành đảng cầm quyền, phải xây dựng chế độ Tam quyền phân lập.

Về quan hệ với Trung cộng. A cho rằng đó là chỗ dựa, là tấm gương, là  không thể xa rời. B đánh giá Tàu chệc là kẻ thù truyền kiếp, là bọn bành trướng đểu cáng..

Kể ra còn nhiều những nhận định và đánh giá khác nhau. Hình như giữa A và B cũng có vài  điểm chung. Bên nào cũng tự nhận là yêu nước, là vì quyền lợi của dân tộc, vì một đất nước VN phát triển thịnh vương. Bên nào cũng tự cho mình mới thực sự đại diện cho nhân dân. Nhưng rồi 2 bên  lên án nhau, cho rằng mình mới thật lòng, còn bên kia là xạo, là giả dối.

Cả hai lề đều tự cho rằng mình nói đúng sự thật, nhưng phải chăng mỗi bên đều chỉ mới đưa ra  một phần của nó. Hình như A chủ yếu đưa ra phần bên ngoài của sự việc với mục đích tuyên truyền, còn B đưa ra phần bên trong, phần bản chất để phản biện.

A và B, bên nào nói bên ấy nghe, chưa có cách gì tìm ra tiếng nói chung. Đúng ra nhân dân phải có tiếng nói phân xử, nhưng nhân dân đang bị khống chế, Quốc hội chủ yếu thuộc lề A nên khó có công tâm. Xét về tương quan lực lượng vật chất thì A mạnh hơn B hàng ngàn, hàng vạn lần, nhưng về tinh thần thì B ở thế tiến công, không sợ gì A mặc dầu nhiều lúc bị chính quyền đàn áp khốc liệt. Còn Atuy một số hung hăng nhưng thiếu tự tin, chưa có ai dám nhận đối thoại với B để tìm chân lý. Thế là chia rẽ, mà  chính A tạo ra sự chia rẽ đó.

Cứ mỗi lần đại hội Đảng có đánh giá tình hình và vạch phương hướng. Phần lớn dựa theo A . Những đề xuất và góp ý của B chủ yếu bị vứt bỏ, bị quy kết là phá hoại, là thù địch. Trong khi đó B lại quy kết lãnh đạo Đảng là ngoan cố, bảo thủ, chỉ vì lợi ích nhóm, dẫn dân tộc đi sai đường.

Như vậy xã hôi VN đang ở vào giai đoạn đầu của TH 3 hoặc TH 4, nghĩa là cấp  trên không có đủ trình độ, kém đạo đức, thiếu thiện chi, độc tài, tham lam, trong khi cấp dưới chỉ mới xuất hiện lực lượng đấu tranh lẻ tẻ, chưa có tổ chức, chưa có lực lượng tinh hoa lãnh đạo.


3- Mong ước của người dân

Dân Việt đã trải qua nhiều năm chiến tranh, đã tốn nhiều xương máu, nên đại đa số  chỉ muốn yên ổn làm ăn, không muốn “đấu tranh”, không thích đụng đến chính trị. Điều này là  chấp nhận được khi đất nước có cấp trên là tầng lớp tinh hoa với trình độ cao, đạo đức tốt, thiện chí lớn. Nhưng với một cấp trên kém năng lực, thiếu đạo đức, cố duy trì sự thống trị, chỉ muốn biến người dân thành công cụ,  đẻ cho họ dễ bề sai khiến, được thoải mái làm giàu, mà dân vẫn cam chịu thì rồi sẽ dẫn đến tai họa lớn của TH 4-

Nhưng rồi   dần dần dân Việt cũng hiểu ra được điều này và lại mong ước…

Phần đông mong được xẩy tra TH 1, như đã xẩy ra một phần nhỏ vào năm 1986. Những người Việt có hiểu biết ở trong và ngoài nước đều đồng ý với nhau rằng phải cải cách thể chế chính trị đi cùng cải cách kinh tế.Lãnh đạo ĐCS cũng nói đến đổi mới chính trị, đặt câu hỏi đổi mới cái gì và như thế nào. Nhưng có lẽ lãnh đạo CS bị buộc phải nói tới đổi mới chính trị và chỉ muốn đổi mới vài thứ vụn vặt mà không đụng gì đến thể chế.

