Phạm Quang Tuấn
Trong
yêu cầu bức thiết chống lại mọi âm mưu sâu hiểm của Trung Nam Hải đang
từng bước thò hẳn nanh vuốt chiếm biển đảo nước ta, hợp pháp hóa tham
vọng “đường lưỡi bò” gớm ghê của chúng, việc xem xét hậu quả của Công
hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 về mặt pháp lý quốc tế đã trở thành một tâm
điểm để giới học giả trong ngoài nước sôi nổi tham gia bàn luận. Đến
nay, hầu như rất ít người còn khăng khăng bênh vực tính vô hại của Công
hàm ấy vì xét bề nào thì đó cũng là một trong những cái bẫy do mình tự
bày ra làm vướng chính chân mình (nặng lời như ông Nguyễn Khắc Mai là
một công hàm phản quốc, phản động), cần phải chóng vánh gạt sang một bên
để Nhà nước Việt Nam dám đường hoàng nối gót Philippines kiện Trung
Quốc ra Liên Hiệp Quốc.
Nhiều
ý kiến phong phú góp bàn về cách hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng đáng
cho ta suy xét, như việc đề xuất với Quốc hội chính thức ra biểu quyết
phủ nhận nó (Nguyễn Khắc Mai), hoặc kêu gọi chính quyền mạnh dạn thành
lập chế độ mới để tránh khỏi ràng buộc pháp lý với chế độ miền Bắc trước
kia (Hà Sĩ Phu). Gần đây nhất là ý kiến của GS Tạ Văn Tài và TS Vũ
Quang Việt đưa ra Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 của
LHQ mà các ông mới tìm thấy, cho phép một quốc gia kế tục (CHXHCNVN) có
thể bác bỏ các hiệp ước về lãnh thổ bất bình đẳng hoặc do sức ép mà
quốc gia tiền nhiệm (VNDCCH) đã phải thừa nhận với láng giềng của mình (xem đây).
Nhưng cũng có ý kiến quyết liệt hơn, chưa hẳn tin vào tính khả thi của
Công ước nói trên trong trường hợp CHXHCNVN và VNDCCH thực tế chỉ là
một, không khác nhau về bản chất, đòi hỏi phải thay đổi thể chế CHXHCNVN
vốn đã lộ rõ quá nhiều khuyết tật: tham nhũng, độc tài, dày đạp lên dân
chúng, cướp bóc cho phe nhóm, bần cùng hóa xã hội, đưa kinh tế xuống
vực thẳm, nô lệ vào ngoại bang… chuyển sang một thể chế thực sự dân chủ –
giải Cộng –, theo đó sẽ “giải Trung Quốc hóa” hữu hiệu mà Công hàm PVĐ
là một khâu có mối liên hệ hữu cơ.
Song
song với việc tìm biện pháp hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng, lại cũng
có những người tìm hiểu động cơ của tác giả hoặc tập thể tác giả bức
Công hàm này. GS Cao Huy Thuần ở Pháp thuộc trường phái tỏ ra thông cảm
với hoàn cảnh tạm gọi là “éo le” của người viết thuở bấy giờ: bị kẹp
cứng giữa hai đàn anh trong cùng phe XHCN, giữa thời buổi chiến tranh
lạnh, khi ông anh Liên Xô công bố văn bản gì thì ông em Việt Nam cũng
phải nặn ra một “bản sao” tương tự. Kể cũng đáng thông cảm thật. Nhưng
như thế thì lập trường dân tộc ở thời điểm những năm đó có còn được
người cầm quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa coi là chính yếu nữa
không? Hay trước yêu cầu của sự thống nhất một phe – phe XHCN
nhằm đối trọng với “phe đế quốc” – và trước mục tiêu phấn đấu cho “đại
đồng thế giới” mà ai cũng mơ ước, quyền lợi quốc gia đã bị nhìn nhận
“nhẹ tựa lông hồng”? – “Bên ni biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương” (Tố Hữu)!!!
