Nguyễn Chính Kết
Khổng
Tử viết “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhưng Tuân Tử chủ trương ngược
lại, “Nhân chi sơ, tính bổn ác”. Tuy chủ trương ngược nhau, nhưng cả hai
vị đều đúng. Thật ra mỗi vị chỉ đúng được một nửa. Vì tự bản chất, con người
luôn luôn muốn điều thiện, điều tốt, nhưng con người luôn luôn bị cám dỗ bởi
khuynh hướng tham sân si và bị thất tình lục dục điều khiển. Do đó, con người
luôn luôn bị giằng co bởi hai khuynh hướng ngược nhau ấy: khuynh hướng thiện
muốn kéo con người lên, nhưng khuynh hướng ác lại tìm cách trì con người xuống.
Bị xâu xé bởi hai khuynh hướng ấy, Phaolô, một môn đồ của Đức Giêsu đã phải than:
“Điều tôi muốn, thì tôi không làm; nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”
(Rm 7,15). Người tốt là người có tâm lực mạnh, thường chiến đấu chống lại sự
trì kéo của khuynh hướng xấu khiến cho khuynh hướng thiện thắng thế. Còn người
xấu thì thường xuôi chiều theo sự lôi cuốn của khuynh hướng xấu, và một khi đã
chiều theo nó nhiều lần thì nó trở nên mạnh hơn.
Những
hành động theo chiều hướng xấu, thường gọi là những lầm lỗi, sai phạm, nếu
chúng không gây ra những hậu quả tai hại như đau đớn, khổ cực, mất mát, thiệt
hại − chẳng những cho mình và còn cho người khác − thì có lẽ chẳng ai cần quan
tâm đến việc sửa sai. Chính vì nó gây ra những hậu quả tai hại ấy mà việc sửa
sai, sửa lỗi là chuyện cần thiết phải làm.
Nhưng
sửa sai sao cho có hiệu quả mà không gây thiệt hại cho mình và cho người, không
làm sứt mẻ tình cảm, tạo ác cảm hay thù ghét, không gây bất hòa, chia rẽ… không
phải chuyện đơn giản.
Lầm
lỗi, sai phạm có thể ví như một căn bệnh cần chữa trị, nếu không chữa hoặc chữa
không khỏi, người bệnh sẽ đau đớn, khó chịu. Để khỏi bệnh, uống thuốc là cần
thiết, nhưng uống thuốc cho đúng cách đúng liều còn cần thiết và quan trọng hơn
chính việc uống thuốc. Vì nếu uống không đúng thuốc hoặc không đúng liều lượng,
bệnh chẳng những không khỏi mà còn trở nên nặng hơn.
Cũng
vậy, đối với lầm lỗi của một ai đó, việc sửa sai người ấy là chuyện cần thiết,
nhưng sửa sai cho đúng cách và đúng liều lượng còn cần thiết hơn chính hành
động sửa sai rất nhiều.
Trong
việc giáo dục con cái chẳng hạn, cổ nhân ta có câu “giáo đa thành oán”
(dạy dỗ nhiều quá sinh oán hận). Những bậc cha mẹ khôn ngoan thường khuyên lơn,
trách mắng hoặc trừng phạt con cái một cách vừa phải, biết lựa những lúc thuận
tiện nhất để khuyên bảo, và dùng những hình thức khôn ngoan nhất để sửa trị.
Phương cách sửa trị cũng phải thay đổi tuỳ theo tâm lý của từng đứa con. Nói
chung, nói ngọt với con cái thường có tác dụng hơn; đúng như cổ nhân nói “nói
ngọt, lọt đến xương”. Tiếng Việt nói: “dạy dỗ”, nghĩa là muốn dạy thì
phải dỗ. Tuy nhiên cũng có những đứa phải nói nặng lời, có đứa phải dùng đến
hình phạt hay biện pháp mạnh mới thành công. Nếu cách sửa lỗi không phù hợp với
tâm lý của từng đứa con, việc sửa lỗi ấy không có kết quả mỹ mãn.
Trong
cuộc sống chung giữa vợ chồng cũng vậy, không ai là người thập toàn cả, ai cũng
có một tật xấu nào đó làm người phối ngẫu của mình phải khó chịu và chịu đựng.