Một số người rất có tâm huyết trông chờ vào sự “Bỗng nhiên có một số lãnh đao giác ngộ”Thế rồi những người đó, cá nhân hoặc tập thể, bằng nhiều con đường, họ viết thư, kiến nghị, góp ý, gửi cho cá nhân lãnh đạo và các tổ chức, gửi cho toàn thể đảng viên  và toàn dân.Trong các văn bản đó, ngoài những phân tích sâu sắc, những góp ý chân thành, thì cũng thỉnh thoảng gặp những lời lên án đanh thếp. Tất cả họ đều mong ước bên trên sẽ chọn  lưa TH 1 để giải quyết mâu thuẩn. Thế nhưng toàn bộ các văn bản đó đều không được trả lời ( không biết những ai đã được xem).

Một số người chống cộng tích cực cho rằng “ cộng sản chỉ có thể bị đánh đổ chứ không thể cải tao”. Họ phê phán và cười nhạo cách làm “kêu gọi CS tự sửa mình”. Thực ra cần phân biệt chủ nghĩa CS với các đảng viên CS. Chủ nghĩa CS là thứ cần đánh đổ, nhưng đảng viên CS lại cần được tranh thủ, Trong số họ vẫn còn nhiều người có lương tâm, có trí tuệ, có dũng khí. Đánh đổ CS tốt nhất là từ bên trong. Lãnh đạo CSVN đang thấy rõ và rât lo việc này nên mới ra sức kêu gọi “ chống tự diễn biến, chông tự chuyển hóa”.

 Mong ước của người dân là cấp trên có đủ trí tuệ và đạo đức để theo TH 1. Nhưng xác suất để xẩy ra quá thấp. Cũng rất khó xẩy ra TH 2 vì VN chưa có nền dân chủ thật sự. Mong rằng sẽ xẩy ra vào khoảng giữa của TH2 và TH 3.


4- Các con đường của ĐCSVN

Tôi đã đọc khá nhiều sách  liên quan đến thể chế chính trị cộng sản từ nhiều nguồn, trong đó chọn ra 4 tác phẩm đáng quan tâm :

+ Thất bại lớn ( sự sụp đổ của CS), sách của Brzezinski, xuất bản năm 1988, nhóm Phan Ngọc, Phạm Khiêm Ích  dịch ra tiếng Việt.

+Cách mạng 1989- sách của Sebestyen ( sựsụp đổ của chế độ xô viết )- Trần Quang Nghĩa dich ra tiếng Viêt

+Tại sao các  quốc gia thất bại, công trình nghiên ứu  của Acemoglu và Robinson -  XB ở Mỹ 2012, Nguyễn Quang A và  Nguyễn Thị Kim Chi dịch ra tiếng Việt 2016 .

+ Giai cấp mới ,  sách của Milovan Djilas- Phạm Nguyên Trường dịch ra tiếng Việt

Theo Brzezinski thì chế độ cộng sản tất yếu sẽ sụp đổ. Nguyên nhân chủ yếu là kém trí tuệ nên vận dụng sai các quy luật khách quan, bịa đặt ra những điều giả dối rồi cho rằng đó là chân lý và đem lừa người khác. Với ĐCSVN, ngoài bản chất kém trí tuệ còn mắc phải bệnh kiêu ngạo CS sau khi đã thắng trong 4 cuộc chiến tranh..

Lãnh đạo và đa số đảng viên CS  cho rằng bằng đường lối và quy hoạch cán bộ, bằng các nghị quyết về nêu gương, về tăng cường kỷ luật, về học tập và làm theo Hồ Chí Minh v.v…họ có thể làm cho Đảng trong sạch và vững mạnh, từ đó củng cố sự lãnh đạo, nâng cao vị thế đảng cầm quyền, thực hiện được kế hoạch xây dựng CNXH vì hạnh phúc của toàn dân.. Thật ra đó là một nhầm lẫn và lừa dối vô cùng lớn. Vì sao nhầm? . Vì chỉ đụng đến vài hiện tượng bên ngoài mà chưa đụng gì đến bản chất. Còn lừa dối ở đâu ?. Lừa rằng vì hạnh phúc toàn dân, thật ra chỉ vì quyền lợi của các nhóm lợi ích và ý thức hệ CS.