Trên
tinh thần phản biện để tìm ra chân lý nhằm dứt bỏ mọi sự lướng vướng
trong nhận thức tư tưởng, cũng là một cách thiết thực góp phần cứu nguy
đất nước hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến trao đổi
với GS Cao Huy Thuần của TS Phạm Quang Tuấn.
Nguyễn Huệ Chi
|
Là
một người quan tâm tới vấn đề Biển Đông và đã từng lên tiếng trên báo
chí ngoại quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tôi kinh
ngạc khi đọc bài biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Đồng (PVĐ) của GS Cao
Huy Thuần (xem đây).
Kinh
ngạc không phải vì những lời biện hộ trong bài. Những lý lẽ tương tự đã
từng được đưa ra rất nhiều bởi báo chí trong nước và những dư luận viên
trên mạng. Nhưng kinh ngạc vì chúng xuất phát từ một vị giáo sư của một
đại học Pháp.
Xin miễn bàn về khía cạnh pháp lý
của Công hàm Phạm Văn Đồng hay làm cách nào để hóa giải nó, vì đây là
những vấn đề vô cùng rắc rối và nhức nhối, cần thảo luận chi tiết ở nơi
khác. Tôi chỉ xin bàn về những lý lẽ GS Cao Huy Thuần dùng để giải thích
và biện hộ cho động cơ hay ý định đằng sau Công hàm này, nói rõ ra là
để kêu gọi sự thông cảm cho Phạm Văn Đồng.
Về những lý lẽ bào chữa cho Công hàm Phạm Văn Đồng
Ông Cao Huy Thuần viết: "Phải
phân biệt cho rõ hai vấn đề mà Trung Quốc muốn cột vào với nhau nhưng
bối cảnh của năm 1958 về luật biển buộc phải tách riêng ra: vấn đề hải
phận và vấn đề chủ quyền. Vấn đề hải phận là pháp lý. Vấn đề chủ quyền
là chính trị. Tranh chấp không giải quyết được tại Hội nghị Genève 1958
là tranh chấp trên vấn đề hải phận. Bác bỏ hay tán thành tuyên bố của
Trung Quốc là bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý ấy, một chuyện
pháp lý nóng bỏng vào thời buổi ấy. Không phải vì bác bỏ hay tán thành
cái chuyện 12 hải lý là bắt buộc phải bao hàm việc bác bỏ hay tán thành
cái chuyện chủ quyền – chuyện này ở bên lề, hạ hồi phân giải". Thật
là một cách "diễn nghĩa" khó hiểu! Nếu Trung Quốc muốn cột hai vấn đề 12
hải lý và TS-HS vào với nhau thì trách nhiệm của chính phủ Việt Nam là
phải tách hai cái ra chứ tại sao lại lờ đi? Công hàm PVĐ viết "tán thành
tuyên bố [của Trung Quốc]" chứ đâu có viết là "tán thành phần tuyên bố
của Trung Quốc về 12 hải lý, nhưng không tán thành phần tuyên bố của
Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường Sa"? Thậm chí Công hàm cũng chẳng nói gì
về hội nghị Genève 1958. Làm sao mà một tòa án quốc tế có thể đem câu
"nhưng không tán thành phần tuyên bố của Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường
Sa" vào Công hàm này? Một nguyên thủ hay thủ tướng phải biết câu "bút sa
gà chết" và cũng phải có một chút cẩn thận tối thiểu chứ? Diễn
giải một câu viết tùy theo bối cảnh thời sự, lịch sử, văn hóa xã hội,
v.v. là cách diễn giải thích hợp cho một tác phẩm văn chương cổ như Truyện Kiều, nhưng hoàn toàn không thích hợp cho một công hàm của một vị thủ tướng ở thế kỷ 20.
