06 janvier 2017

“Có rừng, có biển… tại sao vẫn nghèo?”


Nguyễn Cao: "Trong khi các đoàn thể, các tổ chức xã hội đang vận động người dân cả nước chung tay cho người dân vùng lũ từng tin nhắn điện thoại thì đâu đó vẫn lãng phí hàng tỉ tiền ăn nhậu, vẫn có những dự án hàng ngàn tỉ đắp chiếu hay càng sản xuất càng lỗ, đâu đó vẫn là những đại án tham nhũng hàng ngàn tỉ… thử hỏi đất nước làm sao thoát khỏi chữ “nghèo”?"

 

(GDVN) - Chừng nào mà chúng ta chưa có những chế tài xử lí nghiêm những người vi phạm, những người cố ý làm thiệt hại công quĩ thì chừng đó đất nước chúng ta còn nghèo. 


 
 
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đặt vấn đề về việc huyện Cần Giờ có tiềm lực, có rừng, có biển... tại sao vẫn nghèo? (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)




LTS: Trước câu hỏi của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về việc huyện Cần Giờ có tiềm lực về nhiều mặt mà tại sao vẫn nghèo?

Thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra một số nguyên nhân khiến người dân luôn phải làm việc lam lũ mà cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!



Trong chuyến làm việc gần đây tại huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đặt vấn đề với cán bộ và nhân dân của địa phương: 

Đây là huyện có tiềm lực về tài chính, con người và nhiều thứ khác. Số lượng dân không lớn nhưng diện tích rất lớn, có rừng, có biển… tại sao vẫn nghèo?


Vấn đề của ông Đinh La Thắng đặt ra không mới nhưng vẫn là một câu hỏi lớn không chỉ cho huyện Cần Giờ mà cho cả xã hội chúng ta hôm nay.


Cách đây mấy chục năm, nhà thơ Nguyễn Duy đã từng trăn trở, day dứt trong bài thơ "Đánh thức tiềm lực": 


Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
 châu báu vô biên dưới thềm lục địa
 rừng đại ngàn bạc vàng là thế
 phù sa muôn đời sữa mẹ
 sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
 còn mặt đất hôm nay - em nghĩ thế nào?
 lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?"


Những câu thơ của Nguyễn Duy viết từ trước những năm đất nước chưa đổi mới nhưng cho đến hôm nay, cái nghèo, cái khó vẫn còn hiện hữu ở khắp các nơi trên cả nước.


Sau cơn bão số 1 và 2 của năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí 260 tỉ đồng từ ngân ngân sách dự phòng cho 12 địa phương khắc phục thiệt hại, thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều...

(Trong đó, Nam Định 50 tỷ đồng; Thái Bình 40 tỷ đồng; Hà Nam, Điện Biên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Sơn La mỗi tỉnh 10 tỷ đồng; Ninh Bình, Hải Phòng, Hòa Bình mỗi tỉnh 20 tỷ đồng; Hà Giang, Lào Cai mỗi tỉnh 30 tỷ đồng)


Những tháng cuối năm 2016, các tỉnh miền Trung liên tục gánh chịu những trận lũ lụt tràn về. 


Trời mưa lớn, thủy điện xả nước, những mái nhà thấp thoáng trong đồng nước mênh mông. 


Nhiều lãnh đạo tỉnh phải đề nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp. Đặc biệt là Bình Định nơi vừa phải chịu liên tiếp 5 trận lũ đồn dập. 


Vì thế, ngày 19/12, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất. 


Trong đó, hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông 180 tỉ đồng, khôi phục hạ tầng thủy lợi, đê điều, nước sinh hoạt 180 tỉ đồng, hỗ trợ đời sống dân sinh 100 tỉ đồng, hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất đông xuân 2016-2017 là 40 tỉ đồng.



Trong lúc đời sống nhân dân một số tỉnh gặp khó khăn thì sự hỗ trợ của ngân sách trung ương và sự chung tay của một số tổ chức, cá nhân là điều cần thiết.


