Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
13 mai 2020
NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA BẦY QUỶ
Đỗ Ngà
Ngày 8 tháng 5 năm 2020 khi tòa án giám đốc thẩm bác đơn kháng nghị giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy hải thì cả xã hội phẫn nộ. Không phải chỉ người dân bình thường phẫn nộ mà cả giới luật sư, những người có chuyên môn giỏi trong ngành này cũng bất bình. Nếu vụ án còn mơ hồ đúng sai chưa rõ thì tất xã hội sẽ xảy ra tranh cãi. Nhưng đây! Chúng ta thấy ngay giới chuyên môn lẫn không chuyên môn đều chung một thái độ, thì cho thấy cái sai của Hội đồng Bồi thẩm là quá trắng trợn. Hành động này rất lộ liễu, chỉ cần chúng ta chịu lật bộ luật Tố Tụng Hình Sự (TTHS) ra đối chiếu, thì tất từng bước chân dẫm lên luật pháp của bầy ác quỷ này hiện ra rõ mồn một.
Như ta biết, Điều 86 bộ luật TTHS có ghi “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”. Thế nhưng con dao và cái thớt được dùng làm vật chứng được công an mua ngoài chợ thì lại được tòa chấp nhận sử dụng để kết án tử cho bị cáo. Vậy mà tòa vẫn kết án tử.
Điều 89 bộ luật TTHS có ghi “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Ấy vậy mà dấu vân tay tại hiện trường không khớp với 10 dấu vân tay của Hồ Duy Hải, nhưng tòa vẫn kết án tử.
Khoản 2 điều 90 của luật TTHS có ghi “Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.”. Ấy vậy những công an điều tra dựng chứng cứ giả để vu oan giáng họa cho Hồ Duy Hải không hề bị truy tố.
Trong vụ án có 2 nhân chứng thì cả 2 đều không xác định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường. Mà như ta biết, Điều 13 của bộ luật TTHS quy định thì: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”. Vật chứng đã bảo không, nhân chứng cũng bảo không, ấy vậy mà tòa án vẫn kết án tử cho Hồ Duy Hải.
Ở đây chúng ta thấy điều nổi lên ở vụ án này là gì? Đó là sự đảo ngược vai trò. Nghĩa là sao? Nghĩa là chính cơ quan điều tra công an tỉnh Long An và Hội đồng Xét xử tòa án tỉnh này mới là tội phạm chứ không phải Hồ Duy Hải. Chính họ đã dùng quyền lực đạp trên luật pháp với mục đích kết án người vô tội đến cùng. Chính họ mới là hung thủ giết người chứ không phải Hồ Duy Hải. So với hung thủ thật đã giết 2 nhân viên bưu điện Cầu Voi, thì họ có khác chi? Tất cả đều giết người vô tội ấy thôi?! Kẻ nào giết 2 cô gái ở Bưu Điện Cầu Voi là tội ác, vậy mà cơ quan tố tụng CS không những không mang lại công lý mà ngược lại còn đổ tội oan giết thêm người. Vậy thì còn gì hhốn nạn bằng?
Đấy là tòa án cấp tỉnh, lên đến tòa án tối cao thì cũng vậy. Họ lại nối tiếp cái sai của tòa án cấp tỉnh kia. Hội đồng Thẩm Phán phiên tòa giám đốc thẩm cho rằng "Trong khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với yêu cầu của Chủ tịch nước là đảm bảo đúng quy định pháp luật” Thế nhưng khi tra lại Luật TTHS phần “Thủ tục Giám đốc thẩm”có quy định trong khoảng từ điều 370 đến điều 396 cho thấy, không có điều khoản nào cấm kháng nghị khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá cả. Như vậy là 17 người trong hội đồng thẩm phán không hề hiểu gì về luật TTHS cả. Vậy mà họ vẫn được ngồi đó phán xử. Đáng sợ thật!
Còn chánh án Nguyễn Hòa Bình là người như thế nào? Ông ta cho rằng : “việc tòa án cấp tỉnh kết án Hồ Duy Hải về tội "cướp tài sản", "giết người" là đúng tội, không oan. Mặc dù trong quá trình điều tra, xét xử có sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không có cơ sở hủy 2 bản án để điều tra lại”. Chà đạp luật pháp giết người vô tội là một tội ác, là phạm pháp mà gọi là “sai sót”. Đây là thái độ ngang ngược thách thức toàn dân. Vì ông ta biết rằng, 100 triệu dân Việt Nam có phẫn uất như thế nào cũng đành bất lực thôi. Và thực tế đúng như vậy.
17 người này, là 17 tên sát nhân nhưng mọi người hãy nhìn sâu hơn nữa, đó là 100% tán thành một quyết định sai luật là một dấu hiệu, chứng tỏ quyết định của 17 người kia là có nhận chỉ đạo. Hiện nay có ý kiến cho rằng, kẻ chỉ đạo cho 17 tên sát nhân kia là người muốn gây tiếng vang bằng một chữ ký ân xá. Cũng có thể lắm! Nếu vậy thì hắn rất cao thâm. Nghĩ ra chiêu đẩy 17 kẻ kia đứng ra thực hiện hành vi ác quỷ rồi thủ lãnh của bầy quỷ ấy sẽ đóng vai bồ tát. Thật là một vở kịch hoàn hảo, tại sao không nhỉ?
-Đỗ Ngà-