Ông
Cao Huy Thuần biện hộ rằng vì Liên Xô đã tán đồng tuyên bố của Trung
Quốc, nên việc Phạm Văn Đồng cũng tán đồng điều đó có thể hiểu được
trong tình hình thế giới năm 1958. Ông Cao Huy Thuần đưa ra bằng cớ rằng
câu chữ, cách viết của công hàm Phạm Văn Đồng hầu như y hệt với công
hàm của Liên Xô: "Hãy so sánh ngữ văn này của Liên Xô với “công hàm
Phạm Văn Đồng”: chữ nào chữ nấy gần như bản chính với bản sao. Đây là
một điểm quan trọng góp phần vào việc giải thích bản văn của Hà Nội".
Lối
bênh vực đó thật phi lý. Khi một người hay một đảng chính trị đã ở vị
trí lãnh đạo một nước, và nhất là khi người hay đảng đó đã tự chiếm cho
mình độc quyền lãnh đạo nước đó, không cho ai khác được tranh giành, thì
không thể biện hộ rằng chỉ vì máy móc theo gương mẫu, tập quán XHCN,
gương mẫu, tập quán quốc tế hay bất cứ gương mẫu gì khác "như một bản sao",
mà vô ý nhượng bộ lãnh thổ cho ngoại bang. Thủ tướng một nước đâu có
phải là một cậu học trò lười biếng sao chép bài của thầy, bạn?
Phạm
Văn Đồng, và tập thể lãnh đạo VNDCCH thời 1958, có phải là những Bambi
(nai tơ) ngây thơ vô tội, nhìn đời qua cặp mắt kiếng mầu hồng, nên bị
lừa dối bởi những ảo tưởng không thực tế? Hay ông và những người đồng
đảng, kể cả lãnh đạo Hồ Chí Minh, là những nhà chính trị lão luyện, đã
từng trải qua nhiều chục năm tranh đấu gay go, vào sinh ra tử, đã từng
không ngần ngại bắt bớ, thủ tiêu những chính trị gia đồng bào không đồng
ý kiến?
Khi Phạm Văn Đồng rập khuôn công hàm
của Liên Xô, ông có nghĩ tới sự khác biệt quan trọng: Liên Xô không có
tranh chấp với Trung Quốc về những đảo trong tuyên bố của Trung Quốc,
còn Việt Nam thì có? Khi Phạm Văn Đồng "ghi nhận và tán thành bản tuyên
bố" của Trung Cộng, thì ông có thêm dòng chữ "trừ điều khoản về Tây Sa
(Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa)"? Không, ông chỉ "ghi nhận và tán
thành" "như một bản sao"! Khó có thể tưởng tượng người nào – dù là một người bình thường hay một thẩm phán Tòa án Quốc tế – chấp nhận việc một thủ tướng lại nhắm mắt sao chép như vậy về một vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nước mình!
Ông
Cao Huy Thuần viết: "Cho đến bây giờ, độc giả Việt Nam chỉ thấy thư của
Phạm Văn Đồng đáp lại tuyên bố của Chu Ân Lai mà chẳng thấy tuyên bố
của Trung Quốc là thế nào, tuy rằng đó là cái chìa khóa để mở cánh cửa
đầu tiên". Có vẻ như ông ám chỉ rằng công chúng Việt nam chỉ trích Công
hàm PVĐ chỉ vì họ chưa đọc bản tuyên bố của Tàu. Không hiểu ông Cao Huy
Thuần căn cứ vào đâu mà viết vậy. Thực ra, những người quan tâm về hậu
quả Công hàm PCĐ nhiều nhất chính là những người đã đọc tuyên bố của
Tàu. Khi tôi trao đổi trên facebook, có nhiều người còn bào chữa cho
Công hàm, nhưng đến khi tôi cho họ coi nguyên văn bản tuyên bố của Tàu
thì tất cả đều lặng người vì đau đớn.