Trước mắt ĐCSVN có 2 con đường để lựa chọn : bảo thủ và cải cách.

Con đường bảo thủ là cứ giữ tính trạng hiện tại, kiên trì Mác Lê, phụ thuộc vào Trung cộng, vẫn bưng tai, bịt mắt để không nghe những lời phản biện và tiếng rên xiết của dân oan, không thấy hết những mặt bi đát của thực tế xã hội, không muốn biết nguyên nhân sâu xa của các tai họa. Chỉ thích nghe lời tụng ca, chỉ thich nhìn cờ hoa chào đón.  Như thế thì khả năng xẩy ra TH 4 là rất lớn.  CSVN, bên cạnh một số công lao nào đó ( sẽ được lịch sử đánh giá), đã phạm nhiều sai lầm, nhiều tội đối với dân tộc. Nếu để xẩy ra TH 4 thì ĐCS còn mắc thêm tội rất nặng và sẽ bị loại bỏ trong ô nhục.

Con đường cải cách, trước hết phải có thiện chí, phải biết lắng nghe và nhìn sâu vào bên trong sự thật.(Ngoài mồm Đảng cũng to tiếng kêu gọi nhìn vào sự thật, nhưng với con mắt ý thức hệ, giỏi lắm chỉ thấy được vài hiện tượng bên ngoài). Hãy mở ra các cuộc đối thoại để nghe cho tường tận những quan điểm và đề xuất của B, thấy rõ được những nhầm lẫn của A ( trong đó có đường lối cán bộ phản dân chủ, phản tiến bộ), hãy thực tâm mở rộng dân chủ thì mới mong có được người tài giỏi làm việc nước. Phải thực hành cải cách đường lối và tổ chức để trở thành một đảng chính trị cầm quyền (nên tham khảo Đảng Hành động nhân dân của Singapore và trường hợp nước Mông Cổ).

Con đường cải cách là đáng mongđợi, nhưng khả năng thực hiện được rất thấp vì để làm được thì trong Đảng ( đặc biệt là trong lãnh đạo cấp cao) phải xuất hiện những đảng viên có trình độ, có dũng khí. Mà trong hơn 80 năm tồn tại Đảng đã kịp thời làm thui chột các phẩm chất ấy. Con đường bảo thủ được Đảng thích hơn, phù hợp với các nhóm lợi ích, nhưng sẽ mang lại tai họa lớn cho đất nước, nhân dân không mong đợi và phản đối.

Khả năng xẩy ra nhiều hơn trong thực tế, không phải do lựa chọn mà là do tình thế tạo ra. Đó là con đường của TH 3 khi Đảng ngoan cố, bảo thủ, dân tích cực đấu tranh. Đảng khôn ra thì thương lượng, đối thoại, chon cách thỏa hiệp. Ở Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc,  Đảng buộc phải thỏa hiệp ở bước cuối cùng, như thế là bị mất gần hết oai tín. ĐCSVN nên khôn ngoan hơn, chọn cách thỏa hiệp dần dần từng phần, nên “ rút lui từng bước, nhường lại từng bộ phận” trước cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ chân chính của nhân dân. Như vậy nếu có lui cũng là trong danh dự. Hơn nữa, khi Đảng có những cải cách được nhân dân đánh giá tốt thì vẫn có thể được tín nhiệm để cầm quyền. Nếu mà ngoan cố, kiêu ngạo thì sẽ nhận kết quả thảm khốc như ở Rumani.năm 1989.


5-Sự hoạt động của cấp dưới

Xin tạm để riêng ra những người Việt, ngay từ đầu đã có nhận thức khác về chế độ cộng sản và chống lại. Chỉ xin bàn đến những người đang chịu sự thống trị  hoặc có liên quan đến chế độ hiện hành.

