09 septembre 2018

Thật ra, dân ta đang phải nuôi cán bộ như thế nào?


Xuân Dương: " Điều đáng nói là danh mục mà VNNIC (Trung tâm Internet Việt Nam) đưa ra về “cơ quan nhà nước” không thấy đề cập đến các tổ chức  chính trị - xã hội như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân,… Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với “Cơ quan nhà nước”.

Các tổ chức  chính trị - xã hội nói trên là những đơn vị phi sản xuất, không làm ra của cải vật chất cho đất nước nhưng lại sử dụng một nguồn kinh phí khổng lồ từ ngân sách nhà nước. Không có lý do gì bắt dân phải nuôi một đội ngũ hùng hậu nhân sự thuộc các tổ chức chính trị - xã hội !
Vấn đề là vì sao hệ thống chính trị Việt Nam lại cần đến quá nhiều hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội như vậy? Đây là câu hỏi động chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm”, khó trả lời một cách sòng phẳng."



(GDVN) - Để giảm thiểu số “cán bộ” dân phải nuôi, việc có thể làm ngay là cắt nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho các tổ chức chính trị-xã hội.
Trên một tờ báo điện tử có bài: “Trung bình cứ 9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước”, [1] về điều này có lẽ nên có sự bàn luận thêm để cho rõ thế nào là “nuôi cán bộ nhà nước”.
Muốn thế phải hiểu thế nào là “cán bộ nhà nước”.
“Cán bộ nhà nước” là thuật ngữ chỉ những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh (theo nhiệm kỳ) trong cơ quan nhà nước.
Cơ quan nhà nước tại Việt Nam gồm 2 loại: Cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và cơ quan hành chính (Chính phủ, Ủy ban Nhân dân,…).
Cán bộ nhà nước phải thuộc biên chế của một cơ quan, đơn vị nhà nước và được hưởng lương từ ngân sách.
Ảnh minh hoạ: http://africanleadership.co.uk




Theo danh sách được liệt kê tại “Danh mục cơ quan nhà nước tổ chức Đảng, Nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh” do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thì Việt Nam có 86 “Cơ quan nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh” trong đó có 35 đơn vị trung ương, 13 đơn vị thuộc tổ chức đảng, còn lại là đơn vị cấp tỉnh.
Theo ngành dọc các cơ quan này có thể trải xuống đến cấp huyện/xã. [2]
Điều đáng nói là danh mục mà VNNIC đưa ra về “cơ quan nhà nước” không thấy đề cập đến các tổ chức như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân,…
Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với “Cơ quan nhà nước”.
Nếu trừ các cơ quan thuộc tổ chức Đảng thì Cơ quan nhà nước cấp tỉnh và trung ương chỉ gồm 73 đơn vị. (xuống cấp huyện có thể thêm hơn 700 đơn vị nữa).
Ảnh chụp màn hình dữ liệu của “Trung tâm Internet Việt Nam”.


