GS Nguyễn Văn
Tuấn
Vụ án Hồ Duy Hải đặt ra nhiều câu hỏi khoa học. Tại sao người sẵn
sàng tra tấn người? Tại sao hội đồng 17 người trong phiên toà 'giám đốc thẩm'
đồng thuận tuyệt đối? Tại sao 17 người đó không chú ý đến chi tiết quan trọng
trong vụ án? Vân vân. Những câu hỏi này có thể trả lời bằng tâm lí học.
Đã có nhiều nghiên cứu tâm lí học trả lời câu hỏi về động cơ tra tấn
người.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, gia đình anh ta và chính
anh ta báo cáo rằng từng bị tra tấn. Vì bị tra tấn nên anh ta phải khai tội
giết người theo kịch bản của công an viên. Bên phía công an thì bác bỏ cáo buộc
này và nói là không có tra tấn. Nhưng trong các vụ án trước (như Huỳnh
Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn) thì tra tấn đã xảy ra.
Tra tấn nghi can trong lúc tạm giam hay trong tù
là một vấn đề đạo đức được thế giới quan tâm. Ở nước ngoài cũng thỉnh thoảng có
nạn cảnh sát tra tấn nghi can, nhưng khi sự việc được phát giác, kẻ tra tấn bị
phạt rất nặng. Riêng ở Việt Nam, tình trạng tra tấn tù nhân hay nghi can là mối
quan tâm của Liên hiệp quốc. Theo thống kê của nhóm CAT (Coalition Against
Torture), tính từ 2010 đến 2018, có 169 trường hợp là nạn nhân của tra tấn
trong đồng công an hay nhà tù; trong số này có 139 người
chết và 30 người bị thương tích nặng [1].
TPHCM đứng đầu bảng thống kê tra tấn (14 ca) và
theo sau là Hà Nội (11 ca). Vấn đề này (tra tấn, sách nhiễu ở Việt Nam) được cả
Liên hiệp quốc đề cập trong một báo cáo về chống tra tấn [2].
Câu hỏi đặt ra là tại sao người tra tấn
người?
Một trong những công trình tâm lí học thuộc hàng
kinh điển và nổi tiếng nhứt trong thế kỉ 20 nhằm trả lời câu hỏi đó là thí
nghiệm Milgram. Thí nghiệm này do Stanley Milgram (là người gốc Do Thái), một
nhà tâm lí học thuộc Đại học Yale, thực hiện vào năm 1961, một năm sau khi
phiên toà xử Adolf Eichmann ở Jerusalem.
Thí nghiệm Milgram
Bối cảnh của thí nghiệm là Thế Chiến Thứ II và
những tội phạm về diệt chủng, đặc biệt xảy ra ở người Do Thái. Trong
phiên toà Nuremberg, khi được hỏi tại sao những kẻ phạm tội ác làm cái việc tày
trời đó, họ thường nói rằng phải tuân thủ lệnh cấp trên. Câu hỏi Milgram đặt ra
là: "Có phải Eichmann và hàng triệu kẻ đồng phạm trong vụ án
Holocaust chỉ tuân thủ theo lệnh cấp trên, và có thể nào gọi họ là những kẻ
tòng phạm?"
Cách Milgram làm nghiên cứu khá đơn giản. Ông
đăng báo quảng cáo tìm tình nguyện viên. Kết quả có tất cả 40 nam tình nguyện
viên, tuổi 20-50, và họ chủ yếu là những công nhân trong vùng New Haven. Họ
được trả 4.50 USD cho việc tham gia vào thí nghiệm. Họ được phân nhóm một cách
ngẫu nhiên về vai trò của họ trong thí nghiệm. Vai trò là "learner" (học
trò) hay "teacher" (thầy). Ngoài ra, còn có một nhà nghiên cứu được
cho mặc áo choàng như trong phòng thí nghiệm đóng vai trò 'actor' (diễn
viên).
Tình nguyện viên được cho
ngồi trong hai phòng khác nhau: một phòng dành cho học trò và một phòng cho
thầy và nhà nghiên cứu. Phòng của thầy và nhà nghiên cứu có công cụ giật điện.
Người 'học trò' được trói vào một cái ghế với điện cực (electrodes). Sau khi
học trò được học một số cặp chữ, thầy kiểm tra kiến thức của trò. Nếu trò sai
một chữ thì bị giật điện, sai càng nhiều bị giật điện với cường độ càng cao.
Học trò được hướng dẫn trả lời sai (với chủ đích). Khi thầy không chịu giật
điện trò, thì nhà nghiên cứu ra lệnh cho thầy phải làm. Có 4 lệnh: (1) hãy tiếp
tục; (2) tôi yêu cầu anh phải tiếp tục; (3) phải tiếp tục vì sự việc rất quan
trọng; và (4) anh không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục.