Trong nhiều năm trước đây người dân được giáo dục, được tuyên truyền để tuyệt đối tin tưởng và  trung thành, để biết ơn sâu sắc Đảng CS lãnh đạo. Mặt khác Đảng cũng tạo ra sự trừng phạt, sự đàn áp để  không những dân mà đảng viên cũng nơm nợp lo sơ bị quy kết, bị nghi ngờ. Tình trạng đó làm cho  phần lớn người dân cúi đầu theo Đảng, đa số cam chịu an phận thủ thường. Một số ít còn cho là khôn ngoan khi bưng tai bịt mắt trước bất công xã hội, chỉ lo giữ được yên ổn cho mình và gia đình.

Thế rồi, do thực tế phủ phàng đập vào mắt, do ảnh hưởng của những phát hiện sai lầm và độc hại củai Mác Lê  mà dần dần xuất hiện các phản biện, tạo nên lực lượng B. Ban đầu hễ chính quyền phát hiện được cá nhân B nào đều ra tay  đàn áp, bỏ tù, trừ khử. Tưởng rằng như thế sẽ nhanh chóng dẹp yên. Nhưng cách làm đó đã không đàn áp được mà càng ngày B càng phát triển. Nhờ Internet sự lan tỏa của B càng nhanh và mạnh.

Đã xuất hiện các tổ chức xã hội dân sự, những người hoạt động dân chủ  đã nối tiếp được các thế hệ từ già đến trẻ. Đã xuất hiện một số tấm gương rất đáng nẻ phục, đặc biệt là các bạn trẻ có trí thức, có dũng khí. Tuy vậy lực lượng chưa đủ mạnh, còn phân tán, chưa có ngọn cờ tập hợp.

Có nhận định rằng ở VN hiện nay, ngoài ĐCS ra chưa có một lực lượng chính trị nào có thế đứng ra cầm quyền. Chính vì những điều vừa nêu màmột số người, tuy thấy rõ độc hại của Mác Lê, thấy rõ sự bảo thủ, sự yếu kém của lãnh đạo CS, nhưng vẫn còn trông mong vào sự đổi mới của họ.

Những điều vừa nêu là có thực, nhưng chỉ là tạm thời. Tình hình sẽ biến chuyển để tạo ra thay đổi. Trong nhân dân và đặc biệt trong giới trẻ càng ngày càng tăng mấy điều sau : 1-Mất lòng tin vảo ĐCS, CNXH, Mác Lê. 2-Tin vào sự cần thiết của một thể chế dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ giả hiệu. 3-Không cam chịu để bị biến thành nô lệ mà dám chấp nhận đấu tranh, dám chấp nhận hy sinh vì tương lai của dân tộc.

Hoạt động của cấp dưới có thể phân thành 2 mảng lớn : của trí thức và của quảng đại.

 Hoạt động chính của trí thức nhằm vào việc thức tỉnh. Trước hết là thức tỉnh nhân dân theo hường nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, làm cho đại đa số người dân hiểu rõ nhân quyền và dân quyền. Đồng thời là thức tỉnh những kẻ lầm đường lạc lối ở phía Abằng những bài phản biện, những đối thoại. Thức tỉnh các lãnh đạo CS có khó hơn, đó là viết thư, kiến nghi, góp ý. Việc làm này chủ yếu là thể hiện tinh thần, hiệu quả đối với lãnh đạo tuy thấp, nhưng cũng gây ra vài tác dụng nào đó.

Hoạt động của quảng đại, đó là của các tổ chức xã hội dân sự, các nghiệp đoàn độc lập, các cá nhân đơn lẻ hoặc liên kết với nhau. Hoạt động chính là tổ chức đấu tranh hòa bình, là chính thức tỏ thái độ phản kháng những bất công, áp bức, chống lại những việc làm sai trái vi phạm nhân quyền, hủy hoại môi trường v.v…Hiện tại các lực lượng còn yếu, chưa thống nhât, nhưng mỗi tổ chức, mỗi lực lượng tăng cường hoạt động sẽ đến lúc thu được thắng lợi.