Nếu dữ liệu của VNNIC đưa ra là chính xác và được người/cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì có thể thấy, các tổ chức chính trị - xã hội không phải là cơ quan nhà nước (tổ chức Đảng được để riêng - không ghép vào “Cơ quan nhà nước”) .
Đến đây có thể kết luận, việc dân phải nuôi một đội ngũ hùng hậu nhân sự thuộc các tổ chức chính trị - xã hội là “ngoài dự kiến” vì đó không phải là “cơ quan nhà nước” và do đó nói “9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước” là chưa chính xác.
Cũng cần nói thêm là tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều là những đơn vị phi sản xuất, không làm ra của cải vật chất cho đất nước nhưng lại sử dụng một nguồn kinh phí khổng lồ từ ngân sách nhà nước.
Tổng kinh phí hàng năm chi cho các tổ chức này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra là khoảng 14.000 tỉ đồng.  
Lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ đồng)…
Nghiên cứu của VEPR còn cho thấy nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỉ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. [3]
Từ kết luận trên, có thể thấy ngay là để giảm thiểu số “cán bộ” dân phải nuôi, việc có thể làm ngay là cắt nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho các tổ chức chính trị-xã hội.
Các tổ chức quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cư dân khác nhau.
Đã là tổ chức hội đoàn, tức là “phi nhà nước” thì kinh phí để hoạt động phải là nguồn đóng góp của hội viên, không thể bắt người dân đóng góp để nuôi tổ chức không do mình lập ra, không phục vụ lợi ích của mình.
Để giải quyết tình trạng này, tại Úc người lãnh đạo đảng cầm quyền sẽ là Thủ tường và ngân sách sẽ chỉ phải trả lương cho Thủ tướng chứ không phải lãnh đạo các tổ chức chính trị.
Thứ hai, thế nào là “nuôi”?
Cha mẹ “nuôi” con, người nông dân “nuôi” gia súc nghĩa là phải lo cho đối tượng nuôi đủ sống.
Nối đối tượng được “nuôi” không đủ sống (ở mức tối thiểu), phải kiếm ăn thêm bên ngoài thì người “nuôi” chưa làm tròn bổn phận, nói cách khác đó không phải là “nuôi”.
Trong số 11 triệu đối tượng vừa được, vừa bị gọi là “nuôi” đó có tới 1,3 triệu người làm việc ở xã, phường, tổ dân phố, tổng kinh phí chi cho lực lượng này vào khoảng 32.400 tỷ đồng/năm.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã/phường là 234 nghìn người, hơn một triệu người còn lại hoạt động không chuyên trách và họ chỉ được nhận phụ cấp chứ không phải lương.  
Theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì mức phụ cấp cao nhất không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung (mức thấp nhất một số địa phương quy định là 0,3).
Với thu nhập từ khoảng 400.000 - 1,39 triệu đồng/tháng mà kết luận ngân sách “nuôi” những người làm việc “không chuyên” rõ ràng là không chính xác.
Vấn đề là vì sao hệ thống chính trị Việt Nam lại cần đến quá nhiều hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội và người làm việc không chuyên như vậy?
Đây là câu hỏi động chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm”, khó trả lời một cách sòng phẳng.

Thứ nhất, chất lượng con người

So sánh hai tiêu chuẩn đánh giá con người là “thể lực và trí tuệ” thì người Việt hiện đại đều không hơn, thậm chí một số tiêu chí thua kém các nước trong khu vực.
Số liệu Bộ Nội vụ và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố về tầm vóc người Việt cho thấy:
“Chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thua xa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí thấp hơn Lào, Campuchia,…”. [4]
Sự còi cọc về thể chất khiến khả năng tư duy bị trì trệ, năng lực sáng tạo giảm sút, hệ quả là một bộ phận khá lớn cán bộ, công chức trở thành những người làm việc thụ động, không biết sáng tạo, không dám sáng tạo.
Nền giáo dục suốt thời gian dài loay hoay với các “thử nghiệm”, trong khi học sinh bị biến thành “chuột bạch” thì đội ngũ nhà giáo cũng chỉ là “chuột chạy cùng sào”.
Một nền giáo dục mà thày và trò đều mang danh là “chuột” (tất nhiên không phải là tất cả), lại mang di chứng của các loại “thuốc thử” thì đương nhiên không thể cho ra những sản phẩm chất lượng.
Hiện tượng gian dối trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La,… chỉ là hiện tượng mà dân gian gọi là “vỡ mủ” của chiếc nhọt bọc đã ủ bệnh lâu ngày.
Nền giáo dục ấy khó có thể tạo nên một thế hệ sáng tạo, càng không thể đào tạo nên những con người khai phóng và hệ tư tưởng khai phóng.
Nói cách khác, nền giáo dục ấy trong phần lớn trường hợp góp phần đào tạo nên những người làm thuê, chấp nhận thân phận bị chủ tư bản nước ngoài bóc lột ngay trên quê hương mình chứ không phải con người làm chủ vận mệnh của mình.

Thứ hai, tư tưởng nông dân

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công với lực lượng nòng cốt là nông dân bởi vào lúc đó, đội ngũ công nhân và tầng lớp trí thức Việt Nam chưa phải là lực lượng đông đảo.
Trong đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô năm 1954, đa số là con em nông dân, không ít trong số đó chỉ mới biết đọc, biết viết.
Có người nói khi đó chúng ta “lấy nông thôn khai sáng cho thành thị” không phải là hoàn toàn vô lý.
Xin không bàn đến khía cạnh lý luận của khái niệm “Tư tưởng nông dân” mà chỉ nhắc đến một số biểu hiện cụ thể:
“Tự cung tự cấp, bám lũy tre làng, ngại đi xa, ngại đổi mới, manh mún, cầu lợi cho bản thân bất chấp tất cả,…”.
Chuyện “rau hai luống”, chặt cây nọ trồng cây kia,… khiến nhà nước và xã hội luôn đối mặt với câu chuyện “giải cứu” cho thấy sự manh mún của nền nông nghiệp kéo theo sự manh mún của hệ thống hành chính, của hệ thống giáo dục đại học,...
Quan hệ dòng tộc, đồng hương len lỏi vào mọi ngõ ngách của công tác nhân sự, đến mức báo Thanhnien.vn phải chạy tít:
“Tuyển Việt Nam không phải của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai”.

