04 décembre 2015

Tản mạn bên hội nghị “biến đổi khí hậu” (COP21): Một bàn ăn lịch sử


Trần Thu Dung
Mặc dù vừa xảy ra khủng bố ngày 13/11/2015, Paris không run sợ vẫn duy trì đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo công ước của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). 150 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự. Để chia sẻ nỗi đau và đoàn kết cùng nước Pháp chống khủng bố, Tổng thống Obama là người đầu tiên gửi điện chia buồn với nước Pháp sau thảm họa; vừa đến sân bay ngoại ô Paris, mặc dù gần nửa đêm, trời lạnh Obama đến thẳng nhà hát Bataclan đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân chứ không đến đặt vòng hoa dưới chân tượng đài George Washinton – tổng thống đầu tiên của Mỹ, dựng ở ngay quận 16 sang trọng. Do vấn đề an toàn, nên việc viếng thăm âm thầm không được thông báo trên truyền thông trước.
 
Tổng thống Obama đến đặt hoa tưởng niệm nạn nhân trước nhà hát Bataclan.


Cùng ngày 29/11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phái đoàn Việt Nam cũng nhận lời mời sang tham dự hội nghị đã tới đặt vòng hoa trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil thuộc ngoại ô Paris và gặp cộng đồng người Việt tại Pháp. Montreuil là khu trước kia Đảng Cộng sản từng thắng trong nhiều cuộc bầu cử. Thủ tướng được ông Thị trưởng Montreuil Patrice Bessac đảng viên Đảng Cộng sản đón tiếp long trọng.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến đặt vòng hoa trước tượng Hồ Chí Minh ở công viên Montreau (Montreuil).
Ngay buổi khai mạc hội nghị, hội nghị xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Khí hậu thay đổi do con người. Những rác thải từ các nhà máy hạt nhân, vũ khí, nguyên tử, lò nhiệt điện… vấn đề lấn biển phá rừng để xây dựng và khai thác… Tổng thống Pháp F. Hollande không quên nhắc đến vấn đề chống khủng bố khi nói về vấn đề môi trường.

Sau ngày đầu tiên của hội nghị, Tổng thống Pháp đã mời các vị đại biểu đứng đầu các quốc gia một bữa ăn trưa sang trọng ở Champs Elysée.

Nước Pháp nổi tiếng về nghệ thuật ẩm thực. Những món  ăn được trang trí nghệ thuật hấp dẫn và đầy ý nghĩa “Bảo vệ môi trường”, nhắc nhở con người hãy quan tâm đến trái đất. Màu xanh là gam chủ đạo. Những món ăn trên mâm mỗi mâm như một vườn nhỏ.
Chuẩn bị bữa ăn trưa đặc biệt cho các thượng khách COP21
Dao dĩa sang trọng toàn bằng bạc của hãng Christofle và Puiforcat nổi tiếng của Pháp sản xuất.

Bữa tiệc cuối năm đặc biệt mang ý nghĩa sự kiện lịch sử. Kế hoạch sắp xếp ngồi bàn là cả một vấn đề đau đầu mang tính chất tế nhị về chính trị ngoại giao. Để không phật lòng ai, tránh đụng dao dĩa và đấu khẩu: Obama, Putin chưa thống nhất về vấn đề Syrie nên ngồi xa nhau, không thể sắp chính khách của Ukraine cạnh Poutine, Thủ tướng Isael Benyamin Netanyahou không ngồi cùng bàn với đại diện của Iran…

Một bàn đáng chú ý họp mặt của các nguyên thủ quốc gia lớn nổi tiếng gồm 16 vị. Bàn này gồm tất cả thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: François Hollande (Pháp), Barack Obama (Mỹ), V. Poutine (Nga), David Cameron (Vương quốc Anh), và Tập Cận Bình (Trung Quốc). Sự sắp xếp cũng mang tính địa lý, chính trị tượng trưng. Thủ tướng Angela Merkel ngồi giữa bên cạnh tay trái Hollande để nói lên tình đoàn kết Pháp – Đức và bên phải Obama một hứa hẹn liên minh Âu – Mỹ trong tương lai chống khủng bố.

Bàn đặc biệt có Tổng thống Pháp F. Holande
Nhóm các nước đang phát triển cũng được quan tâm như Phó Thủ tướng Modi (Ấn Độ), Thủ tướng Dilma Roussef (Brasil). Hầu như tất cả đại diện các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ  cũng có mặt trên bàn này. Đối diện với Tổng thống Pháp là Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabus và là Chủ tịch chủ trì hội nghị COP21.

Tập Cận Bình ngồi cạnh Putine và Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc. Trong bữa ăn Tập Cận Bình chắc không dám phát biểu như ở Singapore “Biển Đông là thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại”. Nói chuyện cổ đại, nhiều nước lớn sẽ điên đầu. Biên giới lịch sử cả thế giới đều bị xới tung lên. Chỉ ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai gần đây thôi, biên giới nhiều nước đã bị thay đổi do phát xít Đức thua trận như biên giới Pháp – Đức, Rumanie – Hung… Thổ dân da đỏ, thổ dân Úc sẽ đòi lại châu Mỹ, châu Úc, một số đảo châu Phi sẽ đòi Pháp, Anh trả tự do…  Việt Nam bé nhỏ sẽ đòi được Ải Nam Quan vừa mới mất khi chia biên giới với anh hai Trung Quốc to khỏe…

Trong bữa ăn thân mật, không hiểu Pháp có nhã ý gì cho anh cả và anh hai của Việt Nam ngồi cạnh nhau, và cạnh một Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đang tràn hy vọng vì có chút giọt “máu Việt”. Sự sắp xếp đầy tế nhị của bữa tiệc này để giảm cơn bốc đồng của Tập Cận Bình về vấn đề Biển Đông? Tập Cận Bình đang bị Philipines kiện về đường lưỡi bò ở Liên Hiệp Quốc. Việt Nam chưa kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò trên Biển Đông, và Hoàng Sa vì tình “anh em” giữa hai dân tộc. Obama không ngồi đối diện với Tập Cận Bình vì Mỹ đang cho tàu chiến lượn Biển Đông để hạn chế Trung Quốc bắt nạt các láng giềng nhỏ bé yếu về quân sự. Trung Quốc tuyên bố không sợ đối đầu với Mỹ về Biển Đông.

Vấn đề chủ quyền Biển Đông, khủng bố không liên quan đến biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nhắc đến Biển Đông – Hoàng Sa trong hội nghị, nhưng Tổng thống Hollande lại khéo nhắc đến vụ khủng bố để cả thế giới cùng quan tâm.

Nghệ thuật trình bày các món ăn đầy ý nghĩa phản ánh nội dung của hội nghị thể hiện trình độ cao của các đầu bếp Pháp.

Sự sắp xếp chỗ ngồi trong bữa đại tiệc đặc biệt và chuyến đi viếng thăm đặt vòng hoa chứng minh sự đa dạng phức tạp của chính trường và tầm nhìn chiến lược của mỗi nước.

Hy vọng sau hội nghị, trái đất sẽ bớt nóng, cả thế giới sẽ đoàn kết chống khủng bố.

Còn Biển Đông bao giờ sẽ lặng sóng?
 
T. T. D.