LS Lê Công Định
Thượng thư PHẠM QUỲNH |
Hôm qua trò chuyện với một bạn trên
Facebook, tôi biết thêm thông tin (chưa xác minh) về ngày mất của cụ Phạm Quỳnh,
đó là rạng sáng 7/9/1945. Cho đến nay, các sách vở viết về nhân vật khả kính
này hầu như chỉ nhắc đến ngày ông bị Việt Minh bắt giam là 23/8/1945, còn ngày
mất thì không ai biết đích xác. Tương truyền ông bị Việt Minh giết hại cùng với
cụ Ngô Đình Khôi (anh cả của cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm) và
con trai Ngô Đình Huân, thi hài được tìm thấy bị vùi lấp tại cùng một hố chôn ở
rừng Hắc Thú.
Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của vị cựu Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh cả về văn chương lẫn tư tưởng từ các trước tác danh tiếng của ông hoặc do ông cùng đóng góp, trong số đó có Nam Phong Tạp Chí, Thượng Chi Văn Tập và tập Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932. Suốt cuộc đời sóng gió của mình, Phạm Quỳnh chủ trương gây dựng một nước Việt mới tự trị trên cơ sở nền quốc học dung hợp tinh hoa tư tưởng Đông Tây và chính sách trọng dụng tầng lớp trí thức bản địa am hiểu văn minh Tây phương. Ông bác bỏ việc giành độc lập bằng bạo lực do những di hại từ sự tổn thương nguyên khí quốc gia và thù hận giữa đồng bào ruột thịt.
Ngay từ những năm 1920 ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập và tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Trên bước đường chính trị của mình, ông đã vận động cho việc hình thành một chính thể như vậy, nhưng bất thành vì nhiều nguyên nhân. Dù sao ông và một số trí thức đương thời cũng đã được ghi nhận như những người tiên phong cổ súy tư tưởng lập hiến tại Việt Nam. Điều buồn cười là khi bàn đến “tư tưởng Hồ Chí Minh” về nhà nước và pháp luật, nhiều luật gia XHCN ngày nay nhận bừa rằng tư tưởng lập hiến tại Việt Nam xuất phát từ cụ Hồ với bằng chứng là bản Hiến Pháp đầu tiên năm 1946, thậm chí họ còn bảo rằng đó là bản hiến pháp đầu tiên ở Đông Nam Á (?).
Từ khi làm báo đến lúc làm quan, Phạm Quỳnh đều tận tụy làm việc và để lại một công trình đồ sộ về mặt tư tưởng liên quan đến nhiều đề tài khác nhau, bao gồm văn chương, ngôn ngữ, chính trị, kinh tế, triết học, luân lý, giáo dục, thời sự, v.v…, mà trong bất kỳ lĩnh vực nào ông cũng chứng tỏ là nhà tư tưởng uyên bác, có thể nói, bậc nhất đương thời. Từ ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường được ba tôi kể về cụ Phạm Quỳnh với niềm kính phục và tiếc thương vô hạn. Cho đến nay, tôi đã đọc đi đọc lại các tác phẩm của ông nhiều lần. Thú thật, với riêng tôi, một khi đã đọc Phạm Quỳnh, tôi không còn hứng thú nghe những lời vô vị của các “nhà tư tưởng” đang được tung hô hiện thời.
Nhân ngày giỗ thứ 69 của cụ Phạm Quỳnh, xin ghi lại đây bài thơ tưởng niệm cụ:
Tâm hồn tao nhã thông kim cổ,
Thao thức Nam Phong mộng quốc cường.
Chủ hiến, bồi tài, hưng xã tắc,
Khuyến Kiều, trau chữ, rạng văn chương.
Sống bên bậc trí công danh toại,
Thác bởi phường rồ hậu thế thương.
Thắp muộn tâm hương sâu nỗi thấu,
Tuy chưa tương kiến, nguyện chung đường.
(Tại Chí Hòa)
* Tiêu đề
Dân quyền đặt
Nguồn : FBLê Công Định