Thứ ba, truyền thống nói không làm, làm không đến nơi đến chốn

Dùng cụm từ “truyền thống” ở đây có phải là chưa chính xác?
Thói xấu “nói không làm, làm không đến nơi đến chốn” của cán bộ, đảng viên đã được Hồ Chủ tịch chỉ ra từ thời kỳ kháng chiến chống pháp trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
Có những điều ghi trong Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 2013 vẫn chưa được thực hiện như quyền lập hội, quyền biểu tình,…
Thói xấu này ngày nay còn được thể hiện qua những lời “xin hứa, xin nhận trách nhiệm, xin rút kinh nghiệm” của không ít Bộ trưởng trước Quốc hội nhưng rồi lại “nhường nhiệm kỳ sau”?
Bao nhiêu vụ án do truyền thông phát hiện chứ không phải cơ quan chức năng?
Bao nhiêu “củi tươi, củi vừa vừa, củi khô” bị địa phương cho vào lò mà không cần chờ Trung ương chỉ đạo?
Hậu quả của chính sách con người và nền giáo dục đến năng lực cán bộ, công chức là không phải bàn cãi.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh từng chia sẻ với báo chí về con trai ông như sau:
Bảo (con trai ông Thanh)  tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Kinh tế Đà Nẵng, nó được giữ lại đi dạy 1 năm sau đó về làm phó giám đốc một công ty ở Chu Lai.
Sau tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”. [5]
Không đủ năng lực lăn lộn trong nền kinh tế thị trường thì “quay về hướng nhà nước” liệu có phải chỉ là cá biệt hay là đặc điểm chung của “con cháu các cụ”?
Khi nhà nước trở thành miền đất hứa để những người như ông Lê Phước Thanh đặt con cháu, người nhà mình vào thì đương nhiên nó phải phình ra và cũng đương nhiên sự kém cỏi của họ khiến công việc đáng lẽ chỉ cần một người làm sẽ được “vẽ” ra cho nhiều người.
Cũng vì năng lực nên mới có chuyện một cấp trưởng cần nhiều cấp phó, chẳng hạn năm 2017, Sở Nội vụ Hà Nội có tới 8 Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp Thanh Hóa năm 2016 cũng có tới 8 Phó Giám đốc, Cục Truyền thông Bộ Công an có 13 Cục phó (được duy trì đến năm 2021),…
Đánh giá tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng:
Quan điểm của tôi là cấp phó mà cần càng nhiều thì chứng tỏ cấp trưởng yếu và ngược lại.
Như ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có 1 cấp phó”. [6]
Bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng có vài ba cấp phó, mỗi cấp phó phụ trách một mảng công việc, khi phạm sai lầm thì họ phải chịu trách nhiệm, khi cần xuất hiện trước truyền thông, đa số trường hợp là cấp phó chứ không phải cấp trưởng, thế thì cần cấp trưởng để làm gì?

Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/trung-binh-cu-9-nguoi-dan-nuoi-1-can-bo-nha-nuoc-473225.html
[2]https://www.vnnic.vn/tenmien/hotro/danh-mục-cơ-quan-nhà-nước-tổ-chức-Đảng-nhà-nước-cấp-trung-ương-và-cấp-tỉnh
[3]https://www.thesaigontimes.vn/146256/Ngan-sach-va-cac-to-chuc-hoi---doan-the-nha-nuoc.html
[4] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/827966/nguoi-viet-co-kho-cai-thien-tam-voc
[5] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-le-phuoc-thanh-toi-muon-co-cong-bo-dung-sai-ro-rang-20151005001056459.htm
[6] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-truong-noi-vu-cap-pho-nhieu-chung-to-cap-truong-yeu-473077.html

Xuân Dương