(Quan hệ quốc tế) - Ngoại trưởng Trung Quốc đã sử dụng những từ ngữ như “mơ giữa ban ngày” hay “ảo tưởng” khi nói về mối quan hệ của nước này với Mỹ.
Tín hiệu mới từ Five Eyes cho thấy quyết tâm chiến lược của Mỹ và các đồng minh |
Phương Tây thêm tín hiệu cảnh giác với Trung Quốc
Báo chí Canada vừa tiết lộ, các quan chức và chuyên gia
thuộc các nước trong liên minh tình báo Five Eyes, gồm Mỹ, Canada, Anh,
Australia và New Zealand, đã lên tiếng kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung
Quốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trang Thư tín Hoàn cầu dẫn một nghiên cứu quốc tế về chuỗi
cung ứng cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật nhu cầu cấp bách đối với
các đồng minh trong liên minh tình báo Five Eyes phải giảm bớt sự phụ thuộc vào
Trung Quốc đối với các mặt hàng quan trọng như dược phẩm và linh kiện điện tử.
Các nước trong liên minh này đều “phụ thuộc chiến lược” vào Trung Quốc với 831
loại hàng hóa, trong đó có 260 loại thiết yếu cho các cơ sở hạ tầng quốc gia,
từ truyền thông đến sản xuất, máy tính.
Các quan chức và chuyên gia Anh, Canada cảnh báo, sự phụ thuộc vào Trung Quốc
về các mặt hàng quan trọng là một rủi ro đối với an ninh phương Tây khi Bắc
Kinh đẩy mạnh thực hiện các hành động để thống trị thương mại toàn cầu. Năm
thành viên Five Eyes đã gặp phải những khó khăn trong việc đảm bảo số lượng
trang thiết bị y tế cần thiết, một mặt vì Trung Quốc đã trưng dụng các sản phẩm
đó cho các yêu cầu riêng, mặt khác vì 5 nước này đã buộc phải cạnh tranh do
nguồn cung hạn chế.
Hiệp hội Henry Jackson, một nhóm chuyên gia nghiên cứu về
chính sách đối ngoại của Anh, khuyến nghị Five Eyes nên hạn chế các công ty
Trung Quốc giành quyền kiểm soát hoặc bòn rút cạn kiệt tài sản về kỹ thuật và
trí tuệ liên quan đến các ngành công nghiệp chiến lược. Báo cáo của hiệp hội này
kêu gọi các thành viên Five Eyes hợp tác với nhau để ngăn chặn Trung Quốc thống
trị 9 ngành công nghiệp "tương lai" như: trí tuệ nhân tạo và học máy,
robot tự động, phần cứng máy tính, công nghệ mật mã, công nghệ nano, công nghệ
lượng tử và sinh học tổng hợp.
Một trong những tác giả của báo cáo, chuyên gia Samuel Armstrong, cho biết điện
thoại và máy tính đang phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất: 87% linh kiện trong
máy tính xách tay và 78% linh kiện trong điện thoại di động được sản xuất tại
Trung Quốc. Đối với Canada, “điều tồi tệ nhất” là phụ thuộc vào Trung Quốc về
dược phẩm và vitamin. Ngoài ra, Canada phụ thuộc vào Trung Quốc đối với 367
loại hàng hóa như các chất phụ gia thực phẩm, 83 loại được sử dụng để cung cấp
cho các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng như: đất hiếm, các sản phẩm công
nghiệp và điện tử.
Trung Quốc đang khiến hàng loạt ngành sản xuất phương Tây điêu đứng |
Người đồng sáng lập hãng điện thoại BlackBerry Jim
Balsillie khuyến nghị Canada cần suy nghĩ lại về cách tiếp cận Trung Quốc, đặc
biệt là về lĩnh vực công nghệ và bằng sáng chế. Chính Balsillie hai năm trước
từng cảnh báo Chính phủ Canada về việc tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã tài
trợ nghiên cứu tại các trường đại học ở Canada và giữ bản quyền sáng chế.
Nghị sĩ đảng Tự do Canada John McKay thì nói thẳng Trung
Quốc có thể "vũ khí hóa" bất cứ sự phụ thuộc nào. Báo cáo của Hiệp
hội Henry Jackson cảnh báo rằng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra sẵn sàng đe dọa và
trừng phạt các quốc gia khác. Ví dụ trường hợp năm 2010, trong một tranh chấp
giữa Bắc Kinh và Toyko trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận
đối với việc xuất khẩu quặng đất hiếm sang Nhật Bản.
