Học sinh Việt Nam cầm cờ Trung Quốc đón ông Tập Cận Bình (ảnh tư liệu). |
Một tháng nay đã có nhiều bài viết trên báo chí lề trái
cũng như lề phải về chủ trương lẩm cẩm của ngành Tuyên giáo Trung ương đảng
CSVN và của Bộ trưởng giáo dục Hà Nội là bỏ môn dạy Sử trong chương trình giáo
khoa, tích hợp một số nội dung dạy về Sử lâu nay vào các bộ môn hay chủ đề
khác, cho «ké vào» các môn Đạo đức, An ninh Quốc phòng, Công dân và Tổ quốc.
Đã có nhiều
bài bình luận bác bỏ chủ trương bệnh hoạn này, cho rằng môn Sử không được học
sinh ưa thích chỉ vì nội dung chưa đáp ứng nhu cầu hiểu biết của người học, do
giáo trình dạy Sử quá nhàm chán, lấy Sử đảng lấn át Sử của dân tộc, lại còn do
giáo viên dạy Sử quá yếu kém không truyền đạt nổi nội dung sinh động hấp dẫn
cho học sinh.
Chủ trương
vứt bỏ môn Sử là một chủ trương sai lầm, dốt và nát, từ bỏ yêu cầu giáo dục
hàng đầu là luyện tập cho học viên tự tìm ra lẽ phải, ra sự thật lịch sử thế
giới và lịch sử dân tộc đúng như đã diễn ra, bồi dưỡng sinh động lòng yêu nước
và trách nhiệm công dân. Đây không thể gọi gì hơn là một chủ trương đen tối, hạ
thấp nền giáo dục cao quý, coi Sử là môn học hạng bét, vô dụng nhất, nhạt nhẽo
nhất trong các môn học, để tùy tiện cắt xén, xé nát nội dung, cho nhập vào các
môn học khác. Cả giới Sử học đã lên tiếng phản bác quyết liệt.
Theo tôi cần
tìm ra tận gốc, tận cỗi nguồn cái chủ trương quá ư lẩm cẩm này.
Lý do cơ bản
là đảng CSVN đã theo học thuyết sai lầm Mác – Lênin, mù quáng theo đường lối
của Đệ Tam CS Quốc tế, đề cao chủ nghĩa Quốc tế vô sản viển vông, theo đuổi mục
tiêu chủ nghĩa xã hội mơ hồ, từ đó xa dần và đi ngược lại lập trường dân tộc,
bỏ qua chủ nghĩa yêu nước, quay lưng lại với các trang sử hào hùng, các anh
hùng dân tộc đã làm vẻ vang cho đất nước VN, cho Tổ quốc Việt Nam.
Do lập
trường bệnh hoạn, phản dân tộc như thế nên môn lịch sử bị coi rất nhẹ, chương
trình giản đơn, lấy lịch sử và nội dung chủ nghĩa Mác – Lênin làm môn trọng yếu
nhất, lấy lịch sử phong trào Cộng sản quốc tế và lịch sử đảng CS làm nội dung
chính, cốt tủy.
Do một thời
gian làm công tác tuyên huấn giáo dục, báo chí của đảng CSVN, tham gia đào tạo
các nhà báo trẻ, tôi có thể dẫn chứng minh bạch các nhận định trên.
Học sinh một
thời phải ghi nhớ năm sinh và năm mất của các ông Mác, Engels, Lênin, Stalin,
Mao Trạch Đông… Phải nhớ Đệ Tam Quốc tế ra đời và giải thể năm nào, vì sao,
phải hiểu chủ nghĩa Trốt-kít là phản bội ra sao. Sau những năm 1960, đi vào
cách mạng xã hội chủ nghĩa, học sinh được nhồi sọ là phe XHCN là phe ta, còn
hơn anh em ruột thịt, còn cao hơn Tổ quốc VN. Phe xã hội chủ nghĩa là tổ quốc
chung của 4 phương vô sản đều là anh em. Tình đồng chí CS cao hơn tình anh em
ruột thịt, nên mới có nhận định cao ngạo dởm «CS là vô tổ quốc, vô gia đình ».