Càng đọc
tuyên bố của Trung Quốc càng thấy rõ sự nguy hại của Công hàm PVĐ, vì
tuyên bố đó nói rõ ràng là hải phận 12 hải lý "áp dụng cho Tây Sa (Hoàng
Sa), Nam Sa (Trường Sa)". Mà nào có ai ép PVĐ phải "ghi nhận và tán
thành" cái tuyên bố đó đâu? Ông chỉ cần viết rằng Việt Nam sẽ tôn trọng
hải phận 12 hải lý quanh các bờ biển thuộc về Trung Quốc là đủ chứng tỏ
sự đoàn kết và ủng hộ nước Tàu rồi, tại sao phải viết thêm câu "ghi nhận
và tán thành" đó?
Ông Cao Huy Thuần viết: "Một
chính quyền [của thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu] chưa hoàn
toàn độc lập đối với Pháp mà còn cương quyết [bảo vệ chủ quyền Hoàng
Sa-Trường Sa] như thế, lẽ nào, thực lòng, một chính quyền đã hy sinh
xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền như chính quyền Phạm Văn Đồng,
lại có thể từ khước chủ quyền một cách dễ dàng như vậy trong một bức
thư?". Lý luận như vậy theo tôi là lý luận ngược, đặt cái cày trước
con trâu. Chúng ta không thể đặt mệnh đề "chính quyền Phạm Văn Đồng đã
hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền" làm tiền đề, vì đó chỉ
là niềm tin của tác giả chứ không phải là một sự thật khách quan.
Sự
thật khách quan là ông Phạm Văn Đồng đã "ghi nhận và tán thành" một bản
tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa. Sự thật
khách quan là chính quyền Phạm Văn Đồng đã hy sinh rất nhiều xương máu
của dân Việt Nam, nhưng chưa chắc hành động hy sinh xương máu đồng bào
đó đã là với mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền. Và dù chính quyền Phạm
Văn Đồng thực sự có mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền, thì cũng chưa
chắc là họ đã không có một mục đích khác họ coi là cao cả hơn, chẳng hạn
như mục đích thế giới đại đồng dưới chủ nghĩa cộng sản và sự lãnh đạo
của Liên Xô và Trung Quốc, mà họ đã nhắc đi nhắc lại cả ngàn lần. Và
cũng đừng quên là Công hàm không phải là hành động duy nhất, mà còn đi
đôi với nhiều hành động khác, đã bị Tàu đem ra làm bằng chứng cho sự từ
khước chủ quyền.
Lại càng thông thể chấp nhận
tiền đề, dù chỉ hiểu ngầm, rằng thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu
không yêu nước, không quan tâm chủ quyền các đảo bằng thủ tướng VNDCCH
Phạm Văn Đồng, để từ đó suy ra rằng Trần Văn Hữu bảo vệ chủ quyền nên
Phạm Văn Đồng, người không thể thua kém Trần Văn Hữu, không thể từ bỏ
chủ quyền. Đó chỉ là suy diễn, từ thành kiến chính trị mà suy ra sự
việc: đáng lẽ dùng hành động của hai người (Trần Văn Hữu và Phạm Văn
Đồng) để đánh giá và so sánh họ, thì lại khởi sự từ sự đánh giá có sẵn
trong đầu để giải thích hành động. Kiểu "lý luận" đó cũng như của một kẻ
đang yêu mù quáng và tôn thờ người yêu nên thấy nàng làm gì cũng bào
chữa, khen ngợi, dù là chuyện xấu xa. Đáng lẽ ông Cao Huy Thuần phải
hỏi: một người (Trần Văn Hữu) tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của
Việt Nam trước quốc tế, một người (Phạm Văn Đồng) không những phớt lờ
khi kẻ tranh giành chủ quyền công khai tuyên bố rõ ràng chữ Hoàng Sa
-Trường Sa, mà còn "ghi nhận và tán thành", thì ai quan tâm tới chủ
quyền hơn ai?
