Hai thủ tướng Đức và Slovakia sau đó đã tổ chức họp
báo trực tuyến tại Berlin chiều cùng ngày.
Trang Facebook của Thủ tướng Pellegrini đã chạy Live
từ ngay cuộc họp báo.
Có mặt tại cuộc họp báo, ông Lê Trung Khoa, chủ biên
trang tin thờibáo.de nói với BBC rằng cả phía Đức lẫn Slovakia đều đưa ra những
tuyên bố mạnh mẽ liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh.
Cụ thể, bà Merkel nói Đức "đã có những biện pháp
cụ thể về vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh", trong đó có việc tạm
ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội và việc Tòa Thượng thẩm tại Berlin
đang xét xử nghi phạm bị cho là có liên quan tới vụ bắt cóc.
Vị khách tới từ Slovakia nói nước ông đã nhận được đầy
đủ hồ sơ từ phía Đức và nói sẽ triệu tập đại sứ Việt Nam tại Bratislava.
Trước đó, cũng trong ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Slovakia, Peter Susko tuyên bố trong ngày 3/5/2018 sẽ triệu tập đại sứ
Việt Nam lên để yêu cầu giải thích về các khả năng liên quan tới việc bắt và
đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam, hãng thông tấn TASR của Slovakia
tường thuật.
Ông Susko cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã liên hệ
với Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia để thông báo.
Theo báo chí hai nước, hồi tháng 1/2018, ông Dương
Trọng Minh đã bắt đầu chính thức làm đại sứ Việt Nam tại Slovakia, sau khi bà
Hồ Đắc Minh Nguyệt hết nhiệm kỳ.
Báo chí Đức nêu nhiều nghi vấn
Trước đó, truyền thông Đức nêu nghi vấn là ông Trịnh
Xuân Thanh sau khi bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt cóc tại Berlin hôm 23/7/2017
đã được đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Truyền thông Đức cũng nghi ngờ khả năng phái đoàn
thuộc Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu đã dùng chiếc chuyên cơ
chính phủ mà Slovakia cho mượn hôm 26/7/2017 để đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra
khỏi EU.
Ban đầu, phía Đức đặt câu hỏi liệu Slovakia có chủ
động tiếp tay cho Việt Nam không, nhưng sau nói vụ việc phức tạp hơn nhiều.
Slovakia luôn bác bỏ việc nước này có can dự vào việc
vận chuyển người bị bắt cóc.
"Không có tên [ông Trịnh Xuân Thanh] trong bất kỳ
tài liệu nào mà tôi được xem," tờ Pravda.sk dẫn lời Thủ tướng Peter
Pellegrini nói.
"Điều duy nhất có thể xảy ra là lòng hiếu khách
của Slovakia và dịch vụ mà Slovakia cung cấp đã bị phía Việt Nam lợi dụng."
Thay đối bất ngờ phút chót
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia,
Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava trong
thời gian chóng vánh.
Trang tin aktuality.sk của Slovakia dẫn lời ông Robert
Kalinak, người là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng đã tiếp đón Tướng Tô Lâm
tại khách sạn Borik, nói rằng việc cấp phi cơ riêng của chính phủ là 'theo yêu
cầu của đoàn Việt Nam'.
Theo kế hoạch ban đầu, ông nói, phái đoàn Việt Nam lẽ
ra đến Vienna, và phái đoàn của Slovakia cũng sẽ tới sân bay Vienna để gặp họ.
Tuy nhiên, đoàn của ông Tô Lâm đã đột ngột đến Prague,
khiến Slovakia đồng ý cho mượn máy bay để đưa đoàn từ Prague tới Bratislava,
rồi sau đó là tới Moscow.
"Đây không phải là việc thường xảy ra, nhất là
khi chương trình làm việc có sự thay đổi đột ngột như vậy," ông Kalinak
nói.
Tuy nhiên, "họ [đoàn Việt Nam] hỏi liệu chúng tôi
có thể giúp được không. Và vì hai bên đang có quan hệ tiến triển tốt đẹp, nên
chúng tôi đã tạo điều kiện giúp họ."
Ông Kalinak nói ông không biết lý do dẫn đến sự thay
đổi đột ngột trong lịch trình di chuyển của các vị khách, và cũng không hỏi vì
coi 'đó là chuyện riêng'.
Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi
trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa
hai nước.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Các báo Đức, CH Czech và Slovakia đều nhắc đến chuyến thăm của Thượng tướng Tô Lâm (bên phải) sang Bratislava tháng 7/2017 |
Tờ FAZ của Đức, ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày
sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Bratislava và
đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.
Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu tuần trước gọi Đại sứ
Slovakia, ông Peter Lizák, lên để đặt câu hỏi, báo Spiegel của Đức đưa tin.
Tuy nhiên, phía Đức nói đây mới chỉ là cuộc gặp nhằm
trao đổi thông tin chứ không phải để chính thức chất vấn theo trình tự ngoại
giao.