Việc sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên hoàn thiện, để gia đình đầm ấm hơn,
thoải mái hơn, trong một mức độ nào đó là cần thiết. Nhưng nếu không khéo thì
chuyện sửa lỗi sẽ làm bầu khí gia đình nặng nề, chẳng những không hòa thuận
được như trước mà còn tệ hại hơn, có khi tới mức hai người phải chia tay. Chẳng
hạn người chồng gặp bạn bè uống rượu say bị vợ cằn nhằn, nói nặng lời, đồng
thời tố cáo hết những tật xấu của chồng ra. Người chồng đang say xỉn không còn
sáng suốt như bình thường, khi bị chạm tự ái liền nổi giận, xỉ vả lại, có thể
còn bạo hành với vợ nữa. Nhiều trường hợp chỉ vì không chịu đựng những tật xấu
nho nhỏ của nhau mà chuyện bé bị xé thành to, để rồi gia đình trở nên như hỏa
ngục, cuối cùng hai vợ chồng phải đưa nhau ra tòa ly dị. Gia đình ly tán, cả
hai đều bị thiệt hại lớn, nhưng tội nghiệp nhất là những đứa con còn nhỏ.
Nguyên
nhân tình trạng đổ vỡ này, dưới con mắt của người vợ thì hoàn toàn là do lỗi người
chồng uống rượu say, ông đã bị vợ than phiền nhiều lần mà không chịu sửa. Nhưng
dưới con mắt của người chồng thì hoàn toàn là do lỗi của người vợ đã mạt sát
chồng quá thậm tệ. Cả vợ lẫn chồng, ai cũng cho mình là đúng, là phải, chẳng ai
nhận ra mình sai chỗ nào cả.
Nếu
người chồng biết tự chủ khi gặp bạn bè, uống rượu vừa phải thì đâu có chuyện.
Nhưng sự việc ở đời chẳng có ông chồng hay bà vợ nào mà không lầm lỗi, người
lầm kiểu này, người lỗi kiểu khác, gây bực bội cho người kia. Nếu người vợ biết
khôn khéo sửa lỗi chồng một cách tế nhị, không làm tự ái chồng bị tổn thương,
đồng thời biết thông cảm với tật xấu của chồng và hoàn cảnh khiến chồng mình
trở nên say xỉn như vậy, thì cũng đâu đến nỗi.
Trong
trường hợp này, người chồng sai đã đành, nhưng khi người vợ sửa lỗi chồng bằng
cách mạt sát chồng, thì cái sai của người vợ còn lớn hơn cái sai của người
chồng rất nhiều. Cái sai ấy của người vợ khiến người chồng tiếp tục phạm một
cái sai lớn hơn cái sai người vợ vừa phạm khi anh ta đánh vợ. Nói chung, khi
sửa một cái sai bằng một cái sai khác, và cứ thế mà tiếp tục thì những cái sai
chồng chất lên nhau, gây nên những tai hại khôn lường.
Điều
đó cho thấy hai cái sai cộng lại không thành một cái đúng mà trở thành một cái
sai khác lớn hơn. Để sửa một cái sai, cần sử dụng một cái đúng. Chỉ có cái đúng
−đúng cách, đúng liều lượng− mới có thể sửa lại được cái sai. Sửa sai không
khéo thì người sửa sai có khi còn phạm một cái sai lớn hơn cái sai của người
kia, và gây tai hại nhiều hơn cái sai của người kia. Nếu chưa biết sửa sai cách
nào cho khéo, cho hiệu quả mà không gây tai hại, thì ta chưa nên sửa sai. Nếu
sửa mà gây tai hại thì chấp nhận không sửa sẽ ít hại hơn. Cổ nhân có câu: “Một
nhịn chín lành” và “chín bỏ làm mười” tuy không hoàn toàn áp dụng
được trong mọi trường hợp, nhưng có thể đó là cách hành xử khôn ngoan trong đa
số trường hợp, nhất là trong đời sống chung trong gia đình cũng như ngoài xã
hội, giữa những người cùng lý tưởng, cùng thực hiện một mục đích chung.
Qua
câu chuyện của Jean Valjean [1] trong tác phẩm Les Misérables (Những Người Khốn Khổ) của Văn hào Victor Hugo, ta thấy 20 năm tù không hề làm cho anh
trở nên tốt hơn. Nhưng sự tha thứ và lòng quảng đại của giám mục Myriel đã
nhanh chóng biến đổi anh thành một con người rất tốt, có nhân cách cao thượng,
có lòng nhân ái hơn người. Giả như giám mục Myriel hành xử theo tinh thần “có
tội phải trừng trị”, có lẽ mãi mãi Valjean vẫn chỉ là tên ăn cắp. Nhưng để
sửa lại một cái sai, ông đã dùng không chỉ một cái đúng, mà một hành động cao
thượng tuyệt vời. Đó mới chính là cách sửa sai đích thực. Nếu sửa sai mà kẻ sai
vẫn tiếp tục sai thì đâu còn là sửa sai đúng nghĩa nữa!
Về
việc sửa sai, Đức Giêsu, vị sáng lập Kitô giáo, có dạy: “Nếu người anh em
của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục
được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào
lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đưa ra hội đồng tôn giáo. Nếu làm như vậy mà nó cũng chẳng nghe, thì
hãy kể
nó như một người ngoại”
(Matthêu 18,15-17).