Vấn đề cơ bản của Công hàm Phạm Văn Đồng
Ông
Cao Huy Thuần, cũng như nhiều người khác, cho rằng Công hàm PVĐ không
có tính cách pháp lý, không phải là một hiệp định phân định biên giới
hay nhường đảo, và do đó không đáng sợ. Nhưng cái tai hại của nó không ở
chỗ đó. Nó nguy hiểm ở chỗ là nó có thể được coi là chứng cớ rằng từ
trước đó, chính quyền VNDCCH vẫn công nhận Hoàng Sa-Trường Sa đương
nhiên là thuộc về Trung Quốc. Tức là, nó không chứng tỏ rằng Việt Nam đã
"nhường chủ quyền" cho Trung Quốc, nhưng nó chứng tỏ rằng VNDCCH công
nhận rằng chủ quyền từ xưa vẫn thuộc về Trung Quốc một cách đương nhiên,
"không thể chối cãi", và Việt Nam chẳng có gì để mà nhường. Nó không
phải là tờ giấy cho con mình làm con nuôi người khác, mà là giấy chứng
nhận rằng đứa trẻ không hề là con mình. Cách hiểu này càng khó bác bỏ
khi đi đôi với những hành động khác (bản đồ, sách giáo khoa, sự im lặng
về trận hải chiến Hoàng Sa và về vấn đề chủ quyền các đảo nói chung).
Giữa
hai cách hiểu Công hàm PVĐ: "vô ý rập khuôn Liên Xô nên đánh rớt chủ
quyền" và "đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc từ trước", chỉ có thể
chọn cách thứ nhất nếu người viết và ký là một em bé thơ ngây chứ không
phải là một nhà chính trị lão luyện, đứng đầu một chính phủ. Nhưng cũng
có thể là khi giao dịch với đàn anh phương Bắc thì các lãnh đạo VNDCCH
trở thành ngây thơ như em bé? Khả năng đó không thể hoàn toàn loại bỏ,
vì đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ VNDCCH chịu ơn người anh Trung
Quốc quá, quá nặng.
Tóm lại, những lý lẽ ông Cao
Huy Thuần đưa ra để bào chữa cho Phạm Văn Đồng không đóng góp được gì
cho cuộc tranh đấu vô cùng gay go để tháo gỡ hậu quả tai hại của Công
hàm này. Công hàm Phạm Văn Đồng không phải là bản án tử hình, nhưng ít
ra nó cũng là một lưỡi gươm Damocles đủ sắc để chặt cụt cánh tay pháp lý
của Việt Nam, khiến nước này sẽ không dám ra tòa để đòi phân xử chủ
quyền Hoàng Sa-Trường Sa dù là chính quyền muốn làm vậy (mà việc này thì
chưa chắc, vì còn 16 chữ vàng gì đó). Công hàm PVĐ đã khiến khả năng
thua kiện trở thành đáng để ý (non-negligible), mà nếu thua là mất tất
cả, kể cả những đảo Trường Sa còn đang chiếm hữu, còn nếu thắng thì Tàu
hầu như chắc chắn cũng không giao trả đảo nào. Người khôn ngoan không
bao giờ đi vào một vụ kiện như vậy (hy vọng là chính phủ hiện thời khôn
ngoan hơn chính phủ Phạm Văn Đồng).
Cuộc tranh
đấu chủ quyền do đó sẽ chỉ diễn ra trên các mặt trận học thuật, công
luận, ngoại giao, chính trị quốc tế. Tiếc thay, trên những mặt trận đó
thì Công hàm Phạm Văn Đồng lại càng nguy hại hơn là trong địa hạt pháp
lý! Rốt cuộc, những lý lẽ của GS Cao Huy Thuần có lẽ chỉ để "lưu hành
nội bộ", may ra an ủi được những người "phò đảng tới cùng" (hay theo
tiếng Anh là chúng chỉ dùng vào mục tiêu "preaching to the converted").
P.Q.T.