Lập trường
quốc tế coi các nước xã hội chủ nghĩa là anh em thân thiết, ở cơ quan nhà nước,
trong giảng đường, thư viện, lớp học, thậm chí ở nhà tư nhân thường phải có bộ ảnh màu, đẹp do nhà in Sự
Thật in ra, có đủ các lãnh tụ CS ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trên là
ảnh 2 ông Tây có râu Mác và Engels phải ở nơi cao, trang trọng nhất, rồi mới
đến ảnh ông Hồ ngang với hơn 10 bộ mặt xa lạ từ vẻ mặt đến họ và tên, những Mao
Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Josip Tito, Enver Hoxha… Những ảnh của Trần Hưng
Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi là cực hiếm, không thấy đâu. Chuyện kỳ lạ mà có
thật là trên báo Nhân Dân kỷ niệm chẵn 600 năm năm sinh Nguyễn Trãi (1380 –
1980) đã in nhầm trên trang nhất ảnh của một nhân vật vô danh của thời khác.
Ngược lại
học sinh phải biết đến sự tích của Paven trong Thép đã tôi thế đấy, biết thành
tích đào than của Stanakovich ở Nga, chiến tích Thượng Cam Lĩnh của tướng Bành
Đức Hoài trong chủ trương Kháng Mỹ Viện Triều. Cách học sinh gọi tên các nhân
vật lịch sử quốc tế và VN cũng rất chặt chẽ, ai phạm quy là nguy hiểm. Học sinh
phải gọi Thống chế Tưởng Giới Thạch là «thằng», gọi vua Bảo Đại, Tổng thống Ngô
Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam cũng là «thằng», rồi «thằng» Kennedy,
«thằng» Johnson, «thằng» Nixon… theo đúng kiểu ông Hồ gọi. Còn tất cả các nhân
vật có ảnh nói trên thì nhất loạt phải gọi là «đồng chí» - «đồng chí» Mao,
«đồng chí» Brezhnev, «đồng chí» Kosigyn… Chả vậy mà khi Hoàng Sa bị bọn Tàu lấn
chiếm năm 1974, ông Lê Đức Thọ trấn an báo chí rằng «Chớ lo, Hoàng Sa trong tay
các đồng chí TQ của ta còn hơn là trong tay bọn ngụy tay sai đế quốc Mỹ. Bạn,
thù, ta phải rõ ràng phân minh như thế». Nghĩ lại mà rùng rợn. Những quan điểm
kỳ quặc như thế hiện vẫn còn lưu cữu trong Học viện Chính trị - Hành chính quốc
gia - còn mang tên Học viện Mác – Lênin - với hàng trăm giáo sư - tiến sỹ dỏm
lương cao, nhiều nhuận bút rộng rãi trong mỗi kỳ Đại hội đảng, do có dịp viết
nhiều bài tâng bốc học thuyết CS mà chính họ cũng chẳng còn tin một tý nào.
Cần hiểu sâu
cái tội lỗi nặng nề phản dân tộc như thế mới lý giải thật rõ cái chủ trương
tích hợp vô đạo, phản giáo dục của đảng CSVN, và từ đó bác bỏ thẳng thừng,
không cần bàn cãi gì nhiều.
Chẳng có gì
lạ khi Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận cho rằng thí sinh bị điểm 1 hàng loạt về
môn Sử, có khi chỉ có 1 thí sinh chọn môn Sử với 66 thầy cô chấm thi môn Sử
ngồi chơi là “chuyện… bình thường”. Người cầm đầu ngành giáo dục quốc gia mà
suy nghĩ như thế thì dạy được ai? Giáo dục trước hết là dạy và học làm người,
mà mất gốc dân tộc là mất sạch.
Thế nhưng
tội lỗi không phải là ở cá nhân tay bộ trưởng u mê. Nguyên nhân gốc rễ của
đường lối giáo dục phản dân tộc là đường lối chính trị phản động, phản quốc do
đảng CSVN kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên trì chủ nghĩa xã hội không
tưởng, kiên trì chế độ toàn trị độc đảng. Cho nên cái chuyện “tích hợp” môn Sử
lẩm cẩm phải sửa tận gốc là từ bỏ học thuyết, đường lối chính trị sai lầm mới
có thể khôi phục môn học này thành một môn học cao quý, then chốt, linh động,
hấp dẫn trong một nền giáo dục dân tộc, khai phóng, văn minh.
Như thế là
Bộ Chính trị đảng CSVN hiện nay đã gây sự với ngành giáo dục, coi môn sử học là
thấp hèn, có nghĩa là tuyên chiến với giới sử học chân chính, tuyên chiến với
cả ngành giáo dục cao quý. Vậy thì Bộ Chính trị còn muốn sống hòa thuận với ai
trên đất nước VN có lịch sử dân tộc oai hùng này?
Bùi Tín