Bởi hàng triệu người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão lụt, thiên tai. Những đồng tiền mà người dân đang nhận đó mới thực sự thấy ý nghĩa.


Nhất là khi mùa xuân đang về, khi mà mọi người bắt đầu rục rịch đi sắm Tết thì nhiều người dân trong vùng lũ lụt vừa qua đang sống trong cảnh tan hoang của cửa nhà, ruộng đồng xác xơ…


Quay lại với vấn đề ông Đinh La Thăng đề cập trong chuyến thăm Cần Giờ, tại sao có rừng, có biển… mà vẫn nghèo? 


Tại sao một huyện của một thành phố trung tâm về kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước mà dân tình vẫn nghèo? 


Phải chăng người dân chưa tìm được hướng đi hay lãnh đạo chưa gần dân, chưa chú trọng cho việc đầu tư để phát triển?

Là một huyện có vị trí địa lí thuận lợi, có đường ranh giới chung với nhiều tỉnh mà lại là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh có biển. 


Những điều kiện về địa lí tạo cho Cần Giờ có một vị thế thuận lợi. Vậy mà…vẫn nghèo!


Chợt nhớ đến các tỉnh miền Trung, có một thời chúng ta đã từng đua nhau làm thủy điện, nên rừng bị cạn kiệt dần, năm nào cũng mưa lũ kèm xả nước “đúng qui trình” của thủy điện nên dân không làm sao mà phát triển được. 


Những cơn lũ bất thình lình được thủy điện xả vào đêm đến người chạy còn chưa xong nói gì đến lấy đồ đạc hay vật nuôi. 


Vì thế, mỗi trận lũ đi qua là người dân vùng lũ lại gần như trở về với hai bàn tay trắng gây dựng lại từ đầu… rồi sang năm lại bão lũ…


Cũng vào thời điểm cuối năm rộ lên thông tin 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả như: nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; nhà máy đạm Ninh Bình; dự án đạm Hà Bắc; đạm DAP 1 Lào Cai; DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước; Ethanol Phú Thọ; nhà máy đóng tàu Dung Quất; dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai… 


Song hành cùng các dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng thì chúng ta cũng đang phải chứng kiến hàng loạt các vụ án tham nhũng gần đây đã gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng ta mới cảm nhận thấy tội ác mà một vài cá nhân gây cho đất nước biết chừng nào. 


Số tiền đó đủ để chăm lo cho hàng triệu người dân đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đủ để xây dựng lại hàng trăm mái trường xập xệ và đầu tư được biết bao hệ thống cơ sở hạ tầng cho đất nước. 


Và, dù không muốn thì chúng ta cũng phải liên tưởng: Để hỗ trợ cho hàng chục tỉnh bị thiên tai thì chính phủ cũng chỉ có thể hỗ trợ được vài trăm tỉ đồng…


Vậy mà, chỉ cần một “đại án” hay một dự án đắp chiếu cũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Đó là chưa kể những “dư chấn” trong lòng xã hội.

Chừng nào mà chúng ta chưa có những chế tài xử lí nghiêm minh những người vi phạm, những người cố ý làm thiệt hại công quĩ nhà nước thì chừng đó đất nước chúng ta vẫn còn nghèo. 


Trong khi các đoàn thể, các tổ chức xã hội đang vận động người dân cả nước chung tay cho người dân vùng lũ từng tin nhắn điện thoại thì đâu đó vẫn lãng phí hàng tỉ tiền ăn nhậu, vẫn có những dự án hàng ngàn tỉ đắp chiếu hay càng sản xuất càng lỗ, đâu đó vẫn là những đại án tham nhũng hàng ngàn tỉ… thử hỏi đất nước làm sao thoát khỏi chữ “nghèo”?


Nguyễn Cao



Nguồn: Theo GDVN