Kết quả cho thấy 65% thầy
tuân thủ theo lệnh của nhà nghiên cứu, và tiếp tục 'tra tấn' (phạt) trò liên
tiếp đến độ cao nhứt. Milgram viết báo cáo và công bố trên [tập san] Journal
of Abnormal and Social Psychology năm 1963 [3]. Bạn đọc có thể tìm đọc bài
báo này miễn phí. Bài báo trở thành một công trình có ảnh hưởng lớn đến chuyên
ngành, và cho đến nay đã có hơn 6700 trích dẫn!
Sau này, Milgram và vài
nhà nghiên cứu khác thực hiện hàng loạt (23) thí nghiệm khác, với vài thay đổi
về điều kiện và nhân sự. Vài kết quả (chọn lọc) từ các nghiên cứu đó như
sau:
•
Thay đổi nhân sự: khi nhân vật nhà nghiên cứu trong thí nghiệm gốc
được thay thế bằng một thường dân với cách trang phục bình thường (không có áo
choàng) thì tỉ lệ tuân thủ còn 20%;
•
Thay đổi địa điểm: khi địa điểm là những phòng ốc bị xuống cấp
(thay vì ở ĐH Yale), tỉ lệ tuân thủ là ~47%;
•
Nhà nghiên cứu vắng mặt: khi nhà nghiên cứu vắng mặt trong văn
phòng, và ra lệnh qua điện thoại, tỉ lệ tuân thủ giảm xuống còn chừng 20%
Dựa vào những kết quả
trên, Milgram kết luận rằng người bình thường sẽ tuân theo lệnh của một người
có thẩm quyền, và họ sẵn sàng giết người vô tội.
Ý nghĩa của tuân
lệnh
Milgram giải thích kết quả
thí nghiệm rằng có hai trạng thái hành vi của con người trong điều kiện xã hội.
Trạng thái thứ nhứt là 'tự chủ' (autonomous state), tức người ta
hành động theo ý của họ và chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Trạng thái
thứ hai là 'tay sai' (agentic state), tức người ta hành động vì ý
tưởng của người khác, và giao trách nhiệm cũng như hậu quả của hành động
cho người đã ra lệnh.
Milgram giải thích thêm
rằng trạng thái 'tay sai' (làm theo lệnh của kẻ có thẩm quyền) ăn sâu vào tâm
não chúng ta trong lúc chúng ta trưởng thành trong gia đình, trường học, và nơi
làm việc. Có hai trường hợp xảy ra: một là người hành động cảm thấy rằng kẻ có
thẩm quyền có đạo đức hay được một cơ chế luật pháp bổ nhiệm; hai là họ hành
động theo lệnh nhưng nghĩ rằng người chịu trách nhiệm là kẻ ra lệnh.
Milgram gọi đó là 'Agency
Theory', có lẽ dịch là 'Giả thuyết đại diện' hay 'Giả thuyết tay
sai'. Giả thuyết đại diện tiên đoán rằng người ta sẽ tuân lệnh người có
thẩm quyền, vì họ tin rằng kẻ có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm cho những hậu
quả xảy ra. Có nhiều kết quả nghiên cứu nhứt quán với giả thuyết này. Chẳng hạn
như khi người tham gia thí nghiệm được nhắc nhở rằng họ phải chịu trách nhiệm
cho hành động của họ, thì gần như tất cả tình nguyện viên không tuân thủ
theo lệnh. Ngược lại, khi tình nguyện viên không tuân lệnh và được nhắc nhở
rằng kẻ ra lệnh sẽ chịu trách nhiệm, thì hầu hết họ đều hành động.
Đứng trên phương diện
phương pháp học ngày nay, thí nghiệm Milgram có nhiều thiếu sót. Nhiều nhà khoa
học chỉ ra những thiếu sót về cách chọn tình nguyện viên (không có nữ), về cách
ra 'chỉ thị', về thiên lệch (biases) trong điều kiện thí nghiệm, v.v. Về mặt y
đức, thí nghiệ của Milgram có thể xem là vi phạm qui ước về đạo đức khoa học.
Một phân tích khác đặt nghi vấn rằng Milgram đã 'vặn vẹo' số liệu. Tuy nhiên,
chẳng có thí nghiệm nào hoàn hảo vào thập niên 1960s, và cho đến nay kết quả
của thí nghiệm Milgram đã được lặp lại bởi một số nghiên cứu độc lập, kể cả
nghiên cứu ở Ba Lan.
