Tấn Tài
(GDVN) -
Người dân xứ biển đang lo lắng không biết sẽ đi đâu, làm gì khi “con đường
xuống biển” đã gần như bịt kín nếu Tập đoàn FLC triển khai dự án.
“Chúng tôi
sẽ làm gì ở các khu tái định cư?”
Đó là câu
hỏi băn khoăn của nhiều ngư dân miền biển khi nghe thông tin sắp bị giải tỏa để nhường đất
cho Tập đoàn FLC triển khai dự án: “quần thể du lịch nghỉ
dưỡng và đô thi FLC Bình Châu – Lý Sơn” với quy mô lên đến 1.243
héc-ta giai đoạn 1.
Những ngư dân làng biển muốn được tiếp tục vươn khơi bám biển như bao đời nay cha ông họ vẫn làm chứ không phải làm thuê cho các khu resort. Ảnh: TT |
Dù dự án mới
chỉ dừng lại ở khâu đồng ý “chủ trương” nhưng các công đoạn về giải phóng mặt
bằng, bố trí tái định cư, di dời dân... để giao đất cho chủ đầu tư gần như đã
được lên phương án kỹ lưỡng.
Chỉ tính
riêng giai đoạn 1 của dự án này thì có đến 790 hộ dân phải di dời, chuyển đến
các khu tái định cư. Gần 2.000 hộ dân khác cũng sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của
dự án.
Anh Lê Văn
Dũng (thôn An Cường, xã Bình Hải) lo lắng: "Chúng tôi đang sinh sống yên
ổn ở đây suốt nhiều đời qua.
Dù cuộc sống
đi biển có phần cực nhọc nhưng thu nhập vẫn đủ nuôi con cái ăn học, không lo
thất nghiệp. Nếu bị chuyển đến các khu tái định cư, chúng tôi biết làm gì để
sống?".
Dù chủ đầu
tư cũng như chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp để tạo công ăn việc làm cho
người dân sau giải tỏa.
Như những
lời hứa sẽ nhận người dân thuộc diện giải tỏa, di dời vào làm việc tại các sân
golf, resort 5 sao hay bảo vệ các công trình của dự án...
Nhưng để
chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng trăm ngư dân bị “cách ly” khỏi biển thì không
phải là câu chuyện đơn giản.
Bởi như chia
sẻ của anh Dũng, trình độ người dân có hạn, không có tay nghề, không ngoại ngữ...
thì có thể làm gì ở các khu resort quảng cáo là có đẳng cấp 5 sao?
Ông Phạm Cầu
– Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hải cũng chia sẻ bài học đang làm đau
đầu các nhà quản lý khi nhiều người dân vùng giải tỏa nhận tiền đền bù xong,
không có việc làm nên sa đà vào ăn chơi, tệ nạn xã hội.
Sau khi tiêu
hết hàng trăm triệu đồng tiền đền bù, họ rơi vào cảnh thất nghiệp, phải bỏ xứ
mà đi.
Ở cái tuổi
ngoài 65, ông Lê Văn Dũng (thôn An Cường, Bình Hải) vẫn ngày ngày phụ giúp con
cháu sửa soạn ngư lưới cụ để ra khơi.
Tuổi trẻ của
ông từng theo bạn thuyền vùng vẫy khắp các vùng biển từ Hoàng Sa xuống Trường
Sa, có khi sang tận biển Philippines để đánh bắt.
Cuộc sống
làng biển hiền hòa trôi qua trước mái hiên khi ngày ngày, gia đình ông vẫn thu
về những mẻ cá, mẻ tôm.
“Nếu di dời
đến nơi ở mới thì phải lo được công việc cho lớp trẻ, chứ để thất nghiệp lại
nảy sinh hư hỏng, phá làng, phá xóm. Còn người già như chúng tôi thì cũng không
biết làm gì?”, ông Dũng nói giọng buồn.
Trao đổi với
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hà Thị Anh Thư – Bí thư huyện ủy Bình Sơn
(Quảng Ngãi) cho biết, chưa nhận được công văn gì của Tỉnh ủy
về dự án của tập đoàn FLC mà chỉ nghe thông tin qua báo chí, các phương tiện
truyền thông.
Theo bà Thư,
nếu có dự án triển khai thì hy vọng sẽ tái định tại chỗ, để cho bà con thuận
lợi.
“Đó là chỗ
người ta sống từ xưa tới nay, là quê cha đất tổ. Chỗ đó thuận lợi cho bà con ra
làm biển và người ta đang làm chủ phương tiện, đang làm chủ cuộc sống.
Cũng chẳng
ai muốn vào đó (dự án) để làm công ăn lương cả. Nên khi giải quyết công ăn việc
làm cho các hộ dân giải tỏa, thì những thanh niên không có việc làm thì nên vào
đó.
Còn những
ngư dân đang làm biển thì nên có tái định cư tại chỗ, để thuận lợi cho bà con
đi xuống biển để có thể tiếp tục bám biển. Đó là cái quan trọng nhất”, bà Thư
nói.
Về lối đi
xuống biển, Bà Thư cho rằng, nếu người dân ở Bình Hải, Bình Phú mà tái định cư
xuống tận Bình Châu, cách hơn 20-30km thì rất là khó để làm biển.
“Phải có văn
bản chính thức rồi huyện sẽ họp dân để nghe bà con phản ánh, lắng nghe tâm tư
của người dân mới đưa ra phương án cụ thể được”, bà Thư nói.
Bài học từ
sự “ân hận” của cựu Bí thư Hội An – Nguyễn Sự
Cũng như
Quảng Ngãi bây giờ đang “trãi thảm đỏ” để đón nhà
đầu tư, những năm về trước, Hội An (Quảng Nam) cũng ồ ạt đón hàng loạt khách
sạn, resort đẳng cấp quốc tế mọc dày đặc ven biển.
Dù đứng
trước làn sóng đầu tư hấp dẫn ấy nhưng Hội An vẫn tỉnh táo giữ lại những khoảng
không gian để làm khu công cộng ven biển. Mỗi dự án phải cách nhau ít nhất là
80 – 200 mét.
Và nay thì
Hội An vẫn còn kịp giữ lại được những lối đi ra bãi tắm, những bãi biển còn giữ
nguyên nét đẹp hoang sơ với rừng dương, đồi cát nhấp nhô như bãi biển An Bàng.
Tuy nhiên, cựu
Bí thư Hội An – Nguyễn Sự vẫn còn đau đáu món nợ với người dân. Đó là việc cấp
phép cho các dự án mọc sát biển, ngăn cản tầm nhìn chiếm hết không gian bờ biển
công cộng.
“Nếu cho làm
lại thì dứt khoát mình không cấp phép cho công trình nào xây sát biển nữa. Có
cấp thì cấp phía đối diện bờ biển thôi.
Nếu các công
trình nào xây sát biển thì chỉ lợi cho bản thân các
dự án đó chứ không thể làm cho nền kinh tế du lịch cả vùng đất phát triển
được”, ông Sự nói [1].
Từ câu
chuyện của cựu Bí thư Nguyễn Sự, có lẽ chính quyền và các cơ quan quản lý ở
Quảng Ngãi cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có quyết định giao hàng ngàn
héc-ta đất dọc biển cho nhà đầu tư.
Tài liệu
tham khảo:
Tấn Tài