Theo
Đức Giêsu thì việc sửa sai cần tùy nghi áp dụng từng giai đoạn một: khởi đầu
cần kín đáo, riêng tư; nếu hình thức kín đáo không thành công mới dần dần tiến
tới công khai. Khởi đầu cần nhẹ nhàng, dịu ngọt, tế nhị, nếu những biện pháp
nhẹ không có hiệu quả thì mới sử dụng đến những biện pháp mạnh hơn.
Khi
sửa sai ai, hãy tự đặt mình vào vị thế của họ để thông cảm với hoàn cảnh và sự
yếu đuối của họ khiến họ lầm lỗi. Đừng chỉ biết dựa trên nguyên tắc đạo lý hay
luật lệ để trách móc họ như một người ngoại cuộc. Hãy nghĩ rằng rất có thể khi
ở trong hoàn cảnh của họ, mình cũng sẽ cư xử chẳng khác gì họ, thậm chí có thể
tệ hơn họ. Sửa lỗi bằng cách cảm hóa thì thường hữu hiệu hơn là trách móc, kết
án.
Chỉ
trích, mạt sát, hạ nhục người sai lỗi không phải là cách sửa sai khôn ngoan.
Theo Dale Carnegie, tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm thì “Chỉ trích là
vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa. Chỉ trích còn có thể trở
nên nguy hiểm vì nó chạm vào lòng kiêu hãnh cố chấp của những người xung quanh,
gây tổn thương đến ý thức về tầm quan trọng của họ và kết cuộc chỉ tạo nên sự
tức giận căm thù”; “Những lời chỉ trích giống như chim bồ câu đưa thư,
bao giờ cũng quay trở về nơi xuất phát. Có một điều rất nguy hiểm là những
người mà ta chỉ trích, lên án, chắc chắn sẽ tìm lý lẽ tự biện hộ cho mình và
kết án ngược lại chúng ta”; “Bất cứ người thiếu suy nghĩ nào cũng có thể
chỉ trích, oán trách và than phiền người khác. Và hầu hết những người thiếu suy
nghĩ đều làm thế. Nhưng phải là người biết tự chủ và có một tâm hồn bao dung,
rộng lượng mới có thể hiểu và biết tha thứ cho người khác. Vĩ nhân thường biểu
lộ sự vĩ đại của mình trong cách đối xử với những con người nhỏ bé” [2].
Không
nên để cho “chuyện bé xé thành to”. Để mổ một con gà không nên dùng đến
dao mổ trâu. Bao giờ con gà biến thành con trâu thì mới cần đến dao to. Trái
lại, để giữ hòa khí trong gia đình cũng như trong tập thể, nên “biến chuyện
to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không”. Tuyệt đối không nên bêu
xấu, hạ nhục người anh em của mình. Nếu tất cả những biện pháp trên đều thất
bại, thì ta đành phải chấp nhận giới hạn khả năng sửa lỗi của mình. Nếu những
lầm lỗi ấy không gây tai hại nhiều cho việc chung, thì ta nên dừng việc sửa lỗi
ở mức độ không gây thiệt hại nặng cho người có lỗi, tránh tình trạng oán thù vô
ích.
Điều
quan trọng là việc sửa sai phải phát xuất từ lòng yêu thương đối với người sai
lỗi, và từ ý thức trách nhiệm đối với ích lợi chung của gia đình, của tập thể
hay cộng đồng. Nên sửa lỗi cách nào để người được sửa lỗi cảm nhận được ta yêu
thương họ, chỉ mong họ nên tốt đẹp hoàn thiện hơn. Tâm lý thông thường của
người lầm lỗi là họ chỉ sửa lỗi theo đề nghị của ta khi họ thấy ta thật lòng
yêu thương họ.
Có
nhiều trường hợp ta sửa lỗi người khác chỉ để chứng tỏ rằng ta vô tội còn họ
thì có tội, rằng ta tốt lành còn họ thì xấu xa, ta hữu lý còn họ thì phi lý.
Sửa lỗi kiểu ấy chỉ là một hình thức tự đề cao, tự đưa mình lên và hạ thấp
người anh em xuống. Sửa lỗi kiểu ấy chỉ chứng tỏ ta tự yêu mình chứ không yêu
thương gì họ, và hậu quả là chỉ gây nên oán thù, chia rẽ, đúng như câu “giáo
đa thành oán!” Nếu việc sửa sai ấy phát xuất từ lòng thù hận, sự ganh tị,
đố kỵ thì việc sửa sai ấy đã bị sai ngay từ đầu, và hai cái sai ấy cộng lại sẽ
thành cái sai khác lớn hơn nhiều.
