08 janvier 2017

Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?


 Vương Hà
 


Hai từ “băm nát” được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra khi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc. Vậy câu hỏi đặt ra là: Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?
 
 


Dư luận đang nóng bỏng và rất đồng tình khi Chủ tịch thành phố Hà Nội đã nói thẳng rằng: Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch ”băm nát” Hà Nội; bởi những khu đất 5-7ha “băm ra” cho 2- 3 chủ đầu tư, có việc nội bộ “xi nhan” mua bán đất sau quy hoạch…

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập khía cạnh khác mà dư luận rất quan tâm: Vậy những ai, những đơn vị nào đã “quy hoạch băm nát thủ đô”? Và những ai được hưởng lợi từ việc “băm nát” này?

Đầu tiên cần phải nhìn nhận rằng, không đâu được quy hoạch bài bản, điển hình như Hà Nội. Đó là quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Quy hoạch này trước khi ban hành đều được làm triển lãm quy mô, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đa số các chuyên gia đều đánh giá, những quy hoạch đó bài bản, có tầm nhìn rõ ràng. Nhưng vì sao vẫn bị “băm nát”? Đây là một câu hỏi không hề đơn giản nếu chúng ta không nhìn thẳng vào vấn đề.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc sở Quy hoạch Lê Vinh vẫn khẳng định: “Vấn đề nhà cao tầng, đến giờ phút này tất cả cơ bản làm theo các quy hoạch được phê duyệt.” Là người mới về nhậm chức ở đây, nhưng ông Vinh (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cũng không lạ lẫm gì việc triển khai quy hoạch, do đó, ông Vinh nói không sai, nhưng chưa đủ. Bởi, vấn đề là quy hoạch nào thì ông Vinh không nhắc tới?

Về cái gọi là đúng quy hoạch này, báo Lao Động từng vạch rõ bản chất trong loạt bài viết “Lợi ích nhóm chi phối trật tự xây dựng ở Hà Nội”. Trong loạt bài này đã đưa ra một ví dụ, lô đất công cộng có ký hiệu CC6 (rộng khoảng 4ha trong khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội) đã bị biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng!?

Lô đất công cộng rộng 4ha đã được biến thành 12 tòa chung cư cao tầng ở đầu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội
Vậy 12 tòa chung cư được chia thành 4 cụm HH1, HH2, HH3 và HH4 này có đúng quy hoạch hay không? Nhìn thì bất cứ người dân nào cũng thấy rất nhức nhối, rất vô lý, nhưng lạ là nó vẫn đúng quy hoạch!! Chỉ có điều là quy hoạch này đã bị thay đổi với quy hoạch mà trước đây đã được thành phố  phê duyệt cho tổng thể Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm.

Với quy hoạch ban đầu, 4ha này vốn là quỹ đất dành xây dựng cho các lợi ích công cộng chứ không phải để dành cho quần thể 12 tòa cao 40 tầng. Đã vậy, cả 12  tòa nhà này đều chỉ có 1 tầng hầm và đều dành để làm chung cư! Vậy những ai đã thay đổi quy hoạch này, đâu là lý do và lý do đó có thuyết phục được ai không?

Không chỉ ở bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) mà ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng có chuyện như vậy, tuy mức độ, kiểu cách có khác nhau. Kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Bộ Xây dựng (về việc thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của UBND quận Nam Từ Liêm) cho thấy, cũng có những lô đất quy hoạch là đất công cộng, nhưng khi kiểm tra thực tế lại là một số nhà hàng và của một số doanh nghiệp!? Đây chỉ là ví dụ cho thấy việc thay đổi quy hoạch đã diễn ra nhiều tới mức nào.

Vậy ai đã thay đổi nó? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn lại lời một chuyên gia có tiếng trong ngành xây dựng. Đại ý, để phê duyệt đồ án quy hoạch chung của thành phố phải mất nhiều năm nghiên cứu, sử dụng nhiều kinh phí cho công tác lập quy hoạch, tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp của các bộ, ngành, nhiều cơ quan, các hội chuyên ngành để làm cơ sở cho việc phê duyệt. Tuy nhiên, khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì chỉ do vài người quyết định và hầu hết các quyết định đều phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch chung. Tôi xin nhắc lại, đây là ý kiến của chuyên gia có trọng trách với công tác kiểm tra quy hoạch này.

Vậy câu hỏi tiếp cần đặt ra: Những ai được hưởng lợi từ việc thay đổi quy hoạch này? Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã công khai trước công luận: Chuyển toàn bộ hồ sơ sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng sang công an thành phố. Do đó, để trả lời câu hỏi trên, trách nhiệm thuộc về Công an thành phố Hà Nội.