Thí nghiệm nhà tù Stanford
Trong một thí nghiệm cũng
nổi tiếng không kém được biết đến như là "Thí nghiệm nhà tù Stanford"
do Giáo sư Philip Zimbardo thực hiện. Kết quả
thí nghiệm này cũng có thể giải thích tại sao các quản giáo trong các nhà tù
hành xử một cách độc ác với các tù nhân ở trại giam.
Zimbardo tuyển chọn 24
sinh viên, và chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên: nhóm 1 gồm 12 người được
cho đóng vai quản giáo, và nhóm còn lại đóng vai tù nhân. Một nhà tù được thiết
kế phía dưới ở tầng trệt của khoa tâm lí thuộc Đại học Stanford. Quản giáo được
trao toàn quyền, muốn làm gì thì làm với 'tù nhân', nhưng không được huấn luyện
cách hành xử thế nào là đúng. Còn tù nhân, khi vào nhà tù, bị quản giáo khám xét,
“bắt rận”, thậm chí bắt cởi truồng.
Nhưng thí nghiệm phải
ngưng trước thời hạn vì những hành xử tàn bạo của quản giáo và rối loạn tâm
thần của tù nhân. Thời gian thí nghiệm dự kiến là 2 tuần, nhưng đến ngày thứ 6
thì phải ngưng. Thật ra, chỉ sau một ngày rưỡi, một tù nhân có triệu chứng rối
loạn cảm xúc, như la khóc, tỏ ra mất bình tĩnh, và suy nghĩ bất thường. Tất cả
tù nhân đều tỏ ra ngoan ngoãn tuân theo lệnh của quản giáo. Trong khi đó, các
quản giáo càng ngày càng tỏ ra hung dữ, tàn ác, và có hành động sadistic (tức
tỏ ra thích thú với những đòn tra tấn tàn ác). Đến ngày thứ 5 thì gia đình của
các tình nguyện viên đặt vấn đề với Gs Zimbardo, và luật sư cũng doạ sẽ kiện ra
toà, thì công trình nghiên cứu phải ngưng. Phần lớn những đối tượng tham gia
nghiên cứu, quản giáo cũng như tù nhân, đều tỏ ra có vấn đề về tâm lí và tâm
thần sau khi tham gia thí nghiệm.
Kết quả nghiên cứu này cho
thấy một người bình thường có thể trở nên ác ôn vì môi trường chứ không phải vì
bẩm sinh. Con người có xu hướng tuân thủ, ngay cả sẵn sàng tuân thủ làm những
việc ác ôn. Các nhà nghiên cứu diễn giải kết quả nghiên cứu rằng người bình
thường có thể trở nên những kẻ ác ôn nếu được trang bị bằng một ý thức hệ hay giáo điều nào đó. Họ kết
luận rằng tình huống và môi trường là nguyên nhân làm cho người tốt trở nên
người ác. Kết quả nghiên cứu này không bao giờ được công bố trên một tập san
khoa học nào cả, vì nhiều người chỉ ra rằng nghiên cứu có vấn đề về y đức. Mà,
không tập san nào dám công bố kết quả nếu nghiên cứu không đáp ứng những tiêu
chuẩn về y đức.
Trong những năm cuối đời,
Zimbardo cố gắng làm một thí nghiệm khác có ý nghĩa tích cực hơn. Ông muốn biến
người bình thường thành những anh hùng. Ông lập ra dự án có tên là Heroic
Imagination Project (HIP), với khung khái niệm rằng anh hùng không phải là
những người phi thường; họ chỉ là những người bình thường nhưng làm một việc
phi thường, họ bước ra khỏi cái bình thường để làm điều có ích cho xã hội. Ông
lập một lớp học để dạy những đức tính anh hùng (hay chủ nghĩa anh hùng –
heroism) cho học sinh. Trong lớp học này, ông muốn dạy học sinh tách ra khỏi
những đám đông hành xử ác ôn.
Tra tấn người khác là một hành động ác ôn, một
tội ác chống nhân loại. Động cơ tra tấn người khác, qua thí nghiệm nhà tù
Stanford, có thể xuất phát từ suy nghĩ rằng họ được trao cho một quyền lực và
được trang bị bằng một ý thức hệ. Nếu không có quyền lực, động cơ tra tấn, theo
'giả thuyết tay sai' của Milgram, cũng có thể là người tra tấn nghĩ rằng họ làm
theo lệnh của cấp trên, và cấp trên -- chớ không phải họ -- chịu trách nhiệm
cho hậu quả của tra tấn. Trong vụ án Hồ Duy Hải, hậu quả là hơn 10 năm tù và có
thể là cái chết oan cho một thanh niên.
===
[3] Milgram S. Behavioral Study of obedience. The Journal
of Abnormal and Social Psychology 1963;67(4):371–378. https://doi.org/10.1037/h0040525