6-Tiệm tiến và  bước nhảy

Sự phát triển của mọi  sự vật thường theo 2 cách : Tiệm tiến và bước nhảy. Tiệm tiên là dần dần, từng bước một từ ít đến nhiều, từ thâp lên cao. Bước nhảy là đột xuất, bước ngoặt, xẩy ra tương đối nhanh. Để xẩy ra bước nhảy  cần có thời cơ và sự tịch lũy năng lượng tốt.  Cách mạng tháng 8 là một bước nhảy. Nhưng rồi dân tộc Việt đã bỏ lỡ rất nhiều thời cơ thuận lợi để tạo bước nhảy, để  phát triển chỉ vì ĐCSVN  đã tích lũy quá nhiều năng lượng xấu, phần lớn năng lượng tốt của dân tộc đã bị thui chột, bị hạn chế..

Đấu tranh để cải cách xã hội của VN theo tiệm tiến là việc các lực lượng dân chủ, nhờ vào lực lượng của mình và sự hỗ trợ của các thế lức tiến bộ, dựa vào pháp lý và đạo lý để đấu tranh, buộc thế lực thông trị nhượng bộ từng bước, chuyền hóa dần dần cho đến khi đạt được thể chế dân chủ mong muốn. Con đường này khá dài và cũng đầy gian khó, nó phụ thuộc chủ yếu vào tương quan lực lượng hai bên.

Bước nhảy, khi xẩy ra sẽ giúp rút ngắn quá trình, nhưng nó mang đặc tính ngẫu nhiên của thời cơ. Liệu dân Việt có thể trông chờ vào những thời cơ nào.

Thời cơ từ bên ngoài như sự sụp đổ hoặc rối loạn lớn của Trung cộng . Việc này có thể xẩy ra với xác suất thấp.

Thời cơ bên trong, từ trên. Đó là sự xuất hiện một nhân vật trong lãnh đạo ĐCS như kiểu Goc Ba Chốp với chính sách Cải tổ và Minh bạch . Con người này cần có đủ tài năng, bản lĩnh chính trị để tập hợp lực lượng. ( VN đã từng có Trần Xuân Bách dậy non, Trung quốc từng có Triệu Tử Dương yểu mệnh).

Thời cơ từ dưới. Đó là sự xuất hiện người lãnh đạo có tài năng, từ quần chúng, như Walesa của Ba Lan hoăc Menđêla của Nam Phi.

Thời cơ từ một sự cố lớn do con người hoặc thiên nhiên tạo ra.

Thời cơ là có thật. Những người bình thường trông chờ và cầu mong. Những người tài trí, bản lĩnh cao sẽ hoạt động để tạo ra nó. Đó là cái vòng “ thời thế tạo anh hùng và anh hùng tạo thời thê”. Một câu hỏi lớn : Khi cho rằng thời thế tạo anh hùng thì từ đâu sinh ra thời thế, Khi nói anh hùng tạo thời thế thì từ đâu sinh ra anh hùng.

Một câu trả lời chung chung là : Khí thiêng sông núi hun đúc tạo ra  tinh hoa và anh hùng. Đó là thuyết Địa linh nhân kiệt. Lại hỏi tiếp : Ở đâu sinh ra khí thiêng sông núi ấy, làm sao để biết nơi nào  có nhiều, có ít, không có, hoặc đã bị cạn kiệt, hoạt động của con người tác động đến khí thiêng sông núi như thế nào. 


7- Câu cuối

Cải cách xã hội quan trọng nhất là cải cách thể chế chính trị. Việc làm này là hoạt động của con người, nhưng phải chăng chịu một chi phối rất lớn của Khí thiêng sông núi, một lĩnh vực còn nhiều điều bí ẩn. Nhiều năm tìm tòi, suy nghĩ về vận mệnh của dân tộc, thấm thía với mấy câu của Nguyễn Du  : “Lại mang lấy một chữ tình. Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong. Ngồi không yên ổn, đứng không vững vàng. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Hết nạn nọ đến nạn kia…”

Phải chăng dân tộc Việt đang phải chấp nhận cuộc “ trả nghiệp chướng”. Tin rằng không sớm thì muộn, dân tộc sẽ trả được, trả xong nghiệp chướng và tương lai tươi sáng đang chờ đón. Chắc chắn như vậy.

NĐC