Có
danh nhân nào đó nói: “Thiện chí cộng với ngu dốt thành phá hoại”. Việc
sửa sai hay sửa lỗi cho nhau là điều tốt và cần thiết, nhưng nó rất cần sự khéo
léo, cần nghệ thuật đắc nhân tâm. Nếu không, việc sửa sai ấy cũng có thể trở
thành phá hoại.
Trong
một cộng đồng đông người, việc sai lỗi, đụng chạm lẫn nhau, sự khác biệt hay
trái ngược về lập trường tôn giáo, chính trị là chuyện không thể tránh được, nó
thường xảy ra như cơm bữa. Việc sửa lỗi, góp ý xây dựng nhau là chuyện hữu ích
và cần thiết. Nhưng phương cách sửa lỗi và góp ý còn quan trọng và cần thiết
hơn chính việc sửa lỗi và góp ý rất nhiều. Sửa lỗi hay góp ý không khéo chẳng
những người có lỗi sẽ không chịu sửa, mà còn gây sự bất hòa giữa hai bên. Nếu
sửa lỗi mà không có kết quả tốt đẹp thì sửa lỗi làm gì?
Trước
tình trạng nhiều cộng đồng, đoàn thể ngày càng chia rẽ, đỗ vỡ, phải chăng đã
đến lúc chúng ta cần xét lại xem:
−
Việc sửa sai của chúng ta đối với những người lầm lỗi khiến cộng đồng hay đoàn
thể trở nên tốt hơn, đoàn kết hơn hay trở nên tệ hại hơn, chia rẽ hơn?
−
Việc sửa lỗi bằng cách bêu riếu, hạ nhục có thật sự là để kẻ có lỗi sửa sai,
hay chỉ là lợi dụng cái sai của họ để đập họ cho bõ ghét? để thỏa mãn tính đố
kỵ hay ganh ghét của mình? để trả đũa một bực bội mà họ đã gây ra cho mình?
−
Việc mạt sát thậm tệ liên tục hết ngày này sang tháng khác những người mà ta
cho là sai lỗi có làm cho kẻ có lỗi thay đổi, sửa lỗi, hay chỉ làm cho họ củng
cố thêm lập trường của họ, đồng thời tìm cách bêu riếu, mạt sát lại ta? Và như
thế thì phải chăng cả họ lẫn ta đều trở thành trò cười cho thiên hạ bằng việc “vạch
áo cho người xem lưng”? Lời qua tiếng lại giữa hai bên, hai phe ảnh hưởng
tốt hay xấu cho cộng đồng?
−
Cần nghiêm chỉnh xét lại quá khứ xem: nếu không sửa lỗi theo cách đó thì cộng
đồng sẽ yên ổn hơn hay sẽ xào xáo hơn?
Việc
sai lỗi của ai đó có thể gây thiệt hại cho việc chung, cho cộng đồng, điều đó
thật dễ hiểu. Nhưng việc sửa lỗi không đúng cách có thể gây hại nhiều hơn cho
cộng đồng, tương tự như người uống sai thuốc, hoặc uống quá liều lượng, bệnh
chẳng những không khỏi mà còn trầm trọng thêm. Việc trầm trọng hóa lầm lỗi của
một người bằng việc trừng phạt quá đáng và lâu dài thường làm cộng đồng bị xáo
trộn, chia rẽ và thiệt hại nhiều hơn.
Houston,
ngày 7/9/2014.
Nguyễn
Chính Kết
[1] Jean Valjean bị 20 năm tù vì tội ăn cắp một ổ bánh mì.
Nhưng sau khi được trả tự do, anh vẫn tiếp tục phạm tội ăn cắp: anh ăn cắp
những chén đĩa bạc của giám mục Myriel sau khi vị này đãi anh một bữa ăn tối và
cho ngủ qua đêm. Khi cảnh sát bắt lại và giải anh đến trước vị giám mục với
tang chứng là những dĩa bạc, thì ngài đã nhanh nhẹn xác nhận với cảnh sát rằng
chính ngài đã tặng cho Valjean những dĩa bạc đó. Lòng quảng đại và sự tha thứ
của vị giám mục đã lập tức thay đổi 180 độ cuộc đời của Jean Valjean, biến anh
ta thành một con người chẳng những biết làm ăn lương thiện mà còn là một người
nhân ái, luôn luôn quan tâm cứu giúp những người khốn khổ. Thật vậy, Jean
Valjean đã trở thành ông Madeleine, một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng một
thành phố nhỏ, thường ra tay cứu giúp những người khốn khổ như Fantine, một phụ
nữ phải hành nghề mại dâm để có tiền nuôi con gái Cosette đang bị đày đọa trong
gia đình nhà Thénardier độc ác...
[2] Xem Dale Carnegie, Đắc Nhân Tâm - Phần I - Chương
1: "Muốn lấy mật, đừng phá tổ ong"(http://sachchiaseyeuthuong.blogspot.com/2013/07/ac-nhan-tam-chuong-1.html)