“Ảo tưởng” và “nằm mơ giữa ban ngày”
Sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung vào Trung Quốc
đã bộc lộ rõ thời gian qua khi đại dịch COVID-19 lan rộng ra phạm vi toàn cầu.
Điều này đã thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh đề cập tới việc dịch chuyển sản xuất
khỏi Trung Quốc giữa lúc quan hệ với Bắc Kinh gặp sóng gió.
Hành động mới nhất từ phía Mỹ là ngày 22/5, Cục Công nghiệp
và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Viện khoa học Pháp y của Bộ Công
an Trung Quốc và 8 công ty của Trung Quốc sẽ bị đưa vào Danh sách các thực thể
và phải đối mặt với các hạn chế thương mại.
Con đường của Trung Quốc nhằm tiếp cận các công nghệ cốt lõi ngày càng bị khóa chặt |
Theo thông báo, các đối tượng trong danh sách đen kinh tế
sẽ phải đối mặt với một số hạn chế đối với các mặt hàng của Mỹ theo Quy định
quản lý xuất khẩu (EAR), bao gồm các yêu cầu giấy phép bổ sung, đối với các cá
nhân hoặc tổ chức được cho là có liên quan đến "các hoạt động đi ngược lại
với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại" của Mỹ.
BIS cũng công bố bổ sung 24 tổ chức chính phủ và thương mại
vào danh sách thực thể. Các tổ chức thương mại và chính phủ trên cũng sẽ bị yêu
cầu phải nhận được sự cho phép của Bộ Thương Mại Mỹ để xuất khẩu, tái xuất hoặc
chuyển các mặt hàng trong nước phải tuân theo EAR.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross cho biết việc bổ sung
vào danh sách đen trên thể hiện cam kết của Mỹ nhằm ngăn chặn việc sử dụng
chính hàng hóa và công nghệ của Mỹ vào các hoạt động làm suy yếu lợi ích của
quốc gia này.
Phản ứng trước sức ép từ phương Tây, Ngoại trưởng Trung
Quốc Vương Nghị ngày 24/5 cảnh báo rằng một số thế lực chính trị Mỹ đang lợi
dụng mối quan hệ Trung - Mỹ như "con tin" và cố tình đẩy hai nước tới
bờ vực "của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 3 Quốc hội
Trung Quốc khóa XIII, ông Vương Nghị khẳng định âm mưu nguy hiểm nhằm
"quay ngược bánh xe lịch sử" phải bị chặn đứng. Theo ông Vương Nghị,
ý đồ này có thể phá hỏng thành quả hợp tác mà nhân dân hai nước đạt được trong
nhiều năm qua, làm suy yếu sự phát triển tương lai của Mỹ cũng như gây nguy
hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo ngày 24/5 |
Ông Vương Nghị nói: "Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi từ
sự hợp tác, ngược lại sẽ cùng thua thiệt từ sự đối đầu. Những thành quả tốt
nhất có được hiện nay là những gì chúng ta đúc kết được từ nhiều thập kỷ qua.
Cả hai nước nên nhận thức được điều này".
Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn cam kết cùng
phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp, hợp tác và ổn định với Mỹ.
Ông khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp hòa bình, hợp tác
cùng tồn tại và cùng có lợi.
Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng các tiểu bang của Mỹ
muốn kiện Trung Quốc "là những người phù phiếm" và là điều chưa từng
có tiền lệ trong lịch sử. Theo ông, “đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Mỹ từ bỏ "ảo
tưởng" và toan tính chính trị và không nên thách thức "giới hạn
đỏ" của Bắc Kinh về vấn đề vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ông Vương cũng đưa ra một con bài mặc cả khác là vấn đề
Triều Tiên khi cho rằng việc trao đổi thông tin liên lạc và đối thoại giữa Bình
Nhưỡng và Washington là điều kiện tiên quyết quan trọng để giải quyết những bất
đồng giữa hai nước cũng như thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên.
Dù không đề cập trực tiếp, song hàm ý của ông Vương Nghị ở
đây không gì khác là vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong giải quyết
các điểm nóng quốc tế như vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, người Mỹ dường
như đã không còn quan tâm tới những lời cảnh báo kiểu này. Điều này khiến lo
ngại của Trung Quốc về một trật tự kinh tế không Trung Quốc đang dần trở thành
hiện thực.
Thành Minh